Friday, January 10, 2025
Trang chủĐiểm tinTQ mạnh tay “cắt giảm” quân nhân

TQ mạnh tay “cắt giảm” quân nhân

Việc thay đổi và mạnh tay cắt giảm sẽ khiến hàng chục ngàn quân nhân phải giải ngũ và có thể gây ra làn sóng phản đối mạnh mẽ.

Từ trái qua: Vương Kiến Bình, Lý Kế Nại và Liêu Tích Long Ảnh: SOHU, SCMP

Học hỏi mô hình của quân đội Mỹ, Trung Quốc sẽ tái cấu trúc 18 quân đoàn thành 25-30 sư đoàn để tăng sức mạnh và khả năng chiến đấu linh hoạt. Điều đó đồng nghĩa việc Trung Quốc sẽ tái tổ chức hơn một nửa trong tổng số 1,55 triệu lính lục quân. Hiện tại, mỗi quân đoàn có từ 30.000-100.000 binh sĩ.

Mạnh tay cắt giảm

Những thông tin trên do các nguồn tin thân cận với quân đội Trung Quốc (PLA) tiết lộ với báo Bưu điện Hoa Nam buổi sáng (SCMP – Hồng Kông) gần đây.

Một đại tá nghỉ hưu ở Bắc Kinh cho rằng lâu nay, lục quân ở Trung Quốc hoạt động theo mô hình Liên Xô cũ. Tuy nhiên, mô hình này quá cồng kềnh, không còn phù hợp với chiến tranh hiện đại. “Với khả năng triển khai nhanh cũng như cung ứng thiết bị và hậu cần, mô hình của Sư đoàn Không quân 101 (Mỹ) là ví dụ điển hình mà lục quân Trung Quốc nên học hỏi” – đại tá này nói. Sách trắng quốc phòng Trung Quốc hồi năm ngoái cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc xây dựng các đơn vị nhỏ, đa chức năng để có thể thực hiện nhiều nhiệm vụ trong chiến dịch chung.

Chiến lược cải tổ quân đội Trung Quốc đã được thực hiện lần lượt trong năm nay. Cụ thể, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình – đồng thời là Chủ tịch Quân ủy Trung ương – cho giải thể 4 bộ tư lệnh, sau đó thành lập 15 cơ quan mới nằm dưới sự kiểm soát của Quân ủy Trung ương. Ngoài ra, 7 quân khu được tái tổ chức thành 5 chiến lược khu (bao gồm trung tâm, Bắc, Nam, Đông và Tây). Thậm chí, trong năm 2017, Trung Quốc sẽ cắt giảm khoảng 300.000 binh lính.

Việc thay đổi và cắt giảm mạnh tay như thế sẽ khiến hàng chục ngàn quân nhân phải giải ngũ và có thể gây ra làn sóng phản đối mạnh mẽ, đặc biệt là từ lực lượng lục quân hùng hậu. Theo một số trang mạng Trung Quốc, quá trình cải tổ sẽ gặp nhiều trở ngại. Thứ nhất, nội bộ PLA sẽ cạnh tranh để giành miếng bánh to hơn trong ngân sách, từ đó hạn chế khả năng hợp tác. Thứ hai, dù có cải cách, PLA vẫn là lực lượng quân đội đông đảo nhất thế giới, dẫn đến việc phối hợp hoạt động không dễ dàng. Cuối cùng, việc không tham chiến trong hơn 35 năm qua khiến các tổ chức, hệ thống và học thuyết của PLA đều chưa được “thử lửa”.

Tự tử, bắt bớ

Trong quá trình cải tổ, theo SCMP, dường như ông Tập Cận Bình đang củng cố sự lãnh đạo đối với PLA bằng cách bổ nhiệm các tướng lĩnh tin cậy vào vị trí cao. Song hành với cải tổ, quân đội Trung Quốc còn là mục tiêu của chiến dịch chống tham nhũng. Giới quan sát cho biết hàng loạt vụ tự tử xuất hiện kể từ khi chiến dịch chống tham nhũng trong quân đội của Chủ tịch Tập Cận Bình bước vào giai đoạn thứ hai. “Tự tử là cách tốt nhất để những người bị cáo buộc tham nhũng hay thậm chí mới bị nghi ngờ bảo vệ gia đình, bạn bè và các đồng sự” – một quan chức giấu tên nói.

Riêng trong tháng 8 này đã có 3 vụ tự tử trong PLA. Người đầu tiên – một lãnh đạo văn phòng chính trị thuộc Bộ Chỉ huy chiến trường miền Nam Trung Quốc – nhảy cầu trên sông Dương Tử. Quan chức thứ hai – người đứng đầu Trung tâm Quản lý các doanh nghiệp hậu cần của hải quân – nhảy lầu từ một khu phức hợp của hải quân. Nhân vật thứ ba là thiếu tướng Trần Kiệt, chính ủy một đơn vị lớn thuộc Bộ Chỉ huy chiến trường miền Nam của PLA. Ông này uống thuốc ngủ tự tử ở ký túc xá Trung đoàn Thâm Quyến hôm 5-8. Tuy nhiên, nhiều nguồn tin không tin ông Trần dính đến tham nhũng bởi theo kế hoạch, ông được thăng chức vào ngày 6-8.

Số tướng lĩnh ngã ngựa vì tham nhũng gần đây cũng nhiều không kém. Sau khi những tên tuổi hàng đầu như 2 cựu Phó Chủ tịch Quân ủy Trung ương Từ Tài Hậu và Quách Bá Hùng bị bắt vì tham nhũng, dường như không còn ai giật mình trước tin tướng Vương Kiến Bình, Phó Tham mưu trưởng Bộ Tham mưu Liên hợp thuộc Quân ủy Trung ương, bị bắt mà SCMP đăng tải hôm 26-8.

Nếu được xác nhận, ông Vương – người có quan hệ thân thiết với ông Từ Tài Hậu và cựu Bộ trưởng Công an Chu Vĩnh Khang – sẽ là vị tướng đương chức đầu tiên sa lưới pháp luật kể từ khi chiến dịch chống tham nhũng được phát động năm 2013. Vào tháng rồi, tướng Điền Tu Tứ, cựu Chính ủy Không quân Trung Quốc và cũng là Ủy viên Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc, bị bắt giữ vì cáo buộc tham nhũng. Trước đó, có tin cựu Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Lý Kế Nại và cựu Chủ nhiệm Tổng cục Hậu cần Liêu Tích Long bị bắt tại một cuộc họp các cán bộ cao cấp đã nghỉ hưu trong tháng 7.

RELATED ARTICLES

Tin mới