Thursday, December 26, 2024
Trang chủKinh tế - Văn hóa - Xã hộiVì sao khuyến khích mua điện của Lào?

Vì sao khuyến khích mua điện của Lào?

“ĐB sông Cửu Long đang chịu những thách thức sống còn trước tác động tiềm tàng của biến đổi khí hậu và việc phát triển thủy điện”.

Ảnh minh họa.

Vì sao khuyến khích mua điện của Lào?

Việc phát triển thủy điện trên dòng chính sông Mekong đã và đang được các quốc gia thượng lưu Mekong đẩy mạnh! Vậy tai sao chúng ta lại xem xét và ủng hộ mua điện giá rẻ của Lào.

Như vậy liệu chúng ta địnhđi ngược lại  việc mà 4 quốc gia Lào, Thái Lan, Campuchia và Việt Nam trong Ủy hội sông Mekong vẫn đang phải  nghiên cứu, tranh luận và còn nhiều bất đồng về tác động lớn của phát triển thủy điện đến hạ lưu vực Mekong nói chung và đặc biêt đối với Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) của Việt Nam nói riêng?

Đó là những nghi ngại của TS Đào Trọng Tứ, Giám đốc trung tâm Phát triển bền vững tài nguyên nước và thích nghi biến đổi khí hậu, nguyên phó Tổng thư ký Ủy ban sông Mekong Việt Nam trước thông tin Việt Nam xem xét mua điện của Lào nhằm bù đắp những thiếu hụt về điện khi phải giảm phát triển một số nguồn điện không đảm bảo an toàn và môi trường.

Theo TS Tứ, sông Mekong hiện nay đang đứng trước một áp lực cực kỳ lớn về vấn đề phát triển thượng nguồn và BĐKH, trong đó  đặc biệt là sự  phát triển thủy điện trên dòng chính Mekong ở Trung Quốc, Lào. 

Mekong là một con sông quốc tế lớn, là nguồn sống của gần 70 triệu dân của 6 quốc gia cùng chia sẻ nguồn nước và cung cấp lương thực, thực phẩm cho hơn 300 triệu dân trong  khu vực và trên thế giới.

Để phát triển bền vững lưu vực sông này, 4 quốc gia Hạ lưu vực (Lào Thái Lan, Campuchia và Việt Nam) đã lập ra Ủy ban sông Mekong (hiện nay là Ủy hội sông Mekong-MRC).

Nhu cầu phát triển kinh tế của mỗi quốc gia trong lưu vực là hoàn toàn do các quốc gia quyết định, điều đó là tất yếu, tuy nhiên đối với việc sử dụng nước của một dòng sông quốc tế,  các quốc gia cần tuân thủ luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Liên hợp quốc về Luật sử dụng các nguồn nước quốc tế cho các mục đích phi giao thông thủy (Công ước Liên hợp quốc 1997).

Rõ ràng và cũng không phải vô cớ mà Liên hợp quốc lại có công ước 1997, cũng như công ước Luật biển 1982. Việc phát triển và khai thác tài nguyên nước các sông quốc tế cần được xem xét thận trọng vì lợi ích củ tất cả các quốc gia liên quan.

Không phải chỉ vì mục đích kinh tế mà các quốc gia chung một nguồn nước có thể phát triển các công trình mà không xem xét đến tác động có hại đến các quốc gia khác.

Kế hoạch và thực tế  phát triển thủy điện trên dòng chính sông Mekong trong hơn 5 năm trở lại đây đang được dư luận các quốc gia sông Mekong và thế giới quan tâm.

Việc phát triển thủy điện trên dòng chính sông Mekong được cho là sẽ mang lại nguồn lợi kinh tế lớn cho Lào, nhưng sẽ tác động lớn đến môi trường – sinh thái và sinh kế vùng hạ lưu các đập thủy điện đã được các quốc gia trong Ủy hội sông Mekong và cộng đồng trong lưu vực nêu lên.

