Xin giới thiệu với bạn đọc một số thông tin về Lực lượng tên lửa Trung Quốc qua bài viết của A. Khramchikhin.
Bài viết của A.Khramchikhin, Phó giám đốc Viện phân tích chính trị và quân sự Viện Hàn lâm khoa học Nga, đăng trên báo “Bình luận quân sự” (Nga) 7/2016 (có đối với một số dữ liệu từ những nguồn khác- các tiêu đề là do người dịch đặt) .
1. Mấy nét chung
Nước giáng giềng chung đường biên giới với Nga có sức mạnh quân sự lớn nhất, dĩ nhiên là Trung Quốc. Quân giải phóng nhân dân Trung Quốc (PLA) hiện đang là quân đội phát triển nhanh nhất thế giới.
Chỉ riêng nguồn nhân lực có thể động viên của PLA đã là từ 300 dến 400 triệu người, lớn hơn dân số của bất kỳ quốc gia nào, trừ Ấn Độ.
Về mặt hình thức, PLA tuyển quân theo chế độ nghĩa vụ. Tuổi gọi nhập ngũ là 18. Thời gian tại ngũ – 2 năm. Do có nguồn nhân lực dồi dào, nên việc gọi nhập ngũ mang tính chất lựa chọn và như vậy PLA có thể tuyển được những quân nhân có sức khỏe tốt, trình độ văn hóa cao.
PLA cũng thực hiện chế độ phục vụ theo hợp đồng với thời hạn tại ngũ từ 3 đến 30 năm. Tại thời điểm hiện tại, PLA tuyển quân hoàn toàn theo chế độ hợp đồng – về bản chất có thể gọi đó là “chế độ nghĩa vụ thực hiện hợp đồng”.
PLA được đặt dưới sự lãnh đạo trực tiếp của Ủy ban quân sự trung ương (UBQSTW). Chức chủ tịch UBQSTW trên thực tế được coi là chức vụ quan trọng nhất tại Trung Quốc. Chỉ người nào giữ cương vị này mới thực sự là nhà lãnh đạo đất nước. Tương tự như vậy, UBQSTW cũng là cơ quan lãnh đạo quan trọng nhất của Trung Quốc.
Ngoài bản thân Chủ tịch, trong UBQSTW không có một nhân vật dân sự nào, – tất cả các thành viên của UB toàn các đại diện của giới tướng lĩnh cao cấp – những nhân vật quyền lực nhất trong giới lãnh đạo TQ và trong ĐCS Trung Quốc. UBQSTW xác định những phương hướng cơ bản xây dựng và phát triển quân đội, quyết định ngân sách quốc phòng, có quyền ban bố lệnh (tổng) động viên và công bố tình trạng chiến tranh.
Sau cải cách quân sự đầu năm 2016 (sẽ có bài sâu hơn về chủ đề này –ND), trong thành phần của UBQSTW có Bộ Tham mưu thống nhất (theo cách nói Trung Quốc – Tổng bộ tham mưu) – gồm các bộ tham mưu của 4 quân chủng (có chức năng tương tự như Hội đồng tham mưu trưởng liên quân Mỹ), 5 Tổng cục (TC công tác chính trị , TC phát triển vũ khí , TC quân huấn (nguyên văn “Cục huấn luyện bộ đội”), TC cung cấp và Tổng cục động viên quốc gia), 3 Ủy ban (Ủy ban chính trị- pháp lý, Ủy ban kiểm tra kỷ luật và Ủy ban công nghệ ), 6 Cục (Cục lập kế hoạch chiến lược, Cục văn phòng, Cục cải cách và cơ cấu tổ chức, Cục thanh tra và Cục hợp tác quốc tế).
Trực thuộc UBQSTW có 5 bộ tư lệnh (chiến trường) là – Bộ tư lệnh Hướng Bắc (Bộ tham mưu tại Thiên Tân), Bộ tư lệnh Trung tâm (Bắc Kinh) , Bộ Tư lệnh Hướng Tây (Thành Đô), Bộ Tư lệnh Hướng Nam (Quảng Châu), Bộ Tư lệnh Hướng Đông (Nam Kinh).
Các bộ tư lệnh là cấp liên binh đoàn chiến dịch – chiến lược lớn nhất của PLA và có quyền điều động, chỉ huy tất cả các binh đoàn, đơn vị và các tàu của Lục quân, Không quân và Hải quân.
