Wednesday, January 15, 2025
Trang chủĐiểm tinViệt Nam có nên mua tên lửa phòng không Akash Ấn Độ?

Việt Nam có nên mua tên lửa phòng không Akash Ấn Độ?

Theo nguồn tin của Ấn Độ, nước này và Việt Nam đang đàm phán về việc mua tên lửa chống hạm BrahMos và tên lửa phòng không Akash.

Hệ thống tên lửa phòng không Akash của Ấn Độ

Việt Nam đang đàm phán mua tên lửa Akash của Ấn Độ

Theo tờ “Thời báo Ấn Độ” (Times of India), Bộ quốc phòng nước này và Bộ quốc phòng Việt Nam đang tổ chức một loạt các cuộc hội đàm về việc bán hệ thống tên lửa đất đối không tầm trung Akash và hệ thống tên lửa hành trình chống hạm siêu âm BrahMos.

Đây không phải là lần đầu tiên báo chí nước ngoài đề cập đến vấn đề Việt Nam và Ấn Độ đang đàm phán về các hợp đồng mua sắm tên lửa đất đối không siêu âm Akash và tên lửa hành trình chống hạm siêu âm BrahMos, cùng một số loại vũ khí khác.

Hồi đầu tháng này, chính Times of India cũng có bài viết nói về chủ đề Ấn Độ và Việt Nam đang đàm phán về mua bán tên lửa đất đối không Akash của Ấn Độ và còn cho biết, thương lượng về Akash tương đối dễ dàng bởi vì 96% hệ thống tên lửa này là của Ấn Độ.

Ngoài ra, Việt Nam mong muốn không chỉ mua được tên lửa Akash, mà muốn còn tiếp cận công nghệ thông qua việc thành lập xí nghiệp hợp tác sản xuất. Phía Ấn Độ cũng thích cách tiếp cận từng bước, bắt đầu với việc phân phối các sản phẩm hoàn chỉnh của Việt Nam.

Hệ thống tên lửa phòng không Akash bắt đầu được trang bị cho quân đội Ấn Độ từ năm 2009. Hệ thống này được Ấn Độ phát triển từ nguyên mẫu 2K12 Kub của Liên Xô.

Tốc độ tối đa của tên lửa Akash lên đến 3600 km/giờ, đánh chặn mục tiêu ở cự ly đến 27-30km, ở độ cao lên tới 15-18 km. Radar Rajendra của nó có thể phát hiện mục tiêu chiến đấu cơ thế hệ 4 ++ ở cự ly xa tới 67 km, mục tiêu như tên lửa chống radar ở cự ly xa tới 37 km.

Loại radar của Ấn Độ có phạm vi quan sát từ -5 đến +65 độ, có khả năng theo dõi cùng lúc 64 mục tiêu, hủy diệt đồng loạt 4 mục tiêu. Nhìn chung, với loại radar quốc nội của Ấn Độ, các đặc tính kỹ, chiến thuật của tên lửa là khá tốt.

Về vấn đề tên lửa hành trình BrahMos, có thể nhận định là nó có thể đáp ứng như cầu sử dụng của hải quân và cả không quân Việt Nam, nhưng về tên lửa phòng không Akash thì vẫn còn nhiều nghi ngại, bởi tên lửa của Ấn Độ khá tiên tiến nhưng không phải là loại tốt nhất hiện nay.

Việc Việt Nam không nên mua tên lửa Akash xuất phát từ những yếu tố sau đây:

Thứ nhất: Việt Nam đang có khá nhiều hệ thống phòng không tốt

17 tháng 1 vừa qua, trang mạng topwar.ru của Nga có bài viết khá đáng chú ý về các hệ thống phòng không Việt Nam, trong đó nêu tên một số loại tên lửa được cho là Việt Nam đã sở hữu (tuy nhiên chưa có xác nhận chính thức từ Bộ quốc phòng Việt Nam).

Hệ thống phòng thủ tên lửa của Việt Nam đang ở trình độ khá cao. Các sư đoàn phòng thủ tên lửa được trang bị cả hệ thống cũ được thử nghiệm qua thời gian, cũng như các tổ hợp phòng thủ tên lửa Nga thế hệ mới nhất, bao gồm 2 tiểu đoàn S-300PMU-2 Favorit và 6 tiểu đoàn Buk-M2E.

Topwar.ru còn tiết lộ là Việt Nam cũng đã sở hữu một số tổ hợp tên lửa phòng không tầm ngắn Pantsir-S1 của Nga, được sử dụng để yểm trợ hỏa lực cho các hệ thống Buk và Favorit, đồng thời bảo vệ các mục tiêu trọng yếu khỏi sự tấn công của các loại tên lửa hành trình.

Ngoài ra, Việt Nam cũng đã mua sắm các hệ thống tên lửa phòng không tầm ngắn/tầm trung Spyder của Israel, mà tính năng của các hệ thống này đều vượt trội so với tên lửa Akash của Ấn Độ.

Do đó, Việt Nam không nhất thiết phải mua sắm các hệ thống phòng không Akash của Ấn Độ mà để tiền mua thêm 1-2 tiểu đoàn S-300 và đầu tư vào các lĩnh vực khác, ví dụ như máy bay cảnh báo sớm trên không – một yếu tố rất quan trọng để bảo vệ từ xa không phận đất nước.

