Một nửa sự thật.
Tôi đã sống ở
châu Âu hơn nửa thế kỷ và thời gian ở nước ngoài gấp gần 5 lần thời gian ở quê
hương. Ở ngoài tuổi “cổ lai hi” không còn quá bận tâm đến chính sự ở Hà Nội,
nhưng vẫn đau đáu về sự thịnh suy, hưng vong, vinh nhục của đất nước, dân tộc.
“Dòng máu dân tộc” vẫn lặng lẽ chảy mãi trong tôi và trong đa số người Việt xa
xứ.
Các cụ xưa
có dạy: “cờ ngoài bài trong”. Tôi không dám tự cho mình là người sáng suốt.
Nhưng những bài viết của tôi và các bạn ở hải ngoại (như Cổ Xa, Bổ Độc, Côn Bằng,
Nhiên Tê…) là thể hiện một cách tiếp cận khác và dưới một góc nhìn khác về thế
sự nói chung, về các mối quan hệ quốc tế của Việt Nam nói riêng. Những thông
tin và ý kiến xuất phát từ cách tiếp cận khác và dưới góc nhìn khác, dù có đối
lập với chính kiến của mình, vẫn luôn có giá trị tham khảo. Vì thế, mong các vị
lãnh đạo Việt Nam
(Hà Nội) không xem những ý kiến của tôi là chống Đảng, là âm mưu chia rẽ quan hệ
Việt – Trung!
1. Bối cảnh
Có lẽ, lúc đầu
người Trung Quốc dùng thuật ngữ “Trung Quốc trỗi dậy hòa bình”. Nhưng động từ
“trỗi dậy” dễ làm cho “thiên hạ” có cái cảm giác ái ngại, thậm chí lo lắng, bất
an, nên “chú Tàu” thay “trỗi dậy” bằng “phát triển”, và cụm từ “phát triển hòa
bình” được sử dụng nhất quán trong các văn kiện quan trọng của Đảng và Nhà nước
Trung Quốc, trong giao tiếp quốc tế.
Thuật ngữ
“phát triển hòa bình” được sử dụng lần đầu tiên vào lúc nào và trong hoàn cảnh
nào?
Người viết
bài này không đủ hiểu biết để đưa ra câu trả lời một cách chắc chắn về vấn đề
này. Theo các thông tin có được thì các cụm từ “Trung Quốc trỗi dậy trong hòa
bình” hay “Trung Quốc trỗi dậy trong điều kiện hòa bình” được đề cập lần đầu
tiên trong tờ “Văn hối” (Hồng Công) ngày 1.3.2004.
Đây là một
công trình nghiên cứu nghiêm túc, phân tích khá sâu sắc và toàn diện về chính
sách đối ngoại của Đảng, Nhà nước Trung Quốc sau Đại hội XVI (11.2002).
Giáo sư Đặng
Tất Kiên, Phó Giám đốc Trường Đảng trung ương Trung Quốc có bài nói về Trung Quốc
phát triển hòa bình đăng trên tờ “Minh báo” ngày 4.3.2004. Trong bài báo này,
giáo sư Đặng Tất Kiên đã 12 lần sử dụng thuật ngữ “Trung Quốc phát triển hòa
bình”. Có lẽ, đây là công trình đầu tiên đề cập khá đầy đủ những vấn đề lớn
liên quan đến sự phát triển hòa bình của Trung Quốc. Từ 2004 đến nay, đã có
hàng trăm công trình nghiên cứu về con đường phát triển hòa bình của Trung Quốc,
cũng đã có nhiều cuộc hội thảo khoa học về chủ đề này ở Trung Quốc và nhiều nước,
nhất là Nhật, Mỹ, Ấn Độ, Nga, các nước ASEAN… Những người có trọng trách trong
cơ quan Đảng, Nhà nước và các học giả Trung Quốc cũng tận dụng mọi cơ hội để quảng
bá tư tưởng phát triển hòa bình của Trung Quốc tại các diễn đàn khu vực, diễn
đàn quốc tế, tại các cuộc tiếp xúc, đối thoại song phương, đa phương. Trong nhiều
nghị quyết của Đảng CSTQ và các quyết định của Nhà nước Trung Quốc cũng đề cập
đến con đường phát triển hòa bình của Trung Quốc.
