BienDong.Net: Trong bài phát biểu trước Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc tại New York hôm 27.9, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng của Việt Nam đã nhắc đến Biển Đông đồng thời nêu bật tầm quan trọng của việc xây dựng lòng tin chiến lược góp phần củng cố hòa bình, thể hiện tinh thần Việt Nam sẵn sàng đóng góp tích cực vào công việc chung của LHQ.
Theo BBC, Thủ tướng Dũng đã nhắc tới xung đột tại Trung Đông, Bắc Phi và việc sử dụng vũ khí hóa học tại Syria cũng như căng thẳng tại Bán đảo Triều Tiên và tại Biển Đông đồng thời cảnh báo nguy cơ dễ xảy ra xung đột và thậm chí chiến tranh tại khu vực này.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng đã có cuộc gặp với Tổng thư ký LHQ, ông Ban Ki – moon, để bàn về hợp tác giữa LHQ và Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), và quyết định của Việt Nam tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình của LHQ.
Trong khi đó, theo tường thuật của báo quốc nội QĐND, ông Dũng cũng đã dành thời gian trả lời phỏng vấn của phóng viên các hãng thông tấn Bloombergs, ITAR – TASS, Kyodo và Yonhap.
Cho rằng, Việt Nam đang theo đuổi chính sách quan hệ ngày càng mạnh với Mỹ, phóng viên của Bloombergs đặt câu hỏi: Mục tiêu của việc đó là vì thương mại, an ninh hay vì Trung Quốc?
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nói: Việt Nam đang nhất quán thực hiện đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, đa phương hóa, đa dạng hóa các mối quan hệ quốc tế. Việt Nam mong muốn là bạn, là đối tác tin cậy của các quốc gia, dân tộc trên thế giới; phấn đấu là thành viên tích cực, xây dựng, có trách nhiệm trong khu vực và của cộng đồng quốc tế. Tất cả nỗ lực của Việt Nam đều nhằm các mục tiêu hòa bình, hữu nghị, tôn trọng lẫn nhau, bình đẳng, cùng có lợi, cùng phát triển. Việc Việt Nam đẩy mạnh quan hệ hợp tác với Mỹ cũng chính vì các mục tiêu đó, không có mục đích nào khác.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng trả lời phỏng vấn của các hãng thông tấn quốc tế.
Về cuộc trao đổi với Ngoại trưởng Mỹ John Kerry sáng 27 – 9 tại New York, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nói rằng, đó là cuộc trao đổi thành công và hai bên đã nhất trí nhiều việc phải làm trong thời gian tới để thực hiện Tuyên bố chung thiết lập quan hệ đối tác toàn diện Việt Nam – Mỹ mà Chủ tịch nước Trương Tấn Sang và Tổng thống Mỹ Barack Obama đã ký hồi tháng 7 vừa qua.
Về cuộc gặp giữa hai Bộ trưởng Quốc phòng Việt Nam và Mỹ gần đây, liệu có tăng cường quan hệ quốc phòng giữa hai nước, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nói rằng, Việt Nam và Mỹ đã thiết lập quan hệ đối tác toàn diện trong nhiều lĩnh vực, trong đó có lĩnh vực quốc phòng. Nhưng hợp tác giữa hai nước không ngoài mục tiêu hòa bình, hữu nghị, hợp tác phát triển vì lợi ích của nhau, không có việc hợp tác với nhau chống bất kỳ nước thứ ba nào khác.
Chủ quyền là giới hạn không được vượt qua
Trả lời câu hỏi liệu Trung Quốc có làm ảnh hưởng tới quan hệ Việt Nam – Mỹ, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng khẳng định: Sự trỗi dậy và phát triển mạnh mẽ của Trung Quốc có lợi cho khu vực và cả thế giới, nhưng với điều kiện Trung Quốc cũng phải tôn trọng độc lập chủ quyền của nước khác, tôn trọng luật pháp quốc tế, đặc biệt là Công ước về Luật biển Liên hiệp quốc năm 1982 (UNCLOS), đồng thời phải vì hòa bình, hợp tác, phát triển, thịnh vượng.
Trả lời câu hỏi của hãng tin Reuters: Vấn đề Biển Đông có ảnh hưởng tới mối quan hệ giữa Việt Nam và ASEAN với Trung Quốc và liệu Việt Nam có nêu vấn đề này tại Hội nghị cấp cao ASEAN sắp tới hay không, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nêu rõ: Trên thực tế có sự khác biệt giữa Trung Quốc và một số nước ASEAN về tranh chấp trên Biển Đông, nhưng tranh chấp đó đã được Trung Quốc và ASEAN thảo luận và đã đưa ra được Tuyên bố về cách ứng xử của các bên có liên quan ở Biển Đông (DOC). Ba nội dung chính của DOC gồm: Thứ nhất, các bên liên quan phải giữ nguyên hiện trạng, không làm phức tạp thêm tình hình. Thứ hai, mọi tranh chấp phải được giải quyết bằng biện pháp hòa bình trên cơ sở luật pháp quốc tế, nhất là UNCLOS, không đe dọa và sử dụng vũ lực. Và, thứ ba là các bên liên quan bảo đảm tự do, an toàn, an ninh hàng hải, hàng không trên Biển Đông.
Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện DOC, các nước nhận thấy rằng, DOC chưa đủ điều kiện và hiệu lực để bảo đảm hòa bình, nên cần phải được đẩy lên mức ràng buộc cao hơn thành Bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC)… Mới đây tại thành phố Tô Châu của Trung Quốc, Trung Quốc và ASEAN đã lần đầu tiên đồng ý sẽ họp về COC. Đây là bước đầu tiên tiến tới COC rất đáng khích lệ. Để có COC sẽ phải trải qua cả một tiến trình phức tạp, nhưng rõ ràng bước đầu đã có tiến triển. Có COC sẽ có hòa bình, ổn định, tự do hàng hải ở Biển Đông, vì lợi ích không chỉ của các nước trong khu vực mà của cả các nước khác trên thế giới, nhất là khi ½ lượng hàng hóa của thế giới được vận chuyển qua khu vực Biển Đông. Mọi xung đột khi xảy ra ở Biển Đông đều gây ảnh hưởng tới toàn cầu…
Một câu hỏi khác của Reuters: Chúng tôi hiểu rằng, sẽ là rất tốt nếu các bên ngồi lại được với nhau. Nhưng, Việt Nam và các nước ASEAN có đặt ra giới hạn không thể vượt qua trong vấn đề Biển Đông?
Trả lời câu hỏi này, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng khẳng định, đó chính là vấn đề chủ quyền. Mọi nước khác trên thế giới đều đặt ra giới hạn và coi đó là giới hạn đỏ không ai được phép vượt qua.
BDN (nguồn: QĐND và BBC)