Sunday, January 5, 2025
Trang chủNhìn ra thế giớiPhilippines: Hỗn loạn, lo âu, run sợ và bất an vì chiến...

Philippines: Hỗn loạn, lo âu, run sợ và bất an vì chiến dịch ma túy

Đến Philippines vào thời điểm này có thể bắt gặp cảnh tượng xác người nằm la liệt trên đường phố, đó là một cảnh tượng bình thường trong cuộc chiến ma túy của Tổng thống Rodrigo Duterte.

Cho đến nay đã có hơn 1.900 người thiệt mạng, trong số đó, 700 người bị giết trong những chiến dịch truy quét của cảnh sát kể từ khi ông Duterte lên nhậm chức hồi cuối tháng 6 vừa qua. Những lời tuyên bố mạnh bạo của ông Duterte về các vấn đề tội phạm và ma túy của Philippines đã giúp ông giành chiến thắng trong cuộc bầu cử Tổng thống. Và 60 ngày sau Lễ Tuyên thệ, ông Duterte đã trở nên cực kỳ nổi tiếng.

“Hãy gấp đôi nỗ lực của mọi người, hoặc gấp ba nếu cần thiết. Chúng ta sẽ không dừng lại cho đến khi tay trùm ma túy cuối cùng, kẻ cung cấp tài chính cuối cùng, kẻ hậu thuẫn cuối cùng ra đầu hàng hoặc đứng sau song sắt hay chôn sâu dưới đất, nếu chúng muốn như vậy”, ông Duterte phát biểu vào ngày 25/7.

Thượng viện Philippines đang tiến hành một cuộc điều tra lực lượng cảnh sát và những vụ hành quyết ngoài pháp lý. Cảnh sát trưởng Philippines Ronald Dela Rosa báo cáo rằng không có mệnh lệnh bắn tội phạm đến chết nhưng người dân vẫn vui mừng với những gì mà cảnh sát đang làm, bất chấp những lỗi lầm từ phía họ. “Chúng tôi chỉ là con người, chúng tôi thừa nhận có sai lầm, chúng tôi không hoàn hảo”, ông nói.

Dela Rosa cho biết 300 sĩ quan cảnh sát đang trong diện tình nghi có liên quan đến buôn bán ma túy và sẽ bị cho thôi việc và đối mặt với tòa án.

Tuy nhiên, bên cạnh những cái vỗ tay tán thưởng và 91% sự đồng thuận dành cho chiến dịch chống nạn buôn bán và tội phạm ma túy của Tổng thống Philippines, thì vẫn còn những gia đình tan vỡ, những trái tim tổn thương, nhà tù không còn chỗ chứa, các trung tâm phục hồi nhân phẩm quá tải.

Phóng viên CNN đã dành một tuần ở Manila và tiếp xúc với những người dân sống và làm việc gần với các ổ tội phạm bị càn quét. Họ là một người em gái, một thợ chụp ảnh tội phạm, một bác sĩ phục hồi chức năng hay một bệnh nhân.

“Vì Chúa, ông Duterte, xin hãy dừng lại”

Ông ấy 47 tuổi, là một lái xe ba gác, đã phải rời xa vợ và hai đứa con. Cảnh sát tới nhà của ông ngày 14/8 và buộc gia đình họ phải ly tán. Em gái của ông, tạm gọi là Janie, người không muốn tiết lộ thân phận của gia đình cùng thị trấn mà họ sinh sống vì lo sợ sự an toàn, kể lại với phóng viên CNN: “Những người cảnh sát này có thể giết chúng tôi một khi chúng tôi nói ra sự thật. Tôi nói với bản thân mình rằng, họ dường như có giấy phép để giết người. Họ tới nhà của anh trai đô, với đôi bàn tay bị còng, anh tôi đã bị bắn ngay vào đầu. Họ còn giết thêm ba người nữa”.

Quan tài của anh trai Janie vẫn đặt trong nhà chờ làm đám tang.

Phía cảnh sát cho biết, anh của Janie là một nghi phạm buôn bán ma túy, đã bị bắn và giết chết sau khi anh ta nổ súng về phía cảnh sát. Còn em gái của người này khẳng định anh trai mình chỉ là người sử dụng chứ không buôn bán. Thi thể của người này vẫn còn được đặt trong nhà để chuẩn bị đám tang khi phóng viên CNN tới.

Janie cho rằng lời nói của ông Duterte đã khiến cảnh sát cảm thấy rằng họ có thể hành động không cần sợ hãi việc bị quả báo hay không cần thông qua xét xử minh bạch. “Tôi cảm thấy rất sợ khi tôi nghe thấy ngài Tổng thống nói rằng họ sẽ giết chết những người sử dụng ma túy. Chúng ta vẫn có thể cho họ vào các trại cải tạo, đúng không? Họ không nên trừng phạt những người dùng ma túy bằng cách tước đi cuộc sống của họ”, Janie nói.

Janie cho biết anh trai của mình đã ngừng sử dụng ma túy được một thời gian, những kẻ tội phạm chính là những sĩ quan cảnh sát liên quan đến đường dây buôn bán ma túy. “Anh trai tôi không hề có kẻ thù, anh ấy là một người tốt. Vì Chúa, ông Duterte, hãy dừng việc này lại”, Janie nói trong đau khổ.

