Thursday, January 9, 2025
Trang chủĐiểm tinNhững cách rửa tiền của quan chức TQ

Những cách rửa tiền của quan chức TQ

Cùng với chiến dịch “diệt trừ hủ bại và tham nhũng” tại Trung Quốc, hàng loạt khối tài sản tham ô không rõ nguồn gốc đều bị truy cứu công khai. Các điều tra phát hiện rằng quan chức nước này đã dùng nhiều cách để “rửa tiền” tham nhũng, nhằm trốn tránh pháp luật.

 

Nhiều ‘hổ lớn’ Trung Quốc đã bị bắt giam và điều tra.

Hình thức rửa tiền phổ biến nhất: mua nhà, đóng cổ phần

“Báo cáo điều tra của Uỷ ban Giám sát Kỷ luật Trung Quốc” vào ngày 19/11 vừa qua cho thấy, hàng loạt quan chức liệt kê trong danh sách này đều là những “ông quan” có năng lực về… kinh doanh. Cụ thể, họ dùng tiền phi pháp để đầu tư mua nhà, mua cổ phiếu, hay các dạng đầu tư khác. Như vậy, số tiền đó vừa sinh lợi nhuận cao, đồng thời biến “tiền bẩn” thành “tiền sạch”.

Báo cáo cho biết, hầu hết quan chức tham nhũng đều có hai bộ mặt: một bên là công tác chính trị, bên kia làm “công tác” phi chính trị, như kinh doanh, đầu tư. Họ thông qua các đầu mối quen biết để đầu tư ngắn hạn, hoặc đưa tiền cho người thân tín để đầu tư vào một số hạng mục nhằm “gia tăng giá trị tài sản”. Cũng có hình thức quan chức lợi dụng chức vụ giúp đỡ ai đó và sau khi về hưu mới nhận tiền.

Theo số liệu thống kê, từ tháng 11/2012 đến tháng 5/2015, trừ những vụ án tình nghi được bàn giao cho cơ quan tư pháp, thì tổng số tiền mặt tham nhũng phát hiện ở Trung Quốc lên đến 2,01 tỷ NDT (khoảng 6.500 tỷ VND). Ngoài ra, tính đến tháng 9/2016, số tiền tuồn ra nước ngoài bị phanh phui là 800 triệu NDT (tương đương 2.600 tỷ VND).

Phía điều tra cho biết, những tang chứng tham ô được tìm thấy chủ yếu dưới dạng tiền mặt, cổ phiếu, tài khoản ngân hàng, quỹ ngân sách, bất động sản, xe hơi, vàng bạc trang sức, các bức hoạ hay vật dụng đắt tiền,v.v… Ngoài ra còn có các hình thức mới như cổ phần công ty, phiếu bảo hành giá trị cao,…

Ví dụ như tập đoàn khai thác quặng Long Môi tại tỉnh Hắc Long Giang, tổng số tài sản mà một phó tổng giám đốc tham ô gồm có 300 triệu NDT (gần 1.000 tỷ VND) tiền mặt, mấy chục chiếc xe sang, mấy chục chiếc đồng hồ hiếm, và nhiều bất động sản nhiều đến mức chính đương sự cũng không nhớ hết địa chỉ.

Một giám đốc của Tổng công ty cung ứng nước sạch, kiêm cán bộ nhà nước tại khu Bắc Đái Hà, tỉnh Hà Bắc có tới 68 bất động sản, còn trong nhà tìm thấy 120 triệu NDT (gần 400 tỷ VND) tiền mặt cùng 37 lượng vàng.

Thành phố Quảng Châu là tâm điểm tham ô

Theo thống kê điều tra tại Quảng Châu, từ tháng 1/2013 đến tháng 10/2016, cơ quan điều tra chống tham nhũng ở đây đã phát hiện tổng cộng 2.148 người của 1.929 vụ án. Trong đó, số quan chức cấp huyện là 318 người, cấp cục là 67 người và tổng giá trị tài sản tham ô lên tới 1,26 tỉ NDT (trên 4.000 tỷ VND).

Các quan chức sau khi phát hiện thì đều bị xử phạt, tịch thu tài sản và cách chức.

