Tại Hội nghị Luật Biển lần thứ ba của Liên hợp quốc, vấn đề chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa đã được đề cập một cách thẳng thắn, rõ ràng. Dưới đây, Biendong.net xin lược dịch nội dung Biên bản cuộc họp lần thứ 22 ngày 28/6/1974 của Hội nghị.
Phầm mềm Google Earth thể hiện rõ quần đảo Hoàng Sa là của Việt Nam.
1. Ông Vương Văn Bắc (Việt Nam Cộng hòa), sau khi bày tỏ sự cảm ơn đối với nước chủ nhà, Tổng thư ký Liên hợp quốc và Chủ tịch Hội nghị, đã tuyên bố rằng Việt Nam Cộng hòa có lợi ích lâu dài trong việc nỗ lực thực thi luật biển mới nhằm theo kịp với thời đại. Việt Nam Cộng hòa đã tham dự Hội nghị Luật Biển của Liên hợp quốc năm 1958 và 1960, Hội nghị Bộ trưởng Nhóm G77 lần thứ hai tại Lima năm 1972 và Phiên họp thứ ba của Hội nghị Thương mại và Phát triển của Liên hợp quốc năm 1972. Mặc dù phải đối mặt với những khó khăn do chiến sự, Việt Nam Cộng hòa vẫn tiếp tục xử lý những vấn đề và cả cơ hội về pháp lý gắn với không gian biển tiếp liền với lãnh thổ quốc gia của mình.
Năm 1967, Việt Nam Cộng hòa đã tuyên bố thẩm quyền chuyên biệt (tuyệt đối) và quyền kiểm soát trực tiếp đối với một phần thềm lục địa tiếp giáp với lãnh hải miền Nam Việt Nam. Năm 1970, một bộ luật đã được thông qua quy định về việc tìm kiếm, thăm dò và khai thác khí đốt. Năm 1972, một sắc lệnh đã được đưa ra nhằm xác định vùng đặc quyền đánh cá mở rộng ra 50 hải lý tính từ ranh giới ngoài của lãnh hải. Chỉ từng đó là đủ để chứng minh lợi ích của Việt Nam Cộng hòa trong việc dự thảo Luật Biển mới. Hơn nữa, dù nhân lực và nguồn tài nguyên khan hiếm, Việt Nam Cộng hòa đã có vai trò tích cực trong công tác trù bị của Hội nghị. Lợi ích xuyên suốt và to lớn của Việt Nam Cộng hòa trong Luật Biển (mà về sau cần phải được đánh giá tổng thể) có thể được hiểu qua lập trường vốn có của Việt Nam Cộng hòa với tư cách là một quốc gia biển và đường lối chính trị cơ bản của Việt Nam Cộng hòa.
2. Do vị trí địa lý của mình, Việt Nam đã mang sẵn trong mình tư tưởng gắn liền với biển. Việt Nam hiểu được rằng, việc sử dụng và khai thác hợp lý là chìa khoá dẫn đến tương lai tốt đẹp cho Việt Nam. Nhiều người dân sống ngoài khơi và cơ hội khai thác nguồn tài nguyên dồi dào ở thềm lục địa cho thấy nhiều hứa hẹn. Do đó, không có gì ngạc nhiên khi Việt Nam quan tâm sâu sắc đến diễn biến liên quan đến Luật Biển.
3. Sự quan tâm đó là hoàn toàn phù hợp với việc Việt Nam gắn kết chặt chẽ với quá trình hợp tác hoà bình và quốc tế. Quyết tâm kiên định của Chính phủ Việt Nam là tuân thủ tuyệt đối và triển khai đầy đủ Hiệp định Paris ngày 27/1/1973. Việt Nam cũng tin tưởng vào vai trò của hợp tác quốc tế. Việt Nam đã duy trì quan hệ hữu nghị và cùng hợp tác với nhiều quốc gia có mặt tại Hội nghị. Việt Nam cũng sẵn sàng thiết lập quan hệ với các quốc gia khác trên cơ sở tôn trọng chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của nhau cũng như không can thiệp vào công việc nội bộ của nước khác. Việt Nam cũng là thành viên của các cơ quan chuyên môn của Liên hợp quốc và nhiều tổ chức quốc tế khác và luôn sẵn sàng đóng góp tích cực vào công việc chung ở mức độ khu vực và quốc tế. Điều đó lý giải việc tại sao Việt Nam lại có mặt trong Hội nghị lần thứ ba của Liên hợp quốc về Luật Biển, bằng việc tham gia vào dự thảo Luật Biển mới – một giai đoạn mang tính quyết định hướng đến hoà bình và hợp tác quốc tế.
