Ngoại trưởng Mỹ đã sử dụng chính những từ ngữ của người Trung Quốc để nói về quan hệ song phương khiến Washington có thể mất uy trước Bắc Kinh.
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình trong chuyến thăm Mỹ hồi tháng 9/2015.
Nhảy theo nhạc Trung Quốc?
Trong một bài viết mới đây, tờ Foreign Policy đặt câu hỏi về động thái khác lạ của Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson khi tới thăm Trung Quốc. Theo đó, nhà ngoại giao Mỹ đã lặp lại “nguyên văn” những điều mà Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và quan chức Trung Quốc đã từng nói trước đây. Điều đó đồng nghĩa với việc ông Tillerson chấp nhận tất cả định nghĩa của Trung Quốc về quan hệ Mỹ-Trung.
Dẫn chứng cụ thể là trước và sau cuộc gặp với người đồng cấp Trung Quốc Vương Nghị, Ngoại trưởng Mỹ Tillerson đều nhấn mạnh: “Mối quan hệ Mỹ-Trung được định hướng bởi sự hiểu biết về không xung đột, không đối đầu, tôn trọng lẫn nhau và hợp tác cùng có lợi”.
Tờ Foreign Policy bình luận rằng đây là những ngôn từ mà Trung Quốc thường sử dụng vì nghe dễ chịu (thực tế là nghe chúng rất lạ đối với một người nói tiếng Anh bản địa). Họ sử dụng những từ này bởi chúng diễn đạt một định nghĩa cụ thể về “mối quan hệ nước lớn kiểu mới” do Trung Quốc khởi xướng về sự thỏa hiệp, không can dự và phạm vi ảnh hưởng.
Chấp nhận những từ ngữ này đồng nghĩa với việc ông Tillerson sẽ chấp nhận những yêu cầu của Trung Quốc và đồng thuận với định nghĩa của Trung Quốc về mối quan hệ song phương mà không hề đem lại lợi ích cho Mỹ.
Phát biểu của ông Tillerson bị hiểu là “hoàn toàn ủng hộ quan hệ kiểu mới giữa các nước lớn” sẽ khiến Mỹ khó xử. Câu hỏi đặt ra là tại sao Mỹ lại có những thỏa hiệp sau khi tân Tổng thống Donald Trump đã có rất nhiều lời lẽ “gây gổ” với Trung Quốc.
Những phát biểu của ông Tillerson được đưa ra sau khi Trump đe dọa sẽ xem xét lại chính sách “Một Trung Quốc” mà sau đó chính ông lại tái khẳng định về chính sách này và ông làm vậy theo yêu cầu của Tập Cận Bình, một điều thể hiện sự thỏa hiệp.
Foreign Policy cho rằng Trung Quốc coi trọng sức mạnh, nhưng cần phải có một chiến lược và chỉ sử dụng những ngôn từ gay gắt khi có những hành động phù hợp tiếp sau đó. Còn những lời lẽ gay gắt mà sáo rỗng, không hề có hành động răn đe ngay sau đó thì không phải là sức mạnh. Đó là sự yếu đuối.
Những động thái của Mỹ khiến Bắc Kinh cho rằng họ có thể phớt lờ những lời nói từ Chính quyền Trump. Nhiều khả năng Trung Quốc sẽ thử phản ứng của Chính quyền Mỹ thông qua những hoạt động cương quyết ở Biển Đông.
Việc ngăn chặn Trung Quốc đòi hỏi Mỹ đưa ra tín hiệu rõ ràng và nhất quán về những gì có thể chấp nhận và không thể chấp nhận được, song những tuyên bố mâu thuẫn của Chính quyền Trump khiến cho việc ngăn chặn những hành vi của Trung Quốc càng trở nên khó khăn. Chấp nhận một định nghĩa về quan hệ Mỹ-Trung có thể được Trung Quốc hiểu như là sự cho phép các hành động hung hăng hơn.
Đừng là hổ giấy!
Theo Foreign Policy, các đồng minh của Mỹ đang theo dõi rất sát sao những lời nói của các quan chức Mỹ với Trung Quốc. Sự khác biệt giữa ngăn chặn và bảo đảm cũng cần có những tín hiệu rõ ràng và nhất quán.
Khi ông Tillerson nói những điều bảo đảm của Mỹ về quan hệ đồng minh với Tokyo và Seoul thì hai nước này cũng có thể sẽ nghi ngờ về những cam kết của Mỹ khi xem xét những điều ông Tillerson nói ở Bắc Kinh.
Trong hoàn cảnh này, Foreign Policy cho rằng Đài Loan là bên nhiều khả năng đang cảm thấy nôn nóng, tin rằng việc chấp nhận mối quan hệ Mỹ-Trung theo định nghĩa của Trung Quốc sẽ làm giảm đi sự ủng hộ của Washington đối với Đài Bắc.
Tất cả những điều này khiến việc giàn xếp quan hệ với Trung Quốc càng khó khăn hơn. Mỹ cần phải cứng rắn với Trung Quốc, trên một số lĩnh vực thậm chí còn phải cứng rắn hơn Chính quyền Obama tiền nhiệm. Nhưng Mỹ cũng cần khôn khéo về việc sẽ làm điều đó thế nào, bao gồm cả việc bảo đảm cho các đồng minh của Mỹ rằng những cam kết của Mỹ là thực sự.
Nếu Bắc Kinh coi Chính quyền Trump như là “con hổ giấy” thì sẽ rất khó để thuyết phục Trung Quốc kiềm chế các hoạt động gây hại cho Mỹ về thương mại, công nghệ, Biển Đông, chứ đừng nói đến chấp nhận những chính sách có lợi cho Mỹ như phải cứng rắn hơn với Triều Tiên.
Tác giả của bài viết trên Foreign Policy là bà Laura Rosenberger, cố vấn về chính sách đối ngoại của ứng cử viên Hillary Clinton trong chiến dịch tranh cử năm 2016.
Bà Rosenberger cho rằng tạo thế cân bằng với Trung Quốc không phải là điều dễ dàng vì bà từng có kinh nghiệm ngồi đàm phán về lời lẽ trong các tuyên bố với quan chức Trung Quốc trong nhiều giờ mệt mỏi trước các cuộc gặp cao cấp.
Bắc Kinh gây sức ép đòi Chính quyền Obama sử dụng chính những từ mà ông Tillerson đã nói. Mỹ nhận thức rõ rằng mỗi từ được chọn mang một ý nghĩa rất cụ thể trong đầu người Trung Quốc, vì vậy, Mỹ lựa chọn từ ngữ rất kỹ càng.
Nhận thức này một phần dựa trên những điều học được từ những sai lầm trước đó. Trước cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ-Trung năm 2009, Trung Quốc cũng đòi đưa “tôn trọng và nhân nhượng những lợi ích cốt lõi của mỗi bên” vào Tuyên bố chung.
Đây là một bước đi sai lầm của Mỹ, thể hiện sự thỏa hiệp đối với Trung Quốc, làm dấy lên mối lo ngại đối với các nước đồng minh của Mỹ. Phải mất nhiều năm và rất nhiều nỗ lực để chỉnh sửa lại nhận thức này.