Tổ hợp súng phòng không 12,7 mm điều khiển từ xa do Viện Vũ khí – Tổng cục Công nghiệp quốc phòng chế tạo vừa bắn thử nghiệm lần cuối tại trường bắn Miếu Môn.
Bắn thử nghiệm súng phòng không 12,7 mm điều khiển từ xa.
Viện Vũ khí thuộc Tổng cục Công nghiệp Quốc phòng có nhiệm vụ nghiên cứu đa ngành ở các lĩnh vực như cơ khí, hóa nổ và điện tử, nghiên cứu ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật công nghệ để thiết kế, chế tạo và cải tiến nhiều vũ khí, khí tài phục vụ cho quốc phòng an ninh.
Phát huy tinh thần tự chủ, sáng tạo, thời gian qua, đội ngũ cán bộ, kỹ sư của đơn vị đã cho ra đời nhiều vũ khí uy lực làm nên thương hiệu của vũ khí Việt Nam.
Sản phẩm nổi bật
Tổ hợp súng phòng không 12,7 mm điều khiển từ xa vừa được bắn thử nghiệm lần cuối tại trường bắn Miếu Môn.
Sản phẩm tích hợp các thiết bị hiện đại như: giá điều khiển đa năng, máy tính trung tâm, camera quan sát ngày đêm do cán bộ, kỹ sư Phòng Tự động điều khiển – Viện Vũ khí nghiên cứu chế tạo. Những ngày này, nhóm đề tài đang hoàn chỉnh các yếu tố kỹ thuật trước khi đưa vào sản xuất.
Trung tá Nguyễn Văn Hùng – Trưởng phòng Tự động điều khiển cho biết: “Theo ý kiến hội đồng tư vấn nhận xét, giá camera phải đưa xuống bên dưới ụ súng để đảm bảo đồng trục với nòng súng. Thứ hai là hộp tiếp đạn theo thiết kế mới được 200 viên nhưng tiến tới sẽ lên tới 500 viên để một lần bắn được nhiều hơn”.
Thành tựu và định hướng phát triển của Viện Vũ khí trong thời gian tới
Trong 5 năm trở lại đây, Viện Vũ khí đã có hàng chục đề tài nghiên cứu về vũ khí, khí tài. Nhiều sản phẩm do Viện thiết kế và phối hợp với các nhà máy của Tổng cục Công nghiệp quốc phòng sản xuất được đưa vào trang bị cho bộ đội đã góp phần nâng cao sức mạnh của quân đội và làm nên thương hiệu của vũ khí Việt Nam.
Có thể kể ra đây một vài sản phẩm tiêu biểu như: súng và đạn cối 10 mm, súng và đạn chống tăng B-41M, súng và đạn B-40 sát thương, súng chống tăng SPG-9, đạn lựu phóng 40 mm, đạn pháo cao xạ 37/57 mm, các loại kính quan sát ngắm bắn ngày và đêm.
Đại tá Bùi Tuấn Anh – Viện trưởng Viện Vũ khí cho biết: “Hướng tiếp theo chúng tôi phải làm đó là tập trung vào những vũ khí trang bị cho lục quân trong sư đoàn bộ binh mang vác để đảm bảo cho sắp tới chúng ta sẽ có nhiều vũ khí mang thương hiệu Việt Nam trang bị cho bộ binh lục quân.
Việc mà chúng tôi thiết kế đồng bộ sản phẩm trang bị cho lục quân sẽ tạo điều kiện tới cho việc chúng ta mạnh dạn xuất khẩu vũ khí sang các nước trong khu vực và thế giới”.
Thực hiện nghị quyết của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển công nghiệp quốc phòng, Viện Vũ khí đã tích cực triển khai thực hiện 4 đề tài nghiên cứu khoa học thuộc chương trình KCNQ-06, trong đó sản phẩm đạn cối 82 mm sát thương mẫu mới đã được đưa vào sản xuất loạt đầu tiên.
Bên cạnh đó, sản phẩm đạn 30 mm của hải quân, súng và đạn chống tăng chống giáp phản ứng nổ ĐCT-29 đã được nghiệm thu và đề nghị đưa vào sản xuất.
Để thực hiện tốt nhiệm vụ, bên cạnh việc làm chủ kỹ thuật công nghệ tiên tiến, đơn vị cũng đã có nhiều giải pháp nâng cao trình độ chuyên môn, năng lực nghiên cứu của đội ngũ cán bộ.
Thượng tá Vũ Văn Huyên – Chính trị viên Viện Vũ khí cho biết: “Cùng với việc đẩy mạnh đào tạo xây dựng đội ngũ cán bộ, chúng tôi thực hiện nhiều giải pháp, trong đó có việc gìn giữ đội ngũ cán bộ khoa học hiện có, thu hút nguồn nhân lực có chất lượng cao, các cán bộ, sinh viên tốt nghiệp trong và ngoài nước để về Viện công tác”.
Hiện nay, trình độ khoa học và công nghệ vượt trội và ngày càng hiện đại, vũ khí trang bị đã đạt tới những trình độ mới mà trước đó vài năm ít ai có thể nghĩ tới.
Để góp phần xây dựng và hiện đại hóa quân đội, Viện Vũ khí đang tích cực nâng cao khả năng tự chủ trong sản xuất, chế tạo vũ khí, đáp ứng yêu cầu huấn luyện và sẵn sàng chiến đấu, đồng thời góp phần giảm đáng kể chi phí quốc phòng, khẳng định thương hiệu vũ khí của Việt Nam.