Bản tin Biển Đông ngày 25/10/2016.
Indonesia đang có thấy một lập trường không ngại đối đầu với Trung Quốc trong vấn đề Biển Đông.
1) Indonesia quyết tâm bảo vệ “sân trước” hướng ra Biển Đông
Ngày 24/10, báo New Delhi Times đăng tải bài viết :
Trong bối cảnh các tàu cá của Trung Quốc liên tục xâm phạm vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của quần đảo Natuna thuộc Tỉnh đảo Riau, Indonesia trong suốt 4 tháng gần đây, Indonesia đang thể hiện lập trường cứng rắn và quyết tâm hơn hơn để bảo vệ các vùng biển mà nước có quyền khai thác tài nguyên này. Đồng thời, qua đó củng cố vị thế trong khu vực và là một phần trong các nỗ lực cấp thiết để bảo vệ lãnh thổ. Ba cuộc đụng độ gần đây giữa Trung Quốc và Indonesia, là lý do buộc chính phủ của Jakarta có cách tiếp cận chủ động hơn nhằm bảo vệ các vùng biển trước sự xâm phạm từ phía Trung Quốc, và điều này nhất định sẽ tạo ra những chuyển biến mạnh mẽ đối với cục diện tranh chấp Biển Đông.
Chính quyền Tổng thống Widodo đang quyết liệt ngăn ngừa các tàu thuyền nước ngoài đánh cá trái phép trên các vùng biển của Indonesia. Tuy nhiên, theo tác giả phân tích, chiến dịch cứng rắn của Indonesia dường như không tỏ ra hiệu quả đối với Trung Quốc, chỉ có tác động nhất định đến một nước khác trong khu vực. Cậy là một trong những đối tác thương mại lớn nhất của Indonesia, Bắc Kinh vẫn tiếp tục để các tàu đánh cá xâm phạm vùng EEZ của quần đảo Natuna. Trước đây, giữa Indonesia và Trung Quốc cũng đã có tranh chấp về quần đảo này vào năm 1993 khi Indonesia bác bỏ bản đồ do Trung Quốc công bố nhằm yêu sách các quyền đối với mỏ khí gas nằm phía Bắc quần đảo, thuộc phạm vi EEZ của quần đảo, dù Indonesia không chính thức thừa nhận tranh chấp này với Trung Quốc. Tuy nhiên, mới đây, Tổng thống Joko Widodo đã chính thức lên tiếng bác bỏ yêu sách đường lưỡi bò do Trung Quốc đưa ra chồng lấn với EEZ của nước này, tuyên bố đường này không có giá trị theo luật pháp quốc tế.
Để thực hiện quyết tâm bảo vệ lãnh thổ, Indonesia sẽ xây dựng các cơ sở quân sự, đánh cá và năng lượng trên quần đảo Natuna nhằm triển khai chiến lược tương tự với các bên tranh chấp ở Biển Đông. Đối với Indonesia, việc bảo vệ quần đảo Natuna, dù quần đảo này nằm xa các đảo chính và diện tích cũng không phải là lớn, là vô cùng quan trọng đối với việc thực thi quyền kiểm soát lãnh thổ và khẳng định vị thế của nước này trên các tuyến đường biển ở châu Á. Minh chứng gần đây nhất cho những nỗ lực thực hiện quyết tâm này của Indonesia là đích thân Tổng thống Widodo đã tới thăm đảo và cam kết thúc đẩy các lĩnh vực quốc phòng, đánh bắt cá và sản xuất khí gas tự nhiên tại khu vực. Các trang thiết bị quân sự cũng được tăng cường đáng kể tại căn cứ quân sự Ranai trên quần đảo Natuna với việc bổ sung thêm nhiều tàu, các chiến đấu cơ Sukhoi và thậm chí là các trực thăng Apache của Mỹ…Bài báo đưa ra dự đoán rằng không sớm thì muộn, Indonesia sẽ trực tiếp đứng ra và tuyên bố một cách nghiêm túc nghiêm túc về các vấn đề của nước này với Bắc Kinh về lập trường trên Biển Đông.
2) Báo The Yomiuri Shimbun kêu gọi Tổng thống Philippines Duterte tôn trọng Phán quyết Tòa Trọng tài quốc tế vụ kiện Biển Đông
Ngày 24/10, tạp chí The Straits Times đăng tải lại bài báo đăng trên The Yomiuri Shimbun của Nhật Bản ngày 23/10:
Lo ngại trước những phát biểu của ông Duterte sau cuộc gặp với Chủ tịch Tập Cận Bình sau chuyến thăm Trung Quốc, báo này đã lên tiếng kêu gọi phía Philippines, với tư cách là bên khởi kiện trong vụ kiện Trọng tài Biển Đông, cần khẳng định tầm quan trọng của “thượng tôn pháp luật” dựa trên những chiến thắng có được từ Phán quyết nhằm ngăn chặn mưu đồ biến Biển Đông thành “thành trì quân sự” của Trung Quốc và bảo vệ “tự do hàng hải” ở Biển Đông. Tờ báo này cũng cảnh báo rằng nếu Philippines ngầm chấp nhận những nỗ lực nhằm thay đổi hiện trạng ở Biển Đông để đổi lấy sự giúp đỡ về mặt kinh tế của Bắc Kinh, điều đó sẽ gây ra nhiều rắc rối nghiêm trọng không thể tránh trong tương lai, không chỉ tác động tiêu cực đến lợi ích quốc gia của Philippines và còn ảnh hưởng đến hòa bình và ổn định ở khu vực. Bài báo cũng chỉ ra rằng, lý do chính khiến Duterte đột nhiên “nghiêng về Trung Quốc” và “xa rời Mỹ” là vì chiến dịch truy quét tội phạm ma túy của ông bị cả Mỹ và Liên hợp quốc phản đối mạnh mẽ, ngoại trừ Trung Quốc. Điều này làm dấy lên lo ngại rằng vị thể của ông Duterte ở trong nước sẽ suy giảm, đồng thời môi trường đầu tư và chính sách tăng trưởng kinh tế do chính quyền trước xây dựng cũng sẽ bị ảnh hưởng.
