Friday, November 22, 2024
Trang chủSự thật Trung HoaNghiên cứu Việt NamCác quần đảo ở biển Đông chưa bao giờ là của Trung...

Các quần đảo ở biển Đông chưa bao giờ là của Trung Quốc

altĐể hỗ trợ cho yêu sách về lãnh thổ của Trung Quốc
đối với các quần đảo ở biển Đông (biển Nam Trung Hoa), từ năm 1975 các học giả
Trung Quốc đã tìm những chi tiết liên quan đến biển Đông trong những sách cổ
Trung Quốc để nguỵ tạo ra luận thuyết cho rằng “các đảo Nam Hải từ xưa đến nay là lãnh thổ Trung Quốc” do nhân dân
Trung Quốc “phát hiện và đặt tên sớm
nhất”, “khai phá và kinh doanh sớm nhất”, do Chính phủ Trung Quốc “quản hạt và hành xử chủ quyền sớm nhất”.[1]
Hàng loạt sách cổ và bản đồ cổ đã được viện dẫn để hậu thuẫn cho những luận cứ
nói trên.

Tuy vậy, qua nghiên cứu hàng trăm sách và bản đồ
Trung Quốc cho đến cuối đời Thanh (1911) mà người ta có thể tìm thấy trong các
kho lưu trữ trên thế giới đã chứng minh là các quần đảo ở Biển Nam Trung Hoa
chưa bao giờ là lãnh thổ Trung Quốc.

Việc phát
hiện sớm nhất”, “đặt tên sớm nhất”, “khai thác kinh doanh sớm nhất”
là những
hành động không xác lập danh nghĩa chủ quyền. Do đó, để xác định được Nhà nước
Trung Quốc có xác lập chủ quyền và thực hiện chủ quyền đối với các quần đảo ở
vùng biển này hay không, bài viết chỉ đi sâu phân tích những tài liệu đã được
viện dẫn để chứng minh rằng Nhà nước Trung Quốc đã “quản hạt và hành xử chủ quyền sớm nhất” đối với các quần đảo ở
biển Đông (Nam Trung Hoa).

Để chứng minh nhà nước Trung Quốc đã “quản hạt và hành xử chủ quyền sớm nhất”
đối với các quần đảo ở biển Đông (Nam Trung Hoa), các học giả Trung Quốc đã đưa
ra các “bằng chứng” sau đây :

– Các đảo Nam Hải đã được “sáp nhập” vào đảo Hải
Nam năm thứ 5 niên hiệu Trinh Nguyên đời Đường (789);

– Chính phủ Trung Quốc đã sai thuỷ quân đi “tuần
tiễu” các đảo Nam Hải;

– Nhà Nguyên đã sai nhà thiên văn Quách Thủ Kính
đến quần đảo “Tây Sa” đo đạc thiên văn;

– Chính phủ Trung Quốc kháng nghị, buộc người Đức
ngừng việc quan trắc các đảo Nam Hải 1883;

– Chính quyền địa phương Trung Quốc thực hiện
nghĩa vụ cứu giúp tàu thuyền nước ngoài lâm nạn ở vùng biển “Tây Sa”;

– Các đảo Nam Hải đã được vẽ vào bản đồ Trung
Quốc.

Sau đây là sự thật về những tài liêu gọi là bằng
chứng để làm chỗ dựa cho luận thuyết chính phủ Trung Quốc “đã quản hạt và hành xử chủ quyền sớm nhất” đối với các đảo Nam Hải
nói trên.

1. Về việc
“sát nhập” các đảo Nam Hải
và đảo Hải Nam
năm 789 :

Các học giải Trung Quốc viện dẫn đoạn viết về
lịch sử và địa lý đảo “Hải Nam” trong Chư
Phiên Chí
của Triệu Nhữ Quát đời Tống để chứng minh cho luận cứ này.

Trong Hội
biên sử liệu các đảo Nam Hải nước ta (1988)
, các tác giả trích dẫn đoạn văn
liên quan trong Chư Phiên Chí để chứng
minh rằng “Các đảo nam Hải từ năm thứ 5
niên hiệu Trinh Nguyên đời Đường (789) đã thuộc phạm vi quản hạt của Trung
Quốc”
(Trang 33).

Trong bài viết đăng trên tạp chí Window
(HongKong) ngày 3 tháng 9 năm 1993, tác giả đăng nguyên văn Chư Phiên Chí và quả quyết rằng: “Năm thứ 5 niên hiệu Trinh Nguyên, quần đảo
Nam Sa đã được đặt dưới sự quản hạt của phủ Quỳnh Châu”
. Vậy tác giả Chư Phiên Chí viết như thế nào mà các
học giả Trung Quốc ngày nay lại khẳng định như thế?

