Monday, November 18, 2024
Trang chủBiển nóngHiệp định đối trọng TPP của TQ là gì?

Hiệp định đối trọng TPP của TQ là gì?

Phát biểu từ Lima, Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị muốn đẩy nhanh tiến độ FTAAP trong khuôn khổ APEC sẽ diễn ra vào tháng 11.

Bộ trưởng Bộ Ngoại giao TQ Vương Nghị. Ảnh: Medios

Theo Reuters, Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị bày tỏ mong muốn đẩy nhanh việc thành lập Khu vực thương mại tự do Châu Á – Thái Bình Dương (FTAAP) trong khuôn khổ Diễn đàn Hợp tác Kinh tế Châu Á – Thái Bình Dương (APEC) sẽ diễn ra vào 19 – 20/11 tới.

Tại hội nghị APEC diễn ra ở Bắc Kinh 2 năm trước, Chủ tịch Tập Cận Bình đã hối thúc các nước thành viên khẩn trương đàm phán FTAAP, do Bắc Kinh khởi xướng.

APEC đã thông qua nhiều phần việc nhằm thiết lập FTAAP, ông Tập tuyên bố đây là “một động thái mang tính lịch sử”.

Bộ Ngoại giao Trung Quốc dẫn lời ông Vương Nghị trong một thông cáo rằng, các nghiên cứu về tính khả thi của FTAAP về cơ bản đã hoàn thành và Trung Quốc hy vọng sẽ dự trình tại hội nghị APEC năm nay.

“Phía Trung Quốc mong muốn quá trình đàm phán về FTAAP sẽ bắt đầu trong thời gian tới.”

Ông Vương Nghị cho biết, APEC cần cho thấy tín hiệu khả quan trước xu thế bảo vệ mậu dịch trong nước và phản đối toàn cầu hóa ngày càng gia tăng, vì vậy Trung Quốc muốn APEC đi đến thống nhất về FTAAP.

Một số luồng ý kiến cho rằng FTAAP là công cụ nhằm hướng sự chú ý của thế giới khỏi Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), hiệp định thương mại do Mỹ khởi xướng.

Trung Quốc không tham gia TPP và cũng không tỏ ra mặn mà với hiệp định này. Bắc Kinh lo ngại Mỹ sử dụng TPP để bắt buộc Trung Quốc mở cửa thị trường, hoặc cô lập nền kinh tế Trung Quốc với thế giới.

Hiệp định TPP cũng được coi là xương sống của nỗ lực vươn ra châu Á của Tổng thống Barack Obama. Nhiều chuyên gia cho rằng TPP mang mục đích cân bằng sự trỗi dậy của Trung Quốc, bằng cách thiết lập tầm ảnh hưởng của Mỹ trong khu vực.

Trung Quốc cũng quan tâm đến Hiệp định Đối tác Kinh tế toàn diện khu vực (RCEP), bao gồm 10 nước ASEAN và Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Ấn Độ, Australia và New Zealand.

“Dù là TPP hay RCEP thì cũng đều dẫn đến FTAAP,” ông Vương Nghị cho biết. “Các quy định thương mại quốc tế cần được quyết định qua việc tham gia dự quyết của tất cả các bên, chứ không thể chỉ có 2 bên đưa ra quyết định cuối cùng.”

Quy chế thương mại không nên bao hàm động cơ chính trị, Ngoại trưởng Trung Quốc nói thêm.

“Điều đó không chỉ gây hại đến tình hình phát triển của thương mại quốc tế, mà còn không phục vụ cho lợi ích chung của nhiều nền kinh tế.”

Nỗ lực thúc đẩy FTAAP của Trung Quốc được xúc tiến trong bối cảnh tương lai TPP đang bị đặt dấu hỏi, khi mà cả hai ứng cử viên Tổng thống Mỹ – Hillary Clinton và Donald Trump – đều phản đối hiệp định này, bất chấp những nỗ lực bảo vệ TPP của Tổng thống Obama.

RELATED ARTICLES

Tin mới