Wednesday, November 27, 2024
Trang chủGóc nhìn mớiChủ tịch Quốc hội Việt Nam: 'Hòa bình và an ninh đang...

Chủ tịch Quốc hội Việt Nam: ‘Hòa bình và an ninh đang bị đe dọa’

BienDong.Net: Tình hình Biển Đông đang diễn biến phức tạp khó lường, hòa bình và an ninh đang bị đe dọa.

Chủ tịch Quốc hội Việt Nam Nguyễn Sinh Hùng đã phát biểu như vậy tại phiên khai mạc kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa XIII hôm 20/5.

Báo điện tử quốc nội VnExpress dẫn lời Chủ tịch Nguyễn Sinh Hùng cho biết Quốc hội sẽ nghe và thảo luận báo cáo của Chính phủ về tình hình Biển Đông. Các đại biểu sẽ cho ý kiến về vấn đề này với tinh thần bằng mọi biện pháp kiên quyết đấu tranh bảo vệ chủ quyền quốc gia, đồng thời gìn giữ môi trường hòa bình, ổn định để phát triển đất nước, kiên trì bảo vệ, giữ vững quan hệ hữu nghị truyền thống giữa nhân dân hai nước Việt Nam – Trung Quốc.

Cảnh sát biển Việt Nam sẵn sàng hoàn thành nhiệm vụ

Ông Nguyễn Sinh Hùng nhận định, tình hình Biển Đông diễn ra rất phức tạp và khó lường. “Việc Trung Quốc đặt giàn khoan trong thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, cùng với sự hộ tống, trong đó có cả tàu chiến và máy bay quân sự bảo vệ là sự vi phạm đặc biệt nghiêm trọng chủ quyền lãnh thổ của Việt Nam, Công ước Liên hiệp quốc về luật biển 1982, Tuyên bố về ứng xử của các bên trên Biển Đông; bất chấp cả những thỏa thuận cấp cao giữa hai Đảng và hai Nhà nước Việt Nam – Trung Quốc”.

“Hòa bình và an ninh đang bị đe dọa. Đồng bào ta thực sự lo lắng và kiên quyết phản đối; cộng đồng quốc tế đặc biệt quan tâm, chia sẻ tình đoàn kết với Việt Nam”, ông Hùng nói.

Vấn đề Biển Đông cũng được nhắc đến trong báo cáo đánh giá kết quả kinh tế xã hội năm 2013 của Phó thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc. Theo Phó thủ tướng, trước việc Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương 981 trong thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, Việt Nam đã cực lực phản đối, kiên quyết đấu tranh bảo vệ chủ quyền quốc gia, lợi ích chính đáng, phù hợp với luật pháp quốc tế và truyền thống yêu chuộng hòa bình của dân tộc Việt Nam.

Tuy nhiên, một số người đã lợi dụng biểu tình phản đối Trung Quốc để có hành vi phá hoại tài sản của Nhà nước, cá nhân, doanh nghiệp và chống người thi hành công vụ, ảnh hưởng đến an ninh, trật tự an toàn xã hội và môi trường đầu tư kinh doanh.

Chính phủ đã chỉ đạo thực hiện đồng bộ các giải pháp kiên quyết ngăn chặn, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm; đồng thời thực hiện các biện pháp hỗ trợ, giúp đỡ phù hợp. “Tình hình an ninh, trật tự an toàn xã hội đã được bảo đảm; hầu hết các doanh nghiệp đã trở lại hoạt động bình thường”, Phó thủ tướng nói.

Phát biểu với báo chí bên lề kì họp quốc hội, Phó Thủ tướng Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh cho biết: Những ngày gần đây Việt Nam và Trung Quốc đã có những cuộc trao đổi thẳng thắn. Quan điểm của Việt Nam là Trung Quốc phải rút toàn bộ giàn khoan và các tàu ra khỏi vị trí đó vì đã vi phạm quyền chủ quyền Việt Nam. Việt Nam cương quyết đấu tranh buộc Trung Quốc phải rút.

Việt Nam và Philippine hướng tới quan hệ Đối tác chiến lược

Trên phương diện đối ngoại, nhận lời mời của Tổng thống nước Cộng hòa Philippines Benigno S. Aquino III, ngày 21/5, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã thăm và làm việc tại Philippines nhân dịp tham dự Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) về Đông Á 2014 tổ chức tại Manila, Philippines (từ ngày 21 – 23/5).