Chư Phiên Chí
là cuốn sách viết về nước ngoài. Trong cuốn sách, tác giả có chép về đảo Hải Nam.
Mở đầu mục này, tác giả viết : “Hải Nam là
Châu Nhai, Đảm Nhĩ nhà Hán. Vũ Đế (140-87 TCN) bình Nam Việt sai sứ từ Từ Văn vượt biển
lấy đất đặt hai quận Châu Nhai, Đảm Nhĩ. Nguyên Đế (48-33 TCN) theo lời bàn của
Giả Quyên bỏ Châu Nhai. Đời Lương (502-557), Tuỳ (581-618) lại đặt như cũ. Nhà
Đường, năm đầu niên hiệu Trung Quán (627) tách làm 3 châu Nhai, Đảm, Chấn thuộc
Lĩnh Nam
Đạo. Năm thứ 5 tách (huyện) Quỳnh Sơn của Nhai (Châu) đặt thành quận, nâng
huyện Vạn An làm châu, nay là Vạn An Quân, Đảm, Chấn nay là Cát Dương quân,
Xương Hoá quân. Năm thứ 5 niên hiệu Trinh Nguyên (789) lấy Quỳnh (Sơn) làm Phủ đô
đốc. Nay theo như thế. Từ Văn có Đệ Giác Trường, đối với Quỳnh (Hải Nam) cách nhau
chừng hơn 360 dặm, thuận gió nửa ngày thì đến. Dòng giữa gọi là Tam Hợp Lưu
(dòng nước xoáy đến từ 3 ngả) đến đây không sóng gió người đi thuyền giơ tay
chúc mừng nhau. Đến Cát Dương vẫn là Biển, đất cát chẳng còn.
Bên
ngoài có Châu (đảo) gọi là U-ri, là Su-ji-liang.[2]
Phía Nam đối diện với Chiêm Thành, phía Tây trông về Chân Lạp, phía
Đông là Thiên Lý Trường Sa, Vạn lý Thạch Đường, mênh mông không bờ bến, trời
nước một mầu, người đi thuyền qua lại chỉ lấy kim la bàn làm chuẩn, ngày đêm trông
coi cẩn thận, sai sót tí chút sống chết kề bên. Bốn quận gồm 11 huyện thuộc
Quảng Nam Tây Lộ” (tờ 15b-16a)
.

Qua
đoạn văn trích dẫn trên người ta thấy tác giả viết hai ý khác nhau. Đoạn đầu,
tác giả tóm lược lịch sử đảo Hải Nam. Đoạn tiếp theo tác giả mô tả vị trí địa
lý đảo này. Ở đoạn viết về lịch sử, tác giả nói đến việc Quỳnh Châu[3] được đặt làm “Phủ đô đốc” vào năm thứ 5 niên hiệu Trinh Nguyên đời Đường (789).
Ở đoạn viết về vị trí đảo Hải Nam, tác giả cho biết phía Đông Hải Nam là “Thiên
lý Trường Sa, Vạn lý Thạch Đường”.

Sự
thật về sự kiện năm thứ 5 niên hiệu Trinh Nguyên (789) đời Đường là như vậy. Sự
kiện xảy ra ở đảo Hải Nam năm 789, sử sách Trung Quốc chép rõ ràng năm đó, đô
đốc nhà Đường là Lý Phục cho quân từ đại lục sang lấy lại đảo Hải Nam sau hơn
100 năm dân bản địa nổi dậy làm chủ đảo, không hề có sự sáp nhập các đảo Nam
Hải và đảo Hải Nam.[4]

2. Về việc phái thuỷ quân đi “tuần tiễu”
các đảo Nam Hải :

Các
học giả Trung Quốc dẫn ra ba sự kiện để chứng minh các sự kiện này. Đó là việc
triều đình Bắc Tống “đặt dinh luỹ thuỷ
quân tuần biển”
ở Quảng Châu chép trong
Kinh tổng yếu
; việc viên tướng nhà Nguyên đi qua “Thất Châu Dương, Vạn lý
Thạch Đường” trên đường đi đánh Gia-Va năm 1293 chép trong Nguyên Sử; việc viên phó tướng Quảng Đông Ngô Thăng đi tuần ở Hải
Nam năm 1710-1712 chép trong Tuyền Châu
phủ chí
.

Sự
thật về ba sự kiện đó như sau :

– Về
sự kiện triều đình Bắc Tống “đặt dinh luỹ
thuỷ quân tuần biển”
, Vũ Kinh tổng yếu
chép rằng, quân Nam Hải (thuộc Quảng Đông ngày nay) là đất Bách Việt xưa, đời
Hán chia làm quận huyện, đời Tống thành nơi đô hội, có mối lợi về buôn bán với
nước ngoài, người Phiên người Hán ở lẫn lộn, “sai quân nhà vua đến trấn giữ, đặt dinh luỹ thuỷ quân tuần biển”
cửa biển sau này.

