Ngày 20-12, cả thế giới chấn động trước tin Đại sứ Nga Andrey Karlov đã trúng đạn và tử vong ngay trong khi đang có bài phát biểu tại một triển lãm tranh ở thủ đô Ankara, Thổ Nhĩ Kỳ.
Kẻ thủ ác được nhận dạng là một sĩ quan 22 tuổi, Mevlut Mert Altintasđã từng thuộc lực lượng cảnh sát chống bạo động nước này trong hai năm rưỡi. Trước khi xảy ra vụ việc hắn vốn là một cảnh sát mới bị sa thải.
Khi hành động, Mevlut Mert Altintas đã hô lớn những khẩu hiệu liên quan đến phiến quân Hồi giáo cực đoan và nói rằng “Đừng quên Aleppo, đừng quên Syria. Các người sẽ không thể cảm thấy an toàn khi các khu vực này chưa được an toàn. Chỉ có cái chết mới đưa tôi thoát khỏi đây”. Thủ phạm hét lên bằng tiếng Thổ Nhĩ Kỳ sau khi bắn nhiều phát đạn vào Đại sứ Karlov. Tên này ngay sau đó đã bị lực lượng đặc nhiệm của Thổ Nhĩ Kỳ bắn hạ.
Theo nhận định ban đầu từ các chuyên gia và nhà phân tích chính trị cho rằng, động cơ của tên sát nhân dường như là sự trả thù thánh chiến sau tổn thất tại Syria, nhưng cũng có thể nhằm mục đích sâu xa hơn như phá hoại quan hệ Nga – Thổ, hoặc nâng hành vi khủng bố lên tầm cao mới.
Vụ ám sát này làm dấy lên nhiều nghi ngờ xoay quanh các động thái từ Thổ Nhĩ Kỳ, cũng như khả năng bảo vệ các chính khách nước ngoài của lực lượng an ninh trong nước. Câu hỏi cần đặt ra trong lúc này là, có phải Thổ Nhĩ Kỳ đã làm tất cả mọi thứ trong khả năng của họ để bảo vệ đại sứ Karlov hay không? Có phải họ đã mắc sai lầm nào đó?
Nga cũng lo ngại về nguy cơ có sự thông đồng từ trong nội bộ chính quyền Thổ Nhĩ Kỳ. trong đó có việc Tổng thống Erdogan đã thực hiện đợt thanh trừng hậu đảo chính bất thành.
Những nghi vấn Thổ Nhĩ Kỳ ủng hộ nhiều phe phái khủng bố trong khu vực, vụ tấn công xảy ra ngay trước thềm cuộc họp ngoại giao giữa ngoại trưởng ba nước Thổ Nhĩ Kỳ, Nga và Iran, và có thể nhằm mục đích phá hoại mối quan hệ vẫn đang được hàn gắn giữa Nga và Thổ.
Bằng chứng, trong một thời gian dài Thổ Nhĩ Kỳ đã giúp đỡ lực lượng khủng bố ở Bắc Caucasus, chống lại Nga. Có rất nhiều phần tử này vẫn còn đâu đó trong lãnh thổ Thổ Nhĩ Kỳ. Qua những lời tên sát nhân nói, chưa rõ liệu thủ phạm có mối liên hệ gì với các nhóm khủng bố thánh chiến, phe Caucasus hay Syria hay không, nhưng những lời lẽ đó đã chỉ ra sự liên quan đến động cơ hành động của hắn.
Các nhà ngoại giao người Mỹ hy vọng rằng Thổ Nhĩ Kỳ có thể thật lòng trấn an Moscow, rằng họ đã làm hết sức có thể, và kẻ thủ ác đã lọt qua tầm ngắm bằng cách nào đó.
Kẻ thủ ác sở hữu kỹ năng bài bản và chuyên biệt
Theo các quan chức Nhà Trắng khẳng định, vụ ám sát là hành vi khủng bố có chủ đích, và có thể liên quan đến Nhà nước Hồi giáo IS. Theo ông, tên sát nhân “đã được đào tạo kỹ lưỡng” và “ngoài nghiệp vụ cảnh sát thì hắn đã được huấn luyện chuyên biệt”.
