Friday, January 3, 2025
Trang chủGóc nhìn mớiBiến tướng của việc biếu quà Tết

Biến tướng của việc biếu quà Tết

Ông Lê Như Tiến cho rằng nhân ngày Tết mà đến biếu xén lãnh đạo, trả ơn nhau là điều không nên.

Ủng hộ quan điểm của Thủ tướng

Trong phiên họp Chính phủ thường kỳ vừa qua, ông Nguyễn Xuân Phúc, Thủ tướng chính phủ yêu cầu: “Ngay trong dịp Tết Nguyên đán sắp tới, tôi đề nghị tất cả hệ thống hành chính không chúc Tết lãnh đạo, không biếu xén, không phong bao, phong bì. Tôi yêu cầu không chúc Tết Thủ tướng, lãnh đạo Chính phủ, lãnh đạo các Bộ, ngành. Yêu cầu các tỉnh không về Hà Nội chúc Tết”.

“Ở các địa phương cũng vậy. Cần thực hiện nghiêm việc này. Chính phủ cần làm gương, từng đồng chí  thành viên Chính phủ thực hiện nghiêm chỉ đạo của Thủ tướng”, ông Nguyễn Xuân Phúc, Thủ tướng chính phủ nhấn mạnh.

ông Lê Như Tiến, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban VH-GD-TN- TN-NĐ của Quốc hội bày tỏ quan điểm ủng hộ tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.

“Dịp lễ Tết đến chúc nhau năm mới làm ăn phát đạt, sức khỏe, gia đình hạnh phúc là truyền thống tốt đẹp của chúng ta. Nhưng nếu biến ngày Tết thành việc đến biếu xén lãnh đạo, trả ơn nhau, hay là dịp thể hiện để anh chú ý đến tôi thì như thế là không nên” – ông Lê Như Tiến chia sẻ.

Vị đại biểu với nhiều phát ngôn mạnh mẽ trên nghị trường về phòng chống tham nhũng, lãng phí nhấn mạnh, việc Thủ tướng Chính phủ có ý kiến liên quan đến việc chúc Tết lãnh đạo, tránh phong bao, phong bì và yêu cầu các thành viên Chính phủ làm gương cũng biểu hiện sự cương quyết lập lại trật tự kỷ cương, xây dựng Chính phủ liêm chính.

Ông Lê Như Tiến cũng cho rằng, yêu cầu trên không chỉ với bộ ngành mà phải được quán triệt đến các địa phương. Bởi thực tế có nhiều cán bộ, phòng ban, đơn vị đến chúc Tết các lãnh đạo tỉnh.

“Ý kiến trên một lần nữa thể hiện quyết tâm của Chính phủ nói chung và của ông Nguyễn Xuân Phúc  nói riêng trong việc xây dựng Chính phủ liêm chính, kiến tạo, hướng về người dân và doanh nghiệp” – nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban VH-GD-TN-TN-NĐ của Quốc hội bày tỏ.

Chỉ đạo phải lan tỏa đến từng địa phương

Qua theo dõi phiên chất vấn tại Kỳ họp Quốc hội vừa qua, ông Lê Như Tiến nhận thấy, dù các thành viên Chính phủ mới đảm nhiệm chức vụ nhưng đã khẳng định trách nhiệm của mình về những khuyết điểm, hạn chế, tồn tại, để từ đó rút ra bài học, có giải pháp khắc phục.

“Tôi đánh giá cao sự dũng cảm của các thành viên Chính phủ khi nhận trách nhiệm về mình để có hệ thống giải pháp nhằm làm tốt hơn thời gian tới” – ông Lê Như Tiến nói.

Tuy vậy, cũng giống như nhiều ý kiến đại biểu Quốc hội trước đó, ông Lê Như Tiến mong rằng có sự chuyển biến đồng bộ từ trên xuống dưới, từ Trung ương, Bộ ngành tới địa phương. Các địa phương cần đồng hành cùng Chính phủ để tạo sự lan tỏa tích cực.

Theo ông Lê Như Tiến, chuyển biến ở Trung ương thấy khá rõ nhưng cần lan tỏa đến từng địa phương. Muốn làm được điều đó phải nêu cao trách nhiệm người đứng đầu, trách nhiệm giải trình trước cử tri, trước nhân dân, giữa cấp dưới với cấp trên. Nếu làm không tốt, làm ngược lại với chỉ đạo của Thủ tướng thì phải xử lý nghiêm chứ không hô hào vận động chung chung.

“Tôi từng sử dụng hình ảnh tham nhũng và lãng phí như hai anh em sinh đôi, hòn đá tảng cản đường cất cánh của đất nước. Phải có giải pháp đồng bộ, kiên quyết trong phòng chống lãng phí. Việc này xuất phát từ sự cương quyết, quyết tâm chính trị của cả hệ thống chính trị, trong đó có Chính phủ” – vị đại biểu Quốc hội khóa XIII nêu ý kiến

RELATED ARTICLES

Tin mới