Monday, December 23, 2024
Trang chủBiển nóngMỹ tiếp tục ở lại Thái Bình Dương

Mỹ tiếp tục ở lại Thái Bình Dương

Đô đốc Harry Harris khẳng định không nhận được yêu cầu chính thức nào từ Philippines về thay đổi quan hệ quốc phòng với Mỹ.

Tàu khu trục Mỹ USS Sampson đến giúp New Zealand cứu hộ sau động đất. Ảnh: HẢI QUÂN MỸ

Ấn Độ Dương-châu Á-Thái Bình Dương tiếp tục là khu vực quan trọng nhất cho tương lai nước Mỹ.

Đô đốc Harry Harris, Tư lệnh Bộ Chỉ huy Thái Bình Dương, đã đánh giá như trên tại hội nghị các nhà lãnh đạo quốc phòng tại Washington hôm 15-11 (giờ địa phương).

Trang web của Bộ Quốc phòng Mỹ đưa tin Đô đốc Harry Harris khẳng định Mỹ quan tâm đến chương trình hạt nhân và tên lửa của CHDCND Triều Tiên, thái độ quyết đoán của Trung Quốc cùng với nguy cơ phát triển của IS và các tổ chức cực đoan khác trong khu vực.

Sự hiện diện của Mỹ: Ông đánh giá sự hiện diện của Mỹ trong khu vực là rất quan trọng, bảo đảm hòa bình và thịnh vượng cho khu vực.

Ví dụ như tàu khu trục USS Sampson đến giúp New Zealand sau động đất, hoạt động tuần tra bảo đảm tự do hàng hải ở biển Đông, tàu Mỹ viếng thăm các cảng ở Việt Nam và Úc.

Ông cho rằng các tiếp xúc giữa quân đội hai nước là dấu hiệu cho thấy mối quan hệ đa phương đang gia tăng trong khu vực, trong đó có Hàn Quốc, Ấn Độ, Nhật, Thái Lan, Malaysia, Indonesia, Philippines, Singapore và Trung Quốc.

Trung Quốc: Ông ghi nhận Trung Quốc đã tham gia cuộc tập trận RimPac gần đây nhất do Mỹ tổ chức. Cuộc tập trận nhằm thiết lập nền tảng cơ bản trong hợp tác giữa hải quân hai nước trên biển để giảm nguy cơ tính toán nhầm lẫn dẫn đến xung đột.

Đồng minh: Ông cho rằng mô hình quan hệ hiện nay (Mỹ quan hệ với quốc gia riêng rẽ và nước này không cần có quan hệ với các nước láng giềng) cần phải thay đổi.

Mỹ có năm đồng minh trong khu vực gồm Hàn Quốc, Nhật, Thái Lan, Úc và New Zealand. Ông ghi nhận bản chất quan hệ giữa Mỹ với năm nước này là song phương nhưng có nhiều không gian dành cho đa phương. Ví dụ như liên minh ba bên về quốc phòng Đông Bắc Á giữa Mỹ với Nhật và Hàn Quốc.

Liên minh: Ông đánh giá cần phải thiết lập liên minh đa phương để ngăn chặn mối đe dọa cực đoan bạo lực ở Đông Nam Á và Nam Á.

Dựa vào quan hệ gần gũi tự nhiên, Mỹ đang trao đổi để lập liên minh chống IS với Malaysia, Indonesia, Philippines và Bangladesh. Mỹ đang xây dựng liên minh đa phương gồm Nhật, Mỹ, Úc và Ấn Độ.

ASEAN: Đô đốc Harry Harris đánh giá ASEAN không phải là một liên minh quân sự nhưng có thể trở thành bệ phóng để thúc đẩy hợp tác quân sự chặt chẽ hơn trong khu vực.

Ví dụ tiêu biểu là liên minh giữa Singapore, Malaysia và Philippines nhằm mục đích chống cướp biển. Ba nước Singapore, Indonesia và Malaysia cũng đã hợp tác và quét sạch cướp biển khỏi eo biển Malacca.

Riêng đối với Philippines, mặc dù Tổng thống Duterte tuyên bố gay gắt với Mỹ nhưng Đô đốc Harry Harris khẳng định không nhận được yêu cầu chính thức nào từ Manila về thay đổi quan hệ quốc phòng với Mỹ.

Ông nhận xét: “Hiệp định Tăng cường hợp tác quốc phòng (EDCA) đang được thực hiện tốt… Chúng ta không được mời rút quân khỏi Philippines, kể cả lực lượng đặc nhiệm… Chúng ta không được mời không đưa các máy bay P-3 và P-8 đến căn cứ Clark để tuần tra giám sát”.

Trả lời trang web USNI News (hải quân Mỹ), ông cho biết tuần tới sẽ đến Philippines để thảo luận về huấn luyện song phương.

RELATED ARTICLES

Tin mới