Họ cũng cho rằng, đây có thể sẽ không là vụ tấn công duy nhất, trong thời gian tới, tất cả các nhà ngoại giao, đặc biệt là những người có liên quan đến Nga, sẽ trở thành mục tiêu của loại tội phạm này.
Câu chuyện lại được ám chỉ giáo sĩ Fethullah Gulen có liên quan đến vụ ám sát. Ông Gulen bị Ankara buộc tội chống lại chính quyền, trong đó có vụ âm mưu đảo chính quân sự hồi tháng 7 năm nay. Vụ việc này có thể dấy lên một làn sóng “săn phù thủy” mới nhắm vào Gulen, người đang lưu vong tại Mỹ, người có cánh tay nối dài đến Ankara.
Một quan chức an ninh cấp cao Thổ Nhĩ Kỳ cho biết các nhà điều tra đang tập trung vào hướng liệu Altintas có liên hệ với giáo sĩ Fethullah Gulen đang sinh sống tại Mỹ hay không. Ankara đã cáo buộc nhân vật này là chủ mưu vụ đảo chính bất thành vừa qua. Ông Gulen chối bỏ mọi cáo buộc về vụ đảo chính cũng như vụ ám sát Đại sứ Nga ngày 19/12.
Những khẩu hiệu mà Altintas hô cho thấy có nhiều khả năng tên này thực hiện theo lý tưởng Hồi giáo cực đoan nhiều hơn là nghe theo lệnh của Gulen.
Giới chức Thổ Nhĩ Kỳ nhận định, trong lực lượng cảnh sát quốc gia Thổ Nhĩ Kỳ có sự thâm nhập của các phần tử phe Gulen. Và còn cả lực lượng đang bảo vệ các phái đoàn ngoại giao nữa… lực lượng chức năng sẽ cần sàng lọc kỹ lưỡng để nhận dạng xem ai đang bảo vệ ai. Một người như Mevlut Mert Altintas có thể lọt vào trong và đứng ngay gần vị đại sứ Nga, vụ ám sát đã xảy ra đến không ngờ.
Giới điều tra đã đánh giá đây là vụ ám sát kinh hoàng, cái chết của nghi phạm sẽ khiến cuộc điều tra trở lên phức tạp hơn, các chuyên gia giỏi nhất từ Nga và Thổ Nhĩ Kỳ sẽ cùng vào cuộc.
Chính quyền Thổ Nhĩ Kỳ đang cố gắng xem xét mức độ nghiêm trọng của sự việc. và phải đánh giá xem ‘đây có phải là vụ sói đơn độc hay có bàn tay bẩn khác ở đằng sau? Kẻ này tự mình động thủ hay chỉ là một phần tử của âm mưu lớn hơn? Tất cả đang trong “Một mất, mười ngờ”. Một vụ án mà cả nạn nhân và thủ phạm đều đã qua đời.
Truyền thông nhà nước Thổ Nhĩ Kỳ cho hay, cảnh sát nước này đã bắt giữ 6 người sau vụ ám sát Đại sứ Nga, mở rộng điều tra ra một số họ hàng của thủ phạm.
Cảnh sát sau đó đã bắt giữ bố, mẹ, chị gái và hai người họ hàng khác của thủ phạm đang sống tại tỉnh Aydin. Ngoài ra, người sống cùng căn hộ với Altintas cũng bị tạm giam.
Cả Nga và Thổ Nhĩ Kỳ đều lên án vụ ám sát Đại sứ Andrey Karlov là nhằm phá hoại mối quan hệ giữa hai nước vốn đã căng thẳng vì cuộc nội chiến Syria.
Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan cho biết ông và người đồng cấp Nga đã điện đàm và đồng ý sẽ hợp tác chiến đấu chống khủng bố một cách mạnh mẽ hơn sau vụ ám sát Đại sứ Nga tại Ankara.
Ông Putin cũng khẳng định vụ việc trên không thể thay đổi nỗ lực của Nga, cùng với Iran và Thổ Nhĩ Kỳ trong việc tìm một giải pháp cho cuộc khủng hoảng tại Syria. Bộ trưởng Ngoại giao ba nước trên đã có buổi họp vào hôm qua (20/12).