Tại sao Trung
Quốc nêu ra tư tưởng phát triển hòa bình?
Ở Trung Quốc
đã có hàng trăm công trình lý giải vấn đề này. Cần phải đọc và nghe nhiều để có
thông tin. Điều đó là cần thiết, nhưng nếu tin tất cả những điều mà người Trung
Quốc nói và viết thì khác nào “gửi trứng cho ác”! Học giả các nước (ngoài Trung
Quốc) cũng có nhiều cách hiểu và lý giải khác nhau về tư tưởng phát triển hòa
bình của Trung Quốc. Điều đó cũng bình thường, bởi lẽ, họ có cách tiếp cận khác
nhau và có khả năng thu thập, xử lý thông tin khác nhau.
Mọi tư tưởng,
chủ trương ở tầm chiến lược đều ra đời trong những điều kiện trong nước, ngoài
nước nhất định.
– Trong nước
có mấy điểm nổi bật: 1- GDP bình quân đầu người đến 2003 vượt 1000 USD, đây là
một bước đột phá; 2- Nền kinh tế Trung Quốc đã vươn lên thứ tư trên thế giới
(sau Mỹ, Nhật, Đức); 3- Lần đầu tiên đưa người lên vũ trụ thành công, Trung Quốc
trở thành một trong ba quốc gia hàng đầu thế giới về chinh phục khoảng không vũ
trụ; 4- Trong xã hội, tâm trạng giận dữ âm ỉ đang lan rộng, các cuộc biểu tình
phản đối bất bình đẳng xã hội diễn ra liên tiếp tại nhiều thành phố lớn[1].
5- Từ 2003, Trung Quốc bước vào một giai đoạn phát triển mới có thể kéo dài đến
2025 – 2030, khi kết thúc giai đoạn này, Trung Quốc sẽ có vị trí cường quốc số
hai (chỉ sau Mỹ).
– Nét nổi bật
của tình hình thế giới khi Trung Quốc phô trương chiến lược phát triển hòa bình
(2003 – 2004 và những năm tiếp theo) là Mỹ triển khai chiến lược đơn phương
hành động và sẵn sàng đánh đòn phủ đầu – đánh nước nếu thấy cần thiết (theo suy
nghĩ chủ quan của Oasinhton). Về chính trị, đây là một chiến lược phản động, là
bước thụt lùi của nền chính trị quốc tế, là sản phẩm của những kẻ ngông cuồng
có đầu óc thiển cận và thiếu hiểu biết về những vấn đề trọng đại của thế giới
đương đại. Nhưng những hành động ngang ngược hiếu chiến của chính quyền Bush
(phát động chiến tranh Apganixtan 2001, Irăc 2003) đã làm cho Bắc Kinh nhận thấy:
về mọi mặt Trung Quốc vẫn còn thua xa Mỹ, chưa thể đương đầu trực diện với Mỹ,
mà phải thực hiện sách lược “tránh trực tiếp đánh bài ngửa với Mỹ”[2].
Thế hệ lãnh đạo
thứ tư (Hồ – Ôn) vẫn trung thành với di huấn của Đặng Tiểu Bình: chỉ có tăng trưởng kinh tế liên tục để nâng
cao sức mạnh tổng hợp quốc gia mới có thể nhanh chóng đưa Trung Quốc đứng đầu
các cường quốc, buộc Mỹ phải dè nể, tôn trọng và đảm bảo được sự sống còn của
chế độ.
Muốn thực hiện
thành công nhiệm vụ trung tâm là đẩy nhanh phát triển kinh tế, thì phải có môi trường hòa bình, phải giảm đến
mức tối đa những cọ xát, tranh chấp gay gắt với Mỹ nói riêng, với các nước
khác, nhất là các nước trong khu vực, các nước láng giềng nói chung.