4. Đoàn của ông Bắc đã tham dự với tinh thần sẵn sàng phát biểu một cách hợp lý, hợp tình; thu hẹp khoảng cách giữa những quan điểm trái chiều, bởi Đoàn biết rằng một Luật Biển mới sẽ không có giá trị gì trừ khi văn kiện đó nhận được sự ủng hộ rộng khắp và có thể hài hoà được lợi ích chính đáng của mỗi quốc gia cũng như nhóm quốc gia với lợi ích chung trong các lĩnh vực hàng hải, nghiên cứu khoa học và khai thác một cách hợp lý di sản chung của nhân loại.
5. Việt Nam luôn ghi nhớ rằng, họ vẫn là một đất nước đang phát triển, do đó là một bộ phận trong thế giới thứ ba, nơi Việt Nam đã có nhiều đóng góp ý kiến. Việt Nam đã ủng hộ việc lãnh hải mở rộng ra phạm vi tối đa 12 hải lý tính từ đường cơ sở phù hợp; một dự thảo về quyết định này đã được cân nhắc tại Quốc hội của Việt Nam. Việt Nam cũng ủng hộ việc thiết lập một hệ thống phù hợp cho việc giải quyết hòa bình các tranh chấp.
Việt Nam đặt ra vấn đề cần ghi nhận đặc quyền của các nước ven biển đối với vùng biển di sản, đáy biển và lòng đất dưới đáy biển cũng như đối với thềm lục địa. Việt Nam cũng cân nhắc tới yêu sách chính đáng của các quốc gia quần đảo/các quốc gia không có biển và các quốc gia ven biển đang phát triển không thể có được những khu vực rộng lớn thuộc thẩm quyền tài phán quốc gia bởi bao quanh các quốc gia này là những vùng biển hẹp hoặc vì những nhân tố địa lý hay sinh thái khác. Việt Nam đã ủng hộ những nỗ lực chung nhằm ngăn chặn ô nhiễm không gian biển, thúc đẩy nghiên cứu khoa học và tiến bộ công nghệ, đồng thời cho rằng kết quả của những quá trình này cần phải được chia sẻ một cách công bằng. Việt Nam đã chấp nhận việc đặt ra một thẩm quyền toàn cầu để giải quyết vấn đề quản lý hành chính, kinh tế và kỹ thuật đối với di sản chung và chuyển giao công nghệ biển cho các quốc gia đang phát triển. Việt Nam cũng ủng hộ việc triển khai một hệ thống phù hợp để giải quyết xung đột một cách hoà bình. Khi đưa ra các đề xuất cụ thể đối với mọi vấn đề được nêu ra, Đoàn tham dự đã không đơn thuần theo đuổi các lợi ích của riêng mình mà đã thể hiện sự khách quan cao nhất để các bên có thể đi đến nhất trí.
6. Điểm duy nhất mà Đoàn có thể chấp nhận không thoả hiệp đó là tôn trọng chủ quyền mà Việt Nam đã có được và bảo vệ trong suốt thời gian qua. Việt Nam phản đối mọi nỗ lực nhằm vi phạm sự toàn vẹn lãnh thổ trên bộ hay trên biển. Ông Bắc đã tái khẳng định, như đã từng thông báo với Tổng thư ký Liên hợp quốc và Hội đồng Bảo an đã tuyên bố, quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa là một bộ phận của lãnh thổ Việt Nam. Vào đầu năm 1974, “một nước láng giềng lớn” đã đi quá giới hạn khi dùng vũ lực để chiếm hữu các đảo một cách bất hợp pháp. Hành động của nước đó rõ ràng đã vi phạm Hiến chương Liên hợp quốc và gây ra sự phẫn nộ cho công luận yêu hoà bình và công lý. Người dân Việt Nam sẽ không cúi đầu trước hành vi bạo lực và sẽ không bao giờ từ bỏ phần lãnh thổ của mình. Nhìn vào thực tế rằng chủ quyền của một quốc gia ven biển đối với các đảo lân cận phải được hình thành nhằm ấn định giới hạn của quyền tài phán quốc gia đối với vùng biển tiếp liền, Đoàn đại biểu thấy rằng phải có nghĩa vụ khẳng định Việt Nam đã sở hữu quyền chủ quyền không thể tranh cãi và không thể chuyển nhượng đối với các đảo nằm xa bờ bị các nước láng giềng yêu sách một cách không công bằng hay chiếm hữu bất hợp pháp. Việt Nam kiên quyết khẳng định quyền chủ quyền đối với các đảo đó. Việt Nam phản đối sự xâm phạm vào phần thềm lục địa thuộc về Việt Nam, mặt khác sẵn sàng giải quyết mọi bất đồng với các nước láng giềng thông qua đàm phán song phương hay bằng cơ chế tài phán quốc tế thích hợp.
7. Ông Bắc bày tỏ hy vọng rằng quan điểm công bằng và hợp lý của Đoàn đại biểu Việt Nam sẽ nhận được sự hoan nghênh ủng hộ và đóng góp tích cực vào thành công của Hội nghị.