Sunday, December 22, 2024
Trang chủNhìn ra thế giớiĐể tạo thói quen thanh toán điện tử cho người Việt

Để tạo thói quen thanh toán điện tử cho người Việt

Thói quen sử dụng tiền mặt của người Việt chiếm tới 65% tổng phương tiện thanh toán khiến thanh toán điện tử khó phổ cập.

Năm 2015 số lượng thanh toán qua thẻ đạt tới 22,2 triệu khách hàng.
(Ảnh minh họa: KT)

Hiện nay, người Việt vẫn thích chi tiêu bằng tiền mặt hơn là thanh toán điện tử. Do đó, việc cần thiết phải có các chính sách mang tính đột phá để tạo một lực bẩy cho công cụ thanh toán thẻ và thanh toán điện tử phát triển mạnh mẽ hơn. Đó là nội dung được đề cập tại Hội thảo “Tương lai thanh toán bằng thẻ và tiền điện tử tại Việt Nam” do Viện nghiên cứu Thương mại (Bộ Công Thương) tổ chức sáng 22/11 tại Hà Nội.

Thanh toán thẻ và tiền điện tử đã và đang trở thành phương thức thanh toán phổ biến của nhiều quốc gia trên thế giới. Tại Việt Nam, tính đến cuối năm ngoái, lượng thẻ phát hành trên cả nước là 99,5 triệu thẻ. Hiện, Việt Nam có gần 17.000 máy ATM và 30.000 thiết bị chấp nhận thẻ…Năm 2015 số lượng thanh toán qua thẻ đạt tới 22,2 triệu khách hàng.

Cùng với sự gia tăng sử dụng thẻ là sự gia tăng của doanh số sử dụng và doanh số thanh toán. Nếu năm 2011 doanh số sử dụng là hơn 724.000 tỷ đồng và doanh số thanh toán đạt hơn 895.000 tỷ đồng, đến năm 2015, các con số này lần lượt là hơn 1.637.000 tỷ đồng, 1.685.000 tỷ đồng.

Các chuyên gia trong ngành đánh giá, thị trường thanh toán thẻ và tiềm lực của Việt Nam đều có sự tăng trưởng mạnh, tuy nhiên, bên cạnh đó vẫn còn những hạn chế bất cập.

Đó là việc thanh toán phát hành thẻ tín dụng mới chỉ thiên về số lượng chứ chưa chú trọng đến chất lượng; tỷ lệ thẻ hoạt động của các ngân hàng chỉ đạt 60-70%, thói quen sử dụng tiền mặt của người Việt Nam vẫn còn nặng nề, đặc biệt là khu vực nông thôn.

Hệ thống máy ATM tuy phát triển nhanh, nhưng phân bố lại chưa đều. Số lượng máy tập trung chủ yếu ở thành thị, trong khi khu vực nông thôn miền núi còn hạn chế.

Bên cạnh đó, trong khi mặt bằng lãi suất huy động và lãi suất cho vay đang có xu hướng giảm dần thì lãi suất cho vay qua thẻ vẫn được áp dụng ở mức rất cao, cộng thêm các khoản phí phải trả như phí thương niên, phí in bản sao kê, phí chậm thanh toán, phí rút tiền mặt tại ATM, phí chuyển đổi ngoại tệ…

Theo TS. Nguyễn Thị Nhiễu, Viện Nghiên cứu thương mại (Bộ Công Thương), thói quen sử dụng tiền mặt của người Việt Nam vẫn còn quá lớn, chiếm tới 65% tổng phương tiện thanh toán.

Do đó, Chính phủ cần rà soát các văn bản quy định pháp luật trên cơ sở đánh giá hiệu quả các văn bản pháp luật đã ban hành đối với lĩnh vực này. Các cơ quan quản lý, các doanh nghiệp cần cung cấp nhiều dịch vụ sử dụng thanh toán không dùng tiền mặt để khuyến khích người dân tiêu dùng bằng thẻ.

“Chủ trương của Nhà nước phát triển xã hội thanh toán không dùng tiền mặt là một hướng đi rất đúng đắn và tiên tiến. Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước cần phải tiếp tục các chính sách để khuyến khích xu hướng không dùng tiền mặt ở Việt Nam. Ngoài ra cần làm sao cho hạ tầng pháp lý được đầy đủ, đồng bộ, đảm bảo cho độ tin cậy, độ an toàn trong thanh toán thẻ và thanh toán trực tuyến được nâng cao”, TS. Nguyễn Thị Nhiễu nêu rõ.

RELATED ARTICLES

Tin mới