Tuesday, January 7, 2025
Trang chủNhìn ra thế giớiNhận định về việc Thủ tướng Malaysia thăm TQ

Nhận định về việc Thủ tướng Malaysia thăm TQ

Ông Najib Razak cũng muốn chứng tỏ với người dân Malaysia rằng, vẫn có những cường quốc trên thế giới sẵn sàng trải thảm đỏ đón mình.

Thủ tướng Malaysia Najib Razak và Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường, ảnh: says.com.

Thủ tướng Malaysia Najib Razak thăm chính thức Trung Quốc một tuần, bắt đầu từ ngày 30/10. Chuyến thăm thu hút sự chú ý khá lớn từ giới truyền thông và phân tích quốc tế, nó diễn ra sau chuyến thăm của Tổng thống Philippines hậu Phán quyết Trọng tài 12/7.

Ông Najib Razak đã có cuộc hội đàm chính thức với người đồng cấp nước chủ nhà Lý Khắc Cường hôm qua, và sẽ hội kiến với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình vào ngày mai, thứ Năm 3/11.

Củng cố hợp tác quan hệ song phương

The Japan Times ngày 2/11 cho biết, Trung Quốc và Malaysia khẳng định, hải quân hai nước sẽ hợp tác nhiều hơn ở Biển Đông nhạy cảm.

Thứ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Lưu Chấn Dân nói với báo giới:

“Chúng tôi cần phải tăng cường hợp tác hải quân giữa hai nước để đảm bảo hòa bình, ổn định ở Biển Đông và tăng cường tin cậy lẫn nhau giữa hai nước.”

Tháng trước ông Najib Razak cho biết, Malaysia sẽ không thỏa hiệp về yêu sách của nước này trên Biển Đông, nhưng muốn giải quyết tranh chấp thông qua đối thoại và đàm phán hòa bình.

Ông Lưu Chấn Dân nói rằng, Thủ tướng Najib Razak đã đồng ý với ông Lý Khắc Cường, cùng thúc đẩy hơn nữa việc giải quyết tốt vấn đề Biển Đông thông qua “đàm phán song phương”.

Thứ trưởng Ngoại giao Trung Quốc nói thêm, hai bên nhất trí tăng cường hợp tác trong lĩnh vực cơ sở hạ tầng, nông nghiệp, thương mại, đầu tư và thực thi pháp luật.

Hai bên sẽ làm việc cùng nhau để xây dựng một tuyến đường sắt cao tốc bờ biển phía Đông Malaysia và một đường ống dẫn dầu, khí đốt ở Sabah.

Thủ tướng Malaysia nói với báo giới sau hội đàm với Thủ tướng Trung Quốc rằng, Malaysia sẽ mua 4 tàu hải quân Trung Quốc. 2 tàu sẽ được đóng tại Trung Quốc, 2 chiếc còn lại sẽ đóng tại Malaysia.

“Chúng tôi chưa từng mua bất cứ trang thiết bị quân sự nào đáng giá từ Trung Quốc. Đây là một quyết định mang tính bước ngoặt mà chúng tôi đã thực hiện.

Nếu hợp đồng đáp ứng được các yêu cầu và sự hài lòng của hải quân, số lượng tàu có thể được tăng lên trong tương lai”, tờ New Straits Times của Malaysia dẫn lời ông Najib cho hay.

Bình luận của truyền thông, giới phân tích Trung Quốc và quốc tế

The Japan Times cho rằng, Thủ tướng Najib Razak hy vọng thông qua chuyến thăm Trung Quốc để thu hút thêm nguồn đầu tư mới, cải thiện hình ảnh của mình “bị xa lánh bởi các nhà lãnh đạo phương Tây liên quan đến vụ 1MDB”.

James Chin, Giám đốc Viện Châu Á tại Đại học Tasmania của Australia nhận định, ông Najib Razak muốn tìm kiếm nguồn vốn đầu tư nhiều hơn từ Trung Quốc đề bù đắp sụt giảm đầu tư trực tiếp từ phương Tây do vụ 1MDB.

Ông Najib Razak cũng muốn chứng tỏ với người dân Malaysia rằng, vẫn có những cường quốc trên thế giới sẵn sàng trải thảm đỏ đón mình.

Về phần mình, Trung Quốc muốn gần gũi hơn với Malaysia về mặt kinh tế và chính trị, vì họ đang cố gắng đưa Kuala Lumpur vào tầm ảnh hưởng, James Chin nói.

Ông Lưu Chấn Dân trả lời báo chí về điều này rằng: “Tôi nghĩ là có gì đó nhầm lẫn ở đây. Không có cái gọi là chúng tôi sử dụng sức mạnh tài chính để cải thiện quan hệ ngoại giao.”

South China Morning Post ngày 1/11 dẫn lời ông Đỗ Kế Phong từ Viện Khoa học Xã hội Trung Quốc bình luận ngược lại chính lời phủ nhận của ông Thứ trưởng:

“Trung Quốc và Malaysia đều cần nhau, trong khi Trung Quốc đang tìm kiếm lòng tin trong ASEAN về vấn đề Biển Đông, thì Najib đang bị mắc kẹt bởi khó khăn chính trị trong nước và cần tìm kiếm sự giúp đỡ từ bên ngoài để củng cố quyền lực.”

Còn The Wall Street Journal ngày 1/11 đăng bài phân tích của tác giả Euan Graham, Giám đốc Chương trình An ninh quốc tế tại Viện Lowy ở Sydney, Australia.

Ông Graham đặt vấn đề, phải chăng chuyến thăm Trung Quốc của Thủ tướng Malaysia sau Tổng thống Philippines bắt đầu cho một “hiệu ứng domino” ngả về Trung Quốc ở Đông Nam Á?

Tác giả đặc biệt chú ý đến hợp đồng mua 4 tàu quân sự của Trung Quốc, bởi nó diễn ra trong bối cảnh 2 nước có tranh chấp ở Biển Đông, tàu hải cảnh Trung Quốc thường xuyên hộ tống tàu cá xâm phạm vùng đặc quyền kinh tế của Malaysia.

Hơn nữa, Malaysia gần đây đã cắt giảm khá mạnh ngân sách quốc phòng cho hải quân, không quân, thậm chí bãi bỏ kế hoạch thành lập một đơn vị thủy quân lục chiến có gắn kết chặt chẽ với Hoa Kỳ.

Nhiều khả năng Malaysia sẽ dần né tránh các bài tập mà có thể bị Bắc Kinh cho là “khiêu khích”. Kuala Lumpur có thể phải bước đi thận trọng hơn ở Biển Đông, tìm kiếm những cái có thể đàm phán song phương với Trung Quốc.

RELATED ARTICLES

987 COMMENTS

Comments are closed.

Tin mới