Tuesday, January 7, 2025
Trang chủGóc nhìn mớiChiến lược phát triển hạt nhân của TQ

Chiến lược phát triển hạt nhân của TQ

Trung Quốc đang ngày càng chú trọng đến lĩnh vực phát triển hạt nhân (năng lượng hạt nhân và các loại trang bị, vũ khí hạt nhân) nhằm phục vụ các mục đích dân sự và quân sự.

Hiện nay, mặc dù chưa thể sánh vai với các cường quốc hàng đầu trong lĩnh vực hạt nhân như Mỹ và Nga, song Trung Quốc đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng, đưa Trung Quốc lên nhóm nước phát triển về hạt nhân trên thế giới.

Quá trình nghiên cứu, phát triển vũ khí hạt nhân của Trung Quốc.

Trung Quốc bắt đầu nghiên cứu, phát triển vũ khí hạt nhân từ cuối năm 1954. Trong giai đoạn đó, Uỷ ban phụ trách năng lượng hạt nhân Trung Quốc (trực thuộc Viện hàn lâm khoa học Trung Quốc) được thành lập với nhiệm vụ tiến hành các hoạt động nghiên cứu khoa học, thiết kế, ứng dụng năng lượng hạt nhân, tìm kiếm các nguyên liệu, xây dựng một số nhà máy để làm giàu Uranium và các cơ sở sản xuất vũ khí hạt nhân. Trung Quốc khẩn trương hoàn tất mọi công tác chuẩn bị để có thể sản xuất các loại tên lửa, xây dựng mạng lưới thông tin liên lạc phục vụ cho các vụ thử hạt nhân. Dưới sự trợ giúp của các chuyên gia Liên Xô, quá trình nghiên cứu hạt nhân của Trung Quốc được bắt đầu tại Viện nghiên cứu vật lý và Năng lượng Nguyên tử ở Bắc Kinh. Đến tháng 10/1957, Liên Xô và Trung Quốc ký một thỏa thuận về công nghệ phòng thủ mới, trong đó Liên Xô chấp thuận cung cấp một “mẫu bom nguyên tử” và tài liệu kỹ thuật để Trung Quốc nghiên cứu, mô phỏng và chế tạo thành công vũ khí nguyên tử. Tháng 10/1964, Trung Quốc thử nghiệm thành công quả bom nguyên tử đầu tiên bằng lượng uranium được làm giàu tại cơ sở hạt nhân Lan Châu. Tháng 6/1967, Trung Quốc đã thử nghiệm thành công bom nhiệt hạch đầu tiên chế tạo từ Uran – 235, Uran – 238, Li – 6 và hidro nặng. Tháng 10/1966, Trung Quốc phóng thành công tên lửa đạn đạo tầm trung Đông Phong 2 (DF – 2) mang một đầu đạn hạt nhân loại 12 kiloton từ bãi thử tên lửa Song Thành Tử, tỉnh Cam Túc. Cùng thời điểm đó, Trung Quốc cũng áp dụng chính sách xây dựng các cơ sở hạt nhân theo chính sách “Sản xuất dây chuyền thứ ba” bao gồm một cơ sở làm giàu uranium ở Hà Bình, một lò phản ứng sản xuất plutonium và một cơ sở phân tách hạt nhân tại Quảng Nguyên, Nhà máy hạt nhân nguyên tử ở Nghị Binh và một cơ sở thiết kế vũ khí nguyên tử ở Miên Dương. Đến những năm 1980 và 1990, Trung Quốc đã đạt được thành tựu lớn trong công cuộc hiện đại hóa các lực lượng hạt nhân, đặc biệt là thành tựu trong việc cải thiện các tính năng an toàn cho các đầu đạn hạt nhân, phát triển thêm các đầu đạn hạt nhân mới, có kích cỡ nhỏ gọn để lắp đặt vào tên lửa đạn đạo xuyên lục địa sử dụng nhiên liệu thể rắn thế hệ mới (như DF – 31 và DF – 31A) và phát triển đầu đạn hạt nhân đa tính năng mới (MRV hoặc MIRV). Trung Quốc thử vũ khí hạt nhân lần cuối vào ngày 29/7/1996 và chính thức ký Hiệp ước cấm thử hạt nhân toàn diện (CTBT) vào ngày 24/9/1996.

