Thông qua việc áp đặt những biện pháp hạn chế thương mại nặng nề, Trung Quốc dường như đang thử nghiệm một mô hình trừng phạt mới mà theo lý thuyết là có thể sử dụng với bất kỳ nước nào làm Bắc Kinh phật ý, chứ không chỉ riêng với Hàn Quốc.
Xe tải chở các hệ thống phóng tên lửa bắn chặn của Mỹ và trang thiết
bị để lắp đặt THAAD tại căn cứ không quân Osan, Hàn Quốc. Ảnh: AP
Mỹ đã khởi động việc triển khai hệ thống phòng thủ tên lửa THAAD tại Hàn Quốc, bất chấp sự phản đối của Trung Quốc. Sau khi thất bại trong việc gây sức ép để Seoul từ bỏ kế hoạch triển khai này, Bắc Kinh đã dùng đến các biện pháp trả đũa bằng kinh tế.
Những ngày vừa qua, các cửa hàng miễn thuế tại Seoul vắng vẻ một cách bất ngờ. Thông thường thì phần lớn khách hàng của những cửa hàng này là du khách Trung Quốc. Năm 2016, khách du lịch Trung Quốc chiếm đến gần một nửa (48%) tổng số khách du lịch nước ngoài đến Hàn Quốc. Tuy nhiên, từ đầu tháng 3 đến nay dòng khách du lịch Trung Quốc tới đây đã giảm mạnh.
Đây là kết quả của một lệnh cấm không chính thức của chính phủ Trung Quốc đối với người dân nước này đến Hàn Quốc, để đáp trả việc Seoul không chịu từ bỏ việc triển khai hệ thống Phòng thủ Tên lửa tầm cao Giai đoạn cuối (THAAD).
Trong thực tế, không hề có lệnh cấm chính thức nào được đưa ra, đơn giản chỉ là chính phủ Trung Quốc không khuyến khích người dân đến Hàn Quốc. Và mặc dù là không chính thức, lời “khuyến khích” này đã có hiệu lực ngay lập tức.
Đây là biện pháp trừng phạt nặng tay nhất đến thời điểm này mà Bắc Kinh đưa ra với Seoul xung quanh tranh cãi về THAAD.
Thực ra quyết định về việc triển khai tên lửa bắn chặn của Mỹ trên đất Hàn Quốc đã được đưa ra từ mùa hè năm 2016, được cho là nhằm đối phó với các nỗ lực phát triển tên lửa hạt nhân của Bình Nhưỡng.
Tuy nhiên, bất chấp việc Hàn Quốc nhiều lần nhấn mạnh mục tiêu của việc triển khai THAAD là hành động đề phòng trước nguy cơ bị tấn công hạt nhân từ Triều Tiên, Bắc Kinh chưa khi nào xuống giọng trong việc phản đối kế hoạch này.
Dư luận chính thống cho rằng, lý do chính khiến Trung Quốc phản đối mạnh mẽ là vì hệ thống THAAD được trang bị một loại radar cực mạnh có khả năng hoạt động khắp vùng không phận phía Bắc của Trung Quốc.
Tuy nhiên, theo báo mạng Lenta của Nga, nguyên nhân sâu xa là kế hoạch này tạo ra tiền lệ cho Mỹ triển khai hệ thống phòng thủ tên lửa gần biên giới Trung Quốc.
Cho dù ý đồ ban đầu của Mỹ và Hàn Quốc khi triển khai kế hoạch không phải là nhằm vào các tên lửa của Trung Quốc, thì về lâu dài động thái này có thể trở thành mối đe dọa đối với khả năng đáp trả của Trung Quốc.
Kết quả là Trung Quốc đã dùng đến những biện pháp quyết liệt. Điều trớ trêu là Trung Quốc trở thành nước duy nhất đang áp đặt những biện pháp trừng phạt đối với cả hai miền Triều Tiên. Riêng đối với Hàn Quốc, những biện pháp trừng phạt này có thể gây ra hậu quả rất nặng nề vì thương mại với Trung Quốc chiếm đến gần 25% kim ngạch thương mại của Seoul.
