Monday, December 23, 2024
Trang chủBiển nóngQuyền biến và bất biến của Donald Trump trong chính sách Mỹ...

Quyền biến và bất biến của Donald Trump trong chính sách Mỹ với châu Á

Mỹ tồn tại và phát triển trong sự biến động, cách Trump đối mặt, giải quyết các vấn đề đối nội, đối ngoại, khủng hoảng truyền thông sẽ mang lại nhiều bài học.

Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump, ảnh: SCMP.

Fiancial Times ngày 14/2 có bài xã luận nhận định: Chính sách của Donald Trump với châu Á dường như đã quay về quỹ đạo chủ lưu. 

Tờ báo Anh cho rằng, từ thái độ của tân chủ nhân Nhà Trắng với Trung Quốc, Nhật Bản tuần qua, người ta có lý do để chờ đợi chính sách của Mỹ với châu Á sẽ tiếp tục duy trì các nguyên tắc của mấy chục năm qua.

Hòa Trung, thân Nhật

Finacial Times cho rằng, chính sách của Nội các Donald Trump đối với châu Á thời kỳ đầu khiến nhiều người bất an, nhất là khi tân Tổng thống Mỹ quyết định rút khỏi TPP.

Sau đó, ông dường như cố ý đối đầu với Trung Quốc trong vấn đề Đài Loan và Biển Đông. Đồng thời, thái độ hoài nghi của Donald Trump đối với quan hệ đồng minh cùng Nhật Bản, Hàn Quốc càng khiến châu Á lo ngại.

Nhưng chỉ trong một tuần qua, thái độ và ứng xử của ông Trump với Bắc Kinh và Tokyo xem ra bắt đầu quay trở lại với những nguyên tắc định hình chính sách đối ngoại của Mỹ với châu Á mấy chục năm qua.

Thứ nhất, ông đã có cuộc điện đàm rất hiệu quả với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. Thứ hai, ông đã có cuộc tiếp xúc dài, nhiệt tình và hữu nghị với Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe, bao gồm một ngày chơi golf và cùng ăn 4 bữa tối.

Với Trung Quốc, tân Tổng thống Mỹ không còn ‘xét lại’ chính sách một nước Trung Quốc vốn là nền tảng của quan hệ Trung Mỹ từ những năm 1970 trở lại đây như ông tuyên bố tháng trước.

Financial Times bình luận: cử chỉ này của chính phủ Donald Trump tuy hơi có chút mất mặt, nhưng bù lại nó đã tránh đi một nguy cơ vô cùng nguy hiểm cho quan hệ Trung – Mỹ.

Đối với Biển Đông, chính phủ ông Trump cũng hiệu chỉnh lập trường trở nên ôn hòa hơn.

Sau phát biểu của Ngoại trưởng Rex Tillerson về khả năng phong tỏa đảo nhân tạo, Washington đã có những giải thích và phần nào giảm bớt lo lắng về nguy cơ xung đột, đối đầu Trung – Mỹ ở Biển Đông.

Với Nhật Bản mà nói, Thủ tướng Shinzo Abe đã rất nhanh chóng và khéo léo trong việc tái khẳng định Nhật Bản là đồng minh không thể thiếu của Nhà Trắng. 

Trump rút Hoa Kỳ khỏi TPP có thể nói là một sự “đả kích” khá nặng với ông Abe, nhưng Thủ tướng Nhật thừa hiểu rằng, ngoài duy trì quan hệ đồng minh với Hoa Kỳ, ông không có lựa chọn nào khả dĩ hơn.

Mặc dù không nhận được cam kết trực tiếp nào có ý nghĩa thực tế từ chính ông Donald Trump, nhưng ông Shinzo Abe đã thành công trong việc thiết lập quan hệ tích cực, gần gũi với tân Tổng thống Hoa Kỳ.

Chủ nghĩa bảo hộ và chủ nghĩa biệt lập thuộc về “bản năng” của Donald Trump, và cũng không thể không xem đó là một thành tựu của ông Shinzo Abe.

Phản ứng của ông Trump với vụ thử tên lửa gần đây nhất của CHDCND Triều Tiên hôm Chủ nhật rất kiềm chế và mang màu sắc chính trị truyền thống, khác hẳn những phát biểu của ông 6 tuần trước đó.

