Thursday, December 26, 2024
Trang chủNhìn ra thế giớiWashington - Bắc Kinh đang rơi vào "vòng xoáy xung đột nguy...

Washington – Bắc Kinh đang rơi vào “vòng xoáy xung đột nguy hiểm”

Một nhóm chuyên gia có nhiều năm nghiên cứu về Trung Quốc nhận định, sự nóng vội của Tổng thống Donald Trump và sự táo bạo của nhà lãnh đạo Tập Cận Bình sẽ đẩy mối quan hệ Mỹ – Trung vào một kỷ nguyên mới đầy nguy hiểm.

Tổng thống Mỹ Donald Trump vẫn chưa điện đàm với nhà lãnh
đạo Trung Quốc Tập Cận Bình kể từ sau lễ nhậm chức hôm 20/1. 

Trong suốt 18 tháng qua, một nhóm chuyên gia gồm các nhà nghiên cứu dày dặn kinh nghiệm về Trung Quốc, đã tiến hành đánh giá hàng loạt nhận định về việc chính quyền mới ở Nhà Trắng sẽ tạo lập mối quan hệ như thế nào với nền kinh tế lớn thứ hai thế giới. 

Theo bản báo cáo được nhóm nghiên cứu gửi tới Nhà Trắng hôm (5/2), mối quan hệ giữa hai cường quốc hạt nhân có thể xấu đi một cách nhanh chóng. Theo đó, Mỹ – Trung có thể rơi vào một cuộc đối đầu kinh tế hoặc quân sự nếu như hai bên không thể tìm được tiếng nói chung về các vấn đề như thương mại song phương, Đài Loan và Biển Đông. 

Chia sẻ với Guardian, ông Winston Lord, cựu đại sứ Mỹ tại Trung Quốc và là một trong những tác giả viết bản báo cáo gửi tới Nhà Trắng, nhận định: “Các chính sách mà Trung Quốc thi hành cùng với sự bất ổn từ chính quyền Tổng thống Trump đang khiến tình hình trở nên vô cùng khó đoán”. 

Còn theo ông Orville Schell, “Tình hình hiện nay có thể nói là khó hiểu, nhưng rõ ràng là rất nguy hiểm bởi ông Trump là người khó đoán”. 

Trên thực tế, ngay cả trước thời điểm giành chiến thắng trong cuộc đua vào Nhà Trắng hôm 8/11 năm ngoái, ông Trump đã nhiều lần có những tuyên bố khẳng định sẽ thi hành chính sách mạnh tay hơn với Trung Quốc. Thậm chí, sau khi chính thức nhậm chức Tổng thống Mỹ hôm 20/1, ông Trump cũng chưa điện đàm với nhà lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình dù đã liên lạc với nhiều nhà lãnh đạo khác trên thế giới. 

Trong khi đó, phát biểu trên truyền hình và chia sẻ trên Twitter, ông Trump đã cáo buộc Trung Quốc tiến hành quân sự hóa ở Biển Đông, thao túng tiền tệ và phớt lờ trước tham vọng hạt nhân của nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un. Đặc biệt, ông Trump còn chọc giận Trung Quốc khi tuyên bố giành sự ủng hộ lớn cho Đài Loan, hòn đảo mà lâu nay, chính quyền Bắc Kinh chỉ coi là một tỉnh ly khai của Trung Quốc. 

“Vòng xoáy xung đột nguy hiểm”

Theo bản báo cáo dài 74 trang của nhóm chuyên gia, việc Tổng thống Trump đe dọa thay đổi quan điểm với chính sách lâu đời “một Trung Quốc”, được đánh giá là “cực kỳ nguy hiểm”. Đây có thể là nguồn cơn ảnh hưởng tiêu cực tới quan hệ Mỹ – Trung cũng như gây ra tình trạng bất ổn an ninh khu vực.  

