Saturday, November 23, 2024
Trang chủGóc nhìn mớiTOÀ TRỌNG TÀI SẼ XEM XÉT VỤ KIỆN CỦA PHILIPPINES?

TOÀ TRỌNG TÀI SẼ XEM XÉT VỤ KIỆN CỦA PHILIPPINES?

BienDong.Net: Trong bài viết của mình đăng trên trang Japan Times, Tác giả Mark Valencia cho rằng hội đồng trọng tài phân xử vụ kiện của Philippines về tranh chấp trên Biển Đông với Trung Quốc đang rơi vào thế khó xử về việc ra phán quyết. Vậy thế khó xử đó ra sao và Tòa án có thể sẽ ra phán quyết thế nào cho vụ kiện này?

Biển Đông là nơi đan xen lợi ích của các nước trong và ngoài khu vực, trong đó có lợi ích của các nước lớn ngoài khu vực như Mỹ, Ấn Độ, Nhật, EU…; tranh chấp Biển Đông hết sức phức tạp, liên quan nhiều bên trong đó có nước lớn Trung Quốc.

Do vậy, việc ra phán quyết của Toà đối với các tranh chấp sẽ hết sức khó khăn. Có thể ngoài những khía cạnh pháp lý, các Trọng tài viên sẽ cân nhắc cả khía cạnh chính trị khi xem xét vụ kiện này.

Cho dù thế nào đi chăng nữa thì đến nay, bất chấp việc phản đối của Trung Quốc tiến trình của Toà Trọng tài cho vụ kiện của Philippines vẫn diễn ra theo đúng trình tự được quy định trong Công ước Liên hợp quốc về Luật biển 1982. Toà Trọng tài đã được thành lập; các Trọng tài viên đã thông qua Quy tắc tố tụng của Toà Trọng tài và ấn định thời hạn Philippines nộp Bản lập luận là ngày 30/3/2013. Sau đó, Trung Quốc sẽ có thời hạn 6 tháng để nộp Bản biện hộ của Trung Quốc và Toà sẽ đi vào thụ lý vụ kiện.

Một câu hỏi đặt ra hiện nay là liệu Toà Trọng tài có thẩm quyền xem xét các nội dung trong đơn kiện của Philippines hay không? Đây là một quyết định rất khó khăn vì Trung Quốc đã tuyên bố Toà không có thẩm quyền. Trách nhiệm của các Trọng tài viên là hết sức lớn lao. Nếu Toà quyết định không có thẩm quyền xem xét vụ kiện theo mong muốn của Trung Quốc, nhất là đối với nội dung về yêu sách “đường 9 đoạn” của Trung Quốc ở Biển Đông thì đây sẽ là một quyết định chống lại cả cộng đồng quốc tế vì không có bất kỳ một quốc gia nào trừ Trung Quốc ủng hộ cho yêu sách “đường 9 đoạn” của Trung Quốc. Nếu Toà quyết định không có thẩm quyền nghĩa là ủng hộ cho những yêu sách phi lý của Trung Quốc và tạo cớ cho Trung Quốc sẽ càng lấn tới ở Biển Đông. Điều này cũng đồng nghĩa với việc bác bỏ những quy định của Công ước Liên hợp quốc về Luật biển 1982. Chúng ta vừa kỷ niệm 30 năm Công ước Liên hợp quốc về Luật biển 1982 ra đời và coi đây là một bản Hiến pháp của Đại Dương, do vậy với trách nhiệm của mình, các Trọng tài viên sẽ không thể có một quyết định sai lầm đi ngược lại những tôn chỉ của Công ước Liên hợp quốc về Luật biển 1982.

Có ý kiến cho rằng các quan toà phải tính đến ý kiến của Trung Quốc vì Trung Quốc là một nước lớn đang ngày càng lớn mạnh và các quan toà không muốn làm mất lòng Trung Quốc. Nhưng nếu các quan toà quyết định không có thẩm quyền thì họ lại chống lại Hoa Kỳ, một siêu cường duy nhất hiện nay vì Hoa Kỳ đang ủng hộ mạnh mẽ cho vụ kiện của Philippines. Thời gian qua, Hoa Kỳ đã tuyên bố công khai việc ủng hộ vụ kiện của Philippines ở nhiều cấp khác nhau, kể cả Ngoại trưởng Hoa Kỳ; đồng thời phản đối việc gây sức ép hoặc hăm doạ bên khởi kiện (hàm ý phản đối những việc làm của Trung Quốc đối với Philippines. Hơn thế nữa, nếu chiều lòng Trung Quốc, các quan toà sẽ mất uy tín và danh dự với quốc tế, sẽ bị các học giả, nhà nghiên cứu và các luật gia quốc tế phản đối vì lâu nay họ đều lên tiếng mạnh mẽ phê phán yêu sách “đường 9 đoạn” không có bất kỳ cơ sở pháp lý nào.

Theo nhiều nhà phân tích thì một giải pháp tốt cho các Trọng tài viên của Toà Trọng tài vụ kiện của Philippines là không xem xét vấn đề thẩm quyền trước mà sẽ xem xét đồng thời cả vấn đề thẩm quyền và nội dung thực chất của vụ kiện. Điều này đã có nhiều trong án lệ quốc tế. Hơn nữa, để xem xét vấn đề thẩm quyền về phán xét “đường 9 đoạn” thì nhất thiết phải đi vào xem xét các nội dung cụ thể liên quan đến yêu sách này, xem nó có phù hợp với luật pháp quốc tế, Công ước Liên hợp quốc về Luật biển 1982 hay không? Theo một số nguồn tin thì trong Quy tắc tố tụng của Toà Trọng tài vừa được thông qua cuối tháng 8/2013 đã có quy định về việc xem xét đồng thời cả 2 vấn đề thẩm quyền và nội dung thực chất của kiện. Dường như các Trọng tài viên đã lường trước được những khó khăn, phức tạp của vụ kiện nên đã chuẩn bị cho khả năng này.