Tuy Chính phủ Trung Quốc chưa chính thức công bố quy mô kho vũ khí nguyên tử, song giới chuyên gia ước tính Trung Quốc có khoảng 240 đầu đạn hạt nhân, trong đó có 176 đầu đạn đã được triển khai; đến cuối năm 2011 Trung Quốc đã đạt sản lượng khoảng 40 tấn uranium và khoảng 10 tấn plutonium đã làm giàu, đảm bảo có thể chế tạo 1.800 đầu đạn hạt nhân. Trong khi đó, Liên hiệp các nhà khoa học Mỹ đánh giá, Trung Quốc hiện đang sở hữu ít nhất 6 loại tổ hợp nguyên tử khác nhau, gồm: một quả bom nguyên tử loại 15 – 40 kiloton, một đầu đạn tên lửa loại 20 kiloton, một đầu đạn tên lửa hạt nhân tầm nhiệt loại 3 megaton, một quả bom trọng lực loại 3 megaton, một đầu đạn tên lửa loại 4 – 5 megaton và một đầu đạn tên lửa loại 200 – 300 kiloton. Trung Quốc được cho là đang sở hữu tổng cộng 150 đầu đạn hạt nhân chiến thuật được gắn vào tên lửa đạn đạo và cũng có thể là tên lửa hành trình. Bộ Quốc phòng Mỹ (2010) cho biết, Trung Quốc có nhiều hệ thống tên lửa có khả năng sử dụng công nghệ nguyên tử như khoảng 20 tên lửa đạn đạo xuyên lục địa sử dụng ống chứa nhiên liệu lỏng DF – 5 (CSS – 4) ICBM, gần 30 tên lửa ICBM cơ động trên bộ sử dụng nhiên liệu thể rắn DF – 31 (CSS 10 Mod – 1) và DF – 31A (CSS 10 Mod – 2); khoảng 20 tên lửa ICBM tầm ngắn sử dụng nhiên liệu lỏng CSS 3; 15 – 20 tên lửa đạn đạo tầm trung sử dụng nhiên liệu lỏng CSS – 2; nhiều tên lửa đạn đạo tầm trung sử dụng nhiên liệu thể rắn, cơ động trên bộ loại DF – 31 (CSS – 5) dùng cho các nhiệm vụ đánh chặn mức khu vực và các tên lửa đạn đạo phóng từ tàu ngầm loại JL – 1 trang bị trên tàu ngầm lớp Hạ; khoảng 350 đến 400 các tên lửa đạn đạo tầm gần (SRBM) loại DF – 15 (CSS – 6), 700 đến 750 đối với loại DF – 11 (CSS – 7) và 200 đến 500 tên lửa hành trình DH – 10 (một loại tên lửa hành trình được cho là có khả năng mang đầu đạn hạt nhân).

Bên cạnh đó, Trung Quốc cũng đang nỗ lực thay thế dần các tên lửa sử dụng nhiên liệu lỏng sang tên lửa sử dụng nhiên liệu thể rắn có nhiều lợi thế và tốc độ phóng nhanh hơn. Trung Quốc cũng tiếp tục xây dựng các bãi phóng tên lửa mới cũng như nhiều kho chứa ngầm dưới lòng đất ở những vùng như sa mạc Gobi và cao nguyên Tây Tạng. Trung Quốc hiện đã vượt Anh, Ấn Độ và Pakistan, đứng vị trí thứ 4 thế giới (sau Nga, Mỹ, Pháp) về số lượng đầu đạn hạt nhân.