Sau
khi mô tả vị trí nơi đặt dinh luỹ thuỷ quân, tác giả Vũ Kinh tổng yếu chép lộ trình đường biển từ cửa biển Quảng Châu
sang Ấn Độ Dương :

“Từ đồn Môn Sơn dùng gió Đông đi về phía
Tây nam 7 ngày đến Cửu Nhũ Loa Châu, đi ba ngày nữa đến Bất Lao Sơn (Tác giả
chú thích: “Thuộc nước Hoàn Châu”, nay là Cù Lao Chàm), lại đi ba ngày nữa về
phía Nam đến phía Đông Lăng Sơn (mũi Đại Lãnh). Phía Tây Nam nơi này là các
nước Đại Thực (A Rập), Phật Sư tử (Sri-Lanka), Thiên Trúc (Ấn Độ) không thể
tính được hành trình”

(quyển 20, tờ 19a-19b).

Tác
giả Vũ Kinh tổng yếu chép rõ hai ý
khác nhau. Một là do thủ phủ quận Nam Hải thời đó (nay là thành phố Quảng Châu)
đã trở thành một thương cảng, người nước ngoài (người Phiên) ở lẫn lộn với
người Hán, nên vua Tống sai quân đến “trấn
giữ”
và cho đặt đồn thuỷ quân để “tuần
tra”
, bảo đảm an ninh cho nơi này. Tác giả phụ chép lộ trình đường biển từ
cửa biển Quảng Châu sang Ấn Độ Dương.

Các
học giả Trung Quốc đã ghép hai ý trên với nhau để biến lộ trình đường biển
thành tuyến “tuần tra” của thuỷ quân
Trung Quốc và giải thích địa danh “Cửu
Nhũ Loa Châu”
trên tuyến đường này là “quần đảo Tây Sa” để từ đó nói rằng “Trung Quốc đã phái thuỷ quân tuần tiễu quần
đảo Tây Sa bắt đầu từ đời Tống”.
[5] Cách giải thích đó đưa đến hai điều phi
lý :

– Nếu
bảo lộ trình từ cửa biển Quảng Châu đi Ấn Độ Dương là đường “tuần tiễu” của thuỷ quân Trung Quốc,
thì đoạn đường từ “Cửu Nhũ Loa Châu
sang Ấn Độ Dương cũng đều thuộc phạm vi “tuần tiễu” của thuỷ quân Trung Quốc và
các nước “Đại Thực” (Ả Rập), “Sư Tử” (Sri-Lanka), “Thiên Trúc” (Ấn Độ) cũng đều
trở thành lãnh thổ Trung Quốc cả sao?

Nếu
bảo “Cửu Nhũ Loa Châu” là “quần đảo Tây Sa” thì theo lộ trình, từ đây đi ba
ngày nữa về phía Tây Nam, nơi đến đâu có còn là “Bất Lao Sơn” (Cù Lao Chàm) mà
sẽ là ven biển cực Nam Trung Bộ ngày nay. Bởi “Tây Sa” hầu như nằm trên cùng
một vĩ tuyến với Cù Lao Chàm, theo hướng Đông Tây.

Gán
ghép câu chữ, lấy tên của địa danh nơi này để gọi địa danh khác nhằm làm sai
lạc sự thật lịch sử thì không thể được gọi là “bằng chứng” chứng minh chủ quyền
!

Về sự
kiện viên tướng nhà Nguyên Sử Bật đi qua các đảo Nam Hải trên đường đi xuống
Gia-Va năm 1293, theo cách nói của học giả Trung Quốc. Kỳ thật, đây là cuộc
hành quân của quân Nguyên đi đánh Gia-Va năm 1293. Nguyên Sử chép : Vua Nguyên (Hu-bi-lai) phán rằng “Yeheimishi (tên viên tướng Mông Cổ) thông
thạo đường biển lo mọi việc về biển.
Còn việc binh thì giao cho Sử Bật. Cho Bật giữ chức Phúc Kiến đẳng sứ
Hành trung như tỉnh, Bình chương chính sự, thống lĩnh quân xuất chinh”
(quyển
17, tờ 61). Nguyên Sử cho biết “Tháng 12 Bật mang 5000 quân, hội chư quân,
xuất phát từ Tuyền Châu (cửa biển miền Nam Phúc Kiến), gió to sóng cả, thuyền
tròng chành, quân sĩ mấy ngày không ăn được, qua Thất Châu Dương, Vạn Lý Thạch
Đường, đến (hải) giới Giao Chỉ, Chiêm Thành
(vùng biển ngoài khơi Quảng
Nam-Đà Nẵng ngày nay). Tháng giêng năm
sau (1923) đến đảo Đông Đổng, Tây Đổng, Ngưu Kỳ Dữ,
(vùng biển Cù lao
Thù-Hòn Hải ngày nay) đi vào đại dương
mênh mông, đóng quân tại các đảo Ganlanyn, Kalimata, Goulan (các đảo ngoài khơi
Gia-Va) đẵn gỗ đóng xuống để đi vào (Gia-Va)…”. Nguyên sử
còn cho biết sau
cuộc chiến, khi trở về Bật đã bị hàng tướng Gia-Va “làm phản”, Bật phải “chặn phía sau, vừa đánh vừa đi, 300 dặm mới
lên được thuyền (loại thuyền lớn) đi 68 ngày mới về đến Tuyền Châu, quân sĩ
chết 3000 người”
và chính vì vậy Bật đã bị phạt “đánh 17 trượng, tịch thu một phần ba gia sản” (quyển 162, tờ 7a,
7b).