Giáo sư Hồ An
Cương, một chuyên gia nổi tiếng về Trung Quốc đã nói đúng ý đồ của những người
hoạch định quyết sách ở Bắc Kinh: “Trong 20 năm tới Trung Quốc sẽ bước vào “thời kỳ hoàng kim” chưa từng thấy trong
lĩnh vực phát triển kinh tế, xã hội, khoa học kỹ thuật”[3]. Để
đạt được mục đích đó, nhất thiết phải có môi trường hòa bình.
Hơn nữa, thế
giới đón nhận sự trỗi dậy nhanh chóng của Trung Quốc theo cả hai chiều tích cực
và tiêu cực. Hoa Kỳ, Nhật Bản, Ấn Độ và nhiều nước ở Đông Á, Nam Á, Trung Á, kể
cả Nga, ở mức độ khác nhau, có tâm trạng bất an, lo lắng. Khi chủ nghĩa bành
trướng đại Hán chi phối Trung Nam Hải thì Trung Quốc sẽ gây sự, thậm chí xâm phạm
đến lợi ích sống còn của họ. Lo lắng đó là có cơ sở. Hơn 60 năm tồn tại (kể từ
1.10.1949), những người cầm quyền Bắc Kinh đã phát động 3 cuộc chiến tranh xâm
lược quy môi lớn đối với các nước láng giềng (xâm chiếm Ấn Độ 1962, xâm phạm
lãnh thổ Liên Xô 1969 và xâm lược Việt Nam 2.1979), Trung Quốc còn nhiều lần
dùng vũ lực để cướp đoạt lãnh thổ, không gian sinh tồn của các nước nhỏ xung
quanh (1956 đánh chiếm một số đảo phía đông quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam;
1.1974 dùng lực lượng lớn hải quân đánh chiếm toàn bộ quần đảo Hoàng Sa của Việt
Nam; 3.1988 hải quân Trung Quốc đánh chiếm 6 đảo đá của Việt Nam tại quần đảo
Trường Sa; 1995 hải quân Trung Quốc đánh chiếm đảo Vành Khăn của Philippin tại
quần đảo Trường Sa).
Như vậy, người
ta cảm thấy bất an, thậm chí lo sợ trước sự trỗi dậy nhanh chóng của Trung Quốc
là có cơ sở và tư tưởng về “mối đe dọa từ Trung Quốc” (hay “họa Trung Quốc”) được
hình thành từ thói quen ưa dùng vũ lực để đe dọa, tước đoạt, xâm phạm lợi ích sống
còn của các nước, nhất là các nước nhỏ yếu xung quanh của Bắc Kinh.
Tóm lại, chiến
lược phát triển hòa bình của Trung Quốc ra đời trong điều kiện trong nước và
tình hình thế giới vào thập niên thứ nhất của thế kỷ XXI. Chiến lược phát triển
hòa bình của Trung Quốc có mục tiêu trấn an “thiên hạ” là sẽ không có mối đe dọa
từ Trung Quốc, sự phát triển nhanh của Trung Quốc sẽ làm cho các nước đều được
hưởng lợi, là cơ hội cho các nước chứ không phải là thách thức hay nguy cơ đối
với bất kỳ quốc gia nào.
2. Hiểu thế
nào về chiến lược phát triển hòa bình của Trung Quốc?
Trước hết hãy
bàn về các thuật ngữ. Theo tôi, có 5 thuật ngữ: 1- Chiến lược phát triển hòa
bình của Trung Quốc; 2- Tư tưởng phát triển hòa bình của Trung Quốc; 3- Chủ
trương phát triển hòa bình của Trung Quốc; 4- Chính sách phát triển hòa bình của
Trung Quốc; 5- Con đường phát triển hòa bình của Trung Quốc.
Năm thuật ngữ
này có hàm nghĩa khác nhau, nhưng có hạt nhân giống nhau là nói về Trung Quốc
phát triển hòa bình; suy rộng ra là: Trung Quốc không đe dọa, không dùng vũ lực
trước, không gây chiến đối với các nước… Lãnh đạo Đảng CSTQ, Nhà nước, các quan
chức và các học giả Trung Quốc đã, đang và sẽ tiếp tục tận dụng mọi diễn đàn quốc
tế để quảng bá tư tưởng phát triển hòa bình của Trung Quốc. Các học giả đã đưa
lên báo chí, phát thanh, truyền hình, mạng hàng trăm bài viết về phát triển hòa
bình của Trung Quốc. Tất cả chỉ là luận bàn về phát triển hòa bình của Trung Quốc.
