Monday, November 25, 2024
Trang chủGóc nhìn mớiTầm nhìn xa về Biển đảo của các vua Triều Nguyễn (tiếp...

Tầm nhìn xa về Biển đảo của các vua Triều Nguyễn (tiếp theo)

BienDong.Net: Triều Nguyễn, được thiết lập năm 1802, là một triều đại có nhiều gắn bó với biển nhất. Bao thăng trầm trong cuộc đời bôn ba ‘’chân trời, góc biển’’ để dựng nghiệp của Nguyễn Ánh và sau này là vua Gia Long, đã khiến cho ông vua đầu tiên triều Nguyễn quan tâm đặc biệt tới vấn đề chủ quyền biển đảo. Nỗ lực đó đã được kế tục bởi những hậu duệ của ông.

BDN xin trân trọng giới thiệu loạt bài viết của TS. Nguyễn Hữu Tâm (Viện Sử học Việt Nam) về vấn đề này.

 

Bài 3: Vua Thiệu Trị xây dựng thủy quân

Vua Thiệu Trị là con trưởng của vua Minh Mệnh, tên thật là Nguyễn Phúc Miên Tông, có các tên khác là Nguyễn Phúc Dung, Nguyễn Phúc Tuyền, sinh ngày 11 tháng 5 năm Đinh Mão (tức 16.6.1807). Miên Tông đăng quang ngày 11.2.1841, lấy niên hiệu là Thiệu Trị. Ông là vua thứ ba, cũng là một vị vua tài giỏi, rất yêu thích văn học, chăm lo việc nước của vương triều Nguyễn.

Được đào tạo khuôn phép và tri thức ngay từ khi còn nhỏ tuổi trong hoàng tộc, Thiệu Trị đã sớm tiếp thu những kinh nghiệm quản lý quốc gia của các bậc tiên vương như vua Gia Long và ngay từ chính người cha đẻ tài hoa là Minh Mệnh. Sách Đại Nam thực lục chép: Vua là người thông minh nhân hiếu, được vua cha (Minh Mệnh) yêu quý đặc biệt… dụ bảo cho biết đạo trị nước, bình thiên hạ…

Sau khi được trao cho ngôi báu, Thiệu Trị đã đưa ra quan điểm trị nước của mình bằng bốn bài châm gồm: Kính thiên (kính trời), Pháp tổ (học theo cha ông), Cần chính (chăm lo việc chính sự), Ái dân (thương yêu dân). Nhà vua ban dụ cho các quan văn võ đại thần: Đó là bốn đầu mối lớn của đạo làm vua, Trẫm ngày đêm chăm chỉ, sớm chiều lo sợ, cũng chỉ là bốn việc ấy.

Thiệu Trị đặc biệt quan tâm đến những lĩnh vực mà vua ông, vua cha đã từng chú trọng và thu được nhiều thành tựu. Trong đó, việc tập trung xây dựng và nâng cao vị thế lực lượng thủy quân của hai triều Gia Long (1802 – 1820) và Minh Mệnh (1820 – 1840) đã trở thành một khuôn mẫu điển hình để Thiệu Trị kế thừa và học tập.

Công việc đầu tiên mà Thiệu Trị cho thực thi là tiếp tục củng cố toàn diện từ hoàn thiện quy chế tổ chức đến đổi mới trang thiết bị cho đội thủy quân triều Nguyễn. Nhà vua chú trọng đến việc tăng cường lực lượng thủy quân tại các địa phương ven biển hoặc tại các vùng biển, cảng biển trọng yếu. Liên tục trong các tháng 3 và 5 năm 1847, triều đình cho đặt thêm chức Lãnh binh Thủy sư tại tỉnh Quảng Nam và tỉnh Gia Định.

