Tuesday, November 26, 2024
Trang chủBiển nóngSự kiệnNuôi cá lồng ở Trường Sa

Nuôi cá lồng ở Trường Sa

BienDong.Net: Đảo Đá Tây thuộc quần đảo Trường Sa vẫn được coi như “thủ phủ” của đảo chìm. Hình thành bởi bãi đá ngầm san hô, nơi đây còn có cả một khu lòng hồ giữa biển. Với địa thế đặc biệt, đảo Đá Tây không chỉ là nơi neo đậu, trú ngụ cho tàu bè mỗi khi sóng to gió lớn mà còn là nơi lý tưởng để nuôi trồng thủy sản.

Công ty Hải sản Trường Sa (Hải đoàn 129) là đơn vị kinh tế quốc phòng trực thuộc quân chủng Hải quân.

 
Ngoài nhiệm vụ trực sẵn sàng chiến đấu, Công ty tập trung khai thác mảng dịch vụ kinh tế như thăm dò địa chấn, bảo vệ giàn khoan dầu khí, sửa chữa tàu biển, dịch vụ cảng biển, bốc dỡ, chế biến hải sản đông lạnh…

alt

Khu hậu cần nghề cá trên đảo Đá Tây (ảnh BienDong.Net)

Với sự hỗ trợ của các chuyên gia thủy sản thuộc khu dịch vụ hậu cần nghề cá của Tổng công ty Thủy sản Biển Đông, từ vài năm nay tại đảo Đá Tây, chiến sỹ Hải đoàn 129 đã phát triển trung tâm nuôi cá lồng, góp phần cải thiện nâng cao đời sống vật chất của bộ đội, khẳng định ý chí làm chủ biển đảo, gắn với xây dựng kinh tế quốc phòng.

alt 

Lồng cá ở Trường Sa (ảnh báo QĐND)

Do điều kiện sóng gió khắc nghiệt nơi đảo chìm, các chuyên gia quyết định sử dụng công nghệ nuôi cá lồng của Nauy. Lồng nuôi có hình tròn, đường kính 9 mét, miệng lồng có lan can tay vịn tiện đi lại, cho cá ăn. Lồng dìm xuống biển được định vị bởi 3 ống nhựa đặc chủng (HDPE) chống xê dịch khi có dòng chảy mạnh hay sóng bão.

alt 

Nhìn ra vùng biển nơi đặt các lồng cá (ảnh BienDong.Net)

Đại úy Bùi Quảng Tú, trưởng phòng kế hoạch công nghệ của hải đoàn cho biết: “Khác với nuôi cá lồng ở sông hoặc rìa biển, nuôi cá lồng ở Trường Sa khó hơn nhiều. Công nghệ lồng nuôi phải có độ bền vững chắc chịu được nước mặn, bảo đảm độ dầy vừa phải, vững chắc, chống di chuyển nhiều để cá sống ở lồng như sống tự nhiên ngoài biển”.

Việc chọn giống cá nuôi cũng không đơn giản. Những loại ưa môi trường có độ mặn cao như cá ngựa, thời gian đầu sinh trưởng khá nhanh nhưng rồi đột nhiên chết hàng loạt. Hay như tu hài, sau khi nuôi thì nhận thấy chúng chỉ có thể sống ở môi trường nước có phù sa. Biển ở đây tuy sạch nhưng chỉ có san hô già nên chúng cũng không thể sinh trưởng. Với cá mú đen, tuy có thể sống ở nước mặn nhưng lại lớn quá chậm so với cá mú tự nhiên. Cuộc thử nghiệm nhiều lúc hy vọng, đợi chờ rồi bế tắc… Kiên trì bám biển, bám bè, cuối cùng Hải đoàn cũng tìm ra được loại cá phù hợp đó là cá chẽm, cá hồng và cá chim trắng. Đây là những loại cá thích ứng được với điều kiện tự nhiên Trường Sa, phát triển nhanh, mang lại hiệu quả kinh tế cao.

alt 

Văn công Quân khu 5 ra thăm và biểu diễn phục vụ chiến sĩ Hải đoàn 129 trên đảo Đá Tây (ảnh BienDong.Net)

Một khó khăn nữa là nguồn thức ăn cho cá. Ở đất liền, một bước tới lồng bè, thức ăn thì sẵn có cá tạp, tép, tôm nhưng ngoài đảo muốn có thức ăn tươi chỉ còn cách đi câu, mà đi câu thì đâu phải lúc nào thời tiết cũng chiều lòng người. “Mùa bão, cán bộ, chiến sĩ ngoài đảo xa cũng phải ăn đồ khô, đồ hộp qua ngày. Vậy nên, sinh tồn giữa biển xa những con cá giống cũng phải tập thích nghi với thức ăn công nghiệp” – Đại tá Trịnh Bá Út chia sẻ.