3) Philippines muốn Trung Quốc có động thái đi trước trong vấn đề Biển Đông
Ngày 24/10, trang ABS-CBN đưa tin:
Trong một cuộc phỏng vấn với hãng tin ABS-CBN trong chương trình “Umagang Kay Ganda.”, Ngoại trưởng Philippines Perfecto Yasay kêu gọi phía Trung Quốc cần có động thái đi trước trong việc tiến hành thảo luận về các vấn đề quan trọng nhằm giải quyết tranh chấp giữa hai nước trên Biển Đông “sớm nhất có thể”. Ông cũng bày tỏ hy vọng rằng, “trong vài tuần tới, phía Bắc Kinh sẽ có một số hành động cho thấy thiện chí hướng đến khả năng giải quyết tranh chấp giữa hai nước một cách hòa bình”. Ông Yasay khẳng định, trong chuyến thăm Trung Quốc tuần trước, Tổng thống Duterte đã nhấn mạnh trước các nhà lãnh đạo Trung Quốc rằng ông sẽ tuân thủ Phán quyết Tòa Trọng tài vụ kiện Biển Đông trong khi vẫn tăng cường quan hệ kinh tế với Trung Quốc, và do đó, cuộc thảo luận về vấn đề giải quyết tranh chấp Biển Đông với Trung Quốc sẽ không nằm ngoài khuôn khổ nội dung Phán quyết. Ngoài ra, ông cho biết hai nước sẽ tiếp tục thúc đẩy quan hệ thương mại do những vấn đề tranh chấp lãnh thổ còn đang nhức nhối không bao trùm lên toàn bộ quan hệ Philippines và Trung Quốc, một quan điểm của ông Duterte mà Ngoại trưởng Yasay đánh giá là “bình đẳng, công bằng và khách quan”. Trong khi đó, ông Yasay cũng nhấn mạnh rằng, “việc Philippines tăng cường quan hệ với Trung Quốc, với các nước ASEAN cũng như các quốc gia châu Á khác không có nghĩa rằng nước này sẽ “chống lại” hay làm suy yếu quan hệ hữu nghị với Mỹ”, đồng thời khẳng định một lần nữa rằng Mỹ vẫn là đồng minh hiệp ước duy nhất của Manila vì ông Duterte sẽ không mở rộng các hiệp ước về an ninh với Trung Quốc hay nước nào khác.
4) Ngoại trưởng Yasay khẳng định: Những tuyên bố “không chuẩn bị trước” của ông Duterte “không có ý nghĩa ràng buộc”
Ngày 25/10, trang InterAksyon đưa tin:
Trong một cuộc phỏng vấn trên đài radio, Ngoại trưởng Philippines Perfecto Yasay khẳng định các phát biểu “không chuẩn bị trước” của Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte không có ý nghĩa ràng buộc. Ông nhấn mạnh, chính sách đối ngoại của Philippines vẫn nhằm mục đích thúc đẩy Phán quyết của Tòa Trọng tài quốc tế vụ kiện Biển Đông “trong phạm vi Hiến pháp … và không thỏa hiệp bất cứ yêu sách nào của Philippines”. Phát biểu này của ông Yasay được đưa ra trước việc Thẩm phán Tòa án Tối cao Antonio Carpio kêu gọi chính quyền Tổng thống Duterte cần khẳng định cho đúng sự thật lịch sử để tránh gây tổn hại cho đất nước, sau khi ông Duterte trả lời phỏng vấn hãng Channel News Asia ngày 19/10 rằng “trải qua rất nhiều thế hệ Trung Quốc chưa từng lấy đi một miếng đất nào của Philippines”. Ông Yasay xác nhận, trong cuộc tiếp xúc giữa ông Duterte và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, ông Duterte vẫn giữ vững lập trường dựa trên cơ sở các yêu sách lãnh thổ của Philippines ở Biển Đông, hai bên cũng đã nhất trí rằng trong khi chưa tìm được giải pháp nào đối với tranh chấp Biển Đông, sẽ hợp tác tăng cường quan hệ trong các lĩnh vực thương mại và đầu tư. Ông Yasay kêu gọi Thẩm phán Carpio nên trực tiếp trao đổi với Tổng thống Duterte về các quan điểm pháp lý của ông và tránh công khai những đánh giá của ông với dư luận bởi chúng sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến công việc của Tổng thống.