Chỉ số Stoxx 600 chung của châu Âu tăng 0,26%, hầu hết các ngành và lĩnh vực đều có buổi chiều ảm đạm trước khi bùng nổ vào cuối phiên.
Hiệu ứng ‘Ngày Bầu cử’ mang sắc xanh tới chứng khoán toàn cầu
Thị trường chứng khoán châu Âu đóng cửa trong sắc xanh vào phiên giao dịch ngày 8/11 khi kết quả bầu cử Tổng thống Mỹ chưa thực sự rõ ràng.
So với phiên 7/11, các nhà đầu tư trong phiên ngày thứ 3 có vẻ thận trọng hơn. Các ngân hàng và môi giới cảnh báo về sự hỗn loạn trên các thị trường nếu bầu cử Tổng thống Mỹ có kết quả bất ngờ giống Brexit.
Nhà phân tích cao cấp Craig Erlam của OandA cho biết sự kiện Brexit diễn ra nhanh chóng nhưng để lại biến động rất lớn trên thị trường. Trong khi đó, nếu ông Donald Trump làm Tổng thống Mỹ, thị trường sẽ đón nhận một “cơn điên” dài hơn nhiều.
Thị trường chứng khoán Mỹ được cổ phiếu tiện ích kéo trong khi các nhà đầu tư nóng lòng chờ đợi kết quả bầu cử.
Giám đốc chiến lược Art Hogan của Wunderlich Securities cho rằng thị trường đang không có được kết quả như ý muốn với diễn biến bầu cử hiện tại. Bất cứ điều gì nằm ngoài dự báo của thị trường cũng sẽ mang tới tác động tiêu cực.
Sau khi giảm ở đầu phiên, chỉ số Dow Jones có thời điểm tăng 100 điểm trước khi hạ nhiệt và đóng cửa tăng 73 điểm. Kết quả này giúp chỉ số Dow Jones vượt lên trên đường giao động trung bình 50 và hiện đứng ở mức 18.332,43 điểm.
Chỉ số S&P 500 tăng 8,01 điểm (0,38%) lên mức 2.139,53 điểm nhờ các cổ phiếu tiêu dùng tăng 0,7%. Đầu phiên, chỉ số S&P 500 chìm trong sắc đỏ và nhiều người lo ngại rằng đợt giảm dài nhất trong gần 36 năm qua chưa có dấu hiệu dừng lại. Tuy nhiên, mọi chuyện đảo chiều ở cuối phiên và chỉ số này cũng đã vượt lên trên mức dao động trung bình 50 ngày.
Tương tự là chỉ số NASDAQ. Chỉ số này tăng 27,32 điểm (0,53%) lên mức 5.193,49 điểm mặc dù giảm ở đầu phiên.
Thị trường chứng khoán châu Á tăng khiêm tốn trên hầu hết các sàn trong phiên giao dịch ngày 8/11 trong bối cảnh cuộc bầu cử tại Mỹ thu hút mọi sự chú ý của các nhà đầu tư.
Bên cạnh đó, số liệu kinh tế Trung Quốc và cuộc khảo sát kinh doanh tại Australia tác động tiêu cực tới tâm lý nhà đầu tư.
Chỉ số ASX 200 của Australia tăng 6,991 điểm (0,13%) lên mức 5.257,79 điểm mặc dù trước đó có thời điểm tăng tới 0,3%. Các cổ phiếu vật liệu tăng 1,43%, cổ phiếu năng lượng tăng 1,49% nhưng bị kéo xuống khi các cổ phiếu tài chính giảm 0,59%.
Tại Nhật Bản, chỉ số Nikkei 225 giảm 0,03% xuống mức 17,171,38 điểm. Chỉ số Kospi của Hàn Quốc tăng 0,29%.
Trong khi đó, 2 sàn của Trung Quốc là Shanghai và Shenzhen đều ghi nhận mức tăng trưởng đáng kể, lần lượt là 0,47% và 0,66%.