Monday, December 23, 2024
Trang chủGóc nhìn mớiÔtô điện: Việt Nam không thay đổi, Campuchia sẽ vượt

Ôtô điện: Việt Nam không thay đổi, Campuchia sẽ vượt

“Công nghiệp ô tô của Campuchia xuất phát điểm chậm hơn Việt Nam nhưng nếu chúng ta không thay đổi, trong tương lai có thể họ sẽ vượt qua”.

Việt Nam không thua kém

Tiếp tục đưa ra quan điểm về việc Campuchia tự sản xuất ô tô điều kiển bằng smartphone mang tên Angkor EV có giá khoảng 100 triệu đồng Việt Nam, trao đổi với Đất Việt, TS Trịnh Minh Hoàng – Giảng viên bộ môn ô tô – Khoa Động  lực – Trường Đại học bách khoa Hà Nội cho rằng việc này hoàn toàn bình thường.

Theo TS Hoàng, Campuchia có thể lấy linh kiện của Trung Quốc hoặc một nước thứ ba nào đó rồi tiến hành lắp ráp và lấy thương hiệu trong nước của họ.

“Việc này không có gì trái luật pháp cả. Rất nhiều nơi họ đặt hàng các nhà sản xuất cung cấp linh kiện, phụ kiện để tiến hành lắp ráp ô tô. Mọi thứ tiến hành theo đơn đặt hàng. Tôi nghĩ việc này hoàn toàn bình thường, chẳng hạn như xe Ford có thể lắp động cơ Mercedes. Không có gì đáng ngạc nhiên cả”, TS Hoàng khẳng định.

Theo TS Hoàng, hiện nay Campuchia là nước đi sau Việt Nam và nhiều nước khác ở  khu vực trong công nghiệp sản xuất ô tô. Vì vậy những bước tiến khởi đầu của họ có thể nhanh, mạnh và bên ngoài dễ dàng nhìn ra. Trong khi Việt Nam đã có những bước tiến nhất định thì việc phát triển có thể chậm hơn.

Hơn nữa, trong thời điểm này, khi đầu tư vào công nghiệp xe điện, Campuchia có thể học tập kinh nghiệm từ các nước xung quanh nên rút ngắn được thời gian, bỏ qua những giai đoạn mò mẫm từng bước một.

“So sánh với Lào và Campuchia thì Việt Nam không hề thua kém gì hay phải nói rõ, chắc chắn họ không thể bằng chúng ta được. Rõ ràng đi từ số 0 lên số 1 rất nhanh, còn từ số 5 lên số 6 bao giờ cũng lâu hơn.

Campuchia từ tay trắng đi lên nên tốc độ nhanh hơn do họ có kinh nghiệm của các nước đi trước. Hơn nữa chính phủ Campuchia cũng có những khuyến khích nhất định trong việc phát triển xe điện nói riêng và ô tô nói chung.

Tuy nhiên về lâu dài, nếu chúng ta không có sự thay đổi mạnh mẽ thì chắc chắn sẽ bị tụt hậu so với các nước. Dù Campuchia xuất phát điểm có thể chậm hơn nhưng có định hướng rõ ràng thì tương lai họ sẽ vượt qua chúng ta”, TS Hoàng nhận định.

Vị chuyên gia nhận định, xu hướng chung của thế giới hiện nay là ngành công nghiệp sản xuất ô tô điện vì thân thiện với môi trường. Ngoài ra, việc khan hiếm nguồn tài nguyên thiên nhiên, khoáng sản, nguyên vật liệu bắt buộc các nước phải chuyển hướng đến ô tô điện, trong đó có Việt Nam và Campuchia.

