Friday, December 27, 2024
Trang chủĐàm luậnLiệu Biển Đông có rơi vào trạng thái “Chiến tranh lạnh”?(kỳ...

Liệu Biển Đông có rơi vào trạng thái “Chiến tranh lạnh”?(kỳ I)

Nếu các cường quốc tại khu vực tiến hành cô lập ngoại giao hoặc đưa ra các yêu sách ràng buộc Trung Quốc trong các chuẩn tắc và hành vi ứng xử căn cứ theo phán quyết của Tòa trọng tài tại La Haye thì căng thẳng giữa Trung Quốc và các cường quốc có thể rơi vào trạng thái “Chiến tranh lạnh”…

I- Vùng nhận dạng phòng không (ADIZ)

Phán quyết của Tòa trọng tài tại La Haye hôm 12-7 không chỉ có ý nghĩa trực tiếp đối với Philippines và Trung Quốc hay ASEAN mà còn tác động đến vai trò và vị thế của Trung Quốc trong khu vực. Do phán quyết bác bỏ một số lập luận cốt lõi trong cách tiếp cận của Trung Quốc về vấn đề Biển Đông, quốc gia này đã không thừa nhận vụ kiện ngay từ đầu.

Hiện tại, Trung Quốc đang tiếp tục đẩy mạnh việc “quân sự hóa” các đảo đá ở quần đảo Trường Sa; triển khai luân phiên các máy bay chiến đấu đến các cơ sở của nước này ở đá Chữ Thập, đá Xu Bi và đá Vành Khăn. Các đường băng ở cả 3 đảo đá này đã được xây dựng để cho các máy bay chiến đấu hoạt động, và ít nhất ở đá Chữ Thập, các nhà chứa máy bay đã được xây dựng ở đây.

Đặc biệt, Trung Quốc cũng có thể quyết định tuyên bố các đường cơ sở quần đảo xung quanh quần đảo Trường Sa – một điều gì đó mà Bắc Kinh rõ ràng có thể làm kể từ khi thiết lập các đường cơ sở xung quanh đại lục của nước này và quần đảo Trường Sa vào năm 1996. Nếu thực sự điều này diễn ra, nó sẽ là một mối đe dọa thực sự đối với tự do hàng hải, bởi nó sẽ chẳng khác gì một lời tuyên bố rằng các vùng nước nằm trong quần đảo Trường Sa là các vùng nội thủy của Trung Quốc, và nước này có thể ngăn cản tất cả các hoạt động giao thông vận tải trên biển và trên không của bất kỳ nước nào khác. Đó cũng sẽ là một sự vi phạm trực tiếp phán quyết của Tòa Trọng tài.

Việc Trung Quốc tăng cường mạnh mẽ quân sự hóa Biển Đông là sự chuẩn bị cho sự ra đời tuyên bố một Vùng nhận dạng phòng không (ADIZ) ở Biển Đông, giống như tuyên bố một ADIZ đối với biển Hoa Đông vào năm 2013. Hầu hết các nhà quan sát đều tin rằng việc Trung Quốc tuyên bố Vùng nhận diện phòng không ở Biển Đông chỉ là vấn đề thời gian.

Từ lâu, Trung Quốc đã có các kế hoạch thành lập ADIZ ở Biển Đông khi thời gian chín muồi. Bên cạnh đó, các cơ sở hạ tầng mà Trung Quốc xây dựng ở các đảo có tranh chấp ở Biển Đông quá lớn đối với nhu cầu của cộng đồng địa phương. Một số cơ sở này bao gồm bốn đảo có đường băng dài 3000 mét là Phú Lâm, Chữ Thập, Subi và Vành Khăn và một trạm rada trên đá Châu Viên. Trung Quốc cũng triển khai trên đảo Phú Lâm một hệ thống tên lửa đất đối không có thể tiếp cận mục tiêu ở 200km. Trong con mắt của nhiều chuyên gia, các cơ sở hạ tầng này và các hệ thống vũ khí cần nhất cho việc thiết lập ADIZ trong tương lai.