 

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và Tổng thống Philippines Aquino. Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Cổng thông tin điện tử Chinhphu đưa tin: Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và Tổng thống Aquino đã thống nhất lập Ủy ban công tác chung do hai Bộ Ngoại giao đứng đầu để xây dựng lộ trình tiến tới quan hệ Đối tác chiến lược để sớm trình lãnh đạo cấp cao hai nước quyết định. Hai nhà lãnh đạo cũng tái khẳng định hợp tác biển – đại dương là một trụ cột trong quan hệ hai nước; nhất trí tiếp tục thường xuyên trao đổi, phối hợp lập trường, hợp tác có hiệu quả tại các cơ chế song phương như Ủy ban Hỗn hợp về hợp tác biển và đại dương, nhóm chuyên gia pháp lý về các vấn đề hợp tác trên biển; thúc đẩy hợp tác nghề cá, hợp tác trong nghiên cứu khoa học biển, khí tượng thủy văn và bảo vệ môi trường biển.

Về tình hình Biển Đông, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và Tổng thống Aquino cùng chia sẻ quan ngại sâu sắc về tình hình đặc biệt nguy hiểm hiện nay ở Biển Đông trước việc Trung Quốc tiến hành nhiều hành động vi phạm luật pháp quốc tế, Công ước của Liên Hiệp Quốc về Luật Biển năm 1982, xâm phạm nghiêm trọng vùng biển của các quốc gia ven biển, nhất là vụ hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương 981 và đưa nhiều tàu hộ tống bảo vệ xâm phạm sâu vào trong vùng thềm lục địa và đặc quyền kinh tế của Việt Nam, đe dọa nghiêm trọng hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn và tự do hàng hải tại Biển Đông.

Hai bên kiên quyết phản đối và kêu gọi các nước, cộng đồng quốc tế tiếp tục lên tiếng mạnh mẽ yêu cầu Trung Quốc chấm dứt ngay các hành động xâm phạm nêu trên, triệt để tuân thủ luật pháp quốc tế, Công ước của Liên Hiệp Quốc về Luật Biển năm 1982, Tuyên bố về cách ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) và phấn đấu sớm đạt được Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC).

Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh điện đàm với Ngoại trưởng Hoa Kỳ John Kerry về tình hình Biển Đông

 

Bộ trưởng Phạm Bình Minh trong cuộc gặp Bộ trưởng John Kerry ở hội nghị Asean tháng Bảy 2013

Cũng theo cổng thông tin điện tử Chinhphu, sáng 21/5, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh đã có cuộc điện đàm với Ngoại trưởng Hoa Kỳ John Kerry về tình hình quan hệ song phương và những diễn biến gần đây trên Biển Đông.

Bộ trưởng Phạm Bình Minh đã thông báo những diễn biến mới nhất liên quan đến việc Trung Quốc đơn phương hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương 981 trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam khiến tình hình rất căng thẳng. Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh khẳng định Việt Nam đã hết sức kiềm chế, kiên trì thông qua đối thoại, tránh xung đột, đồng thời kiên quyết yêu cầu Trung Quốc rút giàn khoan và các tàu hộ tống khỏi khu vực vì đây là hành động vi phạm chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán của Việt Nam, đe dọa ổn định, an toàn trên biển, vi phạm Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển 1982.

Ngoại trưởng John Kerry cảm ơn Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh về những thông tin cập nhật; nhắc lại lời mời Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh thăm chính thức Hoa Kỳ. Về vấn đề Biển Đông, Ngoại trưởng Kerry đánh giá cao sự kiềm chế và thiện chí của Việt Nam thể hiện trong việc kiên trì sử dụng các biện pháp hòa bình và đối thoại, không để căng thẳng leo thang, ảnh hưởng đến hòa bình và ổn định trong khu vực; bày tỏ quan ngại sâu sắc về diễn biến gần đây tại Biển Đông; coi việc Trung Quốc đơn phương hạ đặt giàn khoan tại khu vực tranh chấp ở Biển Đông là hành động khiêu khích, làm tăng thêm căng thẳng trong khu vực. Ngoại trưởng Kerry cũng tái khẳng định lập trường của Hoa Kỳ về việc giải quyết các tranh chấp trên Biển Đông một cách hòa bình, trên cơ sở luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển năm 1982.

Trao đổi về Biển Đông tại Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng các nước ASEAN

– Ngày 20/5, trước sự quan tâm sâu sắc của hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng các nước ASEAN lần thứ tám (ADMM – 8) về tình hình Biển Đông, Bộ trưởng Quốc phòng Việt Nam Phùng Quang Thanh đã trao đổi thông tin về vụ việc đang có nguy cơ đe dọa nghiêm trọng tới hòa bình, ổn định cũng như an ninh, an toàn, tự do hàng hải và hàng không ở khu vực. 

Bộ trưởng Phùng Quang Thanh cho biết việc Trung Quốc đã hạ đặt giàn khoan Hải Dương – 981 (Haiyang Shiyou – 981) trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam khiến các nước ASEAN quan ngại và gây bức xúc trong quần chúng, nhân dân Việt Nam.