“Trên thế giới hiện nay, tỷ lệ ô tô điện trong ngành công nghiệp ô tô vẫn còn thấp. Ở Việt Nam cũng vậy, chúng ta chưa có nhiều dòng sản phẩm này. Hiện nay chúng ta cũng chưa có những nhà máy sản xuất pin năng lượng mặt trời, năng lượng xanh, tái tạo… Để làm được việc này cần phải có sự đầu tư bài bản, nghiêm túc, nhất là ngành công nghiệp phụ trợ như sản xuất ác quy, các địa điểm thay thế ác quy trên các đoạn đường di chuyển…”, TS Hoàng nhấn mạnh

Nhiều tiềm năng nhưng khó phát triển

Nhìn vào Campuchia và các nước trong khu vực, Giảng viên bộ môn ô tô, Trường Đại học bách khoa Hà Nội thừa nhận Việt Nam đang có nhiều tiềm năng để phát triển công nghiệp ô tô nhưng thực tế chúng ta chưa làm được nhiều.

Lý giải điều này, TS Hoàng đưa ra 3 nguyên nhân chính. Đầu tiên đó là hệ thống cơ sở hạ tầng giao thông của Việt Nam chưa đồng bộ, chưa đáp ứng được nhu cầu đi lại của người dân.

“Dân số của Việt Nam hiện không phải ít so với thế giới. Đó là có tiềm năng lớn để phát triển ngành công nghiệp ô tô, ít nhất là phát triển để phục vụ thị phần trong nước. Tuy nhiên hiện nay, số người sở hữu ô tô của chúng ta quá ít so với nhu cầu thực tế. Cơ sở hạ tầng của chúng ta không đảm bảo được cho việc người có ô tô thuận lợi đi lại giao thông. Kể cả xe máy hiện nay chúng ta cũng muốn hạn chế bớt đi thì sao ngành ô tô phát triển được”, TS Hoàng nêu thực trạng.

Yếu tố thứ 2 đó là về các biện pháp chính sách hỗ trợ công nghiệp ô tô phát triển chưa tốt, còn có những hạn chế nhất định. Ở đây theo TS Hoàng đó là việc thuế ô tô của Việt Nam quá cao so với các nước trong khu vực và trên thế giới. Ngoài ra phí đường bộ, phí BOT cũng chưa thật sự hợp lý.

Vị chuyên gia dẫn chứng: “Ở Campuchia chính sách khuyến khích người dân tốt, ưu tiên người dân sử dụng xe và không đánh thuế cao. Ở châu Âu cũng vậy. Giá ô tô ở châu Âu rẻ hơn 3 lần so với Việt Nam.

Chúng ta thu nhập của người dân không thật sự cao nhưng phải bỏ ra nhiều tiền để sở hữu ô tô, ở đây chủ yếu tập trung ở những người có thu nhập, có tiền. Tuy nhiên những cái bất hợp lý trong giao thông, trong thu phí sẽ khiến người dân cân nhắc giữa việc đi ô tô hay là xe máy. Hoặc là trong nhà kiểu gì cũng có xe máy bên cạnh ô tô”.

Lý do cuối cùng TS Hoàng chỉ ra, đó là Việt Nam chưa có sự đầu tư mạnh mẽ vào công nghiệp ô tô, lĩnh vực nào nhìn vào cũng thấy thiếu thiếu, không mang tính đột phá. Đặc biệt, công nghiệp phụ trợ của Việt Nam hiện đang rất yếu, đầu tư chưa được bài bản.

“Cái gì chúng ta cũng thiếu thiếu một tí. Những sản phẩm lắp được trên ô tô như của nước ngoài chúng ta chưa làm được. Máy móc chúng ta có thể nhập từ nước ngoài về. Nhưng sự kết hợp kiến thức chuyên sâu hơn của các nhà khoa học trong nước và quốc tế về công nghệ vật liệu chúng ta chưa làm được.

Chế tạo bánh răng trên ô tô thì không lắp được hay như dập vỏ ô tô vẫn còn sai lệch. Những cái đó thì chúng ta chưa làm được nên nước ngoài họ chưa đặt hàng.