Cuộc hành quân xâm lược như thế sao có thể giải
thích và hiểu là cuộc “tuần tiễu” của
thuỷ quân đời Nguyên ở Nam Hải?

Về sự kiện viên phó tướng Quảng Đông Ngô Thăng đi
tuần khoảng năm 1710-1712 chép trong Tuyền
Châu phủ chí
(1780) cũng vậy. Phủ chí
chép rằng, sau khi nhậm chức ở Quỳnh Châu, Ngô Thăng đã có những cuộc tuần tiễu“từ Quỳnh Nhai qua Đồng Cổ, qua Thất Châu
Dương, tứ Chanh Sa, vòng quanh 3000 dặm, đích thân đi tuần, địa phương yên ổn

(quyển 56, tờ 43a-43b).

Căn cứ vào địa danh chép trên tuyến đường tuần
tiễu thì cuộc tuần tiễu của Ngô Thăng chỉ diễn ra chung quanh đảo Hải Nam.
Bởi “Quỳnh Nhai” là thủ phủ Phủ Quỳnh Châu, phía Bắc đảo; “Đồng Cổ” là dải núi
(cao 339 mét) ở Mũi Đồng Cổ, Đông Nam đảo; “Tứ Canh Sa” là bãi cát
phía Tây đảo.

Cuộc tuần tiễu chung quanh đảo Hải Nam
sao có thể giải thích và hiểu là cuộc tuần tiễu quần đảo “Tây Sa”?

3. Về việc đo đạc thiên văn của Quách Thủ Kính năm 1279 :

Nguyên Sử chép Quách Thủ Kính tiến hành đo đạch
thiên văn “bốn biển” năm 1279 theo lệnh của vua Nguyên (quyển 48 tờ 7a, 7b).

Các học giả Trung Quốc căn cứ vào số độ đo được ở
“Nam Hải” (15o Bắc Cực, tương đương vĩ độ Bắc ngày nay) để giải
thích rằng, điểm đo đạc thiên văn của Quách Thủ Kính ở “Nam Hải chính là trên
quần đảo Tây Sa ngày nay để rồi coi đó là “hành
động hành xử  chủ quyền của chính phủ
Trung Quốc”
“cương vực đời Nguyên
bao gồm cả các đảo Nam Hải
”.[6]

Nguyên Sử cũng cho biết, việc đo đạc thiên văn do
Quách Thủ Kính tiến hành mang tính chất nghiên cứu khoa học, tìm hiểu vận động
của vũ trụ (mặt trời, mặt trăng, các vì sao) để “làm lịch mới” (quyển 164, tờ 4b-5a).

Với tính chất như vậy và được tiến hành trên phạm
vi rộng, vượt ra khỏi phạm vi lãnh thổ Trung Quốc thời đó, nên được chép là “trắc nghiệm bốn biển”. Từ ngữ “bốn
biển” người Trung Quốc sử dụng với nghĩa như từ ngữ “thế giới” ngày nay. Cũng
vì lẽ đó, người ta thấy 27 nơi tiến hành đo đạc, có cả “Cao Ly”, nay là Triều Tiên, “Thiết
Lặc”
, vùng đất đến nay thuộc Sibia, Liên Bang Nga, “Bắc Hải”, nay là Bắc Băng Dương, “Nam Hải” nay là biển Đông (phía Nam Trung Quốc).

Nếu hiểu “Nam Hải” thời đó nằm  trong “cương vực đời Nguyên”, thì Triều Tiên,
Si-bia, Bắc Băng Dương cũng thuộc “cương vực đời Nguyên cả sao? Biết rằng,
cương vực đời Nguyên chép trong Nguyên Sử và thể hiện trên bản đồ đời Nguyên
(Quảng dư đồ của Chu Tư Bản) phía Nam chỉ đến đảo Hải Nam, phía Bắc không quá
sa mạc Gô-bi.

