Friday, January 3, 2025
Trang chủNhìn ra thế giớiCam Ranh: Dễ đi, khó trở lại!

Cam Ranh: Dễ đi, khó trở lại!

Giới quan chức quốc phòng Nga đã không ít lần bày tỏ sự tiếc nuối quyết định rút lui khỏi Cam Ranh của Nga vào năm 2002.

Cảng Cam Ranh dưới thời hải quân Mỹ sử dụng làm căn cứ quân sự.

Vì sao Nga coi trọng căn cứ Cam Ranh?

Từ trước đến nay đã có rất nhiều chuyên gia quân sự, quan chức quốc phòng Liên Xô/Nga bình luận về vai trò của cảng Cam Ranh và thống nhất nhận định rằng, quân cảng này có vai trò rất quan trọng trong chiến lược quân sự của Nga ở châu Á-Thái Bình Dương.

Hiện nay, Hạm đội Thái Bình Dương của Nga vốn là một công cụ quân sự-ngoại giao và đảm bảo sự an toàn cho hoạt động thương mại. Sự lớn mạnh của hạm đội là cơ sở cho sự phát triển của các khu vực phía Đông của Liên bang Nga, nơi tập trung nhiều cường quốc hải quân.

Cựu Tham mưu trưởng Hải quân Nga, Đô đốc Viktor Kravchenko nhận định, trong bối cảnh đó, một cơ sở hậu cần-kỹ thuật hải quân quan trọng đặt tại Vịnh Cam Ranh là nhu cầu cấp thiết đối với hải quân Nga.

Cụ thể, căn cứ hải quân ở Cam Ranh rất cần cho tàu thuyền của hải quân Nga để bảo vệ sự lưu thông của các tàu biển, chẳng hạn như tàu cung cấp phương tiện vật chất từ Vladivostok đến Ấn Độ Dương.

Chuyên gia quân sự nhận xét rằng, không giống như Hoa Kỳ, hiện đang sở hữu hơn 800 căn cứ trên khắp thế giới (trên tổng số gần 1000 căn cứ quân sự mà các nước trên thế giới lập ở nước ngoài), cơ sở quân sự thuộc quyền sử dụng của Liên bang Nga ở nước ngoài hiện chỉ có căn cứ Tartus/Syria.

Ý kiến của ông Kravchenko được sự tán thành của cựu Phó Tham mưu trưởng Hải quân, Phó Đô đốc Vladimir Pepeliaev. Theo lời ông, Hạm đội Thái Bình Dương đang cần đến căn cứ ở Việt Nam trên hành trình sang Ấn Độ Dương, như một điểm dừng giữa chặng.

Vào năm 2002, Nga đã rút khỏi Cam Ranh, khi đó đã rất nhiều cựu quan chức quốc phòng Liên Xô đã bày tỏ sự tiếc nuối về quyết định quyết định sai lầm này, và hiện nay quả nhiên là Moscow mong muốn trở lại. Những tiền đề cho việc này đã xuất hiện từ trước khi quan hệ của Nga với phương Tây xấu đi trầm trọng.

Các quan chức Nga nhiều lần lưu ý rằng, những thay đổi tình hình quốc tế gần đây buộc Nga có những biện pháp cần thiết để bảo vệ lợi ích quốc gia. Các câu hỏi về việc khôi phục các căn cứ của Nga ở Việt Nam đã được Điện Kremlin gửi tới Bộ Quốc phòng.

Khả năng Nga trở lại được đề cập trong cuộc gặp năm 2012 của Thủ tướng Chính phủ hai nước. Vào năm 2013, hai bên đã đạt được thỏa thuận cùng có lợi về việc sử dụng vịnh Cam Ranh, đến năm 2014 Hà Nội và Moscow tiếp tục tiến thêm một bước là đơn giản hóa các thủ tục cho tàu chiến Nga sử dụng dịch vụ tại căn cứ này.

Cũng trong năm đó, Nga và Việt Nam đã ký thỏa thuận về việc thành lập tại Cam Ranh trạm liên doanh bảo dưỡng và sửa chữa tàu ngầm. Cảng Cam Ranh cũng là nơi tiếp nhận 4 chiếc tàu ngầm đầu tiên trong số 6 tàu do Việt Nam đặt mua của Nga.

Ngoài trạm hậu cần-kỹ thuật hải quân ở Cam Ranh, hiện Nga cũng đang triển khai ở sân bay của căn cứ này các máy bay tiếp dầu trên không Il-78, phục vụ cho việc tiếp nhiên liệu cho máy bay ném bom chiến lược Tu-95MS, trong các chuyến tuần tra tầm xa ở Thái Bình Dương.