Ngoài ra, các doanh nghiệp ô tô trong nước đa phần muốn thu lại lợi nhuận nhanh. Họ thường làm rất nhanh và rút ngắn giai đoạn. Trong cơ khí thì tốc độ phát triển bao giờ cũng rất chậm so với các ngành dịch vụ. Đó là cái khiến cho ngành ô tô chưa phát triển được, xuất khẩu của chúng ta còn rất hạn chế”, TS Hoàng nêu thực trạng.

Tỷ lệ nội địa hóa chưa đạt

Một vấn đề khác được vị chuyên gia đề cập đến là tỷ lệ nội địa hóa hiện nay trong ngành ô tô tại Việt Nam.

Theo TS Hoàng, thời gian qua chúng ta đang cố gắng để đạt mức 30-40% sản phẩm, linh kiện được sản xuất trong nước. Tuy nhiên đó chỉ là những con số thống kê, còn thực tế tại Việt Nam tỷ lệ nội địa hóa chưa thật sự đạt.

“Chúng ta cố gắng tính toán mọi thứ, từ dây điện bao nhiêu %, vít bao nhiêu%. Còn thực tế Việt Nam đã làm được nội địa hóa đâu. Những chi tiết chính như động cơ, hệ thống điều khiển điện tử, hệ thống an toàn như phanh lái, các an toàn thụ động như túi khí chúng ta chưa sản xuất và chưa làm được việc đó”, TS Hoàng nói.

Vị chuyên gia cũng thẳng thắn cho rằng, việc tạo ra một sản phẩm ô tô mang thương hiệu Việt Nam vào thời điểm này rất khó. Không những chính sách của chúng ta còn hạn chế mà còn gặp trở ngại lớn do tư tưởng sính hàng ngoại của người Việt.

“Trước đây chúng ta cũng có những ô tô mang thương hiệu Việt Nam nhưng người dân không mua. Tâm lý của người Việt Nam là sính hàng ngoại. Chúng ta cảm giác mua đồ gì đó của Nhật, Mỹ, Pháp, Anh, Đức thì oai phong hơn so với hàng trong nước.

Thực tế, người mua ô tô ở Việt Nam hiện nay là người có tiền chứ không phải chính sách toàn dân được đi ô tô. Vì vậy họ không mua xe lắp ráp, thậm chí là xe Trung Quốc, xe Thái Lan. Do đó nếu đưa thương hiệu 1 xe của Việt Nam ra thì dự đoán là người dân không lựa chọn nhiều, thậm chí có thể thua lỗ”, TS Hoàng nhấn mạnh.

Đánh giá toàn diện ngành công nghiệp ô tô Việt Nam hiện nay, vị chuyên gia cho rằng so với các nước trong khu vực, chúng ta đang kém Thái Lan, Malaysia và Indonesia. Còn 1 vài nước chưa phát triển gì cả thì mặt bằng vẫn hơn.

Để giải quyết những khó khăn hiện nay, TS Hoàng nhấn mạnh, nhà nước cần phải thay đổi chính sách để khuyến khích người dân sử dụng ô tô từ đó kích thích ngành công nghiệp trong nước phát triển. Đặc biệt cần phải đầu tư có chiến lược đối với các ngành công nghiệp phụ trợ, định hướng lâu dài.

“Chúng ta nên tập trung vào công nghiệp phụ trợ để tạo tiền đề cho phát triển công nghiệp ô tô. Ví dụ như nhà máy A có thể làm được động cơ và thường xuyên phát triển thì lúc đấy các doanh nghiệp của Việt Nam sẽ sử dụng động cơ của nhà máy đó. Đấy chính là cách nội địa hóa chứ không phải là cách gì khác.

Ngoài ra, chúng ta có thể kêu gọi nước ngoài đầu tư vào để đẩy mạnh công nghiệp phụ trợ, chẳng hạn như sản xuất các linh kiện, thiết bị máy móc, công nghệ vật liệu. Khi có những thứ ấy hỗ trợ vào thì công nghiệp trong nước mới phát triển được”, TS Hoàng khẳng  định.

RELATED ARTICLES

Tin mới