Về văn học, liệu đã có văn bản chiến lược phát triển hòa bình của Trung Quốc do
cơ quan cao nhất của Đảng CSTQ, hoặc do người đứng đầu Nhà nước Trung Quốc (Chủ
tịch nước Thủ tướng) ký ban hành như một văn kiện chính thức chưa? Theo tôi,
chưa có.
Nếu vậy, việc
dùng cụm từ “chiến lược phát triển hòa bình của Trung Quốc”, có lẽ không đúng.
Nên chăng, dùng cụm từ “tư tưởng phát triển hòa bình của Trung Quốc” hay “chủ
trương phát triển hòa bình của Trung Quốc” sẽ hợp lý hơn. Nghĩa là, không nên
xem là “chiến lược” khi thực tế chưa có văn bản chiến lược (đại khái bao gồm
các vấn đề: lý do đề ra chiến lược, mục tiêu của chiến lược, nhiệm vụ của chiến
lược, giải pháp thực hiện chiến lược, lộ trình thực hiện chiến lược…). Có lẽ,
không nên lý sự dài dòng về chữ nghĩa văn bản, quan trọng hơn là hiểu thực chất
vấn đề.
Trung Quốc
nêu vấn đề phát triển hòa bình với hàm ý gì? Phải chăng, Bắc Kinh muốn gián tiếp
gửi 3 thông điệp đến các nước trên thế giới: 1- Trung Quốc sẽ không gây chiến,
không phát động chiến tranh trực diện với Mỹ, hay với Nhật, hoặc với Ấn Độ, với
Nga…; 2- Trung Quốc sẽ không dùng vũ lực hay đe dọa dùng vũ lực trong việc giải
quyết tranh chấp với các nước, nhất là với các nước láng giềng, các nước trong
khu vực (có sức mạnh quốc gia yếu hơn Trung Quốc); 3- Sự phát triển của Trung
Quốc chỉ tạo ra cơ hội cho các nước chứ không phải là thách thức đối với các nước.
Có điều rất
mù mờ và không rõ ràng trong tuyên bố của Bắc Kinh là: thời gian phát triển hòa
bình: 10 năm? 20 năm? Hay là “con đường
phát triển hòa bình của Trung Quốc là sức mạnh của Đảng Cộng sản Trung Quốc
trong thế kỷ 21”[4] như giáo sư Đặng Tất Kiên đã nói?
Tôi hoàn toàn
không tin là Trung Quốc sẽ phát triển hòa bình trong suốt thế kỷ XXI, giỏi lắm
chỉ đến khoảng trước, sau năm 2040.
Tại các diễn
đàn quốc tế và trên các phương tiện thông tin đại chúng của Trung Quốc, những
người lãnh đạo, các quan chức, các học giả Trung Quốc cũng luôn trực tiếp, gián
tiếp nhắc đi, nhắc lại 3 vấn đề trên.
Đó là những
gì họ cam kết.
Thực tế thì
sao?
Cứ cho là
Trung Quốc phát triển hòa bình đến trước, sau năm 2030 (có thể 2040). Trong 20
năm tới Trung Quốc sẽ hành xử thế nào đối với thế giới, nhất là với các nước có
quan hệ trực tiếp với Trung Quốc?
Có thể mô phỏng
việc triển khai “chiến lược phát triển hòa bình của Trung Quốc” từ nay đến trước,
sau năm 2030 như sau:
– Một là,
Trung Quốc sẽ không chủ động gây chiến, không phát động chiến tranh với Mỹ, Ấn
Độ, Nhật Bản và cả với Nga.
Trong cuộc họp
Bộ Chính trị ngày 25.3.2003, Hồ Cẩm Đào đã xác định rõ: “Từ nay tới 2020 là thời kỳ cơ may chiến lược quan trọng đối với Trung
Quốc. Điều này có nghĩa là 17 năm tới kể từ 2003, Trung Quốc sẽ không dính líu
quân sự vào các cuộc xung đột, Trung Quốc dốc sức vào xây dựng, quan hệ Trung –
Mỹ sẽ không có gì trục trặc xảy ra”[5].
