Sunday, December 29, 2024
Trang chủBiển nóngSự kiệnDonald Trump giúp TQ trở thành siêu cường?

Donald Trump giúp TQ trở thành siêu cường?

Việc tuyên bố rút khỏi TPP ngay khi nhậm chức của tổng thống tân cử Mỹ Donald Trump đã khiến các nước ký kết hiệp định này muốn chạy sang Trung Quốc để tìm kiếm một cơ chế hợp tác mới thay thế. Với thắng lợi của ông Trump, Trung Quốc như từ trong bóng tối bước ra trước “ánh đèn sân khấu”.

Báo chí Trung Quốc tung hô quyết định bỏ TPP của ông Trump

Ngày 21/11, tổng thống tân cử Donald Trump đã nói lại rằng ông sẽ xóa bỏ Hiệp ước TPP thay thế bằng những hiệp ước mậu dịch tự do với từng nước một. Thủ tướng Nhật Shinzo Abe, tại Buenos Aires, Argentina, tuyên bố rằng nếu không có Mỹ tham dự thì TPP trở thành vô nghĩa, chẳng cần bàn lại nữa.

Hiệp ước TPP do bốn nước châu Á đề nghị năm 2002, gồm New Zealand, Singapore, Chile và Brunei. Năm 2009, nước Mỹ mới sốt sắng góp mặt, mời thêm Peru, Australia và 4 nước khác, bản hiệp ước được 12 nước ký kết đầu năm 2016. Nhật Bản là quốc gia duy nhất đã đưa cho Quốc hội thông qua.

Tờ Nikkei Asian Review trong một bài phân tích đăng ngày 24/11/2016 cho biết khi tuyên bố sẽ rút Mỹ ra khỏi TPP ngay ngày đầu tiên làm tổng thống, ông Trump đã làm cho chính sách “xoay trục” sang châu Á của tổng thống mãn nhiệm Barack Obama “tan thành mây khói”.

Các nước trong khu vực Đông Nam Á nhắc đến chiến lược châu Á của Mỹ với một cảm xúc thất vọng pha lẫn sự châm biếm. Đối với nhiều quốc gia, chính sách này giờ chẳng khác nào như là một “chiếc thùng rỗng”. Một không khí hoài nghi bao trùm trên toàn bộ khu vực.

Các nhà hoạch định chính sách quốc phòng bắt đầu ngờ vực khả năng Mỹ tiếp tục duy trì các chiến dịch tuần tra trên Biển Đông để bảo vệ cái nguyên tắc gọi là tự do lưu thông hàng hải, đồng thời ngăn chặn đà tiến của Trung Quốc trong khu vực.

Cảm giác hẫng hụt như tăng lên gấp bội khi nói đến TPP, vũ khí kinh tế trong chính sách xoay trục sang châu Á của Mỹ. Phải mất đến 5 năm thương thuyết dài đằng đẵng và gay gắt theo một loạt các yêu cầu của Mỹ để các bên đi đến ký kết một thỏa hiệp, với mong muốn duy nhất có thể tiếp cận nhiều hơn vào thị trường Mỹ.

Để rồi sau đó, Hoa Kỳ thông báo tạm ngưng quy trình phê chuẩn TPP tại Quốc hội. Các nước tham gia như có cảm giác ai đó bất ngờ rút thảm dưới chân. Họ cảm thấy “mệt mỏi vì Hoa Kỳ”, như lời than thở của Bộ trưởng Thương mại Malaysia, tại thượng đỉnh ASEAN.

TPP giờ đã sắp chết và Bắc Kinh giờ không còn giấu giếm ý định, cho rằng chỉ có thị trường Trung Quốc rộng lớn, đầy tiềm năng mới là đối thủ cạnh tranh với Mỹ.

Một ngày sau thông báo của ông Trump, Chính phủ Trung Quốc thông báo ý định khởi động các cuộc đàm phán về “một đối tác kinh tế toàn bộ khu vực”, với 9 nước châu Á và châu Đại Dương trong đó đặc biệt có Nhật, Ấn Độ, Hàn Quốc, Úc. Bắc Kinh cũng ngỏ ý sẽ ký được hiệp định trong thời gian sớm nhất.

