Friday, November 15, 2024
Trang chủThâm cung bí sửNhật ký Tưởng Giới Thạch hé lộ lý do "cơ hội vàng"...

Nhật ký Tưởng Giới Thạch hé lộ lý do “cơ hội vàng” liên thủ Moskva tấn công TQ bị lỡ dở

Liên Xô sẵn sàng cho Đài Loan mượn căn cứ để tấn công Trung Quốc nhưng kế hoạch bất thành. Còn “người truyền tin” thì biến mất ngay khi nhận thù lao.

Tưởng Giới Thạch. Ảnh: John Dominis /LIFE

Chuyến thăm của nhà báo người Liên Xô Victor Louis vào tháng 10/1968 cùng những lần liên lạc sau đó giữa ông và Đài Loan (mà tờ báo đảng Trung Quốc Nhân dân Nhật báo cho là nhằm tìm hiểu khả năng “Moskva bắt tay với Đài Loan để loại bỏ Mao Trạch Đông”) đã được giới học giả nghiên cứu, phân tích nhưng cho tới năm 2009 những chi tiết then chốt trong câu chuyện mới được hé lộ.

Những điều khoản nào đã được Liên Xô và Đài Loan cân nhắc? Tưởng Giới Thạch can thiệp ở mức độ nào? Và quan trọng nhất, vì sao cuối cùng kế hoạch lại đổ bể?

Những câu hỏi này phần nào được trả lời trong nhật ký của Tưởng Giới Thạch.

Chìa khóa giải mã nằm trong nhật ký

Sau khi nghe Tưởng Kinh Quốc báo cáo về cuộc gặp với Louis, Tưởng Giới Thạch đã ngay lập tức chỉ đạo các cuộc thương lượng. Những ghi chép vào năm 1969 và giai đoạn 1970 – 1972 cho thấy Tưởng đã cân nhắc về đề nghị của phía Moskva và chỉ đạo Đài Loan phản ứng như thế nào.

Nhân vật trung tâm trong cuộc thương lượng là Louis và đại diện của Tưởng – ông Ngụy Cảnh Mông. Những cuộc gặp giữa hai bên diễn ra ở Đài Bắc, Vienna và một số địa điểm khác. Nhưng đây không phải là mối liên lạc duy nhất giữa Liên Xô và Đài Loan.

Thực ra, nhiều nhà ngoại giao và nhà báo cũng tham gia vào hoạt động này.

Wang Shuming (người đứng đầu sứ mệnh quân sự của Đài Loan ở Liên Hợp Quốc, từng giữ chức Tham mưu trưởng quân đội Đài Loan), đại sứ Đài Loan ở Mexico Chen Zhiping, đại sứ Đài Loan ở Nhật Bản Peng Mengji, nhà báo Đài Loan Song Fengsi đều từng gặp người Liên Xô. Một số cuộc tiếp xúc còn tiếp diễn tới năm 1972 trong khi số khác chỉ diễn ra duy nhất 1 lần.

Có vẻ như Tưởng đã dồn tất cả những thông tin mà ông thu thập được từ các cuộc tiếp xúc này cho Ngụy và chỉ đạo Ngụy trao đổi đề xuất với Louis.

Sau vòng đàm phán đầu tiên vào tháng 4/1969, Ngụy đã truyền đạt cho Tưởng Giới Thạch những điều khoản đầu tiên của Louis. Những điều này đã được Tưởng tóm tắt trong nhật ký, trong đó, ông ta đặc biệt chú ý tới yêu cầu “Đài Loan không được nhận sự trợ giúp từ bất kỳ nước nào khác”. Tưởng cho rằng đó là kế hoạch của Moskva nhằm chen vào mối quan hệ của ông ta và Mỹ.

Theo giáo sư Khoa học Chính trị của Đại học Detroit Mercy, Paul H. Tai, nhiều khả năng chính quyền của Tưởng đã báo cho Mỹ về những cuộc thương lượng đang diễn ra và Tưởng cũng biết rằng đại sứ Mỹ tại Đài Loan “không ủng hộ, cũng không phản đối”.