Sẽ không có
xung đột Trung – Mỹ, điều đó chắc chắn. Gần đây, quan hệ Trung – Mỹ có vẻ nóng
lên trước, sau hội nghị ARF ở Hà Nội vào cuối tháng 7.2010. Thực chất đó chỉ là
“đánh trận giả”, chú Tàu và chú Sam thử nắn gân nhau để xem phản ứng của đối thủ.
Mỹ sẽ không chủ động “gây sự” và xâm phạm lợi ích sống còn của Trung Quốc,
nhưng nếu Bắc Kinh hung hăng bất chấp luật pháp quốc tế, thì Oasinhton sẽ có phản
ứng cứng rắn buộc Bắc Kinh phải dừng chân trước vực thẳm.
Nhật Bản và Ấn
Độ không phải là đối thủ chủ yếu của Trung Quốc, nhưng theo Bắc Kinh hai quốc
gia này cản trở sự bành trướng của Trung Quốc ra Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương
– Nam Á. Từ nay đến trước, sau 2030, Trung Quốc sẽ giữ quan hệ “nửa bạn, nửa
thù” (về ngoại giao công khai là bạn, thực chất là thù) với Nhật Bản, Ấn Độ, và
khi có điều kiện sẽ không ngần ngại lấn lướt, gây sự chèn ép hai cường quốc
này, nhưng không dẫn đến chiến tranh lớn (không loại trừ xung đột quân sự ở mức
độ hạn chế, nhanh, gọn, đặt chuyện đã rồi).
– Hai là, cho
dù quảng bá rầm rộ tư tưởng phát triển hòa bình, Bắc Kinh sẽ không từ bỏ dùng
vũ lực trong việc giải quyết tranh chấp trên Biển Đông với các nước trong khu vực.Hung hăng và sẵn sàng dùng vũ lực để lấn
lướt, tước đoạt của các nước nhỏ yếu hơn mình trở thành thói quen mang tính bản
chất của những người cầm quyền Bắc Kinh từ xưa đến nay và từ nay về sau, bất kể
ai nắm quyền lực. Những hành động của Trung Quốc trên Biển Đông từ 2002 đến
nay vi phạm Hiến chương Liên Hợp Quốc, đi ngược năm nguyên tắc chung sống hòa
bình mà Trung Quốc là đồng tác giả và vi phạm nghiêm trọng bản “tuyên bố về
cách ứng xử ở biển Nam Trung Hoa” (DOC) mà Trung Quốc đã ký kết 4.11.2002. Bắc
Kinh sẽ tiếp tục ký các cam kết song phương, đa phương và quốc tế, nhưng một
khi thấy các cam kết đó hạn chế hoặc cản trở chiến lược bành trướng ra khắp thế
giới của họ, thì Trung Nam Hải cũng sẵn sàng xé bỏ. Các nước, trước hết là các
nước láng giềng, các nước trong khu vực phải hiểu và có ứng xử thông minh với
thói quen cố hữu mang tính bản chất đó của những người cầm quyền Bắc Kinh.
