Bản tin Biển Đông ngày 20/10/2016.
Ông Duterte tại Bắc Kinh. Ảnh: Reuters.
1) Vì lý do chỉ là “khách mời”, Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte tuyên bố sẽ không chủ động đề cập đến vụ kiện Trọng tài Biển Đông.
Ngày 19/10, các trang GMA News, Phil Star, Reuters, ABC News, Bưu điện Hoa Nam buổi sáng, The Strait Times… đưa tin:
Ngày 19/10, tại cuộc họp báo ở Bắc Kinh, Tổng thống Philippines Rodrigo tuyên bố ông sẽ không phải là người chủ động nêu ra vấn đề Phán quyết Tòa Trọng tài quốc tế về vụ kiện Biển Đông trong các cuộc thảo luận trong chuyến thăm Bắc Kinh lần này để tránh “thúc ép quá mạnh” và thể hiện “phép lịch sự và thiện chí cơ bản” giữa “khách” và “chủ nhà”. Theo nguồn tin từ điện Malacañang, ông Duterte sẽ không chủ động đề cập đến vấn đề Phán quyết trong cuộc gặp với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình nhưng “sẽ đưa ra câu trả lời nếu được hỏi”. Liên quan đến vấn đề bãi cạn Scarborough, ông Duterte sẽ gửi thông điệp đến phía Trung Quốc là khẳng định quyền đánh cá của ngư dân Philippines ở bãi cạn này, nhưng nhấn mạnh rằng “sẽ không tạo ra sự áp đặt gì”. Tuy nhiên trước đó, ông Duterte vẫn khẳng định vấn đề Biển Đông nằm trong số rất nhiều vấn đề sẽ trao đổi trong cuộc gặp với các quan chức đứng đầu chính phủ Trung Quốc, bên cạnh vấn đề quyền đánh cá truyền thống, an toàn và tự do hàng hải, cũng như an ninh của khu vực.
Ông Alberto Encomienda, chuyên gia về an ninh biển, nguyên là Vụ trưởng Vụ các vấn đề Biển và Đại dương, Bộ Ngoại giao Philippines nhận định, đằng sau những tuyên bố về vấn đề Biển Đông tưởng chừng “rắc rối”, chính quyền Tổng thống Duterte đang có một cách làm “khôn ngoan hơn” và “mang tính xây dựng” nhằm tách bạch hai vấn đề địa chính trị và địa kinh tế khi tiếp cận với Trung Quốc và cho rằng “Chính quyền này đang thành công”. Trong bài trình bày về các đề xuất nhằm duy trì tự do hàng hải ở Biển Đông tại Hội thảo về “An ninh môi trường và hàng hải vì một Biển Đông xanh” tổ chức ở Hải Phòng, Việt Nam hồi giữa tháng 10, ông Encomienda khẳng định một giải pháp dựa trên khía cạnh địa kinh tế sẽ dễ đạt được và có thể triển khai được ngay lập tức, đặt bên ngoài các vấn đề chính trị/chủ quyền, cho phép các bên thể hiện thiện chí và quyết tâm chính trị.
2) Trung Quốc đang lợi dụng khái niệm “Bảo vệ sinh thái” để thúc đẩy các yêu sách trên các vùng biển tranh chấp
Ngày 19/10, hãng tin VOA News đưa tin:
Việc Trung Quốc công bố mục tiêu bảo vệ hố sâu đại dương (mà Trung Quốc gọi là Hố Rồng) ở khu vực Hoàng Sa cho thấy nước này đang nỗ lực tạo ra một động thái mới nhằm siết chặt hơn nữa sự kiểm soát đối với Biển Đông bởi họ chỉ tìm cách “bảo vệ” thay vì tạo điều kiện để phát triển hố sâu này. Cụ thể, hồi đầu tháng 10, chính quyền “thành phố Tam Sa” đã thông báo trên website của thành phố này yêu cầu các hoạt động du lịch, đánh cá và các nhóm nghiên cứu chưa được cho phép phải tránh xa khu vực hố sâu có độ sâu 301 mét.
Ông Andrew Yang, Tổng thư ký Hội đồng Viện Nghiên cứu Chính sách cao cấp Trung Quốc tại Đài Loan cho biết, lệnh cấm này của chính quyền “thành phố Tam Sa” đã vạch trần mưu đồ của Trung Quốc nhằm củng cố hơn nữa các yêu sách biển vì ông cho rằng “bảo vệ môi trường không nằm trong các vấn đề ưu tiên của Trung Quốc”, trái lại, “vấn đề chủ quyền mới là ưu tiên hàng đầu trong các lợi ích của nước này, bởi vậy chắc chắn việc bảo vệ hố sâu sẽ liên quan nhiều hơn đến vấn đề chủ quyền”. Như vậy, có thể thấy phía Trung Quốc đang tìm cách sử dụng lệnh cấm núp dưới cái tên “bảo vệ hố sâu” nhằm ngăn chặn được những chỉ trích quốc tế về hành động bành trướng trên biển của Trung Quốc như các hoạt động bồi đắp đảo nhân tạo.