Thức ăn cho cá vì vậy chủ yếu mang từ đất liền ra. Kỳ công là vậy nhưng bù lại, nhờ thường xuyên được bơi lội trong dòng chảy, môi trường trong sạch nên cá ở Trường Sa cũng lớn nhanh, ít mắc bệnh hơn so với nuôi ở ao, hồ. Nếu như ở môi trường đất liền, cùng thời gian nuôi, một con cá chim trắng chỉ sáu lạng, thì ở đây có thể hơn một cân. Đại úy Tú cho biết: “Mỗi lứa công ty nuôi hơn 6.500 con cá chim trắng trong 4 lồng. Thời gian nuôi gần 3 tháng là thu hoạch. Sắp tới công ty sẽ lắp thêm 4 lồng mới. 5 năm trở lại đây, các lồng bè nuôi cá chim trắng đạt giá trị kinh tế cao, khi đưa vào bờ đều tiêu thụ rất nhanh.

Được biết ngoài nuôi cá, công ty cũng thử nghiệm trồng rong nho quanh đảo, bước đầu rất khả quan với hy vọng bổ sung nguồn rau xanh cho các bữa ăn của bộ đội.

Bến cảng hải sản giữa ngàn khơi

Từ kết quả ban đầu và nguồn thu từ cuộc thử nghiệm nuôi cá chim trắng và trồng rong nho biển, trong tương lai gần, đảo Đá Tây sẽ là bến cảng hải sản, là điểm dừng chân mua bán trao đổi dịch vụ hậu cần nghề cá của bà con ngư dân các tỉnh Quảng Ngãi, Khánh Hòa và quân dân huyện đảo Trường Sa.

Đại úy Bùi Quảng Tú cho biết: “Tới đây cùng với cá bò, chúng tôi sẽ nuôi hải sâm và bào ngư. Đây là những loại hải sản có hàm lượng dinh dưỡng cao sống dưới đáy biển. Như vậy lồng cá cũng phải sâu hơn, rộng hơn, bền hơn. Ở độ sâu 18 – 20 mét đáy lồng giáp với san hô để cá bò, bào ngư, hải sâm sống trong lồng vẫn chui vào san hô ở tự nhiên. Chúng tôi đã triển khai thêm 4 lồng nuôi cá nữa. Trong tương lai không xa, nơi này sẽ là bến cảng chế biến hải sản tại chỗ và dịch vụ hậu cần nghề cá, vừa xuất khẩu trực tiếp ra nước ngoài, vừa phục vụ nâng cao đời sống cho quân dân huyện đảo, vừa là nơi trao đổi mua bán hải sản của bà con ngư dân”.

Về lâu dài, đảo Đá Tây sẽ được xây dựng bến cảng âu tàu. Cán bộ chiến sĩ hải quân ở đây, ngoài nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền biển đảo còn có nhiệm vụ góp phần làm kinh tế, bảo đảm đời sống cho nhân dân huyện đảo.

Ở đảo Đá Tây, mỗi năm có 130 – 150 ngày gió mạnh từ cấp 6 trở lên. Những khi gió bão, sóng biển tràn qua đảo, táp cả lên phòng nghỉ của chiến sĩ. Đã có cán bộ, công nhân viên của Hải đoàn nằm lại với biển khi đi làm nhiệm vụ. Sự hy sinh thầm lặng này khẳng định quyết tâm bám biển, đi tiên phong phát triển kinh tế biển của Hải đoàn 129, mở ra hướng đi mới về nuôi trồng thủy sản nơi khơi xa, tạo tiền đề để dần chuyển giao nghề cho ngư dân, góp phần phát triển kinh tế vùng biển thân yêu của Tổ quốc.

BDN (biên tập theo báo Tin Tức và QĐ)

RELATED ARTICLES

Tin mới