Nguyên do: Vì việc ở cửa biển (Đà Nẵng) rất nhiều, hoặc do số lượng quân Thủy sư (Gia Định) khá đông, nên phải đặt thêm lãnh binh để chia nhau cai quản cho được hoàn bị. Không chỉ tăng cường quan chức thủy quân, mà Thiệu Trị còn chú ý điều chỉnh quân số trên tàu thuyền nhằm phù hợp với yêu cầu vận chuyển và chiến đấu: Lệ cũ, thuyền Bắc tào chở việc công, thuyền hạng to thì 10 người thủy thủ, thuyền hạng vừa thì 8 người… Đến đây (năm 1845), bọn Phó quản lĩnh Tào ấy có đơn kêu về số thủy thủ ít ỏi… Nay chuẩn cho tăng thêm thủy thủ mỗi thuyền đều 2 người, cho lấy dân ngoại tịch sung vào.

Vua Thiệu Trị đã tự tay thảo ra những quy định và điều khoản về chiến trận trên sông nước và giao cho quần thần tập trận. Quốc sử triều Nguyễn chép: Vua lại thân làm ra kỷ luật, điều khoản về thế trận thủy chiến, sai Hành dinh Đại thần Tôn Thất Bật và Hậu đạo Đại thần Vũ Văn Từ thao diễn trận thủy.

Triều đình đặt ra thông lệ thao diễn định kỳ hàng tháng, nhằm nâng cao khả năng ứng chiến kịp thời với những diễn biến khôn lường trên biển cho thủy quân. Trong một đạo Dụ có viết: Lại sức cho biền binh chia nhau coi giữ thuyền: Phải sửa sang khí giới, sắm đủ buồm, dây, nếu gió im, tạnh nắng, thì mỗi tháng 1 – 2 lần ra biển thao diễn, cốt cho rèn luyện được thành thục. Mỗi khi thao diễn thường kết hợp khả năng vận hành thuyền chiến trên biển và năng lực sử dụng thành thạo các loại vũ khí được trang bị.

Thông thường, Thiệu Trị hay trực tiếp đến tham dự tập trận thủy quân và các cuộc đua quân thuyền để khích lệ binh sĩ, như tháng 5 năm 1847, xa giá ra chơi cửa biển Thuận An, lên lầu Lưỡng Kiêm để xem những thuyền máy bọc đồng xếp thành từng đội chạy thi. Năm 1844, sau khi mua mấy thuyền máy, vua Thiệu Trị sai các viên Đô thống, Hiệp lý quân Thủy sư đưa số thuyền trên đến cửa biển Thuận An, thử cho thuyền chạy và duyệt quân Thủy sư tập trận.

 alt

Không chỉ diễn tập trên vùng biển trong nước mà mỗi khi có điều kiện, vua còn cho quân lính được đưa thuyền ra nước ngoài như Trung Quốc và các quốc gia thuộc vùng Biển Đông nhằm làm quen với luồng lạch trên biển, nâng cao kỹ thuật đi biển, mặt khác tranh thủ tiến hành buôn bán: Tháng 11 năm 1846, triều đình lệnh cho Hữu Thị lang Bộ Hộ là Tôn Thất Tường, Lang trung Nguyễn Công Nghĩa đáp thuyền to hiệu Bảo Long chạy sang Giang Lưu Ba (nay là Batavia thuộc Indonesia), sai Thị lang trung Bộ Công là Vũ Đình Ý, Viên Ngoại lang Đỗ Tuấn Đại đáp thuyền to hiệu Thái Loan đi Tân Gia Ba (nay là Singapore) diễn tập về đường thủy, nhân tiện tìm mua các thứ hàng hóa.

Nhà vua luôn nhắc nhở quần thần phải chăm sóc đến tàu thuyền, phương tiện sử dụng chính của thủy quân. Ông đã cho tiến hành sửa chữa một số tàu thuyền và đóng thêm nhiều loại mới. Trong quá trình tu sửa, Thiệu Trị thường nhắc nhở và chỉ ra nguyên nhân tạo nên các khuyết khiếm, hư hại của tàu thuyền.