Từ những điều
trình bày ở trên có thể rút ra mấy vấn đề: 1- Trong thời kỳ Trung Quốc phát triển
hòa bình (có thể đến 2030 – 2040), sẽ không xảy ra chiến tranh giữa Trung Quốc
với Mỹ, sẽ không có xung đột quân sự lớn giữa Trung Quốc với Nhật Bản, Trung Quốc
với Ấn Độ; 2- Với sức mạnh quân sự to lớn, Trung Quốc sẽ thách thức Mỹ có lựa
chọn, sẽ thách thức, chèn ép, thậm chí gây hấn có mức độ đối với Ấn Độ, Nhật Bản;
3- Trung Quốc sẽ không tuân thủ DOC mặc dù đã cam kết, mà ngày càng thiếu thiện
chí trong giải quyết tranh chấp trên Biển Đông, thậm chí sẽ dùng vũ lực để đánh
chiếm một số đảo, bãi đá ngầm của Việt Nam tại quần đảo Trường Sa; Trung Quốc sẽ
dùng lực lượng quân sự xua đuổi, uy hiếp, bắt các tàu đánh cá của Việt Nam ngay
trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam; 4- Trung Quốc sẽ không đánh chiếm
các đảo, bãi đá của Philippin, Malaysia, Burunei, Indonexia và sẽ hạn chế đe dọa,
chèn ép, gây sự với các nước này; 5- Trung Quốc sẽ xây dựng được các cơ sở kinh
tế, chính trị, an ninh, văn hóa, xã hội vững chắc ở Lào, Campuchia, Mianma, và
ba nước này gần như phụ thuộc hoàn toàn vào Trung Quốc.
Trên đây là
những nét lớn về chiến lược phát triển hòa bình của Trung Quốc. Bắc Kinh đã,
đang và sẽ tiếp tục triển khai hoạt động đối ngoại theo 5 hướng chủ đạo trên.
3. Ứng xử của
Việt Nam
Việt Nam phải
làm gì và làm như thế nào trong thời kỳ Trung Quốc triển khai chiến lược phát
triển hòa bình? Những người lãnh đạo cao nhất của Đảng và Nhà nước Việt Nam phải
có trách nhiệm trả lời vấn đề này để bảo vệ lợi ích của quốc gia dân tộc. Người
nghiên cứu chỉ làm tư vấn. Theo tôi có mấy vấn đề:
– Một là, dù
sao đây cũng là thời cơ: từ nay đến 2030 (có thể đến 2040) là thời cơ thuận lợi
đối với sự phát triển của Việt Nam.
Tại sao lại là thời cơ? Vì từ nay đến 2030 – 2040 sẽ chưa có chiến tranh lớn,
các cường quốc vẫn thủ thế, phát huy mặt mạnh của mình và tìm hiểu kỹ những chỗ
yếu của đối thủ để chuẩn bị ra đòn tấn công. Việt Nam có vị trí địa – chiến lược quan
trọng. Việt Nam
có thể và cần phải khai thác vị trí địa – chiến lược của mình để nhanh chóng chấn
hưng đất nước khi các cường quốc còn thủ thế, vừa kiềm chế vừa nhân nhượng, hợp
tác với nhau.
– Hai là, cần
tỉnh táo nhận rõ, hiểu đúng chiến lược phát triển hòa bình của Trung Quốc, vừa
không mơ hồ, mất cảnh giác, vừa tận dụng thời cơ để củng cố quan hệ với Trung
Quốc, không để quan hệ Việt – Trung rơi vào khủng hoảng. Trong quan hệ với
Trung Quốc, lãnh đạo Việt Nam
phải đặt lợi ích quốc gia và chủ quyền toàn vẹn lãnh thổ của dân tộc lên trên hết.
Lợi ích quốc gia và chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ của dân tộc là tối thượng, là
trường tồn; nếu vì “16 chữ vàng” và “4 tốt” mà không bảo toàn được lợi ích quốc
gia và toàn vẹn lãnh thổ của dân tộc là có tội với dân tộc, với con cháu muôn đời,
là phản bội Tổ quốc, và sẽ bị dư luận hiện nay, lịch sử mai sau lên án.
– Ba là,
trong khi củng cố quan hệ láng giềng hữu nghị với Trung Quốc, cần mở rộng quan
hệ với Hoa Kỳ, Nhật Bản, Nga, Ấn Độ, các nước ASEAN và các nước EU; nhanh chóng
xây dựng các mối quan hệ này đi vào chiều sâu, ổn định với tầm nhìn chiến lược
lâu dài. Các mối quan hệ này tạo ra sức mạnh thời đại mà Việt Nam cần phải và có thể khai thác để kết hợp với
sức mạnh dân tộc nhằm nhanh chóng nâng cao thế và lực của Việt Nam ở
khu vực.
