Saturday, December 28, 2024
Trang chủBiển nóngBản tin Biển Đông ngày 07/02

Bản tin Biển Đông ngày 07/02

Bản tin Biển Đông ngày 07/02/2017.

ASEAN bắt đầu thảo luận về Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông trong bối cảnh tranh chấp tiếp tục kéo dài

Ngày 06/2, hãng ABS – CBN đăng tải thông tin của Chương trình Báo cáo ASEAN và Công ty Truyền thông Probe Foundation Inc. cho biết Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) sẽ bắt đầu các cuộc thảo luận về Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông trong tháng 2 với hai vấn đề chính: phi quân sự hoá các cấu trúc bị chiếm đóng và kiềm chế các hành động ở Biển Đông, cụ thể là những hành động có sự nhúng tay của phía Trung Quốc. Trước đó, bà Hellen dela Vega, Trợ lý Ngoại trưởng của Philippines, đã nhấn mạnh sự thiếu liên kết giữa ASEAN và Trung Quốc về vấn đề tự kiềm chế. Bà cho biết “Vì sao chúng ta vẫn phải nói đến việc thực thi đầy đủ và có hiệu quả Tuyên bố ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC)? Vì có những phần quan trọng trong DOC thiếu đi sự liên kết giữa ASEAN và Trung Quốc, và Đoạn 5 là phần ASEAN muốn Trung Quốc phối hợp đầy đủ với ASEAN”. Trong khi đó, Tiến sỹ Tang Siew Mun, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu ASEAN tại Viện Nghiên cứu Đông Nam Á (ISEAS) ở Singapore cảnh báo rằng bất cứ việc viện dẫn nào đến Phán quyết Trọng tài ngày 12/7/2016 trong một tuyên bố của ASEAN cũng sẽ là giới hạn đỏ mà Philippines cũng như các quốc gia ASEAN khác không nên vượt qua. Mặt khác, ông cho rằng ASEAN vẫn cần tiếp tục duy trì những nguyên tắc nền tảng cơ bản của ASEAN trong hình thành các cách xử lý cốt yếu đối với vấn đề Biển Đông – tuân thủ Thượng tôn pháp luật, Công ước của Liên hợp quốc (UNCLOS), các tiến trình ngoại giao và pháp lý bởi “điều này sẽ không làm Trung Quốc nổi xung, dù gì nước này cũng là một nước thành viên của UNLOS”

Chuyên gia Mỹ: Trung Quốc coi thường “Bộ Quy tắc ở Biển Đông” nhằm kéo dài các cuộc đàm phán

Ngày 6/2, trang Inquirer cho biết các chuyên gia an ninh của Mỹ đã nhận định rằng, khó có khả năng Trung Quốc sẽ đi đến nhất trí về Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC) với các bên tranh chấp ở Biển Đông. Trong các cuộc phỏng vấn, ông Marvin Ott, một học giả của Chương trình Nghiên cứu Đông Nam Á tại Đại học Johns Hopkins và ông Murray Hiebert của Trung tâm nghiên cứu quốc tế và Chiến lược (CSIS) khẳng định Trung Quốc sẽ tìm cách kéo dài các cuộc đàm phán đã tiến hành liên tục trong 10 năm. Ông Ott cảnh báo rằng “Trung Quốc sẽ không bao giờ nhất trí với một bộ Quy tắc ứng xử thực sự” bởi “COC không có lợi cho Trung Quốc”, vốn dĩ “COC mà các bên nhất trí sẽ “giới hạn, phân minh và kiềm chế các hoạt động vô lối của Trung Quốc ở Biển Đông”. Thậm chí, ông Ott còn dự đoán, với những vòng đàm phán không đi đến kết quả nào, “Trung Quốc vẫn sẵn sàng “thảo luận” trong 15 năm nữa nếu cần”. Trong khi đó, ông Hiebert khẳng định, việc Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte mở ra các cam kết với phía Trung Quốc ngay sau khi nhậm chức là một động thái tốt nhưng không nên đánh đổi thắng lợi của Philippines trong vụ kiện Trọng tài Biển Đông bởi “Phán quyết Trọng tài là một dấu mốc, một ngọn cờ tiên phong đã định hình lại một cách đáng kể tình hình ở khu vực”, đồng thời “là một tiền lệ mà khi xảy ra những tranh chấp khác, Phán quyết có thể được đưa ra, dù với Philippines điều đó sẽ khó khăn”

Ông Mattis có thể giải toả lo lắng về chính sách Biển Đông của Mỹ, nhưng trong bao lâu?

Ngày 6/2, tạp chí The Diplomat đăng bài viết “Ông Mattis có thể giải toả lo lắng về chính sách Biển Đông của Mỹ, nhưng trong bao lâu?” của nhà báo Ankit Panda nhận định về phát biểu của Jim Mattis, Bộ trưởng Quốc phòng mới của Mỹ. Ông Mattis đã đưa ra một quan điểm chính thức cấp cao về các ưu tiên của chính quyền mới ở Mỹ về vấn đề Biển Đông trong cuộc họp báo chung với người đồng cấp Nhật Bản Tomomi Inada ở Tokyo.

Tác giả khẳng định chính sách của Mỹ đối với vấn đề Biển Đông dường như không thay đổi sẽ là “tin tốt” cho các nước trong khu vực nhưng lại là “tin không tốt lắm” đối với Trung Quốc. Mặc dù không trực tiếp khẳng định Mỹ sẽ tiếp tục duy trì chính sách trước đây về việc không bày tỏ lập trường về vấn đề chủ quyền của các bên đối với các cấu trúc riêng lẻ, ông Mattis vẫn muốn cho thấy rằng chính sách này vẫn sẽ tồn tại, với lưu ý rằng các cấu trúc tranh chấp sẽ không bị chiếm đóng. Ông Ankit Panda cho rằng, hầu hết những nội dung phát biểu của ông Mattis về vấn đề Biển Đông dường như khá quen thuộc đối với các nhà nghiên cứu về chính sách của Mỹ ở khu vực, song phát biểu của ông Mattis vẫn chưa đủ chỉ dấu của việc quân đội chỉ xếp sau tiến trình ngoại giao có thể tác động, hay thậm chí là khả năng tạm dừng chương trình tự do hàng hải của Mỹ hay không? Tuy nhiên, nếu đúng như vậy, thì điều này đồng nghĩa với việc chính quyền Tổng thống Trump gửi một thông điệp mang tính hoà giải tới Bắc Kinh.

Tác giả nhận định, phát biểu của ông Mattis thể hiện sự cẩn trọng và làm rõ một cách trực tiếp những lo ngại về tuyên bố trước đó của Ngoại trưởng Tillerson trong buổi điều trần. Sự thận trọng này còn có thể xuất phát từ việc chưa có bất kỳ động thái quan trọng nào liên quan đến chính sách của Mỹ đối với Trung Quốc một cách rộng rãi hơn trong hai tuần đầu tiên của chính quyền Trump. Vì vậy, bài viết đánh giá, dù có thể bảo đảm và trấn an các đồng minh của Mỹ và các đối tác trong khu vực châu Á – Thái Bình Dương về sự xuyên suốt trong chính sách Biển Đông giữa hai chính quyền, một thay đổi cơ bản trong cách tiếp cận có thể vẫn sẽ sớm xảy ra.

RELATED ARTICLES

Tin mới