Wednesday, January 15, 2025
Trang chủBiển nóngNhật - Đài cùng lên tiếng chống độc chiếm Biển Đông

Nhật – Đài cùng lên tiếng chống độc chiếm Biển Đông

Ông Trump đã phát tín hiệu rõ ràng, đây là lúc Đài Loan cần thể hiện sự phối hợp, nhất là trong vấn đề Biển Đông.

Chiến đấu cơ J-15 tập cất hạ cánh trên tàu sân bay Liêu Ninh, ảnh: Forbes.

The Straits Times ngày 3/1 dẫn nguồn hãng Reuters cho hay, cụm tàu sân bay Liêu Ninh đã tập trận ở Biển Đông, hải quân Trung Quốc công bố tin này chỉ vài ngày sau khi Đài Loan báo động sẵn sàng chiến đấu, khi phát hiện cụm tàu sân bay Liêu Ninh vòng qua Đài Loan tiến vào Biển Đông.

Tài khoản mạng xã hội của tờ Hải quân Trung Quốc cuối ngày 2/1 loan tin, chiến đấu cơ J-15 đã thực hiện các bài tập trong điều kiện phức tạp trong ngày 2/1. Cụm tàu sân bay cũng tổ chức diễn tập tác chiến trực thăng, nhưng không công bố vị trí chính xác.

Nhật – Đài cùng cứng rắn ở Biển Đông

Trong một động thái có liên quan, Forbes ngày 2/1 đánh giá, căng thẳng đang gia tăng trên Biển Đông với những thông điệp thẳng thừng chống lại sự bành trướng của Trung Quốc, từ Đài Loan và Nhật Bản.

Tuần trước, Đài Loan đã báo động sẵn sàng chiến đấu các lực lượng vũ trang, sẵn sàng chống lại các mối đe dọa từ Bắc Kinh khi cụm tàu sân bay Liêu Ninh vòng qua hòn đảo này tiến vào Biển Đông.

Feng Shih-kuan, người đứng đầu các lực lượng vũ trang Đài Loan nói với Thông tấn xã Đài Loan thứ Ba tuần trước, ngày 27/12/2016 rằng, mối đe dọa từ kẻ địch đang ngày càng mở rộng. Ông ra lệnh cho quân đội đẩy mạnh các hoạt động diễn tập:

“Chúng ta phải luôn luôn duy trì (trạng thái) sẵn sàng chiến đấu”. Ông Feng Shih-kuan kêu gọi tất cả các tướng lĩnh cấp cao Đài Loan phải “sẵn sàng đánh bại kẻ thù”.

Trong khi đó Nhật Bản cũng gửi thông điệp cứng rắn đến Bắc Kinh bằng cách đổi tên cơ quan đại diện nước này tại Đài Loan, từ Hiệp hội Trao đổi thành Hiệp hội Giao lưu Nhật Bản – Đài Loan.

Điều đó có nghĩa là Tokyo đang tiến thêm một bước gần hơn trong việc công nhận Đài Loan là một quốc gia độc lập, điều có thể khiến Bắc Kinh sẽ phản ứng gay gắt.

Bà Hoa Xuân Oánh, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc đã lên tiếng về động thái này:

“Chúng tôi kiên quyết phản đối bất kỳ nỗ lực nào để tạo ra “hai Trung Quốc” hay “một Trung Quốc, một Đài Loan”, đồng thời bày tỏ sự bất mãn sâu sắc với động thái tiêu cực này của Nhật Bản”.

Thông điệp của Nhật Bản về vấn đề Đài Loan được đưa ra ngay sau khi Trung Quốc đẩy mạnh chiến dịch (quân sự hóa) ở Biển Đông.

Tháng 11 năm ngoái, Bắc Kinh đã nói với Nhật Bản hãy “tránh xa Biển Đông của Trung Quốc”. Gần đây nhất, hôm Chủ Nhật vừa qua Trung Quốc đã điều 3 tàu cảnh sát biển tiến vào vùng biển quanh nhóm đảo Senkaku mà Nhật Bản đang kiểm soát.

