Friday, January 10, 2025
Trang chủĐiểm tinBản tin Biển Đông ngày 13/02

Bản tin Biển Đông ngày 13/02

Bản tin Biển Đông ngày 13/02/2017.

“Mong ước” về một Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông

Ngày 11/2, tạp chí The Strait Times đăng bài viết ““Mong ước” về một Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông” của Supalak Ganjanakhundee, Biên tập viên tờ The Nation của Thái Lan phân tích về khả năng Philippines – nước Chủ tịch ASEAN 2017 trong việc thực hiện cam kết hoàn thành Bộ Quy tắc ứng xử (COC) ở Biển Đông vào cuối năm 2017. Tác giả cho biết, một nhóm làm việc chung giữa các quan chức đến từ Trung Quốc và các nước ASEAN dù đã nhất trí triển khai một loạt các cuộc họp nhằm thúc đẩy các công việc nhằm xây dựng COC nhưng hành động của các bên lại cho thấy một cách nhìn khác.  Tác giả nhận định, được ký từ năm 2002 với mục tiêu hạn chế những hành động gây phức tạp hay làm leo thang các tranh chấp ở Biển Đông, Tuyên bố ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) đã không đủ khả năng để ngăn chặn những hành động nói trên, hay nói cách khác, chỉ là “một con hổ không có răng”. Các nước ASEAN, do đó, mong muốn tìm tới những công cụ pháp lý khác để bảo vệ hoà bình và ổn định của khu vực.

Mặc dù vậy, các bên đã có những nỗ lực nhất định để tiến tới xây dựng một COC bất chấp những bất đồng giữa các nước thành viên bởi các bên đều những lợi ích riêng trong quan hệ với Trung Quốc. Mặc dù vậy, Bắc Kinh vẫn tỏ ý lưỡng lự và không muốn đàm phán để đi đến COC với lý do “DOC chưa được thực hiện đầy đủ”. Trong khi đó, ASEAN khẳng định rõ ràng mong muốn các bên sẽ sớm có thể đi đến ký kết một văn kiện có giá trị ràng buộc cao hơn. Với tình hình này, các nhà nghiên cứu cho rằng hai bên sẽ mất nhiều thời gian hơn để hoàn thành COC, thêm vào đó khả năng là không cao, trừ khi ASEAN và Trung Quốc yên tâm rằng cam kết sẽ không ảnh hưởng đến việc chiếm giữ và hoạt động trên thực địa của hai bên. Tác giả nhận định, những thay đổi trong thời gian gần đây: Phán quyết Toà Trọng tài, quan hệ Philippines – Trung Quốc thay đổi dưới nhiệm kỳ của Tổng thống Rodrigo Duterte, những phát biểu cứng rắn của Washington và phản ứng của Bắc Kinh về vấn đề Biển Đông… đang gây khó khăn cho việc hình thành COC. Nhưng vấn đề nằm ở chỗ COC nhiều khả năng sẽ chỉ có giá trị như DOC, “một văn kiện thiện chí nhưng vô nghĩa”.nếu như vấn đề tranh chấp lãnh thổ không được giải quyết một cách nghiêm túc.

Bộ Chỉ huy Thái Bình Dương Mỹ lên tiếng về vụ máy bay của Trung Quốc và Mỹ đụng độ ở Biển Đông

Ngày 11/2, tạp chí The Strait Times đưa tin, ngày 10/2, ông Rob Shuford, Phát ngôn viên Bộ Chỉ huy Thái Bình Dương Mỹ khẳng định máy bay quân sự của Mỹ đã suýt va chạm “không an toàn” với máy bay trinh thám của Hải quân Mỹ ở bãi cạn Scarborough, một cấu trúc tranh chấp trên Biển Đông. Ông cho biết “Bộ Chỉ huy Thái Bình Dương cho rằng vụ đụng độ “không an toàn” giữa một máy bay KJ-200 của Trung Quốc và máy bay P-3C của Hải quân Mỹ xảy ra ở không phận nằm trên Biển Đông”, khẳng định “máy bay P-3C của Hải quân Mỹ đang thực hiện nhiệm vụ theo thường lệ, phù hợp với luật pháp quốc tế”. Ông Jeff Davis, Người Phát ngôn Lầu Năm góc cho biết máy bay của Trung Quốc về cơ bản “đã tạt qua đầu máy bay của Mỹ” khiến máy bay này “phải chuyển hướng ngay lập tức”. Ông Davis khẳng định không có bằng chứng nào cho thấy đây là hành động “cố ý” và vụ việc chỉ là “hy hữu”, nhấn mạnh “những cuộc tương tác giữa các tàu và máy bay phần lớn được đảm bảo chuyên nghiệp và an toàn”. Phía Bộ Chỉ huy cho hay sẽ giải quyết vụ việc “theo các kênh ngoại giao và quân sự phù hợp”.