Mùa xuân năm 1969, quan hệ giữa Liên Xô và Trung Quốc xấu đi rõ rệt, dẫn tới vụ đụng độ Xô-Trung tại đảo đảo Damansky/Trân Bảo ở biên giới hai nước, trên sông Ussuri. Suốt tháng 4, tháng 5 năm đó, Louis tích cực liên lạc với Ngụy Cảnh Mông để thúc đẩy việc hợp tác quân sự giữa hai lực lượng Liên Xô – Đài Loan.

Tuy nhiên, Tưởng vẫn cẩn trọng. Dựa trên thông tin từ Ngụy, Tưởng đánh giá rằng Liên Xô tích cực tìm kiếm sự hợp tác từ chính quyền Đài Loan tới mức sẵn sàng cho mượn căn cứ nhưng đó chỉ là chiêu bài nhằm lôi kéo Đài Loan hợp tác chứ không phải mong muốn hỗ trợ một cách chân thành.

Về các cuộc trao đổi giữa Louis và Ngụy, Tưởng cho rằng: Không nên đưa cho Louis danh sách vũ khí mà Đài Loan cần Moskva cung cấp bởi ông ta sẽ sử dụng danh sách này để mặc cả thỏa thuận với Đài Loan.

Tưởng nhanh chóng kết luận rằng Moskva chỉ quan tâm tới việc lợi dụng lực lượng Đài Loan vì một mục tiêu chưa xác định, chứ không có ý định hợp tác sâu rộng trên phương diện chính trị. Ông ta tự nhủ rằng phải tính toán cẩn thận để có thể được lợi từ mối quan hệ hợp tác này.

Tháng 6, Louis tiếp tục thúc giục phía Đài Loan đưa ra danh sách vũ khí nhưng vì vẫn lo ngại về người truyền tin của Liên Xô nên Tưởng không đồng ý. 

Trong thời gian này, Louis và Ngụy tiếp tục trao đổi, bàn luận về các phương án hợp tác giữa hai bên, cách thức chuyển giao vũ khí và kế hoạch sử dụng căn cứ của Liên Xô. Thậm chí, nhà báo này còn nói rằng người Liên Xô có thể gây tranh chấp biên giới với Trung Quốc trong khi Đài Loan tiến hành các chiến dịch đổ bộ.

Tới tháng 8, Tưởng hay tin tranh chấp biên giới Xô-Trung không nổ ra ở Mãn Châu, mà là ở Tân Cương, Tây Bắc Trung Quốc. Lúc này, Tưởng tin chắc rằng căng thẳng giữa Moskva và Bắc Kinh tập trung nhiều ở Tân Cương hơn là Mãn Châu.

“Từ động thái này, tôi có thể thấy rằng trong chính sách về Trung Quốc của mình, Liên Xô không coi ta là đối tác cơ bản”, Tưởng viết trong nhật ký.

Đến đầu tháng 9/1969, khi tin đồn về khả năng Liên Xô tấn công nhằm vào các cơ sở hạt nhân của Trung Quốc xuất hiện trên mặt báo, Tưởng Giới Thạch nhận định:

“Bằng cách tìm kiếm sự hợp tác của chúng ta, Liên Xô coi việc phá hủy cơ sở hạt nhân của Trung Quốc là ưu tiên hàng đầu. Lật đổ chế độ của Mao chỉ đứng thứ hai. Và ý tưởng tạo ra một chính phủ Dân tộc – Cộng sản cũng đang được cân nhắc”.

Mặc dù vẫn tích cực trao đổi với Moskva nhưng đối với Tưởng, hành động này chỉ là để thăm dò.

Có điều giờ đây ông ta nghĩ mình nên có phản ứng toàn diện hơn. Tưởng lo ngại việc liên lạc với Liên Xô có thể “khiến Trung Quốc sử dụng vũ khí hạt nhân tầm ngắn và tầm trung” tấn công Đài Loan. Mặt khác, ông ta cũng suy xét xem một cuộc tấn công như vậy có cho Moskva cái cớ để đánh Trung Quốc hay không.