Theo Bộ trưởng, trước sự việc này, chủ trương của Việt Nam là đấu tranh bảo vệ chủ quyền bằng biện pháp hòa bình, tôn trọng luật pháp quốc tế, trong đó có UNCLOS và DOC, để duy trì hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn hàng hải ở Biển Đông.

Việt Nam quyết tâm giữ vững ổn định chính trị trong nước, duy trì quan hệ đoàn kết hữu nghị và hợp tác toàn diện với nước bạn Trung Quốc.

Việt Nam đã tích cực liên hệ, đối thoại với Trung Quốc ở nhiều cấp, kể cả kênh ngoại giao nhân dân, với mong muốn hai bên kiềm chế, giải quyết vấn đề bằng biện pháp hòa bình.

Bộ trưởng Phùng Quang Thanh nhấn mạnh: Việt Nam đã và sẽ hết sức kiềm chế để không xảy ra xung đột quân sự trên biển.

Chúng tôi không sử dụng máy bay, tàu tên lửa, tàu pháo, lực lượng đặc công người nhái tấn công, phá hủy giàn khoan của Trung Quốc.

Việt Nam chỉ sử dụng các tàu cảnh sát biển, tàu kiểm ngư và tàu cá của ngư dân để bảo vệ chủ quyền. Tàu Việt Nam không chủ động đâm va cũng như sử dụng vòi rồng phun vào các tàu của Trung Quốc, mà chỉ sử dụng các biện pháp tuyên truyền, vận động.

Về việc một số phần tử quá khích đã lợi dụng lòng yêu nước của người dân Việt Nam để kích động gây ra một số vụ việc đáng tiếc như đập phá cơ sở sản xuất của một số doanh nghiệp nước ngoài gây thiệt hại về người và của, Đại tướng Phùng Quang Thanh khẳng định Việt Nam sẽ kiên quyết xử lý nghiêm minh những hành vi vi phạm theo pháp luật Việt Nam, không để ảnh hưởng đến môi trường đầu tư, quan hệ hữu nghị giữa nhân dân Việt Nam và nhân dân Trung Quốc cũng như nhân dân các nước.

Tiếp tục thông báo tình hình căng thẳng tại Biển Đông tới các tổ chức LHQ

– Ngày 20/5, Phái đoàn thường trực Việt Nam bên cạnh Liên hợp quốc (LHQ), Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) và các tổ chức quốc tế khác tại Geneva, Thụy Sĩ, đã ra thông cáo về những diễn biến gần đây ở Biển Đông và gửi đến Văn phòng LHQ tại Geneva, các tổ chức quốc tế cùng các cơ quan báo chí có trụ sở tại Geneva.

Sau khi liệt kê cụ thể những động thái của Trung Quốc kể từ ngày 2/5, thời điểm Bắc Kinh đơn phương hạ đặt trái phép giàn khoan dầu khí Hải Dương – 981 trên vùng thềm lục địa và đặc quyền kinh tế của Việt Nam, thông cáo nêu rõ hành vi của Trung Quốc đã vi phạm nghiêm trọng chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán của Việt Nam theo Công ước của LHQ về Luật biển (UNCLOS) năm 1982, vi phạm Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) năm 2002, cũng như thỏa thuận cấp cao hai nước.

Tổng Thư kí LHQ: Các bên phải kiềm chế và giải quyết tranh chấp theo cách hòa bình

– Tại cuộc họp báo ngày 19/5, ông Stephane Dujarric, người phát ngôn Liên hiệp quốc, cho biết vấn đề căng thẳng trên Biển Đông giữa Việt Nam và Trung Quốc đã được Tổng Thư ký Ban Ki – moon thảo luận với giới lãnh đạo cấp cao Trung Quốc nhân chuyến thăm nước này.

Trong các cuộc thảo luận với các quan chức cấp cao Trung Quốc về vấn đề Biển Đông, Tổng thư ký Ban Ki – moon đã một lần nữa bày tỏ quan điểm rằng tất cả các bên phải kiềm chế hết sức và giải quyết tranh chấp theo cách hòa bình, thông qua đối thoại và tuân thủ Hiến chương Liên hiệp quốc.

Tổng thư ký LHQ Ban Ki – moon thăm chính thức Trung Quốc từ ngày 18 – 22/5 theo lời mời của Chính phủ Trung Quốc, đồng thời tham dự Hội nghị Củng cố lòng tin ở Châu Á (CICA) diễn ra tại Thượng Hải từ ngày 21 – 22/5 với sự có mặt của một số nguyên thủ như Tổng thống Nga Vladimir Putin và Tổng thống Iran Hassan Rouhan. Ông cũng đã có các cuộc gặp với giới lãnh đạo cấp cao Trung Quốc trong đó có Chủ tịch Tập Cận Bình và Thủ tướng Lý Quốc Cường.

BDN

RELATED ARTICLES

Tin mới