Lẽ dĩ nhiên là kết quả phán quyết cuối cùng còn phụ thuộc vào lập luận của mỗi bên. Nhưng một điều có thể tiên đoán là không có bất cứ một quan toà có uy tín nào lại có thể phán quyết rằng “đường 9 đoạn” có tính hợp pháp. Chúng ta hay cùng nghiên cứu về các quan toà của Toà trọng tài vụ kiện của Philippines để dự báo về khả năng phán quyết của Toà Trọng tài liên quan đến các nội dung của vụ kiện. Toà Trọng tài gồm 5 Trọng tài viên:

– Ông Thomas Mensah, quốc tịch Gha – na là Chủ tịch Tòa Trọng tài. Ông Thomas Mensah nguyên là Chánh án đầu tiên của Tòa án quốc tế về Luật biển, có nhiều kinh nghiệm làm Trọng tài viên và Thẩm phán ad – hoc trong các vụ kiện tại Tòa Trọng tài Phụ lục VII và ITLOS. Ông Mensah có quan điểm bảo vệ mạnh mẽ các nguyên tắc và chế độ pháp lý của Công ước Luật biển 1982, do đã nghỉ hưu nên ít có khả năng chịu tác động hay sức ép từ Trung Quốc.

– Ông Rudiger Wolfrum, người Đức, Thẩm phán đương nhiệm của Tòa án quốc tế Luật biển đương nhiên là sẽ ủng hộ cho quan điểm của Philippines vì ông là Trọng Tài viên do Philippines lựa chọn.

– Ông Jean – Pierre Cot, người Pháp, Thẩm phán đương nhiệm của Tòa án quốc tế Luật biển là người có quan điểm mạnh mẽ trong việc bảo vệ cho những tôn chỉ và quy định của Công ước Liên hợp quốc về Luật biển 1982.

– Ông Alfred Soons, người Hà Lan, Giáo sư Công pháp quốc tế, Giám đốc Viện Công pháp quốc tế và Giám đốc Viện Luật biển quốc tế, Đại học Tổng hợp Utrecht, Hà Lan là người có quan điểm ủng hộ mạnh mẽ các giá trị của luật pháp quốc tế, trong đó có các quy định của Công ước Liên hợp quốc về Luật biển 1982 và do vậy ông không thể đồng tình với yêu sách phi lý “đường 9 đoạn” ở Biển Đông.

– Ông Stanislaw Pawlak, người Ba Lan, Thẩm phán đương nhiệm của Tòa án quốc tế Luật biển là người khá thận trọng nên ông sẽ phải cân nhắc rất kỹ khi đưa ra một quyết định liên quan đến tranh chấp ở Biển Đông. Một điểm đáng lưu ý là Ba Lan, quê hương của Ông Stanislaw Pawlak là một nước nhỏ bên cạnh một nước Nga luôn bị o ép nên sẽ không thể có cảm tình với nước lớn Trung Quốc với tư tưởng bá quyền, sô vanh đại Hán. Ông Stanislaw Pawlak không thể ủng hộ cho những yêu sách phi lý ở Biển Đông và những hành động gây hấn, bắt nạt các nước láng giềng của Trung Quốc.

Xem ra thành phần của Toà Trọng tài đang thuận cho một phán quyết có lợi cho Philippines. Hơn thế nữa, bất cứ một quan Toà nào cũng đều cần phải giữ uy tín cho mình và cho Toà Trọng tài nên họ phải hành động và quyết định theo các quy định của luật pháp quốc tế, không thể chịu tác động từ bất cứ bên nào trong tranh chấp. Nếu theo tiêu chuẩn đó thì những yêu sách của Trung Quốc nhất là yêu sách “đường 9 đoạn” sẽ bị bác bỏ.

Trung Quốc đang rất lo sợ vụ kiện của Philippines vì họ hiểu rằng nếu các yêu sách của họ bị đưa ra xem xét thì chắc chắn phán quyết sẽ bất lợi cho họ vì những yêu sách của họ hoàn toàn không có cơ sở pháp lý. Chính vì lẽ đó mà gần đây có nhiều hoạt động ve vãn lôi kéo các nước ASEAN để cô lập Philippines nhưng điều này không thể làm nản lòng Philippines trong vụ kiện bởi Philippines có chính nghĩa.

Phiên Toà có thể kéo dài 2 – 3 năm, nhưng chúng ta tin tưởng rằng với bản lĩnh của mình và với sự sáng suốt công tâm của các quan Toà của Toà Trọng tài vụ kiện của Philippines, công lý và luật pháp sẽ được lập lại ở Biển Đông. Trung Quốc đã tuyên bố họ không tuân thủ phán quyết của Toà, nhưng phán quyết vẫn là một văn bản pháp lý phán quyết về các quyền và lợi ích hợp pháp của mỗi quốc gia được thừa hưởng ở Biển Đông. Nếu Trung Quốc hành động bất chấp phán quyết của Toà thì cả thế giới sẽ lên án họ và hình ảnh của Trung Quốc sẽ càng xấu thêm trong “con mắt” của cộng đồng quốc tế. Trung Quốc cũng phải cân nhắc đến yếu tố này khi họ tiến hành hoạt động gì ở Biển Đông.

RELATED ARTICLES

Tin mới