Trung Quốc luôn tìm cách che dấu ý đồ phát triển vũ khí hạt nhân, cho rằng chính sách của Trung Quốc trong lĩnh vực này là minh bạch.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hồng Lỗi nhấn mạnh chính sách hạt nhân của Trung Quốc là rất rõ ràng và chiến lược hạt nhân của Trung Quốc là minh bạch nhất trong số các quốc gia sở hữu vũ khí hạt nhân. Trung Quốc không bao giờ triển khai bất cứ loại vũ khí hạt nhân nào ở nước khác, không bao giờ tham gia các cuộc đua vũ khí hạt nhân và luôn duy trì năng lực hạt nhân ở mức thấp nhất phù hợp với nhu cầu an ninh quốc phòng; không bao giờ sử dụng để đe dọa các quốc gia khác.

Quốc Vụ viện Trung Quốc (1/2016) lần đầu tiên công bố Sách Trắng “Sự sẵn sàng đối phó với tình trạng khẩn cấp về hạt nhân của Trung Quốc”, trong đó nêu chi tiết các chính sách và biện pháp nhằm thúc đẩy sự sẵn sàng đối phó với tình trạng khẩn cấp về hạt nhân và đưa ra giải pháp an ninh hạt nhân “hợp lý và cân bằng”; nhấn mạnh trong hoạt động sử dụng năng lượng hạt nhân vì mục đích hòa bình, Trung Quốc kiên quyết đặt vấn đề an toàn hạt nhân là ưu tiên hàng đầu; khẳng định Trung Quốc đã áp dụng “công nghệ tiến tiến nhất và các tiêu chuẩn nghiêm ngặt nhất” nhằm đảm bảo an toàn và phát triển hiệu quả điện hạt nhân, một thành tố quan trọng trong ngành năng lượng hạt nhân của Trung Quốc.

Trung Quốc triển khai nghiên cứu, phát triển điện hạt nhân vàđẩy mạnh hợp tác trong lĩnh vực này.

Từ năm 1978, Trung Quốc bắt đầu thực hiện kế hoạch phát triển điện hạt nhân. Năm 1985, Trung Quốc tự thiết kế, xây dựng nhà máy điện hạt nhân Tần Sơn với một tổ máy điện hạt nhân kiểu lò PWR, công suất 300 MW. Năm 1987, Trung Quốc bắt đầu xây dựng nhà máy điện hạt nhân Đại Á Loan, nhập công nghệ và thiết bị của Pháp, gồm 2 tổ máy kiểu lò PWR, công suất mỗi tổ 900 MW. Từ năm 1996 – 2000, xây dựng 4 nhà máy mới với 8 tổ máy phát điện hạt nhân, trong đó có nhà máy điện hạt nhân Tần Sơn II do Trung Quốc tự xây dựng; nhà máy điện hạt nhân Lĩnh Áo nhập công nghệ Pháp; nhà máy điện hạt nhân Điền Loan, nhập công nghệ Nga. Từ 12/2005 đến cuối 2010, Trung Quốc đã duyệt xây dựng 10 nhà máy điện hạt nhân với tổng số 34 tổ máy, tổng công suất 37,32 GW.

Tính đến cuối năm 2015, Trung Quốc đã có 27 lò phản ứng hạt nhân, với tổng công suất lắp đặt 25,5 Gigawatts đang hoạt động và 25 lò phản ứng hạt nhân đang được xây dựng có tổng công suất lắp đặt 27, 51 Gigawatts, trong đó tập trung tại một số cơ sở: Tần Sơn (tỉnh Triết Giang), Đại Á Loan (Quảng Đông), Điền Loan (Giang Tô), Hồng Duyên Hà (Liêu Ninh), Ninh Đức (Phúc Kiến). Hiện Trung Quốc đang xây dựng 31 tổ máy điện hạt nhân với tổng công suất 33,85 triệu kW, chiếm gần 50% tổng công suất điện hạt nhân đang xây dựng trên toàn cầu. Trình độ xây dựng, quản lý và công nghệ điện hạt nhân của Trung Quốc đạt mức tiên tiến của thế giới. Việc xây dựng bảo đảm được an toàn, kiểm soát được chất lượng. Trừ các hạng mục phải nhờ bên ngoài làm, về cơ bản công trình điện hạt nhân thực hiện đúng thời hạn dự định. Trung Quốc đang thúc đẩy tăng công suất phát điện lên 58 Gwe vào năm 2020 và đạt 240 Gwe vào năm 2050. Trung Quốc đang bắt đầu tiếp thị xuất khẩu một thiết kế lò phản ứng tỷ lệ nội địa hóa cao.