Bản báo cáo còn cho rằng, tình hình hiện nay ở Biển Đông có thể ví với hiện tượng “góp gió thành bão” sau khi ông Trump cáo buộc Trung Quốc xây “pháo đài lớn” nhằm giành quyền kiểm soát một trong những tuyến đường biển chiến lược trên thế giới mang lại giá trị kinh tế gần 5 ngàn tỷ USD/năm. 

Ngoài ra, các hành động ngày càng quả quyết của Trung Quốc trong khu vực như triển khai nhiều hệ thống vũ khí trên các hòn đảo nhân tạo xây dựng trái phép ở Biển Đông, kết hợp với sự bùng nổ của chủ nghĩa dân tộc trong nước, đang đẩy quan hệ Mỹ – Trung vào “vòng xoáy xung đột nguy hiểm”. 

Đây chính là lý do hồi tuần trước, chiến lược gia của ông Trump, Steve Bannon cho rằng khả năng cuộc chiến giữa Mỹ – Trung trên Biển Đông sẽ xảy ra trong vòng 5 – 10 năm tới. 

Các thành viên trong nhóm của ông Trump còn chỉ trích cựu Tổng thống Barack Obama đã quá “mềm yếu” ở châu Á – Thái Bình Dương. Theo họ, Mỹ cần tăng cường sự hiện diện quân sự trong khu vực. Đây cũng là một phần trong chiến lược “hòa bình thông qua sức mạnh” nhằm kiềm chế sự trỗi dậy của Trung Quốc. 
Tuy nhiên, giới chuyên gia cảnh báo chương trình xây dựng sức mạnh quân sự “thiển cận” của Nhà Trắng, có thể khiến căng thẳng bùng phát mạnh mẽ thêm. 

Không chỉ đưa ra những gợi ý chính trị, bản báo cáo của nhóm chuyên gia còn trực tiếp kêu gọi chính quyền Tổng thống Trump tránh làm mối quan hệ với Bắc Kinh “vượt ngoài tầm kiểm soát”. 

Theo ông Lord, chỉ sau vài ngày nhậm chức, ông Trump đã “bổ một nhát búa tạ” vào chính sách lâu đời của Mỹ ở châu Á. Cụ thể, việc ông Trump quyết định rút Mỹ ra khỏi Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), được xem là “thảm họa địa chính trị và kinh tế đối với Mỹ”. Bởi quyết định này sẽ ảnh hưởng tới uy tín của Washington trong trong khi lại giúp nâng tầm Trung Quốc. 

Cũng theo ông Lord, cuộc điện đàm “thất bại” của ông Trump với người đồng cấp Australia, Thủ tướng Malcolm Turnbull, tiếp tục là một thảm họa với Mỹ. “Australia là một trong những đồng minh trung thành nhất của Mỹ trong lịch sử và cả hiện tại ở châu Á. Nếu Mỹ lo lắng về vấn đề Biển Đông, quan hệ thất bại với Australia là điều không nên”, Guardian dẫn lời ông Lord. 

Trong khi đó, ông Evan Medeiros, cố vấn cấp cao khu vực châu Á của cựu Tổng thống Obama chia sẻ, ông cảm thấy “bất an và lo lắng” về các kế hoạch mà Tổng thống Trump xây dựng cho mối quan hệ Mỹ – Trung. 

Ông Medeiros cảnh báo Tổng thống Trump không nên cùng lúc thách thức Bắc Kinh trên nhiều lĩnh vực. “Ông Trump không thể cùng làm nhiều việc một lúc. Ông Trump không thể đối đầu cùng lúc với Trung Quốc cả về vấn đề Đài Loan, thương mại, Triều Tiên và Biển Đông. Ông Trump không nên tạo ra một cuộc chiến lớn giữa Mỹ và Trung Quốc bởi nó không mang lại lợi ích gì cho Washington”, ông Mederios cho biết. 

RELATED ARTICLES

Tin mới