Về lâu dài, có thể đội ngũ tham mưu của Trump không thể không tính đến các biện pháp tăng cường gây sức ép về kinh tế, thậm chí là các hành động quân sự buộc Bình Nhưỡng từ bỏ vũ khí hạt nhân.

Nhưng phản ứng của Trump với vụ thử tên lửa này đã cho thấy một sự kiềm chế.

Financial Times kết luận, những động thái đầu tiên của Trump đối với châu Á là sáng suốt. Nhưng quan trọng hơn là thời gian tới, khi nội bộ Nhà Trắng vẫn có những tiếng nói muốn khiêu chiến thương mại với Trung Quốc, thậm chí cả Nhật Bản.

Trong khi tính chất các vấn đề châu Á khá phức tạp, tính cách của ông Donald Trump lại thất thường khiến người ta vẫn chưa hết lo ngại.

Nhưng châu Á có lý do để tin, thời đại Donald Trump nước Mỹ vẫn duy trì các nguyên tắc cơ bản trong chính sách đối ngoại với châu Á mấy chục năm qua.

Khả năng đàm phán trực tiếp với nhà lãnh đạo Kim Jong-un

The New York Times ngày 15/1 có bài nhận định, suốt 16 năm qua Hoa Kỳ từ chối đàm phán trực tiếp với CHDCND Triều Tiên vì tin rằng, điều này chỉ càng khuyến khích Bình Nhưỡng leo thang hơn nữa.

Đồng thời, trong suốt khoảng thời gian này, CHDCND Triều Tiên không ngừng thúc đẩy kế hoạch phát triển năng lực hạt nhân và tên lửa đạn đạo xuyên lục địa.

Tuy nhiên sau khi tỉ phú Donald Trump vào Nhà Trắng, Tổng thống Hàn Quốc Park Geun-hye đang đối mặt với nguy cơ bị luận tội và phế truất, bán đảo Triều Tiên dần xuất hiện khả năng tháo ngòi nổ bất ngờ.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Cảnh Sảng bình luận: “Căn nguyên cơ bản của vấn đề hạt nhân, tên lửa trên bán đảo Triều Tiên là mâu thuẫn Mỹ – Triều, Hàn – Triều. 

Chúng tôi cho rằng đối thoại và đàm phán là lối thoát cuối cùng để giải quyết vấn đề bán đảo Triều Tiên”.

The New York Times bình luận, phát biểu này cho thấy Bắc Kinh đã cảm nhận được, Donald Trump vô cùng muốn phá vỡ cục diện bế tắc trên bán đảo Triều Tiên trong nhiều năm qua.

Nhật Bản và Hàn Quốc cũng rất có thể sẽ ủng hộ phương án này. Thủ tướng Shinzo Abe nói với thuộc cấp sau khi trở về Tokyo từ Hoa Kỳ:

Phải tìm một phương thức mới để giải quyết vấn đề cùng với đồng minh. Nhật Bản cần tìm kiếm hợp tác quốc tế, bao gồm cả với Trung Quốc.

Trong khi tại Seoul, nội các đương nhiệm gần như tê liệt, Tổng thống đối mặt với nguy cơ luận tội, phế truất, bầu cử sớm có thể diễn ra.

Lãnh đạo đảng Dân chủ Hàn Quốc có ảnh hưởng nhất phe đối lập Choo Mi-ae cho rằng, đối thoại và ngoại giao là cách tốt nhất giải quyết vấn đề hạt nhân trên bán đảo.

Thời kỳ Tổng thống Barack Obama, điều này gần như không thể, vì ông Obama tin rằng trừng phạt là cách duy nhất kiềm chế tham vọng hạt nhân của Bình Nhưỡng. 

Tuy nhiên các nước Đông Á ngày càng ý thức rõ, chính sách của ông Obama với Bình Nhưỡng đã thất bại.

Đồng quan điểm này, tờ South China Morning Post, Hồng Kông ngày 15/2 có bài xã luận cho rằng, thực tế dựa vào Trung Quốc kiềm chế tham vọng hạt nhân của Bình Nhưỡng không khả thi.

