Thursday, January 9, 2025
Trang chủBiển nóngPutin công nhận “đường lưỡi bò” nào của TQ?

Putin công nhận “đường lưỡi bò” nào của TQ?

Điều chúng ta cần là sự thật. Chúng ta không vì yêu hay ghét cảm tính mà suy diễn sai sự thật

Mấy ngày nay cư dân mạng và một số tờ báo bàn tán chuyện tuyên bố của Putin tại G-20 ở Trung Quốc, rằng Putin ủng hộ Trung Quốc không thừa nhận phán quyết PCA…có nghĩa là chống Việt Nam. Rằng, tuyên bố của Putin đã “đốn ngã hàng triệu trái tim người Việt lâu nay yêu mến nước Nga-Putin”…Vậy sự thật tuyên bố của Tổng thống Nga Vladimir Putin là gì?

Trước hết chúng ta phải xem kết quả phán quyết của PCA nó có giá trị như thế nào với Việt Nam.

Vụ kiện này là Philipines kiện Trung Quốc nhưng có sự liên quan lớn đến quyền lợi của Việt Nam. Vì thế phán quyết của PCA sẽ ảnh hưởng rất lớn đến quyền lợi của Việt Nam trên Biển Đông trong khi Việt Nam không là một bên tham gia.

Phán quyết PCA có mục “không công nhận đường chín khúc của Trung Quốc” đã khiến cho một số người Việt Nam mừng vui mà quên đi những điểm phán quyết sau đó của PCA nó ảnh hưởng lớn đến chủ quyền biển đảo của ta như nào.

Các nhà chuyên môn đã phân tích kỹ điều này mà chúng ta không cần đưa ra đây. Điều chúng ta quan tâm là sự không công nhận đường chín khúc hay đường “lưỡi bò” nó có ý nghĩa gì.

Thật ra điểm phán quyết này (không công nhận đường “lưỡi bò”) của PCA không có nhiều ý nghĩa. Bởi vì đây là một đường tưởng tượng, ngay cả Trung Quốc cũng không chứng minh được cái đường này nó có từ đâu, tại sao, tọa độ chuẩn…thì phủ nhận một sự hoang tưởng liệu có ý nghĩa gì?

Putin ủng hộ “đường lưỡi bò”?

Muốn phản ánh đúng sự thật về quan điểm của các nguyên thủ quốc gia thì hãy hết sức tránh chuyện “tam sao thất bản”, hãy tìm bản gốc phát biểu của vị này bằng chính ngôn ngữ của họ.

Ví dụ như ở trường hợp này, tuyên bố của Putin, phải vào chính trang của Tổng thống Nga: http://kremlin.ru/events/president/news/52834.

Chính xác tuyên bố của Putin như sau: “…liên quan đến Tòa án Thường trực La Hay và phán quyết của tòa. Chúng tôi đoàn kết và ủng hộ quan điểm của Trung Quốc trong vấn đề này – là không thừa nhận kết quả tòa án La Hay. Tôi sẽ nói lý do. Đó không phải là quan điểm chính trị, mà hoàn toàn là quan điểm luật pháp. Theo đó, bất kỳ các quá trình giải quyết làm rõ của một bên thứ ba nào phải được khởi xướng bởi các bên tranh chấp, còn tòa phải nghe lập luận và quan điểm của các bên có tranh chấp. Như đã biết, Trung Quốc không đề xuất gì đến tòa án La Hay, và chẳng ai nghe quan điểm của Trung Quốc ở tòa ấy cả. Vậy làm sao có thể coi các phán quyết ấy là công bằng?”.

Quan điểm chính trị là gì? Vì nội dung của phán quyết nó mang tính chính trị rất cao, cho nên, khi đã công nhận hay phủ nhận nội dung của phán quyết thì có nghĩa là anh đang ủng hộ nước này chống lại nước kia. Đó chính là quan điểm chính trị mà Putin né tránh.

Quan điểm luật pháp? Đó là cách tổ chức thực hiện, quy trình thụ lý, xử lý mối quan hệ các bên thứ 2, thứ 3…vấn đề nguyên tắc, sự công bằng, và do đó tính hợp pháp của phiên tòa có đảm bảo hay không…như Putin đã chỉ ra.

Như vậy lý do Putin không thừa nhận phán quyết của PCA không phải vì nội dung phán quyết của PCA đúng hay sai (quan điểm chính trị) mà vì lý do từ quan điểm luật pháp.

Chúng ta không quan tâm nhiều đến “quan điểm luật pháp” của Putin về mặt đúng hay sai, lý do đó, nó có thể đúng, có thể sai, bởi Putin không là thánh thần, nhưng chúng ta tin lý do đó “không phải là quan điểm chính trị”, bởi lẽ đó mới chính là “thương hiệu” của Putin.

Cái tầm sắc sảo của một nhà ngoại giao Putin là ở đây, Putin tránh, không nói đến nội dung của phán quyết, nếu Putin nêu quan điểm của mình về nội dung tức là đồng nghĩa với tuyên bố ủng hộ nước này chống nước kia, đó là tuyên bố chính trị nhạy cảm.

Chẳng hạn, nếu Putin cho rằng nội dung phán quyết của PCA về đường lưỡi bò là sai, có nghĩa rằng Trung Quốc là đúng, Putin công nhận đường lưỡi bò…dẫn đến Putin chống lại Philipines và đặc biệt là xem nhẹ chủ quyền biển đảo của Việt Nam…

Tầm cỡ như Vladimir Putin, một con người đã đang “thay đổi bàn cờ chính trị thế giới sau chiến tranh lạnh” đâu có ngây thơ như vậy trên trường quốc tế đặc biệt là mối bang giao với Việt Nam, điểm mút chiến lược hướng Châu Á-Thái Bình Dương của Nga.

Chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc, lợi ích quốc gia…bao đời nay của chúng ta luôn được bảo vệ bằng xương máu, trí tuệ, mồ hôi của chính mình chứ không phải của từ bất cứ nước ngoài nào dù đó là Nga hay mới đây là Mỹ.

Điều chúng ta cần là sự thật. Chúng ta không vì yêu hay ghét cảm tính mà suy diễn sai sự thật.

RELATED ARTICLES

Tin mới