4. Về việc
chính phủ Trung Quốc kháng nghị người Đức thăm dò “các đảo Nam Hải” năm 1883 :

Các học giả Trung Quốc không đưa ra bất kỳ bằng
chứng nào để chứng minh hành động này. Song, nhiều tài liệu còn đến ngày nay còn
thấy cho biết công việc thăm dò, đo đạc của người Đức ở biển Đông (biển Nam
Trung Hoa) trong những năm 1881-1884 tiến hành thuận lợi và tài liệu thu được
trong cuộc thăm dò đã được biên soạn thành sách.

Một bài báo đăng trên Tạp chí Phương Đông năm
1910 cho biết, hơn 10 năm trước tác giả đã có trong tay tập tài liêu điều tra
biển Nam Hải của một người Đức, trong đó quần đảo “Tây Sa” được ghi chép tỉ mỉ
mà ông ta đã dịch ra tiếng Trung Quốc. Ông nói, người Đức này đã đi từ Nam
lên Bắc, từ Tây sang Đông đo đạc vùng biển này để lập bản đồ hàng hải.[7]

Theo Thẩm Bằng Phi, trong báo cáo về cuộc điều
tra quần đảo Tây Sa năm 1928, năm 1883 Chính phủ Đức tiến hành đo đạc quần đảo Hoàng
Sa. Tài liệu thu thập được đã được E.D. Existence và P.W. Position biên soạn
thành tài liệu năm 1884.[8]

Trong một tài liệu nghiên cứu về quần đảo Hoàng
Sa của Phủ Toàn quyền Đông Dương năm 1921 ghi nhận rằng: “Người Đức từ năm 1881 đến 1884 đã tiến hành nghiên cứu thuỷ học một
cách kỹ lưỡng các đảo này”
“họ
thường tiến hành ở hầu hết các vùng biển Trung Hoa (Hải Nam, Bắc Hải, Vi Châu)
cho đến tận Áo Môn và Phúc Châu”[9]
.

Các nguồn tư liệu trên chứng minh người Đức đo
đạc vẽ bản đồ các quần đảo ở Biển Đông không hề gặp bất kỳ cản trở nào và những
công trình nghiên cứu, đo đạc của họ được hoàn tất và công bố.

Như vậy, câu chuyện Chính phủ Trung Quốc kháng
nghị người Đức năm 1883 là điều rất đáng nghi ngờ (?). Dù việc này có thật cũng
vô nghĩa. Vì các quần đảo ở biển Đông chưa hề được đặt dưới chủ quyền của Trung
Quốc, Trung Quốc không có tư cách đưa ra bất kỳ lời kháng nghị nào.

5. Về việc
chính quyền địa phương Trung Quốc cứu giúp tầu thuyền nước ngoài lâm nạn :

Về sự kiện này, các học giả Trung Quốc dẫn hai
văn bản đời Càn Long năm thứ 20 (1755) và năm thứ 27 (1762) chép việc tàu
thuyền nước ngoài bị đắm ở “Cửu Châu Dương (thuộc) Vạn Châu” và ở “Thất Châu
Dương”, Chính phủ nhà Thanh lệnh cho quan chức địa phương chu cấp cho người
sống sót về nước.[10]

Như trên đề cập, “Thất Châu Dương” là tên chỉ
vùng biển kế cận đảo Hải Nam về phía Đông Nam và “Cửu Châu Dương” đã được tác
giả bộ sách Lịch Đại dư địa duyên cách
hiểm yếu đồ
(1879) ghi chú là “Thất Châu Dương ngày nay”.

Điều đó nói lên, cả hai vụ đắm tàu đều xảy ra ở
vùng biển kế cận đảo Hải Nam,
không phải là “vùng quần đảo Tây Sa”.

6. Về việc các đảo Nam
Hải được vẽ vào bản đồ Trung Quốc :

Các học giả Trung Quốc dẫn 9 bản đồ  và chia làm hai loại. Một loại là “bản đồ
Minh, Thanh” (tức bản đồ Trung Quốc) có vẽ các đảo Hải Nam. Một loại khác là “bản đồ Minh
Thanh và các nước Phiên thuộc” (tức bản đồ Trung Quốc và các nước trong khu
vực) có vẽ các đảo Nam Hải. Loại thứ nhất, các học giả Trung Quốc và các nước
trong khu vực) có vẽ các đảo Nam Hải.

Loại thứ nhất, các học giả Trung Quốc dẫn 2 bản
đồ gồm Thanh hội phủ, châu, huyện, sảnh
tổng đồ
(1800), nói là trên đó có vẽ “Nam Áo Khí”, “Vạn lý Trường Sa”, “Vạn lý Thạch Đường”, “Thất Dương Châu” và giải
thích 4 địa danh này là các quần đảo “Đông Sa”, “Trung Sa”, “Nam Sa” và “Tây
Sa”; Trực tỉnh hải dương tổng đồ trong
Dương phòng tập yếu
(1838) nói là trên đó có vẽ “Vạn Lý Trường Sa” và giải thích từ ngữ đó chỉ chung các đảo Nam
Hải; Quảng Đông dương đồ cũng trong Dương
phòng tập yếu
, nói là trên đó vẽ “Cửu
Nhũ Loa Châu”
và giải thích đó là quần đảo Tây Sa”.