Trong trường hợp Trung Quốc phớt lờ các phán quyết của tòa (không tuân thủ) hay tiến hành “quân sự hóa” (militarizing) tại Biển Đông, thành lập Vùng nhận dạng phòng không tại Biển Đông, tập trận dồn dập trên biển dài ngày để thị uy và răn đe các cường quốc lẫn các quốc gia ASEAN trên Biển Đông, thì uy tín và ảnh hưởng của Trung Quốc sẽ chìm xuống đáy biển.

Trung Quốc càng đơn phương tiến hành khiêu khích hay “thể chế hóa” các tranh chấp theo quan điểm của chính quốc gia này mà không tính đến Công ước Liên hợp quốc về Luật biển (UNCLOS) thì cán cân lực lượng và hòa bình khu vực sẽ bị tổn hại. Lúc đó, quốc gia này sẽ hiện lên như là một cường quốc tham vọng và không có ý thức tôn trọng và tuân thủ luật pháp quốc tế. Với ý nghĩa đó, phán quyết của Toàn trọng tài có thể được ví như một phép thử (limus test) về cách mà một cường quốc mới nổi và quyết đoán ứng xử như thế nào với các quốc gia khác và cả với luật pháp quốc tế.  

Nếu các nước trong khu vực tiến hành cô lập ngoại giao hoặc đưa ra các yêu sách ràng buộc Trung Quốc trong các chuẩn tắc và hành vi ứng xử căn cứ theo phán quyết của Tòa trọng tài thì căng thẳng giữa Trung Quốc và các nước có thể rơi vào trạng thái “Chiến tranh lạnh”. Sự răn đe quân sự và răn đe thương mại có thể gây nên sự mất cân đối về kinh tế và an ninh khu vực. Thậm chí là tình trạng chạy đua vũ trang tại khu vực có thể làm bùng nổ một số điểm nóng cục bộ tại Biển Đông. Hệ quả là tình trạng căng thẳng thường trực sẽ khiến quan hệ quốc tế khu vực càng thêm bất ổn.

Cũng cần chú ý rằng mặc dù kết luận của Tòa trọng tài tạo ra khuôn khổ pháp lý có lợi cho Philippines. Tuy nhiên, có một số vấn đề quan trọng cần được minh định. Đó là giá trị từ phán quyết của Tòa trọng tài chỉ mang tính tương đối theo nghĩa là phán quyết giúp ích cho việc làm rõ một số vấn đề mà Philippines trực tiếp nêu ra và Tòa nhận đưa ra phán quyết cuối cùng.

Về bản chất, Tòa trọng tài chỉ có khả năng và thẩm quyền giải quyết những vấn đề “ngoài rìa” – những vấn đề không mang tính cốt lõi trong tranh chấp Biển Đông (bốn lập luận pháp lý của Philippines). Những vấn đề “trọng tâm” – những vấn đề mang tính cốt lõi trong tranh chấp Biển Đông lại nằm ngoài phạm vi giải quyết của Tòa trọng tài. Cụ thể là những vấn đề như tranh chấp chủ quyền hay phân định các vùng biển ở Biển Đông thì Tòa không giải quyết được.

Với ý nghĩa đó, phán quyết của Tòa trọng tài không mang lại một kết quả “toàn thắng” cho Philippines mà chỉ có ý nghĩa là sự khẳng định một số vấn đề pháp lý có ý nghĩa quan trọng. Nếu xét về pháp lý thì Trung Quốc là bên “thua cuộc”, nhưng nếu căn cứ về thế và lực thì Trung Quốc vẫn là bên chiếm ưu thế so với Philippines và các quốc gia trong khu vực. Chúng ta có thể thấy rằng trong khi phán quyết của Tòa Trọng tài có thể tỏ ra hữu ích trong việc quản lý các tranh chấp ở Biển Đông về lâu dài, nhưng riêng Trung Quốc chắc chắn sẽ có một số hoạt động leo thang nhằm đáp trả phán quyết của Tòa Trọng tài. Bởi vậy, kết quả trong ngắn hạn có thể sẽ là tình trạng căng thẳng gia tăng ở Biển Đông.