Tàu khu trục mới nhất của Trung Quốc được triển khai kiểm soát Biển Đông

Ngày 12/2, trang Yibada đưa tin, mới đây, Hải quân Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLAN) đã triển khai bốn trong số bốn tàu khu trục tác chiến mang tên lửa loại 052D tới Hạm đội Nam Hải với nhiệm vụ “phòng thủ Biển Đông”. Các chuyên gia phân tích quân sự của Trung Quốc đã triển khai tàu loại 052D cho thấy ưu tiên chiến lược của PLAN đã chuyển tới cực Nam của “Chuỗi đảo thứ nhất”, khu vực được xác định là “điểm yếu” mà liên minh quân sự Mỹ – Nhật đã “nỗ lực” khai thác. Các chuyên gia này cũng tự tin tuyên bố, các tàu khu trục loại 052D và 052C có thể tạo thành “một bước đột phá trong lực lượng tác chiến”. Tàu loại này đã được thiết kế để hộ tống các tàu sân bay của PLAN. Theo nguồn tin, PLAN hiện đang đặt rất nhiều kỳ vọng vào tàu khu trục loại 052D và đang lên kế hoạch đặt thêm 18 tàu khu trục loại này. Thậm chí, các chuyên gia này còn tích cực quảng cáo “tàu loại 052D có thể thu hẹp đáng kể khoảng cách giữa các tàu chiến Trung Quốc và các tàu của những nước phát triển, có vai trò quan trọng trong việc xây dựng hải quân viên dương”.

Tranh cãi về khả năng chiến tranh Trung – Mỹ ở Biển Đông

Ngày 13/2, hãng tin News.com.au đăng bài viết “Trung Quốc bất lợi nếu Tổng thống Trump hành động ở Biển Đông” của Gavin Fernando. Trong bài viết, ông Grant Newsham, một cựu chuyên gia của Mỹ về quốc phòng và các vấn đề biển cho rằng chính quyền của Trump sẽ chặn đứng hiệu quả các tham vọng lãnh thổ của Trung Quốc. Nói đúng hơn, “một sự tính toán sai lầm” lớn của Bắc Kinh trong việc định hình khu vực tranh chấp, cùng với sự quyết đoán của chính quyền ông Trump sẽ kiềm chế những yêu sách của Trung Quốc ở khu vực. Trong khi đó, một số chuyên gia khác lo ngại rằng những phát biểu khiêu khích của chính quyền mới này sẽ chọc giận chính quyền Bắc Kinh, dẫn đến nguy cơ tiềm tàng của một cuộc Thế chiến thứ 3. Ông Robert Kagan, tác giả bài viết “Nguy cơ Thế chiến thứ III” trên Foreign Policy, khẳng định khó có thể tránh được tình huống thế giới sẽ “rơi vào tình trạng bạo loạn” nếu Bắc Kinh tiếp tục gây hấn với Washington. Tuy nhiên, cũng có một số người không đồng tình với quan điểm này. Tiến sỹ Adam Lockyer thuộc trường Đại học Macquarie về Nghiên cứu An ninh cho hay những phát biểu mạnh mẽ gần đây của chính quyền ông Trump không đồng nghĩa với việc nước này sẽ tiến hành hành động quân sự với Bắc Kinh, đồng thời dự đoán rằng “có thể ông Trump đang củng cố hình ảnh của mình chứ không đưa ra một chính sách quyết đoán”, hơn nữa, việc Nhà Trắng khẳng định sức mạnh quân sự ở Biển Đông có thể sẽ “phản tác dụng” đối với khu vực. Bên cạnh đó, ông Lockyer không đồng tình rằng cuộc xung đột giả định sẽ giống như Thế chiến thứ I hay Thế chiến thứ II. Tuy nhiên, ông nhấn mạnh, dù chiến tranh giữa Mỹ và Trung Quốc có thể sẽ là điều cuối cùng Úc nghĩ đến bởi Úc có quan hệ thương mại quan trọng với cả hai nước này nhưng sau cùng nước này vẫn sẽ can dự vào vấn đề Biển Đông với sự cân nhắc, tính toán về những tác động trước khi đưa ra quyết định hành động.

RELATED ARTICLES

Tin mới