Đột nhiên, ngay khi Tưởng Giới Thạch nghiêm túc với các cuộc đàm phán thì phía Liên Xô lại không còn tha thiết nữa. Louis không xuất hiện trong cuộc hẹn với Ngụy Cảnh Mông ở Italy vào tháng 10. Tưởng nghi ngờ rằng hành động vắng mặt này là cố ý.

Trong khoảng thời gian còn lại của năm 1969, việc hợp tác với Moskva không được Tưởng đề cập trong nhật ký. Cho tới tháng 4 năm sau, ông ta mới trở lại với đề tài này, trong đó chỉ ra rằng thái độ của Liên Xô có thể đã thay đổi và rất khó đoán.

Theo nhật ký của Tưởng vào ngày 21/4/1972, hai bên vẫn trao đổi nhưng không thu được kết quả gì.

Vì sao kế hoạch đứt gánh giữa đường?

Từ những ghi chép của Tưởng có liên quan tới Louis, giáo sư Paul H. Tai đã thử lý giải nguyên do đổ vỡ của kế hoạch hợp tác này.

Thứ nhất là bối cảnh.

Tháng 9/1969, sau cuộc gặp giữa Thủ tướng Liên Xô Aleksei Kosygin và người đồng cấp Trung Quốc Chu Ân Lai tại Bắc Kinh, hai nước bắt đầu hạ nhiệt căng thẳng. Tưởng cho rằng đây là một phần nguyên nhân khiến Louis không tới gặp Ngụy tại Italy vào tháng 10. 

Tưởng cũng quan sát thấy Xô-Trung bắt đầu đàm phán vào 20/10 để dàn xếp tranh chấp biên giới Mãn Châu. Các cuộc đàm phán này còn tiếp tục cho tới 18/12/1970 và kết thúc bằng một hiệp ước. Bản hiệp ước này rõ ràng đã giảm bớt khả năng nổ ra chiến tranh, vì thế việc Liên Xô phải tiếp cận Đài Loan để hợp tác quân sự cũng bớt cấp bách hơn.

Thứ hai là thái độ đề phòng của chính Tưởng Giới Thạch.

Từ đầu, Tưởng đã tỏ ra không tin tưởng người Liên Xô. Ông ta liệt họ vào hạng “xảo trá” và liên tục nhắc nhở bản thân phải cẩn thận.

Mang tâm trạng bất an nhưng Tưởng vẫn đàm phán với bởi ông phải cân nhắc mọi khả năng có thể giúp mình đạt được mục đích. Đó là giành lấy Trung Quốc đại lục.

“Bất cứ ai giúp tôi lấy phần lãnh thổ đó đều là bạn tôi”, Tưởng viết khi cân nhắc đề xuất của phía Liên Xô, “Nếu không thì là kẻ thù”.

Nhưng sau này, Tưởng lại vấp phải một điều kiện từ Moskva mà ông ta không thể đáp ứng nổi.

“Liên Xô coi Mỹ là kẻ thù chứ không phải bằng hữu”, Tưởng viết vào tháng 6/1970, “Và họ nói với ta rằng điều kiện duy nhất để hợp tác là ta phải chống lại Mỹ” – một điều kiện mà Tưởng cho là “không thể tưởng tượng được”.

Thực ra, trong giai đoạn đàm phán, Tưởng từng tỏ ra sẵn lòng hợp tác với Moskva.

Ngày 1/10/1969, ông ta đưa ra 2 cam kết mang tính nhượng bộ. Một là không cho bất cứ thế lực nước ngoài nào thiết lập căn cứ chống Liên Xô trên lãnh thổ sau khi giành được Trung Quốc đại lục. Hai là không tham gia vào liên minh chống Liên Xô với bất cứ nước nào khác. Tuy nhiên, những điều khoản này vẫn khác xa với yêu cầu coi Mỹ là kẻ thù mà Moskva đưa ra.

Tháng 6/1971, khi đang bệnh nặng, Tưởng vẫn cố viết vào nhật ký: “Liên Xô đang cố dụ tôi chống đối Mỹ để đánh Trung Quốc. Tôi không bao giờ được để điều đó cám dỗ”.

RELATED ARTICLES

Tin mới