Loại thứ 2, tác giả dẫn 10 bản đồ bao gồm Trịnh Hoà hàng hải đồ (1433); Vũ bị bí thư
địa lợi phụ đồ (1637); Đại Thanh Trung ngoại thiên hạ toàn đồ (1709), Thanh
trực tỉnh phân đồ (1724), Hoàng Thanh các trực tỉnh phân đồ (1755); Đại Thanh
vạn niên nhất thống thiên hạ toàn đồ (1767); Đại Thanh vạn niên nhất thống toàn
đồ (sau 1767); Đại Thanh vạn niên nhất thống địa lý toàn đồ (1810); Cổ Kim dư
địa toàn đồ (1895)
và  nói rằng các
đảo Nam Hải đã được vẽ vào các bản đồ này.[11]

Đối với loại bản đồ thứ nhất, người ta có thể đặt
câu hỏi là liệu Thanh hội, phủ, châu,
huyện, sảnh tổng đồ
có vẽ các địa danh mà các học giả Trung Quốc đề cập hay
không, vì những bản đồ có tiêu đề tương tự mà người ta thấy như Hoàng triều phủ, sảnh, châu, huyện toàn đồ
(1856), Hoàng triều trực tỉnh, phủ, sảnh,
châu, huyện toàn đồ
(1862) không thấy vẽ các địa danh nói trên. Dù bản đồ
học giả Trung Quốc nói đến có vẻ các địa danh đó đi nữa cũng không có giá trị
chứng minh chủ quyền. Bởi bản đồ này do học giả (Hiểu Phong) vẽ. Theo Luật pháp
quốc tế, bản đồ nếu không được đính kèm theo một văn bản pháp lý sẽ không có
giá trị chứng minh chủ quyền.[12]
Đó là chưa kể các địa danh người trung Quốc xưa dùng để chỉ các quần đảo ở Biển
Nam Trung Hoa đã bị giải thích một cách tuỳ tiện. Bãi ngầm lớn nằm giữa biển
Nam Trung Hoa, Phương Tây gọi là Macclessfield
Bank
còn nằm sâu dưới mặt nước vài chục mét được giải thích là một “quần
đảo” và gán cho nó cái tên “Vạn Lý Trường Sa”. “Thất Châu Dương” là vùng biển
kế cận đảo Hải Nam về phía
Đông Nam
lại giải thích là “quần đảo Tây Sa”…

“Vạn lý
Trường Sa
” trên “Trực tỉnh hải dương
tổng đồ”
(Dương phòng tập yếu)
cũng không thể giải thích là “lãnh thổ” Trung Quốc. Vì trên bản đồ này, ngoài “Vạn Lý Trường Sa” còn vẽ các nơi khác
nhau như “Vùng đất Hà Lan, Hồng Mao (Anh)
đến buôn bán
” (đảo Boóc-nê-ô ngày nay), “Tiểu Lưu Cầu”, “Đại Lưu Cầu” (nay
là quần đảo Ryu-kyu của Nhật Bản), “Đối Mã” (nay là đảo Tsuma của Nhật Bản).
Nếu “Vạn Lý Trường Sa” được giải
thích là “lãnh thổ Trung Quốc” thì các vùng đất khác đề cập ở trên có là “lãnh
thổ” Trung Quốc không?

“Cửu Nhũ Loa Châu” trên Quảng Đông dương đồ (Dương phòng tập yếu) thì đã rõ. Trên bản đồ
này, ký hiệu “Cửu Nhũ Loa Châu”  được vẽ
là hình núi cao (3 chóp nón) như ký hiệu “Lê Đầu Sơn”, “Nam Bành” cạnh đó mà
hai nơi này người ta đã tìm thấy trên bản đồ phòng thủ biển trong Quảng Đông thông chí của Nguyễn Nguyên
(1822) là những đảo ven bờ.

Đối với bản đồ thuộc loại thứ 2 cũng đã rõ. Trên
một bản đồ vẽ cả Trung Quốc và các nước trong khu vực mà học giả Trung Quốc gọi
là “Bản đồ Minh Thanh và các nước Phiên thuộc” thì lấy gì làm chuẩn để phân
biệt đâu là lãnh thổ Trung Quốc, đâu không thuộc lãnh thổ Trung Quốc. Nếu “Các
đảo Nam Hải” vẽ trên bản đồ đó là “lãnh thổ” Trung Quốc thì các nước trong khu
vực có là “lãnh thổ” Trung Quốc không? Biết rằng, các quần đảo ở biển Nam Trung
Hoa đã được các học giả Trung Quốc thời xưa gọi là “Trường Sa”, “Thạch Đường”
và vẽ trên các bản đồ khu vực Đông Nam Á mang tiêu đề Đông Nam Hải dư đồ hay Đông
Nam Dương các quốc duyên cách đồ
”.[13]

Điều không khỏi ngạc nhiên là có hàng loạt sách
địa chí và bản đồ Trung Quốc, kế cả của quốc gia (nhà nước biên soạn) và thông
thường (học giả biên soạn) lại không thấy các học giả Trung Quốc viện dẫn để
chứng minh chủ quyền đối với các quần đảo ở biển Nam Trung Hoa.