Trước đó, tháng 6 năm ngoái Trung Quốc cũng đe Nhật Bản rằng: không được điều Lực lượng Phòng vệ tham gia các hoạt động tuần tra tự do hàng hải cùng hải quân Mỹ ở Biển Đông, theo The Japan Times.

Tuy nhiên Nhật Bản đã thách thức những lời đe dọa của Trung Quốc, vừa tham gia các cuộc tập trận chung với Mỹ ơ Biển Đông, vừa “sẵn sàng công nhận Đài Loan độc lập”.

Đài Loan là nước cờ chiến lược mới của Mỹ

Người viết cho rằng, phân tích của Forbes là có cơ sở, nhưng đó là biểu hiện bên ngoài.

Việc Đài Loan và Nhật Bản tỏ rõ thái độ cứng rắn với Trung Quốc trong vấn đề Biển Đông chỉ có thể xảy ra khi Tổng thống đắc cử Hoa Kỳ Donald Trump đã phát đi thông điệp trước đó qua cuộc điện đàm với Tiến sĩ Thái Anh Văn và những phát biểu thoạt nghe có vẻ “tưng tửng” của ông trên Twitter.

Trong trường hợp này, hoặc là Donald Trump và đội ngũ tham mưu của ông đang làm nhạc trưởng và 2 đồng minh Đông Bắc Á đang phối hợp nhịp nhàng trên bàn cờ chiến lược Biển Đông;

Hoặc là chính quyền của Tiến sĩ Thái Anh Văn và Thủ tướng Shinzo Abe đã nhận diện được thông điệp của tân chủ nhân Nhà Trắng và chủ động có những nước cờ phối hợp.

Trong hai khả năng này, người viết thiết nghĩ phương án thứ hai có sức nặng nhiều hơn.

Bởi lẽ chính quyền của Tiến sĩ Thái Anh Văn đang phải chịu sức ép rất lớn từ bên kia eo biển Đài Loan cả về kinh tế, thương mại lẫn quân sự và không gian đối ngoại.

Điều này buộc bà Thái Anh Văn và đội ngũ tham mưu phải tìm hướng đi đột phá, nếu không chỉ còn cách quay lại con đường Quốc Dân đảng đang đi. 

Ông Trump đã phát tín hiệu rõ ràng, đây là lúc Đài Loan cần thể hiện sự phối hợp, nhất là trong vấn đề Biển Đông.

Điều này một mặt giúp “phân tán hỏa lực” từ bên kia eo biển chĩa vào mình, một mặt giúp Tiến sĩ Thái Anh Văn chủ động tham gia cuộc chơi, không để 2 siêu cường biến mình thành con tốt để đổi chác các lợi ích địa chiến lược.

Còn với Thủ tướng Shinzo Abe, việc ông chủ động ghé qua New York chào hỏi Donald Trump trước khi đi Peru dự hội nghị thượng đỉnh APEC cho thấy liên minh Mỹ – Nhật quan trọng như thế nào đối với an ninh của Nhật Bản.

Trump điện đàm với Tiến sĩ Thái Anh Văn và bỏ ngỏ khả năng gặp bà trong thời gian tới là một tín hiệu đặc biệt. Tokyo thay đổi tên gọi cơ quan đại diện ở Đài Bắc là một sự hiệu chỉnh chiến lược sau khi có tín hiệu đặc biệt ấy.

Tất nhiên, những diễn biến mới này mới dừng ở bước thăm dò thái độ của các bên, chưa có gì đảm bảo đó là một sự thay đổi bước ngoặt: tiến gần hơn đến việc công nhận Đài Loan độc lập như nhận định của Forbes.

Bởi lẽ nếu xảy ra điều này, an ninh Đông Á có thể rơi vào một vòng xoáy nguy hiểm không lối thoát.

Mỹ – Nhật – Đài có nhiều cách để củng cố liên minh dựa trên những nền tảng pháp lý sẵn có, không nhất thiết phải công khai công nhận Đài Loan độc lập.

Dựa trên những phản ứng của Trung Quốc, bộ ba này sẽ có những tính toán và hành động, phản ứng phù hợp trong thời gian tới, nhưng các phương án “bất ngờ”, “liều lĩnh” hay “manh động” sẽ khó xảy ra.

RELATED ARTICLES

Tin mới