Saturday, November 23, 2024
Trang chủBiển nóngSự kiệnTrung Quốc vừa đánh cá vừa lấn chiếm trên Biển Đông

Trung Quốc vừa đánh cá vừa lấn chiếm trên Biển Đông

BienDong.Net: China News ngày 10/12 đưa tin, sáng 7/12 tàu Nam Phong, chuyên nghiên cứu nguồn lợi nghề cá thuộc Viện nghiên cứu Thủy sản Bộ Nông nghiệp Trung Quốc đã trở về Quảng Châu, kết thúc hoạt động thăm dò nguồn cá ở khu vực quần đảo Trường Sa (thuộc chủ quyền Việt Nam).

Đáng chú ý, tàu khảo sát cá Trung Quốc đã kéo xuống tận bãi cạn James chỉ cách bờ biển Malaysia khoảng 80 km, nằm ở phía Nam quần đảo Trường Sa để dò tìm nguồn cá và “cắm bia lưu niệm”.

Phạm vi hoạt động của tàu Nam Phong trải rộng trên diện tích 600 ngàn km2. Đây là lần thứ 4 trong năm nay tàu Nam Phong kéo ra Trường Sa để nghiên cứu thăm dò bất hợp pháp nguồn cá tại 46 địa điểm trong ngư trường.

alt

Tàu Trung Quốc thu hoạch cá ở Biển Đông

Ngoài ra, trong chuyến đi khảo sát đầy tham vọng này, phía Trung Quốc còn đem theo các phóng viên của 23 tờ báo, hãng thông tấn lớn đến Trường Sa để tuyên truyền cho cái gọi là “chủ quyền” vô lý mà Bắc Kinh đang yêu sách.

Trong kế hoạch độc chiếm Biển Đông, vơ vét tài nguyên hải sản luôn là một trong những mục tiêu hàng đầu của Trung Quốc và họ đã thi hành những bước đi bài bản để thực hiện tham vọng này.

Từ vài tháng nay, Trung Quốc đã thiết lập một cơ sở nghiên cứu và nuôi trồng thủy sản tại vùng biển xung quanh bãi Macclesfield ở Biển Đông, với diện tích 625 ha, nơi các khoa học gia Trung Quốc sẽ nuôi trồng và nghiên cứu cá tôm, bào ngư, trai lấy ngọc và tảo.

Ngoài ra, họ cũng nghiên cứu về điều kiện thời tiết, địa lý, hàng hải và các rạn san hô dưới nước.

Trong một diễn biến có liên quan đến hoạt động nghề cá, hồi tháng 6 vừa qua, Quốc vụ viện (Chính phủ) Trung Quốc đã công bố một số chủ trương về việc thúc đẩy “phát triển bền vững” nghề cá biển trong đó có mục tiêu sẽ kiểm soát nghiêm ngặt cường độ đánh bắt cá trên vùng biển gần bờ.

Văn bản liệt kê các chủ trương này chỉ rõ, “đến năm 2015, sản lượng hải sản của Trung Quốc sẽ giữ ổn định ở mức khoảng 30 triệu tấn, diện tích nuôi trồng thủy sản giữ ở mức khoảng 2 triệu 200 nghìn ha.

“Nhằm thực hiện mục tiêu này, Trung Quốc sẽ tăng cường bảo vệ tài nguyên nghề cá và môi trường sinh thái biển, cứ 5 năm triển khai một cuộc điều tra toàn diện về nguồn tài nguyên nghề cá, đồng thời thực hiện nghiêm khắc chế độ cấm đánh bắt cá trên biển, kiểm soát nghiêm ngặt cường độ đánh bắt cá trên vùng biển gần bờ”.

Trong những năm gần đây, hàng năm Trung Quốc đều đơn phương áp đặt lệnh cấm đánh bắt tại các vùng biển mà nước này tuyên bố chủ quyền, bất chấp sự phản đối của các nước có liên quan, trong đó có Việt Nam.

Từ giữa tháng 8 vừa qua, ngay sau khi lệnh đơn phương cấm đánh bắt cá của Trung quốc kết thúc, Bắc Kinh đã xua gần 10.000 tàu cá ra Biển Đông vơ vét tài nguyên.

Viện Nghiên cứu các vấn đề an ninh Đức cho rằng ở Biển Đông chiếm khoảng 1/10 sản lượng hải sản của thế giới, đóng vai trò chủ chốt trong ngành ngư nghiệp trị giá nhiều tỉ USD, chính nguồn lợi thuỷ sản là nhân tố có tiềm năng châm ngòi cuộc xung đột khu vực do việc sử dụng hoạt động đánh bắt cá để khẳng định chủ quyền lãnh thổ.

Quan điểm này không phải vô căn cứ, thậm chí trở thành xu hướng ở một số nước – điển hình là Trung Quốc – khi ngày càng có sự tăng cường phối hợp và hỗ trợ giữa ngư dân cũng như các cơ quan hàng hải.

Ví dụ, tháng 4/2012, ngư dân Trung Quốc tại bãi ngầm Scarborough bị cho là săn bắt trái phép, đã liên lạc với tàu hải giám để can thiệp. Trung Quốc cũng tăng cường các chuyến tuần tra ở Biển Đông trong suốt thập niên qua – từ 477 lần năm 2005 lên 1.235 lần năm 2009.

Một ví dụ khác là trường hợp Trung Quốc xâm chiếm bãi Mischief nằm trong phạm vi 200 hải lý vùng đặc quyền kinh tế Philippines. Mặc dù năm 2005, một dự án xây dựng ở đây được coi là công trình làm nơi trú ẩn cho ngư dân đi biển, nhưng tới năm 1997, nó đã biến thành khu đồn trú quân sự.

BDN (nguồn: GDVN và VietNamNet)

RELATED ARTICLES

Tin mới