Ví dụ như một phó bí thư tên Ngô Sa đã về hưu bị phát hiện có hành vi tham nhũng trong khoảng thời gian từ năm 2003-2014. Ông ta đã nhiều lần lợi dụng chức vụ của mình để giúp đỡ các doanh nghiệp ngoài luồng. Cụ thể, trong 2 lần “hợp tác” với một doanh nghiệp về khai thác dầu, ông đã được công ty này tài trợ cho chuyến du lịch trị giá 1,6 triệu NDT (trên 5 tỷ VND).

Phe cánh của Giang Trạch Dân làm “thương tổn” toàn nước Trung Quốc

Nếu bàn về tham ô ở đất nước này thì người dân sẽ lắc đầu ngao ngán và nói: “Đã làm quan thì phải tham”. Câu nói đó quá quen thuộc với người Trung Quốc, và thể hiện sự bất lực của họ trước bộ máy chính quyền hiện nay.

Trước tuyên bố của ông Tập Cận Bình về “bài trừ hủ bại và tham nhũng”, có nhiều người còn hoài nghi về tính “trung thực”, nhưng sự thực nó cũng đạt được một số thành tựu nhất định.

Trong quá trình thống kê, người ta nhận thấy rằng, hầu hết những quan chức bị bắt giữ, nhất là những quan chức cấp cao với số tài sản khổng lồ, thì đều là thân tín, hoặc nằm trong phe cánh của Giang Trạch Dân. Kết quả này không có gì lạ, vì chính Giang Trạch Dân được người Trung Quốc phong làm “đệ nhất quan tham Trung Quốc”. Ông ta sử dụng chính lòng tham của con người để chiêu mộ cấp dưới, dùng quan tham trị quốc, dùng sự hủ bại để thống nhất đường lối thi hành chính sách.

Giới chính trị nói chung đều gọi Giang Trạch Dân và phe cánh của ông ta là “những con hổ lớn”. Từ Đại hội Đảng khoá 18 ở Trung Quốc cho đến nay, hàng loạt “con hổ lớn” bị xướng tên trong các báo cáo của Uỷ ban Giám sát Kỷ luật vì tội tham nhũng và lạm dụng chức quyền. Gần đây nhất, bộ phim “Mãi mãi một con đường” công khai lời thú tội trực tiếp của rất nhiều quan chức chủ chốt trong chính phủ Trung Quốc, trong đó không ít người là thân tín của Giang Trạch Dân.

Kể từ khi Giang Trạch Dân lên nắm quyền (và sau đó là “buông màn nhiếp chính”, chỉ đạo đằng sau ông Hồ Cẩm Đào), tất cả các lĩnh vực kinh tế, chính trị, xã hội Trung Quốc đều nhuốm màu tham nhũng. Còn nhân sự chủ chốt phần lớn thuộc về phe cánh của Giang, bao gồm: quân đội, tư pháp, y tế, giáo dục, truyền thông, doanh nghiệp, v.v… Nói cách khác, toàn Trung Quốc thời bấy giờ đều nằm trong bàn tay thao túng của Giang Trạch Dân.

Có thể kể tên của một số ‘hổ lớn’ như: cựu chủ tịch hiệp thương tỉnh Quảng Đông Chu Minh Quốc bị phát hiện tham ô 141 triệu NDT (trên 400 tỷ VND), Chu Vĩnh Khang tham ô 130 triệu NDT, Kim Đạo Minh 120 triệu NDT, Vạn Khánh Lương 110 triệu NDT, Mao Tiểu Binh 105 triệu NDT, v.v…

Nhìn chung, số tiền tham nhũng lên tới hàng trăm triệu NDT đã trở thành “bình thường” trong các báo cáo điều tra tại nước này.

Có thể thấy, từ khi ông Tập Cận Bình lên nắm quyền, hàng loạt các quan chức tham ô đều bị điều tra và bắt giữ. Điều này cho thấy ít nhất chính phủ Trung Quốc hiện nay cũng đang có chuyển biến tích cực cho đất nước này. Nhưng con đường đi đến “trong sạch hoá” bộ máy chính trị Trung Quốc có lẽ vẫn còn rất gian nan và khó dự đoán, nhất là khi ông Tập Cận Bình sắp hết nhiệm kỳ và người kế nhiệm còn chưa rõ ràng.

RELATED ARTICLES

Tin mới