Tuesday, April 30, 2024
Trang chủĐàm luậnCạnh tranh chiến lược Trung-Mỹ ngày càng gay gắt

Cạnh tranh chiến lược Trung-Mỹ ngày càng gay gắt

Phán quyết được nhiều người mong đợi về vụ kiện của Philippines được Tòa Trọng tài Thường trực tại La Haye tuyên bố hôm 12-7. Hơn hai tháng đã trôi qua. Mặc dù đa số các nhà quan sát cho rằng Manila giành ưu thế, nhưng tất cả vẫn cứ trơ trơ…

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã tuyên bố cứng rắn về Biển Đông trong cuộc hội đàm với Tổng thống
Mỹ Barack Obama, bên lề Hội nghị thượng đỉnh an toàn hạt nhân ở Washington, 1-4-2016..

Những người ủng hộ luật pháp quốc tế có thể ca ngợi phán quyết như một bước tiến quan trọng trong việc giải quyết những tranh chấp ở Biển Đông. Tuy nhiên, thực tế trở nên “trần trụi” sau những hưng phấn ban đầu. Bắc Kinh đã nhiều lần tuyên bố ý định không tuân thủ phán quyết, mô tả đó chỉ như là “tờ giấy vụn”. Một kết quả tích cực hơn có thế xảy ra nếu phán quyết thúc đẩy các cuộc đàm phán song phương tiếp theo.

Tiếc rằng sự yên bình và ổn định của khu vực có thể rơi vào con đường bất ổn hơn nếu Trung Quốc quyết định áp dụng lập trường cứng rắn hơn ở Biển Đông, như việc tiếp tục hoặc thậm chí tăng cường xây dựng cơ sở và hoạt động quân sự hóa ở các khu vực nước này chiếm đóng. Sau những tuyên bố và hành động của các bên liên quan trong ngắn hạn, phán quyết cũng có thể có các tác động lâu dài hơn. Phán quyết của phiên tòa này nhắc nhở Bắc Kinh xem xét lại vị trí chiến lược dài hạn của mình, đặc biệt là khi nước này đang phấn đấu hướng tới cái mà họ gọi là siêu cường quốc tế.

Từ khi Manila bắt đầu khởi kiện theo quy định của Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS) hồi tháng 1/2013 đã đặt Trung Quốc vào thế phòng thủ. Chắc chắn rằng, nhà cầm quyền Bắc Kinh không mong muốn một người hàng xóm nhỏ yếu hơn vác đơn đi kiện mình.

Thế bị động của Trung Quốc trước hành động pháp lý của Philippines được phản ánh trong việc Bắc Kinh cự tuyệt tham gia vào quá trình tố tụng. Các phương tiện truyền thông nước này ra rả phản đối tính hợp pháp của phiên tòa kể cả trước và sau phán quyết.

Hơn thế nữa, Trung Quốc dần thay đổi tuyên bố cũng như quan điểm về các hoạt động quân sự trong Vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của các nước khác. Bắc Kinh đã kịch liệt phản đối hoạt động quân sự của Mỹ trong vùng EEZ của họ, đồng thời liên tục viện dẫn những giải thích pháp lý của UNCLOS- bao gồm quyền tự do qua lại không gây hại- khi tàu tình báo hải quân của nước này lảng vảng ở gần bờ biển của Nhật Bản và đi qua eo biển Miyako để đến khu vực biển Tây Thái Bình Dương.

Trong nhiều thập niên, Trung Quốc cố gắng vục dậy trở thành “con hổ” của thế giới trên hai cơ sở, tích lũy sức mạnh kinh tế và quân sự. Công thức này thành công hơn mô hình chạy đua vũ trang giữa Nga và Mỹ. Rõ ràng sự thất bại của Liên Xô trong việc chạy đua tiến kịp Mỹ về kinh tế đã dẫn tới sự sụp đổ của chế độ Cộn sản. 