Ngoài ra, trực thuộc UBQSTW – còn có Lực lượng hỗ trợ chiến lược (chịu trách nhiệm chuẩn bị chiến tranh mạng, tiến hành các chiến dịch tấn công mạng, chiến tranh trên vũ trụ, tác chiến điện tử) và Bộ đội tên lửa (tương tự như Bộ đội tên lửa chiến lược Nga).
2. Bộ đội tên lửa – bí mật dưới lòng đất
Theo các nguồn số liệu khác nhau, trong biên chế tổ chức của Lực lượng bộ đội lên lửa PLA có 6 tập đoàn quân (căn cứ tên lửa), trong biên chế của mỗi tập đoàn quân – có một số lữ đoàn. Mỗi lữ đoàn được trang bị một kiểu tên lửa và có trong biên chế từ 3- 6 tiểu đoàn.
Mỗi tiểu đoàn lại có 3 đại đội và mỗi đại đội có 3 trung đội. Tùy thuộc vào kiểu tên lửa, một đại đội hoặc một trung đội được trang bị một tổ hợp phóng.
Vì vậy, mỗi lữ đoàn có thể có từ 9 đến 54 tổ hợp phóng, số lượng tên lửa của mỗi lữ đoàn có thể nhiều hơn số lượng tổ hợp phóng, có nghĩa là còn có một cơ số tên lửa được bảo quản tại các kho gần khu vực trận địa phóng.
Ở khu vực ngoại ô Bắc Kinh có một hệ thống các (hầm) đường ngầm được xây dựng riêng cho Bộ đội tên lửa.
Trong các hầm ngầm này có thể bố trí một khối lượng lớn các tổ hợp phóng (trước hết là các tổ hợp phóng cơ động), các tên lửa và đầu tác chiến, – nhưng hiện không có thấy bất kỳ số liệu nào về số lượng các tên lửa của PLA được cất giấu trong những hầm ngầm này.
Trong bài này chúng ta chỉ đề cập đến 6 (sáu) tập đoàn quân bộ đội tên lửa (căn cứ tên lửa ) vì đã có một số thông tin về chúng, (cơ bản) như sau:
Tập đoàn quân 51 có 6 lữ đoàn. Lữ đoàn 806 được trang bị tên lửa DF-31 (DF – Đông Phong) hoặc DF-21, Lữ đoàn 810 – DF -21, Lữ đoàn 816 – DF-15 hoặc DF-21A, Lữ đoàn 822 – DF-21 C/D, Lữ đoàn 828 – DF-21C.
Tập đoàn quân số 2 có đến 13 lữ đoàn. Lữ đoàn 807 được trang bị tên lửa DF-21, Lữ đoàn 811 – DF-21C, Lữ đoàn 815 – DF-15B/C, Lữ đoàn 817 – DF-15 hoặc DF-11A , Lữ đoàn 818 – DF-11A , Lữ đoàn 819 – DF-15 hoặc DF-11A , Lữ đoàn 820 – DF-15 và / hoặc là DF-11A, Lữ đoàn 827 – DF-21C và /hoặc là DF-16 , Lữ đoàn 829 – DF-11A.
Có thể trong Tập đoàn quân này còn có tới 4 lữ đoàn tên lửa nữa trang bị DF-11 hoặc DF-15.
Tập đoàn quân số 53 có đến 7 lữ đoàn. Lữ đoàn 802 trang bị tên lửa DF-21, Lữ đoàn 808 – DF-21, Lữ đoàn 821 – DH -10, Lữ đoàn 825 – DH-10 và / hoặc là DF-16, Lữ đoàn 826 – DF-21C, Lữ đoàn 830 – DF-11 ( lữ đoàn này có thể coi là lữ đoàn của Lục quân).
Có thể còn một lữ đoàn nữa được trang bị DF-31A .
Tập đoàn quân số 54 có 5 lữ đoàn. Lữ đoàn 801 được trang bị tên lửa DF-5A/B , Lữ đoàn 804 – DF-5A , Lữ đoàn 813 – DF-31A. Có thể 2 lữ đoàn còn lại được trang bị tên lửa DF-4 và DF-31A.
Tập đoàn quân 55 có 4 lữ đoàn .Lữ đoàn 803 được trang bị tên lửa DF-5A, Lữ đoàn 805 – DF – 4 (đang được trang bị DF-31A để thay thế DF-4), Lữ đoàn 814 – -DF-5A, Lữ đoàn 824 –DH-10.
Tập đoàn quân 56 có không ít hơn 3 lữ đoàn. Lữ đoàn 809 có trong trang bị tên lửa DF-21 hoặc DF-31A , Lữ đoàn 812 – DF- 31A , Lữ đoàn 823 – DF-21. Có thể Tập đoàn quân này còn có một số lữ đoàn nữa trang bị các kiểu tên lửa khác .
