Thanh Hoá đang lấy ý kiến về công viên văn hoá với tổng mức đầu tư hơn 2.500 tỷ đồng.
Tỉnh Thanh Hoá đang trưng bày mô hình và phối cảnh để lấy ý kiến người dân về Đồ án quy hoạch chi tiết công viên văn hóa xứ Thanh tại nhà khách 25B của tỉnh.
Theo thuyết trình, công viên văn hoá xứ Thanh rộng 500.000 m2, dự kiến sẽ được xây dựng ở trung tâm thành phố Thanh Hoá với nhiều hạng mục có quy mô lớn.
Theo mô hình trưng bày, công viên văn hóa xứ Thanh sẽ có 2 phương án xây dựng.
Phương án thứ nhất, công viên sẽ có các hạng mục chính như: Khu đền thờ trăm họ, tháp vọng cảnh, đại đình làng Việt, khu dịch vụ tập trung, bảo tàng tổng hợp tỉnh mang hình dáng trống đồng, trung tâm triển lãm, mô hình tái hiện quá trình xây dựng thành nhà Hồ và một số công trình phụ trợ độc đáo khác.
Phương án này có tổng mức đầu tư khoảng 2.361 tỷ đồng (trong đó vốn ngân sách 713 tỷ đồng, ngoài ngân sách 1.648 tỷ đồng).
Phương án hai, ngoài các hạng mục trên, có thêm quảng trường và khu nhà điển hình các dân tộc thiểu số.
Phương án này cũng có tổng mức đầu tư khoảng 2.520 tỷ đồng, trong đó vốn ngân sách gần 780 tỷ đồng, còn lại 1.740 tỷ đồng là ngân sách xã hội hóa.
Cả 2 phương án đều được nghiên cứu trên cơ sở kết tinh các đặc trưng nổi bật của văn hóa xứ Thanh với dạng thù hình: Văn hiến, văn vật và văn minh, nhằm mục tiêu phục vụ sinh hoạt cộng đồng về chính trị – kinh tế – văn hoá – xã hội của nhân dân
Việc trưng bày mô hình và lấy ý kiến rộng rãi của đông
đảo nhân dân đóng góp xây dựng quy hoạch là vô cùng quan trọng, thiết thực.
Trên cơ sở đó để xây dựng công viên văn hoá xứ Thanh thực sự độc đáo, hấp dẫn đối với các nhà đầu tư và thu hút du khách đến tham quan.
Lãnh đạo tỉnh Thanh Hóa cho rằng, quy hoạch công viên văn hoá xứ Thanh là công trình văn hóa có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với tỉnh Thanh Hóa.
“Đây là công trình văn hóa có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với tỉnh Thanh Hóa, nên Ban Cán sự Đảng UBND tỉnh phải chỉ đạo các sở, ngành, đơn vị liên quan nhanh chóng hoàn thiện các mô hình, tổ chức lấy ý kiến rộng rãi của đông đảo nhân dân các dân tộc trong tỉnh trước khi Ban Thường vụ Tỉnh ủy đưa ra quyết định cuối cùng”, Báo Thanh Hóa dẫn lời ông Trịnh Văn Chiến, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh tại hội nghị Ban Thường vụ Tỉnh ủy hôm 18/10/2016.
Về công tác đầu tư, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy thống nhất chủ trương: Kêu gọi các doanh nghiệp lớn, các tập đoàn kinh tế uy tín, có kinh nghiệm vào đầu tư xây dựng và quản lý, vận hành, khai thác thực sự hiệu quả, đúng theo phương án thiết kế đã được duyệt.
Sẽ không có gì đáng nói nếu bài toán về tài chính, hiệu quả công trình xây dựng công trình… được tính toán một cách khả thi, có tính khoa học, và được đưa ra đúng thời điểm.
Thế nhưng, trong bối cảnh tỉnh này vẫn phải nhận “viện
trợ” từ ngân sách trung ương vì thu không bù được chi, đời sống nhân dân nhiều nơi còn gặp nhiều khó khăn.
Thậm chí nhiều năm trở lại đây, Thanh Hóa thường xuyên phải xin gạo cứu đói từ Trung ương, thì việc đưa ra chủ trương xây dựng, lấy ý kiến về công trình nghìn tỷ trong bối cảnh hiện tại liệu có phù hợp, đặc biệt là khi công trình có sử dụng tiền ngân sách (theo dự toán ban đầu)?
Mặt khác, giữa việc ưu tiên vốn, đầu tư vào các dự án trọng điểm, công trình phục vụ sản xuất, dân sinh, nhằm chất lượng cuộc sống người dân, và việc tính toán đầu tư dự án văn hóa nghìn tỷ, đâu là vấn đề bức thiết, cần chính quyền tỉnh Thanh Hóa ưu tiên giải quyết trong lúc này?
Được biết, trong nhiều năm trở lại đây năm nào Thanh Hóa cũng có văn bản gửi Trung ương xin hỗ trợ gạo cứu đói trong dịp Tết Nguyên đán. Năm Năm 2015 Thanh Hóa xin hỗ trợ tới 934,155 tấn gạo, năm 2014 xin hơn 500 tấn gạo.