Như đã đề cập, đến thời điểm này chưa có tuyên bố chính thức nào từ chính phủ Trung Quốc về việc hạn chế quan hệ thương mại với Hàn Quốc. Thay vào đó, giới chức Trung Quốc “chỉ” mạnh mẽ đề xuất các quan chức và công ty của nước này hạn chế hoặc ngừng hợp tác với Hàn Quốc trong một số lĩnh vực.
Nếu muốn cấm các công ty Hàn Quốc hoạt động hoặc bán sản phẩm của mình tại Trung Quốc, Bắc Kinh sẽ cần những lời giải thích bằng các lý do cụ thể, chứ khó có thể chỉ viện dẫn lý do chính trị, ví dụ như cáo buộc vi phạm các quy định về an toàn và phòng chống cháy nổ.
Trước đây Trung Quốc cũng đã từng áp dụng các biện pháp tương tự đối với nhiều doanh nghiệp vừa và nhỏ của Hàn Quốc hoạt động tại khu vực quận Wangjing ở Bắc Kinh, còn gọi là khu “Phố Hàn” tại thủ đô của Trung Quốc.
Đòn trừng phạt nặng nhất giáng vào tập đoàn Lotte Group chuyên về thương mại, thực phẩm và dịch vụ của Hàn Quốc. Đây chính là doanh nghiệp đã đồng ý chuyển đổi một sân golf thuộc sở hữu của mình cho Bộ Quốc phòng Hàn Quốc lấy mặt bằng triển khai THAAD.
Tại Trung Quốc, Lotte sở hữu một chuỗi những siêu thị lớn vì các cơ quan chức năng Trung Quốc nhằm vào thời gian qua. Chỉ tính đến đầu tháng 3, 23 siêu thị trong số này đã phải đóng cửa, với lý do chính thức là “vi phạm các quy định về an toàn phòng chống cháy nổ và vệ sinh.”
Cũng theo nhận định của trang mạng Lenta, Bắc Kinh không thể “nương tay” với Seoul, và áp lực đối với Hàn Quốc sẽ ngày một nặng nề hơn.
Thời gian tới sẽ chỉ chứng kiến những biện pháp trừng phạt nghiêm khắc hơn nếu chính phủ mới tại Hàn Quốc không điều chỉnh lại các kế hoạch của mình liên quan đến THAAD.
Tờ báo này khẳng định, các cơ quan chức năng Trung Quốc đang cân nhắc việc cấm một loạt các hàng hóa chủ lực của Hàn Quốc, từ mỹ phẩm đến xe hơi.
Khả năng chịu đựng của Hàn Quốc đến đâu vẫn còn là một câu hỏi bỏ ngỏ, và không loại trừ khả năng Seoul sẽ phải xuống nước trong trường hợp các biện pháp trừng phạt mang tính toàn diện và gây ra những thiệt hại nhãn tiền.
Điều quan trọng nhất trong lúc này là thông qua việc áp đặt những biện pháp hạn chế thương mại nói trên, Trung Quốc dường như đang thử nghiệm một mô hình trừng phạt mới mà theo lý thuyết là có thể sử dụng với bất kỳ nước nào làm Bắc Kinh phật ý, chứ không chỉ riêng với Hàn Quốc.
Bài viết trên trang Lenta kết luận, “Các biện pháp trừng phạt không mang tính chính thức, nhưng chúng thực sự tồn tại, ngay cả khi không hề có tuyên bố chính thức nào được đưa ra. Bên bị trừng phạt không có cớ gì để mà khiếu nại hay phản đối, trong khi Bắc Kinh thì tha hồ tùy nghi hành động. Có lẽ về lâu dài, những biện pháp này sẽ trở thành một công cụ quan trọng trong chính sách ngoại giao của Trung Quốc”.