Có lần nhà vua đã cảnh tỉnh các viên chỉ huy: Thuyền Bảo Long mới đóng năm ngoái, mới một lần vượt biển làm sao đã có nhiều chỗ sứt vỏ thẩm lậu, đều do lúc chế tạo lạo thảo lạo, suất lược nên mới đến như thế. Bây giờ tu bổ lại nên làm phương pháp thế nào cho mười phần được chắc chắn. Bên cạnh đó, triều đình làm biển đề tên cho các loại thuyền đồng và tàu máy, phân biệt từng hạng rõ ràng, chuẩn định các hạng hiệu thuyền, hàng năm phái đi đường biển thao diễn, tuần tiễu và giải các vật hạng đi việc công về, do Bộ chia loại kê danh sách dâng lên Vua duyệt lãm, sau đó định làm lệ để thi hành mãi. Như quân thuyền Thủy Kích chuyên dùng để đi tuần và do thám từ Kinh thành Huế trở ra Bắc hoặc đi vào Nam…

Vua Thiệu Trị tiếp tục duy trì các xưởng đóng thuyền đã có từ thời trước. Việc đóng thuyền mới cũng là một trong những công việc nhằm tăng cường sức mạnh cho thủy quân của triều Thiệu Trị. Sử sách chép nhiều về việc triều đình cho đóng các loại thuyền bọc đồng tại các xưởng ở Kinh đô Huế và các địa phương ven biển trên toàn quốc. Vào năm 1841: Sai các tỉnh Quảng Bình, Nghệ An, Thanh Hóa và Nam Định đóng 9 chiếc thuyền Vua đi và thuyền Kim Đỉnh… Tám chiếc đều sơn màu lam và màu trắng, chỉ duy có 1 chiếc thuyền vua dùng do tỉnh Nam Định đóng thì thếp bạc.

Kế thừa và học tập kinh nghiệm của vua cha Minh Mệnh, vua Thiệu Trị cũng chú trọng tìm hiểu, tiếp thu kiến thức, kỹ thuật tiên tiến về tàu thuyền biển nước ngoài. Năm 1844, Tham tri Đào Trí Phú đi phương Tây mua một chiếc tàu máy hơi nước trị giá hơn 280.000 quan tiền. Đây là chiếc tàu thủy có kích thước lớn nhất trong thủy quân triều Nguyễn. Do thuyền đi nhanh như bay, hơn cả ngựa phi, nên đặt tên thuyền là Điện Phi.

Sau đó, Thiệu Trị cho tháo chiếc thuyền máy Yên Phi mua từ thời Minh Mệnh, lệnh cho chỉ huy, quân lính xem xét kỹ càng và phỏng theo để đóng một chiếc thuyền máy Vân Phi mới, đồng thời đóng một chiếc nhỏ hơn tên gọi là Hương Phi. Sau khi chế tạo thành công, Vua từng răn dạy kinh nghiệm với các triều thần ở Bộ Công: Thuyền có máy đốt lửa (tức là tàu thủy, hoặc tàu máy hơi nước – NHT), do ngoại quốc chế… chuyên dùng để tải hàng hóa buôn bán, thu lấy nhiều lợi, nước ta dùng để làm việc võ bị được nghiêm… Duy muốn chế tạo thuyền đó, thì trong bụng phải suy nghĩ sẵn xếp như có sẵn một bộ máy rồi. Việc là việc máy móc, phỏng theo kiểu mẫu mà làm, cũng rất khó.

Thời gian trị vì của vua Thiệu Trị rất ngắn ngủi, chỉ trong vòng 7 năm (1841 – 1847), nhưng ông cũng kịp để lại nhiều cống hiến quý báu cho sự nghiệp dựng xây vương triều Nguyễn. Lực lượng thủy quân do ông trực tiếp xây dựng với thể chế tổ chức và trang thiết bị hiện đại, tuy chưa thể hùng mạnh như triều Minh Mệnh, nhưng cũng đã kế thừa được truyền thống xây dựng thủy quân và quan trọng hơn đã góp phần đắc lực trong việc khẳng định chủ quyền lãnh hải và biển đảo quốc gia của vương triều Nguyễn.

BDN

 

RELATED ARTICLES

Tin mới