Tổng thống Mỹ Barack Obama đã nỗ lực tìm cách khôi phục lợi ích thương mại với Myanmar, nói rằng những biện pháp trừng phạt sẽ sớm được dỡ bỏ. Lời cam kết này được ông Obama đưa ra khi ông tiếp đón bà Aung San Suu Kyi – Cố vấn Nhà nước, Bộ trưởng Ngoại giao, Bộ trưởng Văn phòng Tổng thống Myanmar, tại Nhà Trắng ngày hôm qua (14/9).
Ông Obama tiếp đón bà Aung San Suu Kyi.
Chào đón bà Aung San Suu Kyi trong lần đầu tiên kể từ khi bà giành chiến thắng trong một cuộc bầu cử hồi năm ngoái, Tổng thống Obama đã thông báo một loạt bước đi nhằm “ve vãn” quốc gia Đông Nam Á – Myanmar hay còn gọi là Burma, sau nhiều thập kỷ cô lập về kinh tế đối với nước này.
“Mỹ đang chuẩn bị sẵn sàng để dỡ bỏ các biện pháp trừng phạt mà chúng tôi đã áp đặt lên Burma trong một thời gian dài”, ông Obama cho biết đồng thời nói thêm rằng điều này sẽ “sớm” xảy ra.
“Sẽ là điều đúng đắn để đảm bảo rằng người dân Burma thấy rằng họ xứng đáng được thưởng cho việc lựa chọn một con đường mới”, ông chủ Nhà Trắng phát biểu.
Trong một bức thư được gửi lên Quốc hội, Tổng thống Obama cũng thông báo kế hoạch khôi phục lại chế độ ưu đãi về thuế quan cho Myanmar sau khi tạm dừng chế độ này trong hơn hai thập kỷ vì những cáo buộc vi phạm nhân quyền của chính quyền quân sự trước đó.
Nhà Trắng cũng háo hức muốn giúp đỡ Myanmar và chính quyền của bà Suu Kyi phát triển kinh tế. Myanmar đang nỗ lực cho một giai đoạn chuyển tiếp khó khăn từ chính quyền quân sự sang một nền dân chủ toàn diện.
Mặc dù hiến pháp cấm bà Suu Kyi 71 tuổi từng đoạn giải Nobel Hòa bình giữ vai trò lãnh đạo đất nước Myanmar nhưng bà vẫn được tiếp đón như một nguyên thủ quốc gia. Bà Suu Kyi tuy không phải là Tổng thống Myanmar nhưng thực chất lại là người nắm thực quyền lãnh đạo ở quốc gia Đông Nam Á.
Sau cuộc hội đàm với Tổng thống Obama, bà Suu Kyi đã chụp hình với Nhà lãnh đạo Mỹ tại Văn phòng Bầu dục.
Chuyến thăm của bà Suu Kyi đến Mỹ diễn ra sau khi bà này thực hiện chuyến thăm đến Trung Quốc hồi tháng trước.
Bà Suu Kyi chọn Trung Quốc chứ không phải chọn đồng minh thân thiết là Mỹ trong chuyến công du ngoài Đông Nam Á đầu tiên trên cương vị mới. Sự lựa chọn này cho thấy ưu tiên chính sách đối ngoại hàng đầu của chính quyền Myamar hiện nay là phát triển quan hệ với nước láng giềng Trung Quốc. Washington rõ ràng không thể vui được trước việc họ có nguy cơ mất đồng minh Đông Nam Á vào tay Trung Quốc sau khi đã nỗ lực đưa chính quyền hiện tại ở Myanmar lên cầm quyền.
Trung Quốc tất nhiên không thể bỏ qua “cơ hội trời cho” nói trên để khôi phục lại quan hệ với Myanmar, giành lại quốc gia Đông Nam Á này từ tay Mỹ. Trước đây, trong thời gian khi bà Suu Kyi bị quản thúc tại gia suốt hai thập kỷ với tư cách là một chính khách đối lập, Trung Quốc là đồng minh quan trọng nhất và thân thiết nhất của chính quyền quân sự. Trung Quốc hậu thuẫn mạnh mẽ cho chính quyền quân sự của Myanmar và đối đầu với bà Suu Kyi. Trong khi đó, bà Suu Kyi được sự ủng hộ mạnh mẽ của Mỹ và phương Tây.
Trung Quốc từng rất lo ngại khi chứng kiến Mỹ và phương Tây giành được ảnh hưởng ở Myanmar thông qua việc hậu thuẫn tích cực để đưa chính quyền dân chủ hiện nay ở quốc gia Đông Nam Á lên cầm quyền bởi Myanmar đóng vai trò là một đối tác cực kỳ quan trọng của Trung Quốc cả về chính trị, an ninh và kinh tế. Trung Quốc từng lo sợ mất Myanmar vào tay Mỹ. Giờ đây, đến lượt Washington lại cảm thấy lo ngại.
Tuy nhiên, giới phân tích cho rằng, chính quyền Myanmar hiện nay đang đi theo đường lối trung lập, phát triển quan hệ với cả Mỹ, Trung Quốc để tận dụng tối đa lợi ích. Vì thế, cơ hội đang dành cho cả hai. Chính vì lý do đó, Bắc Kinh và Washington đang tung ra tới tấp các lợi ích để có thể ve vãn được Myanmar.