Trong cuộc họp báo sáng 23/11 tại Bắc Kinh, phát ngôn viên Cảnh Song của Bộ Ngoại giao Trung Quốc nói rằng cùng với những nước khác, Trung Quốc sẵn sàng góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế trong khu vực, để mọi người dân châu Á-Thái Bình Dương đều được hưởng lợi.

Chưa gì mà Australia, qua phát biểu của Bộ trưởng Thương mại Steven Ciobo tại Diễn đàn APEC lần thứ 24, Peru, đã tuyên bố “đề nghị của Bắc Kinh là một ý kiến thú vị”.

Các nước thành viên cũ của TPP muốn cổ động thương mại tự do đang nhìn vào hai hiệp ước mà họ có thể tham dự trong tương lai, cả hai đều có Trung Quốc. Hai thỏa ước này là Hợp tác Kinh tế Toàn vùng (RCEP) và Vùng mậu dịch Tự do châu Á-Thái Bình Dương (FTAAP).

Hiệp ước RCEP bao gồm 16 quốc gia, trong đó có các khối ASEAN, Trung Quốc, Nhật Bản, Australia, New Zealand và Ấn Ðộ, với GDP tổng cộng lớn bằng một phần ba kinh tế toàn cầu (GDP chung của TPP lớn bằng 40%). Nước Mỹ có thể được mời.

Tuy nhiên, theo ý kiến của các chuyên gia, RCEP chỉ là một thỏa thuận trao đổi mậu dịch, tức các nước tham gia đồng ý giảm mức thuế đánh vào hàng nhập khẩu, trong khi TPP buộc các nước tham gia phải mở rộng thị trường, đòi hỏi các quốc gia thành viên phải tuân thủ những quy định căn bản về chống tham nhũng, lao động và môi trường khi sản xuất hàng để bán cho nước khác.

Nếu RCEP thành hình để thay thế TPP, thì một hậu quả trước mắt là nước Mỹ sẽ mất vai trò “lãnh đạo” trong vùng Thái Bình Dương phía châu Á. Tuần qua, tại Lima Tổng thống mãn nhiệm Barack Obama đã cảnh báo rằng: “Không áp dụng hiệp định (TPP) tức là làm suy yếu vị thế của chúng ta (Mỹ) trong vùng”. Fréderic Neumann, phụ trách nghiên cứu kinh tế của ngân hàng HSBC tại Hồng Kông nhận định: “Hoa Kỳ sẽ mất ảnh hưởng ở châu Á, trên phương diện kinh tế cũng như chính trị và Trung Quốc sẽ đưa những nước mới vào quỹ đạo của họ”.

Cho tới nay, chúng ta vẫn chưa biết tổng thống Mỹ tân cử có một chính sách nào về châu Á. Thủ tướng Nhật Bản có lẽ đã cố thuyết phục ông Trump thay đổi ý định và phục hồi TPP đang trong cơn hấp hối trong cuộc gặp đôi bên tại New York tuần trước, khi đến dự thượng đỉnh APEC, nhưng dường như nỗ lực của lãnh đạo Nhật đã bất thành. Giờ chỉ còn biết “Chờ và đợi xem”, theo như lời nhận định của Bộ trưởng Thương mại Australia Steven Ciobo với báo nhật Nikkei Asian Review. Thủ tướng New Zealand, John Key vẫn bày tỏ hy vọng, nói rằng Mỹ là một cường quốc chứ không phải là một hòn dảo, vì thế, chính phủ Mỹ phải trao đổi mậu dịch với thế giới, và ông hy vọng Washington sẽ xem xét lại vấn đề.

Tờ báo Nhật kết luận, thắng lợi của Trump trong cuộc bầu cử Mỹ đã nâng cao vai trò của Trung Quốc, nhưng Bắc Kinh sẽ kiến tạo thương mại thế giới ra sao, tất cả còn phải chờ xem.

RELATED ARTICLES

Tin mới