Nga có khả năng phát động một cuộc tấn công chớp nhoáng vào các quốc gia Baltic trong vòng 24 giờ đồng hồ, khiến NATO ít có lựa chọn để phản ứng trừ việc triển khai sẵn một lực lượng trong khu vực. Đây là phát biểu vừa được cơ quan tình báo của Lithuania đưa ra ngày 3/4.
Ảnh minh họa
Lithuania, Latvia và Estonia từng là một phần của Liên Xô trong những năm 1940, nhưng hiện giờ là một phần của cả NATO và Liên minh Châu Âu (EU). Các nước Baltic này đang ngày càng lo ngại về cái gọi là “mối đe dọa từ Nga” sau khi Moscow tiến hành sáp nhập bán đảo Crimea năm 2014.
Trong một bản đánh giá hàng năm về các mối đe dọa, cơ quan tình báo Lithuania cho rằng, Nga hồi năm ngoái đã tăng cường sức mạnh quân sự ở khu vực Kaliningrad, giúp nước này giảm thời gian thực hiện một cuộc tấn công, đồng thời ngăn chặn đội quân tiếp viện của NATO.
Chương trình nâng cấp của Nga bao gồm những chiếc chiến đấu cơ Su-30 và các hệ thống tên lửa, cho phép họ có thể tấn công hạ gục các chiến hạm gần như ở bất kỳ đâu trên vùng Biển Baltic.
“Đây là tín hiệu để NATO tăng cường tốc độ ra quyết định của liên minh”, Bộ trưởng Quốc phòng Lithuania Raimundas Karoblis đã nói như vậy với các phóng viên bên lề buổi lễ công bố bản báo cáo. “Tốc độ phản ứng của NATO không nhanh như chúng tôi mong muốn”, ông Karoblis nói thêm.
Phát ngôn viên điện Kremlin Dmitry Peskov đã nhanh chóng lên tiếng bác bỏ mối quan ngại trên, miêu tả bản báo cáo thực chất là sự phơi bày lập trường chống Nga. “Đang có một sự bài Nga rõ ràng và thực tế kích động này đang tiếp diễn”, ông Peskov cho biết trong một cuộc họp báo với các phóng viên.
“Moscow luôn luôn ủng hộ việc phát triển mối quan hệ tốt đẹp với các quốc gia Baltic”, phát ngôn viên của Tổng thống Nga nhấn mạnh.
Những phát biểu đầy lo ngại của giới chức Lithuania về mối đe dọa từ nước láng giềng Nga được tung ra trong bối cảnh NATO đang cấp tập triển khai hàng ngàn binh sĩ và vũ khí xung quanh các đường biên giới với Nga.
Hôm 25/3/2017, ít nhất 1.350 binh sĩ Mỹ, Anh và Rumani đã được phái đến Ba Lan từ một căn cứ ở Đức. Giới tướng lĩnh Mỹ cho biết, đội quân này đã sẵn sàng “ngăn chặn các hành động xâm lược, gây hấn của Nga”. Cùng ngày, các phương tiện bọc thép hạng nặng gồm xe tăng Leclerc, phương tiện chiến đấu bộ binh VBCI và hàng chục phương tiện bọc thép VAB của Lực lượng Vũ trang Pháp đã được chuyển đến Estonia. Anh cũng sẽ đưa các xe tăng Challenger 2, Titan và Trojan cũng như các hệ thống pháo tự hành AS90, phương tiện chiến đấu bộ binh Warrior và một loạt máy bay trinh sát không người lái đến Estonia. Hoạt động điều quân của NATO đến Estonia sẽ được hoàn tất vào đầu tháng Tư.
Trong hội nghị thượng đỉnh NATO ở Warsaw hồi tháng Bảy năm ngoái, các nước thành viên của liên minh quân sự Bắc Đại Tây Dương đã nhất trí về kế hoạch “triển khai lực lượng quân sự lớn nhất kể từ sau Chiến tranh Lạnh” đến khu vực Đông Âu. Cụ thể, sẽ có 4 tiểu đoàn đa quốc gia được đưa đến các nước Estonia, Latvia, Lithuania và Ba Lan.
Hồi tháng Một, 2.800 vũ khí hạng nặng của Mỹ bao gồm xe tăng Abrams, khẩu pháo Paladin, phương tiện chiến đấu Bradley và 4.000 binh sĩ Mỹ được đưa đến Đông Âu.
“Lực lượng được triển khai là tạm đủ trong thời gian ngắn hạn nhưng trong thời gian trung hạn, chúng tôi muốn năng lực đó được tăng lên, không chỉ trên mặt đất mà cả năng lực phòng không và năng lực chống bất kỳ cuộc bao vây, phong tỏa nào”, Bộ trưởng Quốc phòng Lithuania Karoblis nhấn mạnh.
Các nước Baltic và Ba Lan bị ám ảnh về cái gọi là mối đe dọa từ Nga. Họ liên tiếp kêu gọi NATO tăng cường sự hiện diện quân sự trong khu vực để giúp họ bảo vệ đất nước trước viễn cảnh “một cuộc xâm lược” từ Nga.
Bản thân các nước phương Tây được cho là cũng đang thổi phồng mối đe dọa mang tên Nga để lấy cơ tăng cường sự hiện diện quân sự ở Đông Âu – khu vực vốn được coi là sân sau của Moscow.
Về phần mình, Nga bác bỏ mọi cáo buộc của phương Tây và các nước láng giềng. Nga không ít lần tuyên bố không hề có tham vọng “ngắm nghía” lãnh thổ của các nước xung quanh. Moscow cũng không tránh khỏi cảm giác tức giận, bất an khi bị NATO “dàn trận” xung quanh. Moscow tin rằng, phương Tây đang tìm cách bao vây, khống chế Nga.