Monday, November 18, 2024
Trang chủBiển nóngKhó có khả năng Trung Quốc trả bãi cạn Scarborough cho Philippines

Khó có khả năng Trung Quốc trả bãi cạn Scarborough cho Philippines

Các cấp chính quyền địa phương và lập pháp Philippines đang gia tăng sức ép lên Tổng thống Duterte về việc ông “năn nỉ” Trung Quốc cho ngư dân trở lại ngư trường Scarborough đánh bắt trong chuyến thăm Bắc Kinh tuần trước. Trong khi đây là khu vực vốn do Philippines quản lý từ lâu nhưng mới bị Trung Quốc chiếm vào năm 2012.

Ảnh vệ tinh của bãi cạn Scarborough

Hôm 26/10, đại biểu Quốc hội Harry Roque cho biết Philippines không chấp nhận đề xuất của Trung Quốc “cho phép” ngư dân Philippines hoạt động trở lại trong vùng biển chung quanh bãi cạn Scarborough. Lý do là vì điều này đi ngược lại với phán quyết của được Tòa án Trọng tài hôm 12/7/2016. Theo đó, Scarborough không thuộc chủ quyền của bất kỳ quốc gia nào.

Đài Loan, Philippines và Trung Quốc đều tuyên bố chủ quyền đối với Scarborough. Đài Loan và Trung Quốc xem bãi cạn này là một phần của quần đảo Trung Sa. Philippines thì cho rằng họ đã thực thi chủ quyền của mình với bãi cạn này từ năm 1965 bằng cách xây một ngọn hải đăng bằng sắt tại đây. Philippines cũng cho rằng bãi cạn này hoàn toàn nằm trong vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý được Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật biển công nhận. Kể từ năm 1997, Philippines đòi chủ quyền đối với bãi cạn. Nhưng tháng 6/2012, Trung Quốc đã chiếm thành công bãi cạn Scarborough từ tay Philippines. Sau vụ này, Manila kiện Trung Quốc ra tòa quốc tế và đến ngày 12/7/2016 thì tòa phán không nước nào có quyền kiểm soát bãi cạn này. Điều này có nghĩa, đây vẫn là khu vực tranh chấp và ngư dân các nước tranh chấp có quyền đến đây đánh bắt. Nhưng thực tế từ năm 2012 đến nay, Trung Quốc ngăn cản không cho ngư dân của Philippines tiếp cận.

Khi lên nắm quyền, ông Duterte muốn làm hòa với Trung Quốc. Bắc Kinh như để “thưởng cho thái độ này” đã bắn tin rằng sẽ xem xét cho ngư dân Philippines trở lại Scarborough đánh bắt hải sản. Tuần trước, trong chuyến thăm Trung Quốc, Tổng thống Duterte đã bàn thảo với Chủ tịch Trung Quốc về vấn đề này nhưng đến nay (28/10), phía Bắc Kinh vẫn chưa có bất cứ trả lời nào.

Theo ông Roque, về mặt nguyên tắc, Philippines và Trung Quốc đã tìm được đồng thuận về các hoạt động đánh bắt thủy sản trong vùng biển này. Ông đề nghị thay vì sử dụng động từ “cho phép” ngư dân Philippines được hoạt động ở khu vực Scarborough, thì nên dùng động từ Trung Quốc “công nhận” quyền được đánh bắt của ngư dân Philippines trên một ngư trường chung.

Trong khi đó, ngày 25/10, một quan chức chính quyền tỉnh Pangasinan (địa bàn quản lý bãi cạn Scarborough trước đây) muốn Tổng thống Duterte cho thông báo bằng văn bản cụ thể là ngư dân Philippines từ giờ được phép hoạt động tại vùng biển xung quanh bãi cạn Scarborough.

Số là trong chuyến thăm nạn nhân thiên tai tại Tuguegarao, tỉnh Cagayan, đông bắc đảo Luzon, ngày 23/10/2016, Tổng thống Duterte nói với người dân địa phương: “Chúng ta chỉ còn chờ thêm vài ngày nữa là có thể quay lại bãi cạn Scarborough và ngư dân của chúng ta lại có thể đánh bắt ở vùng này”.

Phát biểu với báo Philippines Star, ông Jeremy Agerico Rosario, một quan chức địa phương, yêu cầu Tổng thống Duterte ra văn bản chính thức về thông tin trên. Ông nói: “Điều này nên được viết thành văn bản để các bên đều nắm rõ được. Cần được lập thành văn bản, do hai bên ký (Trung Quốc và Philippines), để ngư dân Pangasinan có thể tiếp tục cuộc sống của họ”. Tỉnh Pangasina, được chia thành nhiều huyện khác nhau, nằm ở phía tây đảo Luzon dọc theo vịnh Lingayen và Biển Đông. Vẫn theo quan chức địa phương trên, đa số người dân trong tỉnh sống bằng nghề đánh bắt. Tuy nhiên, từ khi Trung quốc kiểm soát bãi cạn Scarborough vào năm 2012, người dân Philippines bị cấm khai thác ở vùng giàu tài nguyên này.

Theo The Straits Times, điều cần theo dõi sắp tới đây không phải là động thái của ông Duterte, mà là của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. Nếu ông Tập không cho phép ngư dân Philippines trở lại ngư trường truyền thống của họ xung quanh bãi cạn Scarborough, điều đó nó sẽ chứng tỏ là ông bỏ rơi một người hâm mộ mới trong khối ASEAN, và như vậy sẽ giáng một đòn chính trị chí mạng trên đầu ông Duterte.

Nhưng trả bãi Scarborough lại cho Manila, là điều trước mắt không thể làm được cho dù đã có một phán quyết trọng tài có lợi cho Manila. Bởi vì Bắc Kinh sẽ phải cẩn trọng về những gì có thể xảy ra nếu chẳng may ông Duterte đột ngột rời khỏi chính trường, hay là bị cách chức. Dẫu sao thì Philippines, đã có một lịch sử lâu dài về các các cuộc đảo chính nối tiếp nhau.

RELATED ARTICLES

Tin mới