Tuesday, November 26, 2024
Trang chủGóc nhìn mớiTình hình Biển Đông: Uốn lưỡi bò trên đất Mỹ

Tình hình Biển Đông: Uốn lưỡi bò trên đất Mỹ

BienDong.Net: Khi Mỹ và Nhật Bản đẩy mạnh việc liên kết, hợp tác với ASEAN thì Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị cũng có chuyến thăm tới Mỹ với nhiều mục đích.

Ngoại trưởng Trung Quốc quảng cáo đường lưỡi bò

Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị vừa có chuyến công du 2 ngày (19-20/9) tới Washington D.C trước khi đến New York dự phiên họp Đại hội đồng Liên Hợp Quốc lần thứ 68.

Tại chuyến công du này, Ngoại trưởng Trung Quốc đã có cuộc hội đàm với Ngoại trưởng Mỹ John Kerry về vấn đề tranh chấp tại Biển Đông và Hoa Đông. Chuyến thăm này của ông Vương Nghị trong bối cảnh Mỹ và Nhật Bản đang có những động thái ngoại giao mạnh mẽ với các quốc gia ASEAN.

Mỹ và Philippines đang triển khai cuộc tập trận chung thường niên Phiblex tại vùng biển cách bãi cạn Scarborough 200km. Hiện tại Trung Quốc đang nắm quyền kiểm soát bãi cạn này với dàn tàu hải giám cỡ lớn. Đồng thời, Trung Quốc cũng đã đóng xuống 75 cọc bê tông và phía Philippines cho rằng nước này đang chuẩn bị xây dựng công sự tại đây.

Nhật Bản và Trung Quốc cũng đang trong tình trạng căng thẳng leo thang sau khi máy bay không người lái (UAV) của Trung Quốc xâm nhập vùng biển của quần đảo Senkaku/Điếu Ngư. Nhật đã tuyên bố sẽ bắn hạ nếu hành động này tái diễn. Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Itsunori Onodera cũng đã có chuyến thăm một số nước Đông Nam Á và đặt vấn đề về quan hệ đối tác chiến lược.


Vương Nghị phát biểu và trả lời chất vấn tại viện Brookings.

Hai Ngoại trưởng Mỹ – Trung không thông cáo họ đã nói chuyện gì trong cuộc hội đàm, tuy nhiên, ông Vương Nghị cũng tiết lộ họ đã nói về vấn đề tranh chấp chủ quyền trên vùng Biển Đông, Hoa Đông.

Trong ngày 20/9, Vương Nghị đã có cuộc trao đổi với các cựu quan chức cấp cao và học giả Mỹ về đường lưỡi bò tại viện Brookings.

Tại đây, cựu Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ William S. Cohen đã thắc mắc và bày tỏ lo ngại việc Trung Quốc thể hiện đường chín đoạn (đường lưỡi bò) trên Biển Đông trên các bản đồ mới phát hành và những động thái của Trung Quốc thời gian gần đây.

Vương Nghị phủ nhận và cho rằng chưa nghe thấy thông tin về bản đồ mới.

Nhân đó, Ngoại trưởng Trung Quốc cũng tranh thủ tuyên truyền về tính hợp pháp (phi lý) của đường lưỡi bò và Vương Nghị cũng khẳng định đường này do chính quyền Trung Hoa dân quốc vẽ từ năm 1948, và Bắc Kinh tiếp tục duy trì lập trường về đường lưỡi bò (phi pháp).

Thế giới có tin vào tính hợp pháp của đường lưỡi bò?

Đây không phải lần đầu một quan chức cấp cao Trung Quốc lên tiếng quảng cáo cho tính hợp pháp của đường lưỡi bò (theo quan điểm của Trung Quốc). Đã không ít lần, các vị học giả hay tướng tá, thậm chí cả quan chức cấp cao lên tiếng về đường phi pháp này.

Và sau những vị đó luôn luôn là dàn hỏa lực truyền thông mạnh mẽ. Mỗi một động thái của Trung Quốc đều được dàn hỏa lực này bênh vực. Khi Philippines đâm đơn kiện Trung Quốc vi phạm Công ước luật biển LHQ (UNCLOS), dàn hỏa lực này lập tức phát đi những bài viết chỉ trích Philippines là kẻ gây rối ở Biển Đông.

Gần đây nhất, khi Philippines tuyên bố sẽ nhổ cọc mà Trung Quốc cắm xuống Scarborough, ngay lập tức, truyền thông Trung Quốc rêu rao về chủ quyền (phi lý, phi pháp) trên những vùng biển tranh chấp.

Các tướng tá của nước này cũng được dịp lên báo đài để kêu gọi sự cảm thông của thế giới và chỉ trích Philippines, đồng thời kêu gọi người dân tin tưởng chính quyền, tin tưởng vào lợi ích cốt lõi của mình và đấu tranh cho lợi ích đó.

 

Hải quân Trung Quốc tập trận trên biển.

Thậm chí, tờ Hoàn Cầu đã bịa ra câu chuyện dựa trên cốt sự việc đã xảy ra vào ngày 4/7, khi cảnh sát biển Trung Quốc và lực lượng Biên phòng Việt Nam cùng hợp tác khám phá ra một vụ cướp tàu cá xảy ra vào cuối tháng 6/2013.

Báo Hoàn Cầu đã bịa ra rằng vào ngày 11/9, có một số người sang vùng biển của Trung Quốc để đột nhập đánh cắp tàu cá. Sau khi bị phát hiện, những người này đã chạy về vùng biển Việt Nam và biến mất.

Tờ Hoàn Cầu còn mô tả trắng trợn ngư dân quanh vùng phát hiện thấy 2 đôi tông vứt lại trên bờ biển có in chữ Việt Nam nên cho là vụ cướp tàu cá Trung Quốc do người Việt Nam gây ra, và nhóm người này đi báo Cảnh sát biển Trung Quốc.

Tuy nhiên, cũng với tờ Hoàn Cầu, một trong những tờ báo nhiệt tình khai hỏa nhất trong đội ngũ hỏa lực miệng của Trung Quốc, một nhóm phóng viên chuyên đi theo các đoàn học giả, quan chức công tác nước ngoài của báo này cho biết: Trung Quốc đang mất dần tiếng nói trên trường quốc tế, thậm chí họ còn không muốn trả lời khi phóng viên muốn phỏng vấn bên lề.

Trong các hội thảo Quốc tế về Biển Đông, những phóng viên này cho biết các học giả của Trung Quốc đã bị mất tiếng nói ở các cuộc bàn luận thế này. “Mọi quan điểm của người Trung Quốc đều bị phản bác, bài kích một cách thậm tệ, rất ít khi có trường hợp học giả lên tiếng bênh vực quan điểm của Bắc Kinh”.

Một chuyên gia của Trung Quốc thừa nhận: “Quyền phát ngôn của Trung Quốc trong cộng đồng quốc tế quá yếu, trong vấn đề Biển Đông lại càng như vậy”. Bản thân người Trung Quốc cũng phải nhìn nhận rằng uy tín của nước họ đã quá giảm sút trong vấn đề Biển Đông vì phi lý, phi pháp.

Những lời thú nhận của người Trung Quốc đã thể hiện rõ quan điểm của các học giả nước ngoài. Trung Quốc có thể lớn tiếng quảng cáo cho đường lưỡi bò của họ, nhưng nếu đặt câu hỏi thế giới có tin vào tính hợp pháp của nó không, thì câu trả lời người Trung Quốc đã tự hiểu.

BDN (Theo Đất Việt)

RELATED ARTICLES

Tin mới