Thứ 2: Tên lửa Akash còn những nhược điểm lớn

Tuy nhiên, mặc dù cũng được liệt vào loại hệ thống phòng không tầm trung nhưng tên lửa Akash không thể thành lập một lá chắn đáng tin cậy của Việt Nam, bởi nó không thể sánh được với hệ thống phòng thủ tên lửa tầm trung của Nga như Buk-M2E hoặc tên lửa Patriot của Mỹ.

Nhược điểm chính của hệ thống phòng không Ấn Độ là nó có thể tiêu diệt mục tiêu ở độ cao không dưới 30 mét, trong khi đó, các loại tên lửa hành trình hiện nay có độ cao bay rất thấp, ví dụ như độ cao chiến đấu tối thiểu của tên lửa hành trình Trung Quốc CJ-10A (DF-10) ở mức 20-25m.

Với tính năng này, tên lửa Ấn Độ không thể phát hiện ra các mục tiêu tên lửa hành trình nên không thể bảo vệ các mục tiêu đầu não khỏi sự tấn công của chúng. Bên cạnh đó, một số loại tên lửa khác hiện nay, ví dụ như tên lửa chống radar CM-102 của Trung Quốc có tốc độ khi tiếp cận mục tiêu lên đến 3.500 km/h nên Akash không thể làm gì được.

Nhược điểm thứ hai của Akash là chỉ đánh chặn được các mục tiêu bay với tốc độ không quá 2.520 km/h, tức là chỉ đơn thuần là tiêu diệt được các mục tiêu máy bay, mà tầm bắn của nó quá ngắn nên trong tấn công mục tiêu trên không thì kém xa so với S-300 và Buk-M2E Việt Nam.

Kết luận:

Với những ưu điểm và nhược điểm trên không thể nói là Việt Nam đang rất cần hệ thống tên lửa phòng không Akash của Ấn Độ bởi chúng ta đang có đầy đủ những hệ thống phòng không tiên tiến và mới nâng cấp hiện đại, đồng thời còn có những lựa chọn khác tốt hơn.

Tuy nhiên, việc mua sắm bất cứ loại vũ khí nào cũng cần xét trên nhiều yếu tố chứ không chỉ đơn thuần là xem xét tính năng kỹ, chiến thuật của chúng.

Thứ nhất: Ấn Độ là một đối tác chiến lược toàn diện của Việt Nam, việc phát triển quan hệ hợp tác quốc phòng với Ấn Độ là điều rất quan trọng, do đó, việc mua sắm vũ khí, trang bị không thể không chịu sự ràng buộc của yếu tố này.

Trong thời gian qua, Ấn Độ đã nhiệt tình giúp đỡ Việt Nam huấn luyện thủy thủ tàu ngầm, phi công lái máy bay chiến đấu Su-30; cung cấp linh kiện, phụ tùng cho Việt Nam sửa chữa một số trang bị, vũ khí cũ; đồng thời cung cấp các gói vay ưu đãi để Việt Nam mua sắm tàu tuần tiễu của nước này.

Thứ hai: Nếu Việt Nam yêu cầu chuyển giao công nghệ, phía Ấn Độ chắc chắn sẽ đáp ứng. Đây là điều rất có lợi cho ngành công nghiệp quốc phòng còn non trẻ của chúng ta. Tên lửa Akash xét về tính năng có thể là chưa đứng đầu thế giới nhưng công nghệ sản xuất chúng là điều Việt Nam đang còn mơ ước, đáng để Việt Nam học hỏi.

Xét về khía cạnh này, có thể thấy rõ là Việt Nam đang từng bước tiếp cận với những công nghệ sản xuất vũ khí chưa quá tối tân (ví dụ như dự án hợp tác sản xuất tên lửa Kh-35 với Nga), nên việc bắt đầu với công nghệ sản xuất tên lửa Akash là điều hoàn toàn hợp lý.

Việc mua sắm và chuyển giao công nghệ sản xuất tên lửa Akash sẽ là bước đệm để Việt Nam tiếp cận với những công nghệ tối tân hơn, ví dụ như tên lửa hành trình chống hạm BrahMos của Nga-Ấn hoặc tên lửa phòng không hiện đại hơn như S-300 của Nga.

Thứ ba: Hiện nay, Việt Nam chủ yếu mua sắm trang bị, khí tài của Nga, mà một số quốc gia xung quanh cũng sở hữu những loại vũ khí này. Do đó, việc sở hữu một loại tên lửa phòng không khác Nga cũng là yếu tố tiềm ẩn khiến các đối thủ phải e ngại.

Điều này có thể thấy rõ qua việc Việt Nam mua sắm tên lửa phòng không tầm ngắn/tầm trung Spyder của Israel để bổ sung vào các điểm còn đang yếu, đang thiếu, đồng thời đa dạng hóa các hệ thống phòng không quốc gia, nhằm tránh bị “bắt bài”.

Mặc dù tên lửa Akash có những nhược điểm nhất định về tính năng kỹ-chiến thuật, nhưng với những yếu tố ảnh hưởng rất quan trọng như trên, việc Việt Nam mua sắm các hệ thống tên lửa này là điều cũng dễ hiểu và hoàn toàn có thể xảy ra trong tương lai.

RELATED ARTICLES

Tin mới