“Tôi cảm thấy có điều gì đó rất khác”

Trên những đường phố khu lao động Tondo ở Manila, có một thi thể nằm ngay ở lối lên cầu thang chật hẹp, bên cạnh anh ta là một khẩu súng lục rẻ tiền. Cảnh sát cho biết anh ta bị nghi ngờ đang bán ma túy khi gặp cảnh sát đã rút súng ra. Cảnh sát cho rằng họ không có lựa chọn nào khác ngoài việc bắn chết người này.

Phóng viên ảnh Raffy Lerma, chuyên gia chụp ảnh tội phạm.

Raffy Lerma, một phóng viên ảnh của tờ Daily Inquirer thường xuyên dành hết đêm này đến đêm khác để đi chụp ảnh, đưa tin về những cái chết như trên. Bức ảnh nổi tiếng của Lerma là chụp Jennilyn Olayres, một người phụ nữ Manila, đang ôm thi thể bạn trai của mình, nghi phạm buôn bán ma túy Michael Siaron. Bức ảnh này đã khiến làn sóng giết tội phạm ma túy của Philippines hận được sự chú ý của quốc tế.

Lerma từng chụp ảnh các thảm họa thiên nhiên trước đó, với số người chết cao hơn nhưng lần này rất khác. “Trong cuộc chiến này, chúng tôi cũng chứng kiến cả sự sụp đổ của gia đình những người đàn ông bị giết. Điều đó thật là đau lòng”, ông nói.

Một nghi phạm buôn bán ma túy bị cảnh sát bắn chết ngay tại hiện trường.

Lerma cho hay ông đã nhìn thấy nhiều người chết kể từ khi ông Duterte lên nhậm chức hồi tháng 6 hơn cả một năm ông đi theo các cuộc truy bắt tội phạm khi mới vào nghề 10 năm trước. “Tôi muốn việc mua bán ma túy dừng lại nhưng không phải là cách làm như thế này. Tôi không muốn nhiều người bị giết hại như vậy. Điều đáng sợ là ngày càng có nhiều người phải chết hơn. Liệu chúng ta có thể làm như vậy hàng ngày trong suốt 6 năm tới hay không?”, Lerma nói.

“Chúng tôi đã quá tải”

Bien Leabres là một trong số 20 chuyên gia ít ỏi điều trị chứng nghiện ma túy ở Philippines. Ông là người đứng đầu trung tâm phục hồi chức năng và cai nghiện DOH-TRC, cơ sở lớn nhất trong tổng số 40 trung tâm nhà nước và tư nhân ở Philippines. Trung tâm này có sức chứa 550 người, nhưng hiện tại đã có tới 1.557 người.

“Chúng tôi đã quá tải”, Leabres cho biết, mặc dù chính quyền có hứa hẹn rằng sẽ cung cấp thêm kinh phí cho trung tâm.

Trung tâm điều trị cai nghiện của bác sỹ Leabres đã quá tải.

Đôi lúc có tới 30 bệnh nhân mới một ngày, và trung tâm thường phải từ chối 7 người. “Hầu hết họ tới đây bởi vì sợ. Cuộc truy quét khiến họ sợ hãi rằng họ sẽ bị bỏ tù hay tồi tệ hơn là bị giết. Chúng tôi sử dụng phương pháp điều trị nhóm và quá tải sẽ khiến việc này bị ảnh hưởng”, ông cho biết.

Ông Leabres thừa nhận rằng nghiện ma túy là một vấn đề hiện hữu ngày nay nhưng sự chết chóc là có thể tránh được. “Những người này, họ cũng là nạn nhân, chứ không phải tội phạm”, ông cho hay.

“Những tháng năm tôi đã đánh mất”

A.R., một người điều trị tại trung tâm DOH-TRC, dùng bí danh vì không muốn bị mọi người phát hiện mình là người sử dụng ma túy bởi nó khiến anh sợ hãi với nỗi ám ảnh sẽ bị một viên đạn bắn vào đầu bất kỳ lúc nào.

A.R., một người nghiện ma túy cảm thấy hối hận với quãng thời gian đã qua.

A.R. là người sử dụng ma túy đá, được trung tâm DOH-TRC phân loại vào danh sách “người phụ thuộc ma túy”. Trước khi đến đây, A.R. hút ít nhất 1 gram “shabu” một ngày. Với hàm răng bị khuyết mất một chiếc răng cửa, A.R. cho biết anh đã sử dụng loại ma túy này hàng ngày suốt 16 năm qua.

“Điều chủ yếu là tôi cảm thấy hối hận, về những thứ, những năm tháng tôi đã đánh mất. Khi tôi sử dụng ma túy, tôi thường xuyên trở nên hung hăng”, A.R. tâm sự bằng tiếng địa phương.

A.R. lo sợ rằng mình sẽ quay trở lại con đường cũ khi ra khỏi trung tâm. “Ma túy được bán với giá quá rẻ, sẽ rất khó để giữ cho mình không khỏi ham muốn”, A.R. nói.

RELATED ARTICLES

Tin mới