Sunday, December 22, 2024
Trang chủBiển nóngPhilippines - TQ đối thoại song phương

Philippines – TQ đối thoại song phương

Sau các hợp đồng hàng chục tỉ đô của Trung Quốc đổ vào Philippines, Manila cuối cùng đã tuyên bố sẽ đối thoại song phương với Bắc Kinh về tranh chấp Biển Đông vào tháng 5-2017.

Đáng chú ý, động thái này diễn ra đúng thời điểm Philippines đang giữ chức chủ tịch luân phiên ASEAN năm 2017.

Cả hai cùng có lợi

Ngày 28-3, Bộ Ngoại giao Trung Quốc xác nhận Bắc Kinh và Manila sẽ tổ chức đối thoại song phương vào tháng 5. Đây là lần đối thoại đầu tiên của hai nước về tranh chấp trên Biển Đông, bao gồm cả khu vực bãi cạn Scarborough mà Trung Quốc kiểm soát từ năm 2012.

Trao đổi với Tuổi Trẻ, TS Lê Hồng Hiệp thuộc Viện Nghiên cứu Đông Nam Á (Viện ISEAS – Yusof Ishak, Singapore) nhận định chính quyền Tổng thống Rodrigo Duterte đang áp dụng chiến lược đối với Trung Quốc là “giữ chủ quyền nhưng không gây căng thẳng, không “xúc phạm” Trung Quốc trong khi cố gắng tranh thủ các lợi ích kinh tế từ Trung Quốc tối đa, miễn là các lợi ích này không làm phương hại nghiêm trọng tới lợi ích chủ quyền của quốc gia”.

Nhìn lại những động thái gần đây, có thể thấy Philippines đang tỏ ra hết sức dịu giọng đối với Trung Quốc trong nhiều vấn đề. Đã không ít lần Tổng thống Duterte tuyên bố sẽ không đấu tranh chủ quyền với Trung Quốc vào thời điểm này, song nhấn mạnh sẽ nhắc lại phán quyết hồi tháng 7-2016 của Tòa trọng tài thường trực về Biển Đông.

Ông Duterte nói sẽ đưa phán quyết này trở lại bàn làm việc với Trung Quốc vào lúc thích hợp. Câu hỏi đặt ra là khi nào mới là lúc thích hợp? Rất khó để đoán định được thời điểm chính xác.

Không thể phủ nhận hợp tác giữa Philippines và Trung Quốc đều có lợi cho cả hai. Philippines cần tiền cho các dự án phát triển cơ sở hạ tầng, Trung Quốc cần tạo việc làm và mở rộng thị trường cho các doanh nghiệp của mình. Song đó không phải là mục tiêu duy nhất của Trung Quốc.

Manila có thể tranh thủ được các lợi ích ngắn hạn khi hòa dịu với Bắc Kinh và xem nhẹ đấu tranh chủ quyền, nhưng “mục tiêu này không hẳn dễ dàng đạt được bởi Trung Quốc sẽ không trao cho Philippines “phần thưởng” khi họ không chắc chắn đạt được các lợi ích khác rõ ràng, nhất là khi quan điểm của Philippines đối với vấn đề Biển Đông có thể lại thay đổi trong tương lai, sau khi ông Duterte hết nhiệm kỳ.

ASEAN ít nhiều
bị ảnh hưởng

Là quốc gia chủ tịch ASEAN năm 2017, lại có tranh chấp với Trung Quốc trên Biển Đông, việc Manila tỏ ra hòa hoãn với Bắc Kinh trong vấn đề Biển Đông chắc chắn có ảnh hưởng ít nhiều đến các tuyên bố chung của ASEAN về Biển Đông trong năm nay.

Tuy nhiên, ASEAN không phải chỉ có duy nhất Philippines. Do đó khả năng các quốc gia khác sẽ gây áp lực để ít nhất các đoạn tuyên bố (có thể là không mới) về Biển Đông tiếp tục được duy trì trong tuyên bố chung của 
ASEAN năm nay.

Tính từ đầu năm 2017 đến nay, có thể thấy quá trình tham vấn và đàm phán Bộ quy tắc ứng xử trên Biển Đông (COC) giữa Trung Quốc và ASEAN đang diễn ra thuận lợi. Kết thúc tháng 2 vừa rồi, dự thảo khung đầu tiên của COC đã hoàn thành, đem lại một tín hiệu tích cực sau nhiều năm liên tục bị Bắc Kinh tìm cách trì hoãn.

Theo TS Hiệp, sau khi hoàn thiện các đảo nhân tạo bất hợp pháp tại Trường Sa, Trung Quốc đã đạt được một mục tiêu chiến lược lớn, nên có xu hướng dịu lại nhằm giảm căng thẳng và đánh lạc hướng sự chỉ trích lẫn chú ý của cộng đồng quốc tế đối với các hành động của mình. Thúc đẩy đàm phán COC là một biện pháp nhằm giúp Trung Quốc đạt 
được mục tiêu đó.

“Cần nhìn vào kết quả cuối cùng của COC một cách tổng thể để đánh giá thái độ và chính sách của Trung Quốc đối với Biển Đông và ASEAN, chứ không nên chỉ nhìn vào tiến độ đàm phán” – TS Hiệp nói.

Hai cuộc gặp, hai thái độ khác nhau

Trong ngày 27-3, Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte đã có hai cuộc gặp liên tục với đại sứ Trung Quốc tại Philippines Zhao Jinhua và đại sứ Mỹ tại Philippines Sung Kim. Ông Duterte đã có thái độ hoàn toàn khác nhau trong hai cuộc gặp này.

Đối với đại diện ngoại giao của Trung Quốc, nhà lãnh đạo Philippines tỏ ra thân tình và nhận một bức tranh vẽ gia đình mình do ông Zhao tặng. Nhưng ngược lại, đối với đại diện ngoại giao của Mỹ – quốc gia đồng minh hiệp ước của Philippines, ông Duterte lại cho thấy một thái độ hoàn toàn khác.

Nhà lãnh đạo Philippines đã chất vấn đại sứ Mỹ rằng tại sao ngay từ đầu không đưa Hạm đội 7 đến Biển Đông khi Trung Quốc bắt đầu xây dựng đảo nhân tạo trái phép. Ông Duterte còn tỏ ra ngạc nhiên Washington đã không làm gì khi hình ảnh về các đảo nhân tạo bất hợp pháp do Trung Quốc xây xuất hiện.

Thực tế hải quân Mỹ đã được điều tới Biển Đông, nhưng chỉ dừng lại ở việc tuần tra bảo đảm tự do hàng hải trước các hành động bất chấp luật pháp quốc tế của Trung Quốc.

RELATED ARTICLES

Tin mới