Philippines và Trung Quốc không nhắc gì đến phán quyết của tòa quốc tế và đồng ý tái đàm phán song phương về tranh chấp ở Biển Đông. Ngoài ra, Manila và Bắc Kinh nghiên cứu khả năng cùng thăm dò và khai thác dầu khí ở Biển Đông.
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình (phải) tiếp Tổng thống Philippines R. Duterte tại Bắc Kinh ngày 20/10
Đó là hai nội dung chính đạt được trong chuyến thăm Trung Quốc 4 ngày của Tổng thống Philippines Duterte. Trong buổi tiếp Tổng thống Duterte ngày 20/10, Chủ tịch Tập Cận Bình cho rằng vấn đề tranh chấp lãnh hải tại khu vực Biển Đông, mà Manila gọi là Biển Tây Philippines và Bắc Kinh gọi là Nam Hải, không phải là tổng thể của mối quan hệ song phương Trung- Philippines.
Theo lời Thứ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Lưu Chấn Dân, hai phía đồng ý trở lại với phương sách được sử dụng cách đây 5 năm là tìm kiếm giải pháp cho vấn đề tranh chấp lãnh hải giữa đôi bên thông qua đối thoại.
Cuộc đối thoại này đã bị đình chỉ sau khi Trung Quốc chiếm giữ bãi cạn Scarborough của Philippines và nhất là kể từ khi người tiền nhiệm của ông Duterte là Tổng thống Begnino Aquino kiện Trung Quốc ra Tòa Trọng tài Thường trực về tranh chấp Biển Đông.
Nếu đúng là Philippines và Trung Quốc nối lại đối thoại về Biển Đông, đây sẽ là một thắng lợi ngoại giao của Bắc Kinh sau khi Tòa Trọng tài, hồi tháng 7/2016, ra phán quyết bác bỏ những đòi hỏi chủ quyền của Trung Quốc ở Biển Đông.
Hãng thông tấn AP cho biết không thể liên lạc được giới chức ngoại giao Philippines để có bình luận về tin mà phía Trung Quốc đưa ra như vừa nêu.
Trước chuyến công du của Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte đến Trung Quốc, Bắc Kinh nói sẽ xem xét việc cho ngư dân trở lại đánh bắt hải sản trong khu vực bãi cạn Scaborough mà phía Trung Quốc chiếm từ Philippines vào năm 2012. Về phía Tổng thống Duterte, ông khẳng định sẽ nêu vấn đề về phán quyết của tòa và đề nghị Bắc Kinh cho phép ngư dân Philippines trở lại Scaborough với chủ tịch họ Tập. Nhưng trong cuộc gặp tại thủ đô Bắc Kinh, hai ông Tập Cận Bình và Rodrigo Duterte không thảo luận vấn đề vừa nêu.
Trước đó, báo The Inquirer hôm 19/10 cho biết Philippines sẽ hợp tác với Trung Quốc để thăm dò các nguồn năng lượng tại Biển Đông. Các quan chức chính quyền Tổng thống Rodrigo Duterte đã đàm phán với các đối tác Trung Quốc để hoàn tất một thỏa thuận cho phép 2 nước hợp tác thăm dò dầu mỏ, khí đốt tại vùng biển đang tranh chấp. Một quan chức chính phủ Philippines giấu tên tiết lộ Bắc Kinh và Manila đang trong quá trình hoàn tất thỏa thuận và sẽ đạt được kết quả sớm hơn so với dự kiến.
Một quan chức khác trong phái đoàn thăm Trung Quốc của Tổng thống Duterte nói rằng thỏa thuận yêu cầu 2 nước thăm dò dầu khí ở khu vực gần lãnh thổ Philippines, tránh xa các đảo nhân tạo Trung Quốc xây dựng phi pháp ở Biển Đông như một cách thể hiện lòng tin giữa 2 bên. Quan chức này cho biết “2 nước sẽ không động chạm tới vấn đề chủ quyền khi tiến hành thăm dò”. Đợi khi quan hệ giữa Bắc Kinh và Manila trở nên cởi mở, họ sẽ thảo luận về việc thăm dò “các lĩnh vực nhạy cảm hơn” xung quanh Biển Đông.
Tóm lại, với chuyến thăm Bắc Kinh vừa qua, Tổng thống Duterte gần như đã xóa sạch những gì chính quyền tiền nhiệm đã làm với Trung Quốc, nhất là liên quan tới phán quyết về Biển Đông. Ông Duterte đã khôn khéo không nhắc tới phán quyết của tòa nhưng bằng việc tái lập đối thoại song phương về tranh chấp ở bãi cạn Scaborough, Philippines muốn tái lập quan hệ với Trung Quốc như 5 năm trước. Nhưng điều đáng nói là khi đó Manila nắm quyền kiểm soát bãi cạn Scaborough còn giờ thì Bắc Kinh đang kiểm soát. Để đổi lại sự “nhượng bộ” này, Chủ tịch Tập Cận Bình thông báo Trung Quốc sẽ “tích cực tham gia” vào việc xây dựng cơ sở hạ tầng: đường sắt, xa lộ, hải cảng cho Philippines, những công trình tối cần thiết cho sự phát triển của quốc gia quần đảo này. Ông Tập Cận Bình còn cam kết sẽ thúc đẩy các doanh nghiệp Trung Quốc đầu tư nhiều hơn vào Philippines và khuyến khích dân Trung Quốc đi du lịch đến nước này.
Còn nhớ trước khi Tổng thống Duterte sang Trung Quốc, một thẩm phán tòa tối cao của Philippines tuyên bố rằng nếu ông Duterte dâng bãi cạn Scaborough cho Bắc Kinh thì ông có thể đối mặt với khả năng bị phế truất theo luật. Với những gì ông Duterte vừa làm, không hiểu tòa án tối cao Philippines sắp tới sẽ diễn giải như thế nào.