Về phần mình, Mỹ quyết tâm duy trì ưu thế so với Trung Quốc. Tại Đối thoại Shangri-La hồi đầu tháng 6/2016, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton Carter đã lần đầu tiên đề cập khái niệm “mạng lưới an ninh có nguyên tắc”, một cụm từ mới mà ông sử dụng để mô tả các mạng lưới an ninh Mỹ dẫn đầu ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương. Ông nói rằng nước Mỹ “hoan nghênh sự trỗi dậy của một Trung Quốc hòa bình, ổn định, thịnh vượng và có trách nhiệm đối với mạng lưới an ninh có nguyên tắc của khu vực”. Lẽ dĩ nhiên Bắc Kinh tỏ vẻ khó chịu bởi cách tu từ mới này, và nhìn nhận nó như một nỗ lực mới của Mỹ nhằm xác lập cấu trúc liên minh của Mỹ trong khu vực và cô lập ngoại giao với Trung Quốc.

Còn cạnh tranh chiến lược Mỹ-Trung ở thời điểm hiện tại ngày càng quyết liệt. Nó nguy hại hơn nhiều, chứ không dừng lại ở những chuyện lễ tân ngoại giao tại Hội nghị G20 ở Hàng Châu hôm đầu tháng 9 vừa qua.

Vì sao Tòa án tối cao Trung Quốc lại tuyên bố thành lập trung tâm tư pháp biển quốc tế để xử lý các tranh chấp lãnh thổ ? Điều này rất có thể được thúc đẩy bởi các thủ tục tố tụng của tòa trọng tài về Biển Đông. Nó cũng cho thấy Trung Quốc nhận thấy cần phải chủ động hơn trong điều chỉnh các quy tắc và chuẩn mực toàn cầu. Từ góc độ chiến lược, Trung Quốc gần đây đưa ra “khái niệm an ninh châu Á”, trong đó lập luận vấn đề an ninh châu Á nên được người châu Á giải quyết, điều này cũng hoàn toàn tương phản với tầm nhìn của Mỹ về cấu trúc an ninh chiến lược tại khu vực này.

Trung Quốc có thể sẽ sớm bắt tay vào một cuộc đua với Mỹ liên quan đến việc định hình các chuẩn mực. Nếu điều này xảy ra, nó sẽ có những tác động chính sách quan trọng. Ở cấp độ khu vực, điều này sẽ gia tăng những thách thức đối với các quốc gia tìm cách “lách” trong sự ràng buộc như ma trận giữa Mỹ và Trung Quốc. Giữa các nước ASEAN đã xuất hiện những khác biệt trong cách giải thích về các quy định quan trọng của UNCLOS. Những bất đồng này có thể bị Mỹ hoặc Trung Quốc tranh thủ và điều này sẽ tiếp tục đe dọa sự thống nhất của ASEAN.

Thêm nữa, cách hành xử hung hăng, giẫm đạp lên luật pháp quốc tế của Trung Quốc ở Biển Đông, tăng cường các hoạt động quân sự hóa, bồi đắp, tôn tạo các đá… đã khiến cho Mỹ “ngứa mắt”. Trong mắt Mỹ, Trung Quốc chưa bao giờ là coi là ngang tầm. “Con hổ” Mỹ đã gầm gừ, cần phải bảo vệ cho các nước yếu khỏi bị Trung Quốc đè đầu cưỡi cổ. Có như vậy mới khỏi bẽ mặt hổ lớn, lo làm sao bảo đảm an toàn trong thông thương hàng hải, hàng không trong khu vực mà chính Mỹ có nhiều mối lợi.

Xin đừng có hoài nghi. Cạnh tranh chiến lược Trung Mỹ sẽ kéo các nước liên quan vào ván bài lật ngửa mà sự may mắn là rất ít. Sự cạnh tranh này đúng là “không phải trò đùa” vì nó đóng góp vào sự định hình bộ mặt thế giới trong những năm tới.

RELATED ARTICLES

Tin mới