Đơn giản là bởi các sách địa chí và bản đồ đó đều
chép hoặc vẽ phần cực Nam
lãnh thổ Trung Quốc là đảo Hải Nam,
chứ không bao gồm bất kỳ quần đảo nào ở biển Nam Trung Hoa.

Sách địa chí chính thức có Nguyên phong cửu vực chí (Tống), Đại Nguyên nhất thống chí (1294), Đại Minh nhất thống chí (1461), Đại
Thanh nhất thống chí
(1842). Bản đồ chính thức có Hoàng dư toàn lãm đồ (Hoàng Thanh nội phủ địa đồ) (1761), Hoàng dư toàn
đồ (trong Khâm định Đại Thanh hội điển đồ) (1894).

Sách địa chí thông thường (do học giả soạn)
thường được nói đến là Thái bình hoàn vũ
của Nhạc sử, Dư địa kỷ thắng của Vương Tượng Chi đời Tống, Thiên hạ quận quốc lợi bệnh thư của Cố
Viên Vũ, Độc sử phương dư kỷ yếu của
Cố Tổ Vũ đời Thanh.

Bản đồ thông thường có Vũ tích đồ, Hoa Di đồ, bản đồ Trung Quốc đời Tống khắc đá năm 1137
(phụ lục II) (Bảo tàng Tây An, Thiên Tây), Địa
lý đồ
bản đồ Trung Quốc đời Tống, khắc đá năm 1247 (Tô Châu, Giang Tô)[14], Dư địa đồ của Chu Tư Bản đời Nguyên,
trong Quảng dư đồ của La Hồng Tiên,
(đời Minh), Nguyên lộ, phủ, châu, huyện
đồ
trong Kim cổ dư địa đồ của Ngô
Quốc Phụ (1638), Hoàng Minh đại thống
nhất Tổng đồ
trong Hoàng Minh chức
phương địa đồ
của Trần Tổ Thụ (1628-1634), Hoàng triều phủ, sảnh, châu, huyện toàn đồ của Trình Tổ Khánh
(1856), Đại Thanh trực tỉnh toàn đồ (khuyết danh) (1862), Hoàng Triều nhất thống dư địa toàn đồ (khuyết danh) (1894), Hoàng Triều trực tỉnh đồ (1905, tái bản
1910), Đại Thanh đế quốc toàn đồ
(1905, tái bản 1910).

Trong đó bản đồ năm 1894 ghi rõ “Cực Nam” lãnh thổ Trung Quốc là “Nhai Châu, phủ Quỳnh Châu, Quảng Đông, điểm
Bắc Cực 18 độ 13 phút”.

Sự
thật là như vậy. Một vùng đất mà không được chép trong sách địa chí và cũng không
được thể hiện trên bản đồ từ đời Tống (960-1279) đến đời Thanh (1616-1911), kể
cả chính thức và không chính thức, sao có thể là “lãnh thổ” Trung Quốc?

Các
quần đảo ở biển Đông (Nam Trung Hoa) không được phép trong sách địa chí và thể
hiện trên bản đồ Trung Quốc, nguyên do cũng dễ hiểu. Bởi như phần trên đã đề
cập, các triều đại Phong kiến Trung Quốc, cho đến trước năm 1909 không có bất
kỳ đòi hỏi nào về chủ quyền đối với các đảo Nam Hải và không có bất kỳ hành
động nào nhằm thể hiện quyền lực của mình đối với các quần đảo này.

Theo
luật pháp Quốc tế, để có một bộ phận lãnh
thổ được coi là thuộc một quốc gia nào đó, điều kiện pháp lý cần thiết là lãnh
thổ đó phải được đặt dưới chủ quyền quốc gia đó và giới hạn về lãnh thổ cần
được xác định bằng việc mà quyền lực của Nhà nước được thực hiện trong giới hạn
đó.
[15]

Thật
vậy, cho đến khi Trung Quốc đưa ra yêu sách đối với các quần đảo ở Biển Nam
Trung Hoa vào nửa đầu thế kỷ XX các quần đảo này chưa bao giờ được đặt dưới chủ
quyền của Trung Quốc và quyền lực của Nhà nước Trung Quốc chưa bao giờ được
thực hiện trên các quần đảo này.