– Bốn là,
trong quá trình giải quyết tranh chấp chủ quyền trên Biển Đông, cần thúc đẩy
trao đổi song phương với Trung Quốc và với các nước liên quan; đồng thời, phải
mở rộng trao đổi đa phương với các nước trong và ngoài khu vực. Việt Nam có
đầy đủ chứng cứ lịch sử, văn hóa và pháp lý để khẳng định chủ quyền không tranh
cãi đối với quần đảo Hoàng Sa. Phải bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp hiện có của
Việt Nam
tại quần đảo Trường Sa. Theo “Công ước của Liên Hợp Quốc về Luật biển 1982”, Việt
Nam
có vùng đặc quyền kinh tế rộng 200 hải lý tính từ đường cơ sở. Việt Nam có chủ quyền hoàn toàn về việc thăm dò, khai
thác, bảo vệ và quản lý tất cả các tài nguyên thiên nhiên sinh vật và không
sinh vật, ở vùng nước đó, ở đáy biển và trong lòng đất dưới đáy biển của vùng đặc
quyền về kinh tế của Việt Nam…
Không ai,
không một cá nhân hay tổ chức nào có quyền bán rẻ lợi ích của Việt Nam
trong vùng đặc quyền kinh tế. Luật pháp quốc tế, trực tiếp là Liên Hợp Quốc, đã
cấp “sổ đỏ” cho Việt Nam đối với vùng đặc quyền kinh tế. Mỗi khi có thế lực ngoại
bang xâm phạm lợi ích của Việt Nam tại vùng này, lãnh đạo Việt Nam phải thông
báo kịp thời, đầy đủ, đúng đắn cho 90 triệu người Việt trong và ngoài nước biết
rõ; đồng thời thông qua kênh ngoại giao và quan hệ quốc tế nói rõ cho bạn bè, cộng
đồng quốc tế hiểu rõ. Những ai chủ trương bưng bít thông tin khi có thế lực ngoại
bang xâm phạm chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ và lợi ích sống còn của dân tộc là
có tội với Tổ quốc, là phản bội Hồ Chí Minh.
Chiến lược
phát triển hòa bình của Trung Quốc vừa tạo ra cơ hội cho Việt Nam, vừa đặt Việt Nam trước thách thức to lớn. Việt Nam
hoàn toàn có khả năng tận dụng mọi cơ hội và vượt qua thách thức để tạo ra bước
phát triển nhanh trong 20 – 30 năm tới. Việc biến khả năng thành hiện thực hoàn
toàn phụ thuộc vào tầm trí tuệ, bản lĩnh chính trị và phẩm chất trong sáng của
những người lãnh đạo Việt Nam.
Mong các vị nhanh chóng sửa mình, quy tụ lòng dân, bảo vệ lợi ích dân tộc, chấn
hưng đất nước.
[1] 18.10.2004, khoảng 40.000 – 50.000 biểu tình đã tụ tập
trước trụ sở chính quyền quận Vạn Châu thuộc thành phố Trùng Khánh để phản đối
việc một quan chức đánh gần chết một công nhân. Cuối tháng 10.2004, khoảng 3000
công nhân một nhà máy sản xuất hàng điện tử ở Thâm Quyến đã tiến hành bãi công
do lương quá thấp làm tắc nghẽn giao thông suốt 4 giờ. 7.2004, lái xe taxi đồng
loạt biểu tình phản đối chính sách của nhà đương cục thành phố Ngân Xuyên, thủ
phủ khu tự trị Ninh Hạ. Trong năm 2003, có hơn 120.000 đơn khiếu tố gửi lên Tòa
án nhân dân tối cao ở Bắc Kinh.
[2] Báo “Văn hối” (HC) ngày 1.3.2004.
[3] GS Hồ An Cương trả lời phỏng vấn Hãng thông tin “Thông
tin” (TQ) ngày 9.6.2003.
[4] Bài của GS Đặng Tất Kiên, Phó Giám đốc Trường Đản TW
Trung Quốc trên tờ “Minh báo” ngày 4.3.2004.
[5] Bình luận về quan hệ Trung Quốc – Mỹ trong thời gian tới
đăng tờ “Liên hợp” (Đài Loan) ngày 6.5.2003.