Về số lượng các tổ hợp phóng, nếu căn cứ vào số lượng các lữ đoàn, thành phần các lữ đoàn và từ các nguồn số liệu khác nhau thì con số này có thể vào khoảng – 50 tổ hợp phóng DF-5, đến 18 tổ hợp phóng DF-4, đến 96 tổ hợp phóng DF-31 (trong đó có khoảng 84 tổ hợp phóng DF-31A ), đến 156 tổ hợp phóng DF-21 (trong số đó có đến 60 tổ hợp phóng DF-21C, đến 12 tổ hợp phóng DF-21B), đến 120 tổ hợp phóng DF-15, đến 360 tổ hợp phóng DF-11A, đến 24 tổ hợp phóng DF-16, không ít hơn 72 tổ hợp phóng DH-10 .
Không thể xác định được chính xác số lượng các đầu tác chiến hạt nhân, bởi vì một phần đáng kể tên lửa DF-11, DF-15 , DF-21, DH-10 lắp đầu đạn thông thường .
Mặt khác, phần lớn các đầu tác chiến hạt nhân trong thời bình được bảo quản tại các kho. Nhưng trong bất kỳ trường hợp nào thì số lượng các đầu tác chiến hạt nhân trong trạng thái đã triển khai cũng phải hơn 300 đơn vị (đầu đạn).
3. Đích nhắm chính là Mỹ
Lớp tên lửa đạn đạo xuyên lục địa gồm có 3 kiểu tên lửa: DF-5 (tầm bắn – 7.500 – 15.000 km, có không ít hơn 50 tên lửa), DF-31 (tầm bắn 7.000 đến 12.000 km, có không ít hơn 60 tên lửa) DF-4 ( tầm bắn 5.500 đến 7.000 km, có ít nhất là 60 quả tên lửa) Tầm bắn của các tên lửa trên thay đổi phụ thuộc vào trọng lượng đầu tác chiến.
Tên lửa DF-5 đã lạc hậu và các tên lửa DF-31 đang thay thế cho DF-5 là tên lửa đạn đạo xuyên lục địa thực sự và có nhiệm vụ tiêu diệt các mục tiêu trên lãnh thổ Mỹ (dĩ nhiên, trong trường hợp có xung đột).
Thêm nữa, DF-31A là tên lửa đạn đạo xuyên lục địa đầu tiên của Trung Quốc mang các đầu tác chiến tự tách (có 3 đầu tác chiến).
Có khả năng trên tên lửa đạn xuyên lục địa DF-5B lắp các đầu tác chiến tự tách (từ 8 đến 10 đầu tác chiến), nhưng PLA chỉ có không nhiều hơn 12 tên lửa kiểu này.
Còn tên lửa DF-4 – trên thực tế là một tên lửa đạn đạo tầm trung nhắm tới các mục tiêu trên phần lãnh thổ Châu Âu của Nga (cho nên chúng được đặt tên lóng là “Tên lửa Matxcova”) và trên lý thuyết là các mục tiêu khác tại Châu Âu.
Hiện Bắc Kinh đang thử nghiệm tên lửa đạn đạo xuyên lục địa DF-41 có thể mang đến 10 đầu tác chiến và có cự ly bắn đến 14.000 km. Rất có thể là đã có tới 12 quả tên lửa đạn đạo DF-41 đã được chế tạo .
(Xin bổ sung thêm một số thông tin về DF-41 – nguồn số liệu “ Bình luận quân sự” ( Nga) tháng 5/2016 )
Dự án DF-41 được triển khai từ giữa những năm 1980. Rất nhiều khả năng DF-41 là tên lửa đạn đạo nhiên liệu rắn 3 tầng với đầu tác chiến tự tách mang các khối tác chiến tự dẫn. Cự ly bắn tối đa 10.000 đến 12.000 km (có số liệu cho rằng tầm bắn DF-41 đến 15.000 km ) .
Theo các đánh giá khác nhau, DF-41 có chiều dài từ 20-22 m, đường kính thân 2-2,5 m. Trong lượng phóng vào khoảng 80 tấn. Tải trọng tác chiến từu 2,5 đến 3 tấn .
DF-41 có hệ thống dẫn đường quán tính. Có thể điều chỉnh đường bay bằng tín hiệu của các vệ tinh dẫn đường thuộc hệ thống “Bắc Đẩu”.