Song vì sao, ngày nay Trung Quốc khăng khăng nói
rằng các quần đảo ở biển Đông (Nam Trung Hoa) là lãnh thổ từ ngàn xưa? Vấn đề
là ở chỗ các học giả Trung Quốc đã đưa ra những thông tin sai lạc như được đề
cập trong bài viết này. Những thông tin sai lạc đó, trên thực tế đã là cho dư
luận trong và ngoài Trung Quốc hiểu sai về vấn đề chủ quyền của Trung Quốc đối
với các quần đảo ở biển Đông. Nếu như người Trung Quốc hiểu rõ về lịch sử và biết
rằng chỉ từ nửa đầu thế kỷ XX, nhà chức trách Trung Quốc mới đưa ra yêu sách về
lãnh thổ đối với các quần đảo ở vùng biển này thì cách xử sự của họ có thể sẽ
khác đi.

Hy vọng rằng sự thật về những tài liệu lịch sử của
Trung Quốc liên quan đến biển Đông trong bài viết này có thể giúp bạn đọc hiểu
rõ hơn về thực chất của những chứng cứ lịch sử mà các học giả Trung Quốc cố giải
thích sai lạc đi để chứng minh chủ quyền của Trung Quốc đối với các quần đảo ở
biển Đông (Nam Trung Hoa).

 


[1] Sử Lệ Tổ “Các đảo Nam Hải từ xưa đến nay là lãnh thổ
Trung Quốc”
Quang Minh  nhật báo, 24/11/1975; Trương Hồng Tăng, “Xem xét chủ quyền của Trung Quốc đối với
quần đảo Tây Sa và quần đảo Nam Sa từ góc độ Luật pháp quốc tế”,
tạp chí
Hồng Kỳ số 4/1980; Hàn Chấn Hoa, Lâm Kim Chi, Ngô Phượng Bân, “Hội biên sử liệu các đảo Nam Hải nước ta”,
xuất bản tại Bắc Kinh, 1988; Phan Thạch Anh, “Quần đảo Nam Sa thuộc lãnh thổ Trung Quốc-căn cứ lịch sử  ngược dòng 2000 năm”, tạp chí Window (HongKong), 3/9/1993.

[2] Địa danh
này ngờ là chỉ đảo Boóc-nê-ô hoặc đảo Gia-Va ngày nay.

[3] Quỳnh Châu
một trong bốn châu nhà Đường đặt ở đảo Hải Nam, “Quỳnh Châu” ở phía Bắc. “Nhai
Châu” ở phía Đông, “Đảm Châu” ở phía Tây, “Chấn Châu” ở phía Nam. Chỉ đến đầu đời
Minh (thế kỷ 15) đảo Hải Nam
mới được đặt Quy chế một phủ, gọi là “Phủ Quỳnh Châu”.

[4] ĐườngThư,
quyển 7, tờ 7a; Thái Bình hoàn vũ ký
(Tống), quyển 169, tờ 11a-11b; Dư địa kỷ
thắng
(1221), quyển 124, tờ 2b; Quảng Đông Thông chí (1731), quyển 5, tờ
74a-75a.

[5] Hàn Chấn
Hoa, sách đã dẫn trang 7 và 38

[6] Hàn Chấn
Hoa, sách đã dẫn trang 9 và 47

[7] Hàn Chân Hoa, sách đã dẫn,
trang 133-136

[8] Trung Quốc Nam Hải chư đảo văn hiến vựng biên chi bát, Đài Loan học
sinh thư cục, 1974, trang 22-33.

[9] Gouverment General del’Indochine Airection des Affaires Politique et
Indigenes-Note, 6 Mai 1921
, phụ lục tài liệu nghiên cứu của giáo sư Monique
Chemillier Gendrean nhan đề Aris juridique
relatif au statut international des archipels de la mer de chine
(Paracels-Spratlys) (1989).

[10] Bộ sưu
tập, trang 68-70

[11] Hàn Chấn Hoa, sách đã dẫn,
trang 8-9, 84-89

[12] Max Huber, Sentence
artritrate rendue la 4 avril 1928, par Max Huber, entre les Etats-Unis et les
Pays-Bas, dans le litige relatif a la souveraineté sur l’ile de
Palmas-RGDIP-Tome IX, 1935, trang 181.

[13] Trong Quảng Dư đồ (1562), Cổ kim đồ thư biên (1585) Vũ bị chí (1628), Hoàng Minh chức phương địa đồ (1635), Địa đồ tổng yếu (1643) Độc
phương dư kỷ yếu
(1678), Hải quốc đồ
chí
(1842), Dương phòng tập yếu (1847).

[14] Vương
Dung, Trung Quốc địa lý sử cương, Bắc
Kinh, 1958, phần bản đồ.

[15] Max Huber,
tài liệu đã dẫn, trang 163, 164.

RELATED ARTICLES

Tin mới