Bản thân MRC đã có nhiều nghiên cứu và đánh giá về tác động này, và bản thân Việt Nam đã tiến hành nghiên cứu rất công phu về tác động thủy điện  sông Mekong đối với ĐBSCL (MDS). Các kết luận của MDS đã cho thấy rõ việc phát triển sẽ tác động đến ĐBSCL như thế nào.

Sẽ không cần bàn luận gì nhiều về câu chuyện Việt Nam xem xét mua điện của Lào là lạ đến mức độ nào, nhưng chỉ nhìn qua mâu thuẫn không thể hình dung nổi giữa những nỗ lực bảo vệ ĐBSCL của Việt Nam trước những thách thức của phát triển thượng nguồn và tác động biến đổi khí hậu và việc chúng ta cần nhiều điện từ sông Mekong, cần nhiều đập thủy điện trên sông Mekong thì quả là đáng kinh ngạc – nếu người ta đã quên đã quay lưng lại tất cả chỉ vì muốn mua được điện rẻ.

Cùng đưa ra nhận định, GS.TS Vũ Trọng Hồng, Chủ tịch Hội Thủy lợi Việt Nam, nguyên Thứ trưởng Bộ NN&PTNT cho rằng, khi Lào xây dựng thủy điện thì về mặt luật pháp quốc tế Việt Nam không có quyền cấm. Tuy nhiên chúng ta là nước hạ lưu, giờ lại đặt vấn đề mua điện, điều đó rất tế nhị.

“Việt Nam không muốn Lào xây dựng thủy điện vì như thế sẽ thiếu nguồn nước cho ta. Đáng lẽ chúng ta không nên đặt vấn đề mua điện tích cực của họ.Vì nếu chúng ta mua, tức là đang khuyến khích họ. Như vậy 2 điều này nhìn vào thấy rất mâu thuẫn nhau. Một đằng chúng ta không muốn Lào xây thủy điện, một đằng mua điện của họ.

Tại sao chúng ta không có chiến lược phát triển nguồn điện thay thế mà phải đi mua. Đứng về góc độ quốc tế thì họ đánh giá Việt Nam khuyến khích Lào nên chúng ta không bao giờ được kêu khi thiếu nước”, ông Hồng nhấn mạnh.

Không thể đánh đổi vì kinh tế

Đánh giá thêm về kế hoạch mua điện của Lào, Chủ tịch Hội Thủy lợi Việt Nam khẳng định, Việt Nam cần phải có sự lựa chọn rõ ràng giữa lợi ích lâu dài và lợi ích trước mắt, không thể đánh đổi môi trường vì các mục tiêu kinh tế ngắn hạn.

“Trong trường hợp này tôi cho rằng giữa lợi ích lâu dài và lợi ích trước mắt đó là 2 vấn đề chúng ta phải lựa chọn. An ninh nước hiện nay đang rơi vào tình trạng nguy cấp. Chúng ta lại đi vào bài toán điện tức là đang xâm phạm vào an ninh nước.

Theo tôi chỉ trong trường hợp nguồn điện của Việt Nam chẳng may bị đứt hết thì mới phải mua điện với hợp đồng tạm thời, còn về lâu dài chúng ta không khuyến khích đặt mua nguồn điện từ Lào. Nay mai họ làm tiếp thủy điện thứ 3, thứ 4 , thứ 5 trên sông Mekong, chúng ta sẽ không thể nói được”, ông Hồng nói.

Trong khi đó, TS Đào Trọng Tứ đưa ra quan điểm thẳng thắn: “Sản lượng điện của Việt Nam hiện nay là 33.000-34.000 MW. Tổng sơ đồ 7 dự báo rất sai về nguồn điện. Thực ra Việt Nam có cần đến mức độ như thế đâu.