Hiện nay, hệ thống dẫn đường này mới chỉ phủ sóng được lãnh thổ Trung Quốc và một số khu vực phụ cận , nhưng trong tương lai nó có thể phủ sóng toàn cầu và như thế sẽ làm tăng hiệu quả tác chiến của DF-41 . Không có số liệu về độ chính xác của DF-41. Theo các đánh giá khác nhau của nhiều chuyên gia, sai số xác xuất vòng tròn của các khối tác chiến DF-41 không vượt quá 150 -200 m.
DF-41 có thể mang đầu tác chiến đơn với đầu đạn công suất 1 Mt , hoặc từ 6 đến 10 khối tác chiến tự dẫn công suất đến 150 Kt mỗi khối.
Những thử nghiệm DF-41lần đầu được thực hiện vào tháng 7/2012 . Dự kiến DF -41 có thể được đưa vào trang bị cho PLA trong vài năm tới (không muộn hơn năm 2018 -2020 ) (hết thông tin bổ sung) .
Hầm chứa tên lửa |
Thuộc về lớp tên lửa đạn đạo tầm trung có DF-3A (tầm bắn gần 3.000 km) và DF-21 (tầm bắn khoảng 2.000 đến 3.000 km). Tên lửa đạn đạo tầm trung nhằm vào các mục tiêu trên lãnh thổ Nga, Ấn Độ, Nhật Bản.
DF-3A đang được thanh lý ( hoặc đã thanh lý xong ) và chúng dần được thay thế bằng DF-21 với một số biến thể , trong đó có lẽ cả tên lửa đạn đạo chống hạm đầu tiên trên thế giới là DF-21D để tiêu diệt các tàu nổi lớn, trước hết là các tàu sân bay.
Hiện các tên lửa đạn đạo tầm trung DF-26 với tầm bắn 3.500 đến 4.000 km đang được đưa vào trang bị ( đã có không ít hơn 12 tên lửa kiểu này ) .
Nằm trong lớp tên lửa chiến dịch- chiến thuật có DF-11 ( tầm bắn 300 đến 800 km , hiện có ít nhất 100 quả ), DF-15 ( tầm bắn 600 km, có không ít hơn 500 quả ) và DF-16 với tầm bắn từ 800 đến 1.000 km, có ít nhất 12 quả ).
Tên lửa DF-15 và DF-11 nhằm các mục tiêu trên đảo Đài Loan (Tập đoàn quân tên lửa số 52 được phân công “chuyên trách” Đài Loan ) một phần nhỏ trong số tên lửa của Tập đoàn quân này nhắm tới các mục tiêu ở khu vực Vladivostok – Ussurisk ( Nga ) và Bán đảo Triều Tiên .
Một phần lớn các tên lửa kiểu này cũng có trong trang bị của Lục quân PLA . Tổng số DF-15 và DF-11 của PLA vào khoảng 1.500 quả .
Thuộc về lớp tên lửa có cánh có DH-10 với tầm bắn đến 4.000 km. Tên lửa có cánh Trung Quốc được chế tạo theo công nghệ tích hợp công nghệ của Kh-55 của Nga và “ Tomahawk” của Mỹ, đây là lớp vũ khí mới trong trang bị của Bộ đội tên lửa PLA . Cũng có nhiều tên lửa lớp này nằm trong biên chế của Lục quân PLA. Mỗi tổ hợp phóng có 3 quả tên lửa kiểu này. Tổng số lượng – không ít hơn 450 tên lửa .
Trừ tên lửa đạn đạo xuyên lục địa DF-5 và DF-4, tên lửa đạn đạo tầm trung DF-3 được bố trí trong các hầm phóng, – tất cả các tên lửa những kiểu còn lại – là các tên lửa bố trí trên các tổ hợp phóng cơ động .
Như đã nói ngay ở phần đầu, không có các số liệu chính thức vũ khí – trang bị của Bộ đội tên lửa PLA. Chính vì vậy mà sức mạnh của 6 tập đoàn quân tên lửa PLA có thể lớn hơn nhiều những số liệu tương đối mới dẫn.
Nếu tính tới những hầm ngầm như đã nói, tiềm lực có thể gấp nhiều lần các số liệu từ các nguồn đã được công bố , nhất là các kiểu tên lửa hiện đại như DF-21, DF-31 và DH-10. Và cùng cần phải nói thêm rằng , vì có các hầm ngầm như vậy nên Lực lượng kiềm chế hạt nhân chiến lược PLA có khả năng tác chiến bền vững hơn nhiều so với các lực lượng tương tự của Nga và Mỹ.