Tháng 10 năm 2015, China General Nuclear (CGN), một trong ba doanh nghiệp hạt nhân lớn tại Trung Quốc, đã đồng ý hợp tác với Electricite de France (EDF) trong hạng mục đầu tư, xây dựng và vận hành 2 lò phản ứng hạt nhân tại Hinkley Point C, Vương quốc Anh. Thiết kế lò phản ứng do EDF cung cấp. Tương tự, CGN và đối thủ lớn nhất trong nước là Tập đoàn hạt nhân Quốc gia Trung Quốc (CNNC) đã ký thỏa thuận với Romania và Argentina xây dựng lò phản ứng CANDU – 6 do Canada thiết kế. Trong khi đó, Tập đoàn đầu tư năng lượng Quốc gia (SPIC), doanh nghiệp hạt nhân lớn thứ ba Trung Quốc, hiện đang đàm phán với chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ về việc xây dựng 2 lò phản ứng CAP1400. Tháng 8/2015, dự án xây dựng Hoa Long – 1 ở nước ngoài đầu tiên của Trung Quốc đã khởi công tại Karachi (Pakistan). Các dự án cao cấp nhất của CNNC được thực hiện tại Pakistan, với 2 lò phản ứng cỡ nhỏ đã đi vào hoạt động và 2 lò khác đang triển khai xây dựng. Tuy nhiên, Thủ tướng Anh Theresa May (30/7/2016) đã ra quyết định tạm ngừng phê chuẩn dự án xây dựng nhà máy điện hạt nhân Hinkley Point do lo ngại về vấn đề an ninh quốc gia khi dự án có nguồn đầu tư từ Trung Quốc.

Tuy nhiê, công nghệ điện hạt nhân của Trung Quốc chưa thể sánh vai với các cường quốc hàng đầu như Nga, Mỹ, Pháp, Nhật Bản, Hàn Quốc. Thứ nhất, Trung Quốc mới chỉ bắt đầu nghiên cứu các dự án Hoa Long – 1 tại Phúc Kiến và Quảng Tây; các kế hoạch đang triển khai quá nhanh khó có thể chắc chắn về độ an toàn nhằm ngăn chặn tai nạn có thể xảy ra; tiêu chuẩn quản lý không đủ cao, còn một khoảng cách lớn giữa các tiêu chuẩn của Trung Quốc với tiêu chuẩn của thế giới. Thứ hai, công nghệ của Trung Quốc trong lĩnh vực điện hạt nhân còn đi sau và chưa phát triển, an toàn bằng của Nga, Mỹ; hầu hết các nhà máy điện hạt nhân đang được vận hành ở nước này đều do các tập đoàn hàng đầu quốc tế thiết kế, xây dựng. Thứ ba, Trung Quốc chưa minh bạch trong lĩnh vực công nghiệp hạt nhân và cơ chế an toàn ngay trong các dự án tại Trung Quốc; Trung Quốc hiện đang không có đủ kinh nghiệm để đánh giá về khả năng xảy ra sự cố. Thứ tư, trong nội bộ Trung Quốc còn tồn tại vấn nạn tham nhũng, khả năng quản lý và năng lực ra quyết định kém, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến chất lượng và an toàn của các nhà máy điện hạt nhân. Thứ năm, Trung Quốc xây dựng các nhà máy điện hạt nhân gần các thành phố và nông trại, bất cứ sự cố nào cũng sẽ đặt hàng triệu người vào tình thế nguy hiểm, từ bụi phóng xạ trực tiếp và nhiễm xạ lâu dài cho đến rò rỉ phóng xạ.

RELATED ARTICLES

Tin mới