Đối với Việt Nam,xét về ý nghĩa pháp lý, bản chất của vụ kiện “Thẩm quyền trên các vùng biển của Philippines đối với Biển Tây Philippines” không phải là vụ kiện về các vấn đề chủ quyền. Đến hiện tại, vấn đề tranh chấp chủ quyền đối với quần đảo Trường Sa vẫn chưa được giải quyết triệt để. Xét về mặt tích cực, phán quyết thắng lợi cho Philippines, ít nhất từ khía cạnh pháp lý Việt Nam cũng sẽ được hưởng lợi chung với Philippines với việc Tòa trọng tài bác bỏ “Đường lưỡi bò” của Trung Quốc, vì “Đường lưỡi bò” bao vòng quanh Biển Đông và bao trùm cả vùng đặc quyền kinh tế và vùng thềm lục địa của Việt Nam. Được được xem là cái được lớn nhất của Phán quyết đối với Việt Nam. Và nó sẽ là cơ sở để Việt Nam đấu tranh bảo vệ chủ quyền đối với Trung Quốc.

Tuy nhiên, vấn đề có ý nghĩa quan trọng là Việt Nam đang ở vào tình thế “lưỡng nan an ninh” (security dilemma) sau kết luận của Tòa trọng tài. Cụ thể, dù Việt Nam bày tỏ quan điểm ủng hộ hay không ủng hộ Philippines thì Việt Nam đều vướng vào khả năng “há miệng mắc quai”. Trong trường hợp Việt Nam ủng hộ Philippines thì cần lưu ý rằng trên thực tế Việt Nam và Philippines vẫn tồn tại “tranh chấp” tại quần đảo Trường Sa. Như vậy, nếu Việt Nam công khai ủng hộ các phán quyết của Tòa và qua đó ủng hộ các lập luận pháp lý của Philippines thì việc này có thể được hiểu là Việt Nam công khai thừa nhận vùng có tranh chấp về đặc quyền kinh tế với Philippines.

Ngược lại, trong trường hợp Việt Nam không ủng hộ Philippines thì Trung Quốc (và thậm chí là các quốc gia ASEAN) có thể diễn giải động thái của Việt Nam là không tích cực và chân thành trong nỗ lực thúc đẩy tính gắn kết của các thành viên ASEAN. Tại Đông Nam Á, Philippines và Việt Nam vẫn là hai quốc gia có thái độ quả quyết nhất về các hành động gây hấn của Trung Quốc tại Biển Đông từ năm 2009 đến nay. Trường hợp này đồng thời cũng là một thách thức rất lớn và là phép thử cho quan hệ Việt Nam – Philippines. Như vậy, mặc dù Việt Nam không phải là quốc gia trực tiếp tham gia vụ kiện lần này nhưng xét về bản chất thì Việt Nam là quốc gia chịu tác động nhiều nhất. Theo đó, để tìm kiếm một giải pháp tức thời (trong thời gian ngắn) là hoàn toàn không dễ dàng.

Tuy nhiên, hệ quả lớn nhất mà Việt Nam có thể gặp phải về mặt pháp lý, đó là việc mất phần lớn chủ quyền và quyền chủ quyền ở quần đảo Trường Sa, vốn được Việt Nam tuyên bố về chủ quyền toàn bộ.

Nhìn lại, trong thông báo và tuyên bố khởi kiện Trung Quốc, Philippines yêu cầu Tòa Trọng tài ra phán quyết về 13 điểm, sau đó có thêm những bổ sung. Trong đó có những nội dung liên quan đến quần đảo Trường Sa vốn thuộc chủ quyền của Việt Nam. Điều đáng chú ý là bằng quan điểm giải thích rằng các đá, bãi ngầm thuộc về thềm lục địa, và bằng việc yêu cầu Tòa Trọng tài đồng thời đưa ra phán quyết về thềm lục địa (tại Điểm 10), Philippines đã khéo léo phủ lên một mục đích ẩn chứa sâu xa rằng các đá đã nêu thuộc về thềm lục địa, và đương nhiên sẽ thuộc chủ quyền của quốc gia có thềm lục địa đó.

(Còn tiếp)

RELATED ARTICLES

Tin mới