Ngoài ra có người còn nói đến việc sẽ bỏ điện hạt nhân, giảm nhiệt điện than và mua điện của Lào cho rẻ. Nhưng mua điện của Lào, bài toán đó độc hại và đem đến tác hại với Đồng bằng Sông Cửu Long quá lớn. Câu chuyện điện trên đó còn là vấn đề phù sa, vấn đề nguồn nước, về hạn hán…”.

Để chứng minh cho điều mình vừa nói, TS Tứ đã chỉ ra hàng loạt những hệ lụy xảy ra với các con sông trong nước mà Việt Nam phát triển thủy điện lâu nay như: sông Hồng, sông Thu Bồn, sông Đồng Nai.

Vị chuyên gia nhấn mạnh: “Sông Hồng chỉ có mấy thủy điện thôi mà chúng ta đã phải trả giá rồi. Sông Hồng hiện nay sâu bao nhiêu mét rồi? Các cống treo lơ lửng lên hết. Và Bộ NN-PTNT phải làm một đề án rất lớn đó là nghiên cứu về vấn đề thay đổi, hạn chế tác động của dòng dẫn và có kế hoạch làm hết 10 con đập ở xung quanh Hà Nội. Hay như sông Thu Bồn, sông Đồng Nai chúng ta cũng đã thấy rồi. Đó là những bài học vô cùng đắt giá.

Vì thế tôi không hiểu tại sao mà nhiều chuyên gia lại ủng hộ việc mua điện của Lào, nước đang tàn phá Việt Nam”.

Việc cần làm là…

Trước những lo ngại nguồn điện trong nước sẽ bị thiếu hụt nếu như không mua điện từ Lào hay Trung Quốc, TS Tứ cho rằng Việt Nam hoàn toàn có thể sử dụng các công nghệ hiện đại, tiên tiến để khắc phục những vấn đề về ô nhiễm môi trường khi sản xuất nhiệt điện than trong nước.

“Chúng ta hoàn toàn có thể sử dụng các công nghệ tiên tiến vào các hệ thống hiện đại để làm tối thiểu những vấn đề về ô nhiễm môi trường, tận dụng tối đa cái lợi thế và những cơ sở hiện có.

Ngoài ra, năng lượng sạch hiện nay đang là xu thế thế giới đang đi lên và dần dần sẽ rẻ đi rất nhiều.Năm 2014, Đức đã công bố bước ngoặt năng lượng trong một hội thảo quốc tế.Năng lượng tái tạo của họ gồm năng lượng mặt trời, năng lượng gió đạt tới 65.000 MW, gấp đôi sản lượng của Việt Nam.Trong khi đó dân số của họ chỉ có 50 triệu người.Câu chuyện đó không phải không có cách giải quyết”, TS Tứ nhấn mạnh.

Cùng đưa ra giải pháp, ông Vũ Trọng Hồng cho rằng đã đến lúcViệt Nam phải tính đến bài toán cân bằng năng lượng để giải quyết những khó khăn, tồn tại trong nước.

“Hiện nay chúng ta đang muốn thu hút đầu tư, cho nhiều khu công nghiệp vào. Những dự án này tiêu thụ năng lượng điện bao nhiêu, chúng ta lại không  làm. Thực tế hiện nay là Bộ Kế hoạch – đầu tư cứ ra giấy phép mời đầu tư trong khi Bộ công thương kêu không có điện.2 điều này đã rất mâu thuẫn. Cho nên ngay từ quy hoạch những dự án ban đầu, đặc biệt là các khu công nghiệp, những công nghệ phải sử dụng điện nhiều, chẳng hạn như luyện thép Formosa, chúng ta phải cân nhắc, có thể giảm những dự án nào tiêu thu năng lượng lớn.

Tôi cho rằng bài toán cân bằng năng lượng phải được đặt ra để lợi ích giữa các bộ phải được hài hòa”, ông Hồng nhấn mạnh.

RELATED ARTICLES

Tin mới