Cam Ranh có vị thế địa-chính trị vô cùng quan trọng không chỉ ở Biển Đông mà còn trên toàn khu vực châu Á-Thái Bình Dương. Tuy tiếc nuối nhưng nhiều chuyên gia Nga nhận định rằng: “Cam Ranh đi thì dễ nhưng rất khó để quay trở lại”.

Vừa qua, trả lời những thông tin về việc Bộ Quốc phòng Nga có tin cho rằng, Moscow đang xem xét vấn đề đưa Hải quân Nga trở lại Cam Ranh, Bộ Ngoại giao Việt Nam tuyên bố, Hà Nội không đồng ý triển khai căn cứ quân sự của nước ngoài trên lãnh thổ của mình.

Chuyên gia Nga Konstantin Makienko bình luận rằng, mặc dù Việt Nam vẫn kiên trì nguyên tắc “ba không” nhưng Hà Nội vẫn có phần liên quan với Nga trên bình diện cung cấp vũ khí, với vai trò là nhà cung cấp chủ yếu các trang bị quốc phòng cho Việt Nam.

Theo vị Phó Giám đốc Trung tâm Phân tích Chiến lược và Công nghệ Nga, quan hệ hợp tác Nga-Việt được thừa kế từ truyền thống hợp tác hữu nghị Việt-Xô hàng mấy thập kỷ, nó không phải là thứ có thể một sớm một chiều nhanh chóng chấm dứt.

Tuy nhiên, phần lớn các chuyên gia quân sự nước này nhận xét rằng, mặc dù trên thực tế Hà Nội đang tích cực hợp tác với Moscow trên bình diện cung cấp vũ khí, nhưng lập trường của Việt Nam về vấn đề căn cứ quân sự khó lòng thay đổi được.

Trong lĩnh vực quân sự, Hà Nội và Washington cũng đang hợp tác ngày càng tích cực hơn, mới đây Mỹ cuối cùng cũng đã dỡ bỏ cấm vận vũ khí với Việt Nam, sắp tới Hà Nội có thể nhận được tàu chiến Mỹ để bảo vệ bờ biển” – chuyên gia Nga Anton Tsvetov cho biết.

Ông nhận định rằng, hiển nhiên là sự xích gần của Việt Nam và Hoa Kỳ sẽ khiến Trung Quốc cảm thấy căng thẳng. Do đó, từ góc độ quan điểm chính trị, hợp tác quân sự với Nga luôn an toàn hơn, bởi Moscow và Bắc Kinh dù sao cũng có quan hệ rất tốt, lại có chung đối thủ là Mỹ.

Nhưng vị chuyên gia của Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược nhận xét, nguyên tắc bất biến “ba không” mà Việt Nam đang tuân thủ có ưu điểm tuyệt đối là cho phép đất nước không rơi vào sự lệ thuộc bởi các cường quốc và tránh tham dự vào cuộc đối đầu theo khối.

“Tôi không nghĩ rằng sau tuyên bố của ông Lê Hải Bình thì phía Nga sẽ có phản ứng chính thức gì, bởi từ lâu, lập trường của Việt Nam về việc không cho phép triển khai căn cứ quân sự của nước ngoài trên lãnh thổ của mình là vấn đề có tính nguyên tắc” – chuyên viên Tsvetov nhận định.

Vị chuyên viên này nhận định, bản chất của vấn đề nằm ở điểm Việt Nam không muốn mình trở thành quân cờ trong thế cục đấu đá của các siêu cường, đồng thời tránh để mâu thuẫn với nước láng giềng khổng lồ phát triển đến độ không thể kiểm soát được.

Việt Nam đang khéo léo sử dụng cơ sở hạ tầng ở Cam Ranh để cung cấp hậu cần, sửa chữa-kỹ thuật, nạp nguyên liệu cho các tàu chiến nước ngoài, trong đó có tàu chiến Nga. Tàu chiến của Mỹ, Nhật và những quốc gia khác cũng cập cảng này theo thỏa thuận đã thông qua với phía Việt Nam.

Việc Việt Nam lập Cảng quốc tế Cam Ranh để phục vụ cho các tàu thuyền nước ngoài đã cho thấy, tính đến chuyện bố trí căn cứ quân sự tại đó là rất khó, bởi mục đó không bao giờ được đưa vào chương trình nghị sự của Việt Nam -chuyên viên Anton Tsvetov tin chắc như vậy.

RELATED ARTICLES

Tin mới