BienDong.Net: Ngày 5/3/2014, Kỳ họp thứ 2 quốc hội Trung Quốc khoá XII khai mạc tại Đại lễ đường nhân dân Bắc Kinh. Báo cáo ngân sách trình Quốc hội thông qua ngân sách quốc phòng cho năm 2014 là 808,23 tỷ Nhân dân tệ (tương đương khoảng 132 tỷ USD), tăng 12,2% so với năm 2013.
Trung Quốc liên tục tăng ngân sách quốc phòng với 2 con số và năm 2014 là mức tăng lớn nhất kể từ năm 2011 trở lại đây (năm 2012 tăng 11,2%; năm 2013 tăng 10,7%).Chi phí quốc phòng của Trung Quốc sẽ tập trung phát triển vũ khí công nghệ cao, tăng cường sức mạnh cho lực lượng hải quân, không quân. Cùng với viêc công bố việc tăng mạnh chi phí quốc phòng, Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường còn có những phát biểu cứng rắn tại kỳ họp Quốc hội: “Chúng ta sẽ cương quyết trong việc bảo vệ chủ quyền, an ninh và quyền lợi phát triển của Trung Quốc”; Bắc Kinh cũng sẽ “chuẩn bị chiến tranh theo tiến trình thông thường” và “biến Trung Quốc thành một thế lực hàng hải”.
Các nhà phân tích cho rằng trong bối cảnh Bắc Kinh liên tục gây tình hình căng thẳng với các nước láng giềng ở Biển Đông và biển Hoa Đông thời gian gần đây thì điều này càng thể hiện tham vọng quân sự to lớn của Trung Quốc. Ông Rory Medcalf, một nhà phân tích an ninh khu vực tại Viện Lowy ở Sydney cho rằng: “Điều này sẽ khiến cho các nước láng giềng của Trung Quốc cảm thấy lo ngại, đặc biệt là Nhật Bản”. Ông Medcalf nói thêm: “Sẽ không có chuyện Trung Quốc chuyển hướng tập trung phát triển kinh tế thay vì tăng cường sức mạnh quân sự sau khi tốc độ tăng trưởng kinh tế của nước này đã chậm lại. Trung Quốc đang rất quyết tâm để định hình môi trường chiến lược của họ”.
Ngay sau khi Trung Quốc công bố mức tăng chi phí quốc phòng 2 con số, Tư lệnh Bộ chỉ huy Thái Bình Dương của Mỹ, Đô đốc Samuel Locklear, đã bày tỏ quan ngại về các ý định của Trung Quốc với mức tăng chi phí quốc phòng mới nhất ở mức 2 con số. Ông Locklear nhận định chắc chắn sức mạnh quân sự của quốc gia Châu Á này sẽ tăng lên. Ông nói thêm rằng, Mỹ muốn Trung Quốc đóng góp tích cực cho an ninh khu vực song các hoạt động gần đây của Bắc Kinh ở “sân sau của mình” đang khiến người ta hoài nghi về các ý định của họ.
Theo một số chuyên gia quân sự thì trên thực tế ngân sách chi cho quốc phòng của Trung Quốc còn lớn hơn nhiều so với con số công bố; con số này nằm trong khoảng từ 135 tỷ đến 215 tỷ USD, gấp 3 lần chi phí quốc phòng của Ấn Độ.
Tạp chí IHS Jane’s, chuyên phân tích và tư vấn công nghiệp quốc phòng, gần đây công bố số liệu cho thấy, trong năm 2014, Bắc Kinh có thể sẽ chi 148 tỷ USD cho ngân sách quốc phòng. Báo cáo này cũng dự đoán đến năm 2024, chi tiêu quốc phòng của Trung Quốc sẽ lớn hơn toàn bộ các nước Tây Âu cộng lại.
Theo báo cáo mới nhất của Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế (IISS), Trung Quốc dẫn đầu cuộc đua vũ trang tại Châu Á trong năm 2013, với tổng chi tiêu quốc phòng lên tới 112,2 tỷ USD, nhiều hơn Nhật Bản, Hàn Quốc, đảo Đài Loan và Việt Nam cộng lại.
Tiềm lực kinh tế mạnh và sự tăng mức chi phí quốc phòng liên tục với 2 con số hàng năm đã tạo điều kiện cho quân đội Trung Quốc không ngừng hiện đại hóa hệ thống vũ khí, khí tài. Năm 2011, nước này tiến hành bay thử nghiệm mẫu chiến đấu cơ tàng hình tự chế. Năm 2012, tàu sân bay đầu tiên mang tên Liêu Ninh được chính thức đưa vào sử dụng.
Ông Vương Dân, Bí thư Tỉnh ủy Liêu Ninh, cho biết Trung Quốc vừa khởi động việc đóng tàu sân bay thứ hai trong số 4 chiếc theo kế hoạch tại một cảng ở tỉnh miền đông bắc này.
Mặc dù vậy, nhiều chuyên gia quốc tế vẫn cho rằng năng lực chiến đấu của quân đội Trung Quốc không tỷ lệ thuận với mức chi tiêu quốc phòng. New York Times dẫn lời chuyên gia phân tích quân sự Ian Easton thuộc Viện nghiên cứu Project 2049 cho biết “Quân đội Trung Quốc thiếu kinh nghiệm chiến đấu thực tiễn. Một số hạng mục đắt tiền của quân đội, bao gồm cả tàu sân bay, đều tồn tại vấn đề kỹ thuật”.
Thi hành một chính sách cứng rắn trên vấn đề biển đảo với các nước láng giềng, cùng với việc tăng mạnh ngân sách cho quốc phòng, Trung Quốc đang trở thành mối đe doạ lớn nhất đối với các nước láng giềng ven biển của Trung Quốc.
BDN