Không những vậy, theo Fabrizio Bozzato, một cộng tác viên nghiên cứu chuyên ngành quan hệ quốc tế, Đại học Tamkang, Đài Loan, kế hoạch “bảo vệ hố sâu” của Trung Quốc có thể còn có một cái tên khác là “một cơ hội để tuyên truyền”. Ông vạch rõ “Trung Quốc đang phải triển khai sáng kiến ngoại giao công chúng” bởi “họ đang gây tổn hại nghiêm trọng đến các khu vực khác trên Biển Đông, với những hành động bồi đắp cát trên các đảo và đá, những hành động người Trung Quốc gây ra làm suy giảm một lượng lớn các loài sinh vật trên Biển Đông”.
Nguy hiểm hơn, ông Yun Sun, chuyên gia cao cấp cộng tác với chương trình Đông Á thuộc Trung tâm Stimson của Mỹ, lên tiếng cảnh báo, hành động bảo vệ môi trường “độc quyền” đối với hố sâu và “hệ sinh thái đảo san hô lân cận” như truyền thông Trung Quốc đã đưa chính là cách để phía Trung Quốc tuyên truyền sai lệch và vô căn cứ về chủ quyền đối với Hoàng Sa, rằng “Hoàng Sa thực sự là của Trung Quốc, Trung Quốc có được Hoàng Sa không phải bằng hành động chiếm đoạt bằng vũ lực từ Việt Nam mà là bằng việc “đang quản lý” quần đảo này”. Tuy nhiên, trên thực tế các yêu sách đối với quyền lịch sử của Bắc Kinh trên Biển Đông đã bị bác bỏ hoàn toàn bởi Phán quyết Tòa Trọng tài quốc tế giữa Philippines và Trung Quốc hồi tháng 7.
3) Trung Quốc sẽ cho phép các ngư dân Philippines tiếp cận bãi cạn Scarborough
Ngày 19/10, hãngReuters và Sydney Morning Herald đưa tin:
Theo hai nguồn tin thân cận với giới lãnh đạo Trung Quốc cho biết, Trung Quốc sẽ cân nhắc “cho phép” các ngư dân Philippines được tiếp cận “một cách có điều kiện” các vùng biển trên Biển Đông sau cuộc gặp giữa hai nhà lãnh đạo của Philippines và Trung Quốc. Tuy nhiên khi được hỏi “các điều kiện đó là gì”, nguồn tin không khẳng định câu trả lời mà chỉ tiết lộ được rằng “hai nước sẽ thành lập các nhóm làm việc để đi sâu vào chi tiết”. Trong khi đó, một nguồn tin khác lại khẳng định, “quyết định này sẽ khiến thời kỳ Arroyo sống lại”, ám chỉ thời kỳ cựu Tổng thống Gloria Macapagal Arroyo (2001-2010) khi ngư dân của cả hai nước đều được đi vào vùng biển gần bãi cạn Scarborough. Mặt khác, các nguồn tin cho hay, nếu hai bên đạt được nhất trí, hợp tác nghề cá sẽ trở thành một trong mười hiệp định khung sẽ được ký kết trong chuyến thăm của Tổng thống Duterte tới Trung Quốc. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện nay, Bộ Ngoại giao Philippines vẫn cho biết “không có bình luận gì” về việc này.
4) Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc “lộng ngôn”: về vấn đề Biển Đông, Mỹ phải biết “nhìn về tương lai”
Ngày 19/10, tờ Trung Hoa Nhật báo đưa tin:
Ngày 19/10, đáp trả lại phát biểu của Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton Carter về việc Trung Quốc có nguy cơ bị cô lập trong các vấn đề biển, Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh lớn tiếng phản pháo rằng các quan chức Mỹ “cần phải nhìn về tương lai” bởi vấn đề Biển Đông đang “tiến triển theo hướng tích cực”. Không chỉ vậy, bà Hoa còn chỉ trích một cách vô căn cứ: “Một số người ở Mỹ đang trở thành “tác nhân tiêu cực” đối với vấn đề Biển Đông vốn đã thay đổi theo hướng tích cực “nhờ” những nỗ lực chung của Trung Quốc và các nước ASEAN”, gián tiếp lên án Mỹ “áp đặt ý chí của mình lên các nước khác” và mỉa mai nước này “luôn chỉ biết sống bám vào quá khứ”. Trong khi đó, để phủ nhận lời bình luận của Bộ trưởng Ashton Carter, bà này đã tự phong cho Trung Quốc là “vị quán quân kiên trường”, “thành viên có đóng góp tích cực” cho thượng tôn pháp luật quốc tế và cho các quy phạm cũng như trật tự của thế giới.