Bắc Kinh không có nhiều lựa chọn, cho dù CHDCND Triều Tiên phụ thuộc rất lớn vào nước láng giềng này cả về năng lượng lẫn hàng hóa. Nhưng cắt nguồn cung sẽ gây bất ổn cho Triều Tiên, hậu quả an ninh Trung Quốc phải gánh chịu.

Tương tự, Donald Trump không thể dùng sức mạnh quân sự để xử lý vấn đề hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên. Bởi làm như vậy chỉ đẩy 2 đồng minh Nhật – Hàn vào tầm ngắm tên lửa của Bình Nhưỡng.

Ông Kim Jong-un sẽ không dễ nhượng bộ trước áp lực trừng phạt và răn đe quân sự. Chỉ có cách Tổng thống Donald Trump đàm phán trực tiếp với ông Kim Jong-un, theo sau là một hiệp ước hòa bình Triều – Mỹ và một gói viện trợ lớn, vấn đề mới có thể được giải quyết.

Quyền biến và bất biến trong chính sách của Donald Trump với châu Á

Sự quyền biến của ông Donald Trump trong chính sách với châu Á đã được Finacial Times, The New York Times chỉ ra trong các động thái của chủ nhân Nhà Trắng tuần qua khi ứng xử với Trung Quốc, Nhật Bản, CHDCND Triều Tiên.

Có thể ai đó cho rằng, việc phản ứng kiềm chế với vụ thử tên lửa của Bình Nhưỡng là “mất mặt nước Mỹ”, hay bất ngờ cam kết tôn trọng “một nước Trung Quốc” là xuống nước, thậm chí đầu hàng ông Tập Cận Bình.

Nhưng theo cá nhân người viết, đây chính là sự linh hoạt, quyền biến cần thiết của chủ nhân Nhà Trắng.

Nó cũng thể hiện rõ cá tính và tố chất doanh nhân của Donald Trump trong việc theo đuổi thực hiện mục tiêu bất biến: bảo vệ lợi ích thực tế của nước Mỹ.

Tuần qua, những phát biểu và ứng xử đối ngoại của ông đã cho thấy kỹ năng “làm giá” khi đàm phán, biết tiến biết lùi đúng lúc, không để đối phương nắm bắt được mình đang nghĩ gì.

Ngược với nhiều quan điểm lo ngại một sự bấp bênh cho an ninh khu vực châu Á – Thái Bình Dương khi Trump lên cầm quyền, người viết cho rằng:

Từ cách ứng xử của ông với 3 nước Đông Á, có nhiều dấu hiệu để tin rằng tương lai châu Á – Thái Bình Dương dưới thời Donald Trump sẽ ổn định hơn, hạn chế bớt nguy cơ xung đột đối đầu.

Ở Biển Đông, Trung Quốc cũng sẽ phải nhìn trước ngó sau trước khi có hành động nào đó, chứ chưa chắc đã dám làm liều, vuốt mặt không nể mũi như thời Tổng thống Barack Obama, bởi lúc đó Trung Nam Hải thừa biết Nhà Trắng hết võ đối phó với chiến lược tàm thực – cờ vây – bắp cải của họ.

Tôn trọng nguyên tắc “một nước Trung Quốc” không có nghĩa là Mỹ cắt đứt quan hệ với Đài Loan, càng không có nghĩa là Donald Trump sẽ không động đến con bài địa chiến lược này khi cần.

Về mặt đối nội, sắc lệnh di trú của Trump bị chặn lại hay việc Cố vấn An ninh quốc gia Michael Flynn phải từ chức vì cáo buộc dính lứu với Nga sau vài tuần nhậm chức chỉ là sự thể hiện cụ thể của nền chính trị Hoa Kỳ về kiểm soát quyền lực.

Ngay cả cuộc chiến giữa Tổng thống Donald Trump với giới truyền thông mà đứng đầu là 2 tờ The New York Times và The Washington Post, thì người được lợi cuối cùng vẫn là người dân Mỹ.

Nước Mỹ tồn tại và phát triển trong sự biến động, cách thức Trump đối mặt, giải quyết các vấn đề đối nội, đối ngoại, khủng hoảng truyền thông sẽ mang lại nhiều bài học ý nghĩa, nhất là trong bối cảnh phần còn lại của thế giới rất ít thông tin cũng như hiểu biết về cách điều hành cường quốc số một thế giới của một doanh nhân.

RELATED ARTICLES

Tin mới