Tuesday, November 26, 2024
Trang chủGóc nhìn mớiVẤN ĐỀ BIỂN ĐÔNG VÀ BIỂN HOA ĐÔNG – CHỦ ĐỀ CHÍNH...

VẤN ĐỀ BIỂN ĐÔNG VÀ BIỂN HOA ĐÔNG – CHỦ ĐỀ CHÍNH CỦA ĐỐI THOẠI QUỐC PHÒNG QUỐC TẾ JAKARTA

BienDong.Net: Từ ngày 19 – 20/3/2014, Đối thoại Quốc phòng quốc tế thường niên lần thứ 4 (JIDD 4) đã diễn ra tại Jakarta, Indonesia.

Với chủ đề “xây dựng hợp tác biển vì an ninh và ổn định”, JIDD 4 trở thành diễn đàn để quan chức quốc phòng, quân sự cấp cao và học giả cũng như tổ chức dân sự gặp gỡ trao đổi quan điểm về tình hình biển và đại dương, từ đó đề xuất các biện pháp xây dựng lòng tin, đẩy mạnh hợp tác quốc phòng, quân sự song phương và đa phương, góp phần đảm bảo hòa bình, ổn định khu vực và thế giới.

Tham dự JIDD 4 có đại diện từ 46 nước, trong đó có Thủ tướng Timor Leste; Bộ trưởng Quốc phòng các nước Australia, Hà Lan, Bangladesh, Papua New Guinea và Timor Leste; Bộ trưởng Quốc phòng các nước Nhật Bản, Hàn Quốc, Philippines; Tư lệnh hoặc Phó Tư lệnh của các nước Trung Quốc, Mỹ… và đông đảo các nhà nghiên cứu, học giả và đại biểu từ EU, NATO…

JIDD 4 đã thảo luận 5 chủ đề gồm: (i) Nghiên cứu khái niệm khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương; (ii) Giải quyết các vùng biển tranh chấp; (iii) Đối phó với các mối đe dọa và an ninh phi truyền thống; (iv) Hiện đại hóa và ổn định các lực lượng hải quân; (v) Tăng cường hợp tác ngoại giao và luật pháp trên biển.

Trong bối cảnh tình hình Biển Đông và biển Hoa Đông diễn biến hết sức phức tạp và căng thẳng do các hành động của Trung Quốc gây ra, các phát biểu tại JIDD 4 đã tập trung vào vấn đề Biển Đông và biển Hoa Đông và chủ đề “Giải quyết các vùng biển tranh chấp” đã thu hút sự quan tâm của các đại biểu. Nhiều phát biểu đã đưa ra những đánh giá, phân tích về tình hình Biển Đông, biển Hoa Đông thời gian qua, đồng thời nêu một số kiến nghị về giải quyết tranh chấp ở Biển Đông và biển Hoa Đông.

Các đại biểu đều đánh giá cao tầm quan trọng của biển và đại dương; cho rằng trong tình hình hiện nay, biển có vai trò quan trọng đối với an ninh, ổn định và phát triển của mỗi quốc gia (kể cả quốc gia có biển hoặc không có biển); nhấn mạnh rằng hầu hết các thách thức an ninh (kể cả truyền thống và phi truyền thống) đối với mỗi quốc gia ven biển đều xuất phát từ biển; cho rằng vụ mất tích máy bay MH370 của Malaysia cho thấy sự cần thiết phải tăng cường hợp tác, phối hợp đảm bảo an ninh trên không và trên biển.

Đối với Biển Đông, các ý kiến cho rằng trong thời gian qua, Trung Quốc đang tập trung chĩa mũi nhọn gây sức ép với Philippines cả trên mặt trận ngoại giao, tuyên truyền và trên thực địa nhằm buộc Philippines từ bỏ vụ kiện Trung Quốc ra Tòa Trọng tài; nhấn mạnh việc các bên liên quan cần thực hiện đầy đủ, nghiêm túc Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) và sớm xây dựng Bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC) nhằm duy trì hòa bình ổn định, bảo đảm tự do, an ninh an toàn hàng hải ở Biển Đông (COC).

Các ý kiến tại cuộc đối thoại cho rằng, so với Biển Đông, tình hình biển Hoa Đông diễn biến căng thẳng hơn với việc Trung Quốc tập trung mũi nhọn vào Nhật Bản. Căng thẳng ở biển Hoa Đông và Biển Đông sẽ tiếp tục là thách thức an ninh đối với các nước trong khu vực và gây khó khăn cho việc đạt giải pháp hòa bình.

Các đại biểu cho rằng vấn đề Biển Đông và biển Hoa Đông phải được giải quyết bằng biện pháp hòa bình trên cơ sở luật pháp quốc tế. Việc giải quyết không chỉ giữa các nước liên quan trực tiếp mà còn phải có sự tham gia của các nước sử dụng và có lợi ích ở vùng biển đó.

Phát biểu tại cuộc đối thoại, Tư lệnh Hạm đội Thái Bình Dương của Mỹ, Đô đốc Harry Hamis nhấn mạnh các bên cần giải quyết tranh chấp hòa bình trên cơ sở luật pháp quốc tế; quan tâm lớn nhất của Mỹ là tự do hàng hải trong khu vực.

Trong phát biểu của mình, Phó Tham mưu trưởng Quân Giải phóng Trung Quốc, Đô đốc Sun Jianguo tìm mọi cách biện hộ cho các hành động gây hấn của họ với các nước láng giềng ven biển trong thời gian qua; nhấn mạnh lập trường lâu nay của Trung Quốc là thông qua đàm phán song phương để giải quyết tranh chấp; đổ lỗi cho “thế lực bên ngoài lợi dụng” vấn đề Biển Đông và biển Hoa Đông để trục lợi. Ông Sun Jianguo cho rằng cần thực hiện tốt DOC trước khi xây dựng COC hiện nay việc thực hiện DOC chưa tốt nên chưa cần thiết phải có COC. Luận điệu đó của ông ta là nhằm mục tiêu biện minh cho việc Trung Quốc trì hoãn đàm phán với ASEAN về COC trước sức ép ngày càng tăng của cộng đồng quốc tế về việc cần sớm xây dựng COC.

Với việc đứng ra đăng cai tổ chức Đối thoại Quốc phòng quốc tế thường niên, Indonesia đang khẳng định vai trò của mình trong các vấn đề khu vực, trong đó có tranh chấp ở Biển Đông và Hoa Đông.

BDN

RELATED ARTICLES

Tin mới