Thursday, December 26, 2024
Trang chủNhìn ra thế giớiTQ dùng chiêu "giết gà dọa khỉ", ngầm đối đầu với Mỹ

TQ dùng chiêu “giết gà dọa khỉ”, ngầm đối đầu với Mỹ

Thay vì đối đầu trực tiếp với Washington, Bắc Kinh đang trút cơn thịnh nộ lên Seoul.

Hệ thống phòng thủ tên lửa THAAD được đưa tới Hàn Quốc hôm 6/3. Ảnh: Reuters.

Lâu nay, Trung Quốc vẫn có truyền thống kỷ niệm các sự kiện quan trọng trong quan hệ ngoại giao với nước ngoài. Năm nay đánh dấu năm thứ 25 thiết lập quan hệ ngoại giao giữa Trung Quốc và Hàn Quốc. Tuy nhiên, thay vì các chuyến thăm cấp cao và lễ kỷ niệm trang trọng, sự kiện năm nay lại bị ảnh hưởng bởi tình trạng đối đầu chưa từng có giữa hai nước.

“Tuần trăng mật” chóng vánh

Hai năm trước, nhiều quan chức và nhà bình luận Trung Quốc vẫn còn đang ăn mừng “tuần trăng mật mới” trong quan hệ Trung-Hàn, khi Tổng thống Park Geun-hye tham dự lễ duyệt binh trên Quảng trường Thiên An Môn vào ngày 3/9/2015.

Bà Park là lãnh đạo duy nhất trong số đồng minh của Mỹ có cơ hội tham dự sự kiện này. Bà còn dùng bữa trưa với Chủ tịch Trung Quốc Tập Bình, sau cuộc hội kiến giữa hai bên. 

Điều này cho thấy, chủ nhà Trung Quốc đã chào đón bà Park với sự trọng thị đặc biệt.

Vào ngày duyệt binh, ông Tập đã sánh vai với tổng thống Nga Putin ở bên phải và bà Park ở bên trái, khi họ bước lên bục cao nhất của Thiên An Môn. Khi đứng xem duyệt binh, bà Park đứng ở bên phải ông Putin, kế đó là ông Tập. Theo Diplomat, vị trí này cho thấy một thông điệp ngầm: Quan hệ Bắc Kinh-Seoul đang ở đỉnh cao lịch sử.

Thế nhưng tuần trăng mật mới giữa Trung Quốc và Hàn Quốc đã không kéo dài lâu.

“Giết gà, dọa khỉ”

Theo quan điểm của Bắc Kinh, rạn nứt giữa hai bên bắt nguồn từ quyết định triển khai Hệ thống phòng thủ tên lửa tầm cao giai đoạn cuối (THAAD) tại Hàn Quốc vào tháng 7/2016 của Tổng thống Park Geun-hye.

Mặc dù Seoul đã giải thích rằng, động thái này nhằm đề phòng mối đe dọa hạt nhân từ Bình Nhưỡng nhưng Bắc Kinh vẫn kịch liệt phản đối. Nước này cho rằng, THAAD gây tổn hại nghiêm trọng cho lợi ích an ninh và chiến lược của các nước láng giềng như Trung Quốc và Nga, đồng thời gây mất cân bằng chiến lược trong khu vực.

Ngày 28/2, tập đoàn Hàn Quốc Lotte đã chấp thuận đổi đất với chính phủ, tạo điều kiện cho chính quyền triển khai THAAD trên lãnh thổ Hàn Quốc. Tức giận trước quyết định này, một số hãng truyền thông Trung Quốc đã kêu gọi tẩy chay Lotte – tập đoàn hiện đang đầu tư rộng rãi ở Trung Quốc – trên phạm vi toàn quốc. 

Tại sao Bắc Kinh lại sẵn sàng hy sinh quan hệ với Seoul để ngăn chặn việc triển khai THAAD đến vậy?

Kể từ năm 1949, Bắc Kinh đã coi sự hiện diện quân sự của Mỹ trên bán đảo Triền Tiên là mối đe dọa nghiêm trọng với an ninh quốc gia. Đó là lý do tại sao gần một triệu lính Trung Quốc từng vượt sông Áp Lục vào năm 1950 để chặn quân Mỹ đang trên đà tấn công Bình Nhưỡng.

Đối với THAAD, Trung Quốc xem đây là bước then chốt để Mỹ xây dựng “phiên bản Châu Á của NATO”, và là động thái quan trọng để Mỹ phát triển hệ thống đánh chặn tên lửa ở khu vực Tây Thái Bình Dương.

Bên cạnh đó, một số chuyên gia cho rằng, việc triển khai THAAD sẽ làm dịch chuyển cán cân chiến lược đang hơi nghiêng về phía Washington, bằng cách giúp họ phát hiện và theo dõi hệ thống tên lửa đạn đạo xuyên lục địa của Trung Quốc tốt hơn. Vì thế, Trung Quốc có lý do để chống lại kế hoạch này.

Tuy nhiên, thay vì đối đầu trực tiếp với Washington, Bắc Kinh đang trút cơn thịnh nộ lên Seoul. Theo nhiều chuyên gia, Bắc Kinh đang chơi trò giết gà (Hàn Quốc) để dọa khỉ (Mỹ). Nhưng liệu gà có đáng bị giết? Hậu quả của việc giết gà là gì? Liệu giết gà có thực sự dọa được khỉ?

Cần tới 25 năm để quan hệ Trung-Hàn phát triển như ngày hôm nay: Kim ngạch thương mại song phương đạt mức 300 tỷ USD và hàng triệu lượt người qua lại giữa hai nước. Việc đảo ngược mối quan hệ này, dù chỉ là tạm thời, cũng sẽ gây thiệt hại khôn lường cho cả hai bên, mặc dù Seoul có lẽ sẽ phải gánh phần hơn.

Ngoài ra, động thái trên nhiều khả năng sẽ đẩy Hàn Quốc về phía Mỹ và Nhật Bản, một viễn cảnh mà cả Bắc Kinh lẫn Hàn Quốc đều không mặn mà. Dẫu sao, quyết định tham dự lễ duyệt binh năm 2015 của bà Park cũng được xem là quyết tâm thắt chặt quan hệ với Bắc Kinh và tách Seoul xa dần Washington, Tokyo.

Đường lối cứng rắn của Bắc Kinh với Seoul không chỉ có lợi cho Washington mà còn gửi một thông điệp “lạnh gáy” tới Đông Nam Á, khu vực đang ngày càng quan ngại về các động thái gây hấn của Trung Quốc trên Biển Đông.

Tuy nhiên, các chuyên gia nhận định, sẽ không dễ để nhiều năm nỗ lực vun đắp “quan hệ thân thiện và hợp tác hữu nghị” với các nước láng giềng của Trung Quốc trở về con số không một cách chóng vánh.

RELATED ARTICLES

Tin mới